Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 2 năm 2017 | 2:59

Hướng mới trên vùng nông nghiệp công nghệ cao Lâm Đồng

Năm 2017, Lâm Đồng tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh để xây dựng những vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) trọng điểm, nhằm tạo ra bước chuyển mới trong nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Lợi nhuận từ cây trồng ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng hiện đạt khoảng 40% trên doanh thu.

Hình thành 8 khu và 19 vùng NNCNC

Sau 13 năm ứng dụng CNC, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã phát triển được hơn 49.000ha, chiếm gần 16,5% tổng diện tích đất canh tác, bao gồm những cây trồng chủ lực như rau, hoa, cà phê, chè, lúa. Về chăn nuôi bò sữa, đã tăng tổng đàn lên khoảng 20.000 con, trong đó 20% chăn nuôi quy mô công nghiệp. Bên cạnh đó, trên tổng số 3.200ha nuôi trồng thủy sản, toàn tỉnh Lâm Đồng có 50ha nuôi cá nước lạnh, sản lượng gần 785 tấn/năm.

Ước tính năng suất cây trồng ứng dụng NNCNC cao hơn từ 30-50% so với sản xuất thông thường. Giá trị sản xuất NNCNC chiếm 30% tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng.

Bên trong những kết quả vượt trội vừa nêu, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đồng thời nhìn nhận những tồn tại trong quá trình ứng dụng CNC: Nhiều nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã còn thiếu vốn đầu tư công nghệ, diện tích đất sản xuất quy mô phân tán, tọa lạc trên các địa hình đồi dốc cao, khiến cho việc tổ chức sản xuất - tiêu thụ sản phẩm khó khăn, sức thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp giảm xuống...

Với hướng phát triển tiếp cận đa ngành, trong 4 năm tới, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã thông qua mục tiêu hình thành và phát triển 19 vùng sản xuất, chăn nuôi ứng dụng CNC.

Cụ thể, 5 vùng rau diện tích 950ha gắn với xây dựng đô thị xanh và phát triển du lịch canh nông ở Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng; 3 vùng hoa 150ha gắn với phát triển làng nghề truyền thống tại Đà Lạt và Đức Trọng.

Tiếp theo là 4 vùng càphê 1.200ha thuộc địa bàn Lâm Hà, Di Linh và Bảo Lâm; 2 vùng chè 600ha ở địa bàn Bảo Lộc, Bảo Lâm và 1 vùng 300ha cây ăn quả ở Đạ Huoai.

Còn lại 4 vùng chăn nuôi CNC gồm: 2 vùng chăn nuôi 20.000 con bò sữa tại Đức Trọng và Đơn Dương cùng 2 vùng chăn nuôi heo (80.000 con) tại Đạ Tẻh và Lâm Hà.

Cùng với đó, Lâm Đồng xây dựng và phát triển 8 khu NNCNC ở các địa bàn: Tân Phú (gần 317ha), Phú Hội (100ha) và Phú An (300ha) thuộc huyện Đức Trọng; ở Ấp Lát ( 346ha), Đạ Đum (172ha) và Đa Nhim (177ha) thuộc huyện Lạc Dương; Tu Tra, Đơn Dương (400ha) và Gia Lâm, Lâm Hà (100ha).     

Hướng đến chất lượng

Phát triển NNCNC theo quy hoạch vùng và khu vực nói trên, Lâm Đồng tập trung chuyển từ hướng đạt mục tiêu về số lượng sang nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm.

Bởi vậy, tỉnh đặt vấn đề trọng tâm về xây dựng cơ chế chính sách và bộ tiêu chí sản phẩm NNCNC. Từ cơ sở này, Lâm Đồng tập trung nghiên cứu, hoàn chỉnh các quy trình để chuyển giao cho người sản xuất về biện pháp canh tác đảm bảo dinh dưỡng trên đất, trên giá thể, thông qua hệ thống thủy canh; bảo vệ môi trường, phòng chống dịch hại phát sinh trong nhà kính, nhà lưới; kỹ thuật vận hành các máy móc thiết bị hiện đại…

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, nhấn mạnh, những nhóm giải pháp phải gắn chương trình NNCNC với việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đảm bảo giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo đó, Lâm Đồng xây dựng và nâng cấp các công trình phát triển sản xuất và chế biến nông sản cao cấp như: hệ thống sản xuất khép kín, khu trung tâm dịch vụ công nghệ, trung tâm kiểm định chất lượng sản phẩm, kho lạnh, cửa hàng giới thiệu sản phẩm…   

Đồng thời, Lâm Đồng ưu tiên phát triển theo chuỗi giá trị các loại cây trồng chủ lực theo mô hình kinh tế hợp tác, liên kết giữa hộ nông dân với hợp tác xã, hộ nông dân với doanh nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào và chi phí qua khâu trung gian tiêu thụ sản phẩm. Trong đó phát huy vai trò “đầu tàu” của doanh nghiệp khi mở rộng quy mô sản xuất theo nhu cầu thị trường. Đặc biệt triển khai các cơ chế đặc thù mời gọi nhà đầu tư có tiềm năng về vốn, công nghệ và thị trường tiêu thụ nông sản CNC Lâm Đồng, nhất là các nhà đầu tư Nhật Bản theo chương trình hợp tác với tổ chức JICA.   

Hy vọng, với các giải pháp triển khai đồng bộ, phù hợp theo quy hoạch những khu vực và vùng sản xuất - chăn nuôi CNC, Lâm Đồng sẽ tạo ra bước đột phá ngay trong năm 2017 - năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp tiếp cận đa ngành, bền vững đến năm 2020.

Văn Việt

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top