Cuộc gặp Trump-Kim ngày 30/6 tại DMZ là tín hiệu tích cực nhưng vẫn chưa phải là lời giải cho bài toán hạt nhân Triều Tiên đầy phức tạp.
Cuộc gặp lịch sử hôm qua (30/6) giữa Tổng thống Mỹ Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) đã dẫn tới kết quả là hai bên đồng ý tái khởi động đàm phán về phi hạt nhân hóa giữa lúc những nghi ngại ngày một gia tăng.
Tổng thống Mỹ Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: Yonhap. |
Sau khoảng 1 tháng gián đoạn, việc hai nhà lãnh đạo đồng ý nối lại các cuộc đàm phán làm sống lại hy vọng không chỉ cho tiến trình phi hạt nhân hóa mà còn là hy vọng về nền hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.
Cuộc gặp cũng mang theo hy vọng hai bên có thể khỏa lấp khác biệt khi Mỹ luôn yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng còn phía Bình Nhưỡng muốn Washington dỡ bỏ trừng phạt để xây dựng lòng tin.
Vẫn còn những hoài nghi
Không thể phủ nhận cuộc gặp dường như không tưởng ngày 30/6 đã tạo ra bầu không khí hòa giải và lạc quan trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, vẫn có những người hoài nghi khi cho rằng Triều Tiên không có ý định từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân.
Harry Kazianis, chuyên gia hàng đầu về các vấn đề Triều Tiên tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia (Mỹ) nói: “Tôi nghĩ cả hai bên đều thận trọng và giữ vững quan điểm với những gì đã được đưa ra đàm phán tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 ở Hà Nội”.
Ông Kazianis đưa ra giả thiết, Tổng thống Trump có thể sẽ chấp nhận đề nghị trước đó của phía Triều Tiên. Theo đó, Triều Tiên sẽ tháo dỡ cơ sở hạt nhân chính của họ ở Yongbyon, đổi lại Mỹ sẽ đình chỉ lệnh trừng phạt nhằm vào xuất khẩu than và dệt may Triều Tiên trong vòng 1 năm.
“Trump cần phải gọi đó là đình chỉ để ông không bị coi là yếu đuối hay xuống thang khi giảm áp lực với Triều Tiên. Cũng cần phải có các điều khoản phòng bị để đảm bảo Triều Tiên nghiêm túc thực thi và nếu như họ vi phạm thì các lệnh trừng phạt sẽ được áp đặt trở lại”, ông Kazianis nói.
Cho đến nay, vẫn có rất ít dấu hiệu cho thấy Mỹ hoặc Triều Tiên sẵn sàng thỏa hiệp. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói rõ trên Twitter cá nhân, khoảng 1 tiếng sau khi hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp ở DMZ rằng tất cả các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên vẫn sẽ được giữ nguyên “trước khi phi hạt nhân hóa”.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại đặt hy vọng vào nhận xét của đại diện đặc biệt Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun, người hồi đầu tháng này cho biết, cả hai bên đều hiểu sự cần thiết của một “cách tiếp cận linh hoạt”.
Scott Snyder, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ nói: “Tôi nghĩ bước đi tiếp theo sẽ là những tiến bộ đã được thống nhất trong thỏa thuận ở Singapore cùng với việc xác định cụ thể về mức độ phi hạt nhân hóa. Sau đó, các bước đi cần thiết để dỡ bỏ trừng phạt sẽ được thực hiện theo trình tự thời gian và cách thức hai bên thỏa thuận”.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên ở Singapore tháng 6/2018, ông Trump và ông Kim đã nhất trí cải thiện quan hệ song phương và nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Nhưng cũng kể từ đó, Triều Tiên luôn có tiếng nói chỉ trích Mỹ đang đưa ra yêu cầu đơn phương về phi hạt nhân hóa mà không có bước đi thực chất để xây dựng lòng tin.
Bước tiến dài hay lùi về vạch xuất phát?
Chuyên gia châu Á Bruce Klingner thuộc Quỹ Heritage không đồng ý với những lập luận của phía Triều Tiên, ông cho rằng: “Mỹ không phải là không mất gì khi chấp nhận đàm phán với Triều Tiên. Thực tế là ông Kim Jong Un đã được hưởng lợi từ việc ông Trump luôn cố gắng để không có thêm các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng, hủy một số cuộc tập trận chung với các đồng minh…”.
Cũng theo ông Klingner, việc lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sau cuộc gặp ngày 30/6 nhất trí tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân đơn thuần chỉ là đưa tất cả về vạch xuất phát và hai bên không hề có tiến triển nào trong nỗ lực phi hạt nhân hóa. Nên nhớ là ông Trump và ông Kim đã đồng ý về các cuộc đàm phán hạt nhân tiếp theo ngay từ Hội nghị Thượng đỉnh ở Singapore tháng 6/2018.
“Kể từ Hội nghị Thượng đỉnh ở Singapore đến nay, Triều Tiên không phi hạt nhân hóa như tuyên bố của ông Trump, thay vào đó nước này tiếp tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân, các cơ sở sản xuất tên lửa. Tiếp tục không có bằng chứng nào cho thấy ông Kim sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình”, chuyên gia Klingner nói.
Không đồng ý với quan điểm này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã sẵn sàng cho một thỏa thuận với Mỹ.
Ông Pompeo khẳng định với báo giới trước khi rời Seoul: “Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thực sự muốn hoàn thành một việc gì đó, một điều rất quan trọng, rằng chúng tôi muốn làm điều đó một cách kịp thời”.
“Chúng tôi không ở nơi mà chúng tôi bắt đầu 12 tháng trước nữa mà đã tiến xa hơn rất nhiều”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh./.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…