Để ngăn chặn các loại dịch bệnh có thể phát sinh, bảo vệ phát triển chăn nuôi gia cầm và an toàn vệ sinh thực phẩm đặc biệt trong dịp Tết, các địa phương tăng cường thực hiện kiểm soát vận chuyển gia cầm và sản phẩm từ gia cầm.
Hưng Yên: Tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm từ gia cầm
Để ngăn chặn các loại dịch bệnh có thể phát sinh, bảo vệ phát triển chăn nuôi gia cầm và an toàn vệ sinh thực phẩm, UBND tỉnh vừa có công văn yêu cầu các sở, ngành; Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển gia cầm và sản phẩm từ gia cầm, như sau:
Thực hiện Công văn số 9597/BNN-TY ngày 23.12.2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm từ gia cầm qua biên giới và các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, kiểm tra việc tổng vệ sinh tiêu trùng, khử độc toàn bộ các chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, mua bán lợn trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ, vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật không đúng quy định.
Hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, khử trùng phòng trừ dịch bệnh; đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh.
Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp về phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm.
Ban chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các cấp (Ban chỉ đạo 389) tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố huy động các lực lượng chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ và vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật.
Yêu cầu các cơ sở, hộ kinh doanh, buôn bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn các xã, phường, thị trấn cam kết không tham gia, tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu trái phép vào địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Hà Nội: Toàn thành phố đã hình thành 35 chuỗi rau an toàn
Ngày 3-1-2020, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tổng kết thực hiện nhiệm vụ 2019, triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2020.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, năm 2019, Chi cục đã phối hợp với các địa phương làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất, diện tích gieo trồng vụ xuân 2019 là hơn 11.000 ha; gieo trồng vụ mùa 2019 hơn 101.000 ha; gieo trồng vụ đông 2019 đạt hơn 25.000 ha.
Đặc biệt, thực hiện đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố Hà Nội, đến nay diện tích sản xuất rau an toàn đạt 5.044 ha, năng suất rau tăng 18%, sản lượng đạt gần 400.000 tấn/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng; giá trị sản xuất đạt từ 300-500 triệu đồng/ha/năm.
Đến nay, toàn thành phố đã hình thành 35 chuỗi rau an toàn áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia giám sát của cộng đồng; 228 doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm rau an toàn với các hợp tác xã, sản lượng đạt 42 tấn/ngày; giá rau bán qua chuỗi ổn định và cao hơn so với ngoài thị trường từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg.
Các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng cung cấp cho đối tác, hạn chế rủi ro khi thị trường biến động về giá cả, kiểm soát được chất lượng. Hà Nội cũng xây dựng 8 cơ sở sơ chế rau an toàn gắn với vùng sản xuất tập trung với công suất từ 3-7 tấn/ngày; 42 cơ sở sơ chế nhỏ của các hợp tác xã, doanh nghiệp, công suất trung bình 200 kg đến 1 tấn/ngày...
Thanh Hóa: Thị trường hải sản tăng giá mạnh trong dịp Tết Nguyên đán
Do nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết Nguyên Đán nên những ngày này, thị trường hải sản ở Thanh Hóa đã bắt đầu tăng mạnh so với những ngày trước đó.
Bắt đầu từ tháng 12 âm lịch, các mặt hàng hải sản tại nhiều khu chợ trên địa bàn tỉnh như: Chợ Còng (Tĩnh Gia), chợ Cột Đỏ (Sầm Sơn), chợ Điện Biên, chợ Đầu mối Rau quả thực phẩm Đông Hương (TP Thanh Hóa)... đã bắt đầu “đắt khách”. Thị trường hải sản những ngày này đang trở nên sôi động hơn khi nhiều người tiêu dùng đã bắt đầu mua sắm, trữ hàng để phục vụ dịp Tết sắp tới.
Chị Lê Thị Hoa, tiểu thương chuyên hải sản tươi ở chợ Cột Đỏ, cho biết: “Cũng như mọi năm, càng về gần Tết nhu cầu tiêu thụ hải sản càng tăng cao. Khách hàng không chỉ mua về để sử dụng chế biến trong bữa ăn ngày Tết mà còn gửi đi các tỉnh xa làm quà biếu. Bên cạnh đó, lượng khách từ Hà Nội đặt mua cũng nhiều nên chúng tôi phải đặt các tàu đi biển từ trước để gom dần hàng mới có đủ số lượng phục vụ cho các đơn hàng Tết. Hiện nay, mỗi ngày tôi bán được khoảng 50 kg cá thu, 20 kg mực... nhưng gần Tết phải bán được gấp đôi, thậm chí gấp ba số lượng này ”.
Theo khảo sát, năm nay giá các mặt hàng hải sản tăng mạnh so với cùng thời điểm của những năm trước. Hải sản tươi tăng từ 40 - 60 nghìn đồng/kg, hải sản khô tăng từ 50 - 70 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân được cho là do giá thịt lợn tăng đột biến kéo các mặt hàng này cũng “nhảy vọt” theo. Tuy nhiên không vì thế mà lượng người mua giảm mà ngược lại càng tăng cao mỗi ngày.
Khoảng 1 tuần trở lại đây, lượng tiêu thụ nhiều, hải sản không còn giữ mức giá ổn định mà tiếp tục có chiều hướng leo thang. Cụ thể: Cá thu loại 1 ( từ 4 kg trở lên) trước đây có giá 200.000/kg thì nay tăng lên 250.000 – 270.000/kg; Mực loại to tăng từ 310.000 lên đến 370.000 đồng/kg; ốc hương loại 45 con/kg tăng từ 650.000 lên 800.000 đồng/kg; tôm loại nhỏ từ 180.000 tăng lên 230.000 đồng/kg... Dự kiến những ngày cận Tết, giá hải sản sẽ còn tăng lên gấp rưỡi so với giá thời điểm này.
Chị Hà Thị Hoa, một người dân sống tại TP Sầm Sơn cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ cách Tết khoảng 1 tháng, chị đều mua nhiều hải sản về sơ chế sẵn rồi cấp đông để gửi đi các tỉnh Điện Biên, Lào Cai làm quà biếu cho người thân, bạn bè. Hàng tươi ngon lại bảo quản cẩn thận nên mọi người rất thích và cũng thường gửi mua nhiều.
Ngoài các loại hải sản tươi sống như: Cá thu, mực, tôm được rất nhiều người ưa chuộng thì những mặt hàng hải sản khô cũng trở nên nhộn nhịp hơn trong tháng cuối năm, nhất là các loại hải sản có giá trị cao như mực, tôm nõn,... So với các mặt hàng tươi sống thì hải sản khô cũng đã tăng giá nhưng chưa mạnh: Cá cơm, cá chỉ vàng đều tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg; mực, tôm nõn tăng từ 40.000 – 60.000 đồng/kg.
Thị trường hải sản dịp cuối năm tăng giá không chỉ gây khó cho tiểu thương, các cơ sở kinh doanh trong việc gom hàng mà còn là nỗi lo của người tiêu dùng dịp cuối năm. Tuy nhiên, đây là loại thực phẩm không thể thiếu trong ngày Tết nên giá cả và số lượng hàng tiêu thụ sẽ vẫn không ngừng tăng trong những ngày sắp tới./.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.