Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 3 năm 2017 | 9:58

Đắk Lắk: Làm kinh tế giỏi trên mảnh đất “5 không”

Thôn Bình Lợi, xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) là một vùng đất mới cách thị trấn Ea Sup khoảng 20km. Đến thôn Bình Lợi hôm nay, người ta không khỏi ngỡ ngàng bởi sự thay da đổi thịt ở vùng đất này. Những ngôi nhà lụp xụp hay những túp lều tạm bợ đã không còn, thay vào đó là những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, mái bằng kiên cố đẹp đẽ và con đường đất đỏ bằng phẳng.

Từ chủ trương của xã khuyến khích chuyển đổi cơ cấu sản xuất, rất nhiều hộ dân nơi đây đã mạnh dạn hưởng ứng. Thay vì trồng hoa, màu ngắn ngày như lâu nay, giờ người dân thôn Bình Lợi đã chuyển sang trồng điều, tiêu và cà phê để phát triển kinh tế gia đình. Điển hình là hộ anh Bế Văn Long (SN 1985). Anh Long vẫn còn nhớ như in: “Năm 2005, tôi cùng một số bà con từ phía Bắc di cư vào vào đất Ea Sup sinh sống. Khi đó mảnh đất này vẫn còn là những cánh rừng hoang vu chỉ có lác đác vài hộ lên dựng nhà tạm bợ. Cuộc sống rất khó khăn vất vả, đói kém bệnh tật hoành hành. Ngày ngày, người dân chỉ biết bám đất rừng mà sống. Giờ đây, sau 2 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cuộc sống của bà con đã từng bước có sự đổi thay”. Với 3ha đất nông nghiệp, anh Long đầu tư trồng hơn 5.000 trụ tiêu và hơn 2.000 trụ đã cho thu hoạch, mỗi năm trừ hết chi phí còn dư khoảng 600 triệu đồng.

Anh Long chăm sóc vườn hồ tiêu sắp đến độ thu hoạch

Cũng như anh Long, hộ anh Hoàng Văn Nghĩa, người dân tộc Tày cùng ngụ tại thôn Bình Lợi, nhờ học hỏi tìm tòi, áp dụng đúng khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồ tiêu đến nay gia đình cũng phát triển được 3.800 trụ tiêu và đã có 2.000 trụ cho thu hoạch; bình quân mỗi năm thu được từ 6 - 7 tấn tiêu nhân. Với bản chất của người nông dân cần mẫn, không dừng lại ở đó, anh Nghĩa còn chủ động bấm dây tiêu để bán lại cho các nông hộ khác ở trong vùng để làm giống. Tuy bước đầu lập trại còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng anh Hoàng Văn Nghĩa đã thể hiện là một gương sáng vươn lên trong làm kinh tế giỏi. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình anh khoảng 400 đến 500 triệu đồng. “So với trước đây thì nay, người dân trên địa bàn thôn Bình Lợi chúng tôi đã có nhiều cố gắng trong việc phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, diện mạo nông thôn cũng từng bước được ổn định, thôn đã có trường học, đường bằng phẳng và sắp tới còn có điện. Nhờ đó, bà con yên tâm làm kinh tế, cải thiện cuộc sống chứ không còn bám rừng như trước đây”.

Anh Nghĩa bấm ngọn tiêu để bán giống

“Trước đây thôn Bình Lợi, xã Cư M’Lan của huyện Ea Sup thuộc thôn đặc biệt khó khăn và phần lớn là dân di cư tự do từ phía Bắc với chủ yếu là đồng bào Dao, Mông vào, tỷ lệ hộ nghèo ở đây lên đến 90%. Nhờ được chính quyền các cấp quan tâm, so với 8 năm về trước, nay nhìn chung bộ mặt của thôn đã khá hơn trước, cuộc sống của bà con nơi đây dần ổn định. Khó khăn nhất của thôn hiện nay theo luật cư trú là bà con chưa được cấp sổ tạm trú bởi thế mà các hộ vẫn chưa được cấp giấy tờ tùy thân theo quy định của luật cư trú”, ông Phạm Văn Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’Lan, huyện Ea Sup cho hay.

Từ một thôn “5 không” (không điện - không đường - không trường - không trạm - không hộ khẩu), giờ diện mạo của thôn Bình Lợi đã có đổi thay đáng kể. Cùng với đó, những người nông dân như anh Long, anh Nghĩa và nhiều hộ khác trong thôn Bình Lợi đã cùng nhau vượt khó làm kinh tế, đón một năm mới sung túc và tin vào một ngày mai no ấm.

Quốc Hùng - Thu Sa

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top