Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 10 năm 2021 | 15:0

Đảm bảo nguồn cung dồi dào phục vụ Tết

Các địa phương thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh hợp lý, bảo đảm đầy đủ, nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa lưu thông trên thị trường; có phương án phòng, chống dịch Covid -19 và hiệu quả.

 

sieuthi.jpg
Các hệ thống phân phối bán lẻ bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

 

Hà Nội: Lên phương án đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết và các ngày lễ 

Sở Công Thương Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Theo đó, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố khoảng 39.000 tỷ đồng (tương đương với dịp Tết năm 2021).

Theo đó, nhóm hàng cần bảo đảm cung cầu trong dịp Tết gắn với công tác phòng, chống dịch gồm: Mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi); các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như nông lâm sản khô, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy...; mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố khoảng 39.000 tỷ đồng (tương đương với dịp Tết năm 2021).

Sở Công Thương yêu cầu các đơn vị có phương án sản xuất, kinh doanh hợp lý, bảo đảm đầy đủ, thường xuyên nguồn cung hàng hóa phục vụ trước, trong và sau các ngày lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa lưu thông trên thị trường; có phương án phòng, chống dịch Covid-19 cho người lao động và khách đến mua sắm. Hàng hóa bảo đảm về chất lượng, nguồn gốc, an toàn thực phẩm, giá cả phải niêm yết công khai, bán theo giá niêm yết.

Các đơn vị phải tổ chức bán hàng thường xuyên, liên tục, đa dạng hóa các hình thức bán hàng thích ứng với công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tăng cường các điểm bán hàng hóa, điểm bán hàng lưu động trên địa bàn thành phố.

Bảo đảm vận chuyển, lưu thông hàng hóa từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội và trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 449 chợ, 1.800 cửa hàng tiện lợi, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa, cùng 141 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn, có thể kết nối với 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bên cạnh đó, các kênh bán hàng đa phương tiện qua website, hotline, app… với khoảng 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức trực tuyến.

Trong trường hợp cần thiết khi xảy ra dịch, bệnh trên địa bàn, có thể sử dụng 2.500 địa điểm tại các quận, huyện sẵn sàng bố trí làm kho và điểm bán hàng lưu động; chuyển các địa điểm bán các mặt hàng không thiết yếu (siêu thị, cửa hàng, nhà hàng) sang bán hàng hóa thiết yếu (các địa điểm này do UBND các quận, huyện, thị xã, doanh nghiệp đề xuất) để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Cũng theo bà Lan, thành phố sẽ tổ chức các chương trình, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân, như: Tổ chức các điểm bán hàng, phiên chợ, các chuyến bán hàng lưu động phục vụ Tết tại các huyện, khu công nghiệp, các xã miền núi; tổ chức các chợ hoa xuân; các sự kiện kích cầu nội địa, tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa doanh thu dịch vụ; các nội dung của "Chương trình khuyến mãi tập trung thành phố Hà Nội" năm 2021; các sự kiện nằm trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2021 và 2022.

Thành phố tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu và chương trình dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai để chủ động về hàng hóa, ổn định giá cả.

Vĩnh Phúc: Khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất phục vụ thị trường cuối năm

Đứng trước nhiều rủi ro với chi phí đầu vào tăng cao nhưng giá bán ra lại giảm mạnh, nguy cơ bùng phát dịch bệnh, tác động bất lợi của thời tiết… đa số người chăn nuôi có tâm lý e ngại khi nhắc tới câu chuyện tái đàn vật nuôi. Trong khi đó, đây là thời điểm thích hợp để thực hiện tăng đàn, phục vụ cho thị trường thực phẩm cuối năm. Để không thiếu hụt nguồn cung trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ngành Nông nghiệp đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định, bền vững.

 

1_6.jpg
Gia đình anh Nguyễn Thế Anh, xã Hợp Lý, huyện Lập Thạch đầu tư tái đàn gà cung cấp thực phẩm vào dịp cuối năm. Ảnh: Thế Hùng

 

Với khát vọng làm giàu từ chăn nuôi, đầu năm 2015, gia đình ông Nguyễn Văn Tám (xã Đạo Tú, huyện Tam Dương) quyết định đầu tư 200 triệu đồng để cải tạo chuồng trại và duy trì đàn lợn hơn 100 con.

Thời điểm làm ăn thuận lợi, gia đình ông thu lãi vài trăm triệu đồng/năm. Thế nhưng, từ đầu năm 2021 đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm sâu, trong khi chi phí chăn nuôi lại tăng mạnh, gia đình ông xác định chỉ lấy công làm lãi.

Lo ngại dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại, vừa qua, gia đình ông quyết định bán tháo đàn lợn hơn 70 con. Ông Tám cho biết: “Với giá xuất chuồng hơn 30 nghìn đồng/kg, gia đình tôi phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng. Không dám tiếp tục mạo hiểm, tôi quyết định dừng vào đàn mới”.

Ông Trương Công Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Vừa qua, giá lợn hơi giảm xuống thấp hơn so với giá thành sản xuất, dao động từ 35-40 nghìn đồng/kg, thậm chí có thời điểm giảm xuống dưới 30 nghìn đồng/kg lợn hơi, khiến người chăn nuôi lợn thua lỗ nặng.

Hơn nữa, hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa, mưa nhiều, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát sinh và lây lan. Việc cùng lúc phải chịu áp lực về dịch bệnh và giảm giá khiến nhiều bà con e ngại việc tái, tăng đàn.

Để duy trì ổn định sản xuất chăn nuôi lợn; chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn và tránh xảy ra tình trạng khan hiếm sản phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Sở NN & PTNT chủ động phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện việc loại thải những lợn nái kém chất lượng, lợn nái được gây từ lợn thịt; giữ lại những con có chất lượng tốt trong đàn, đúng phẩm cấp giống; lựa chọn tinh lợn đực giống có năng suất, chất lượng cao như: Pi-Du, Pi4, Maxter16, Du100… để phối giống cho đàn lợn nái tạo đàn lợn nuôi thịt đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Đồng thời, tính toán kỹ việc duy trì đàn lợn với số lượng đầu con hợp lý; tăng cường các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với từng giai đoạn, lứa tuổi của lợn và đẩy mạnh việc tự phối trộn thức ăn dựa trên các nguyên liệu sẵn có để hạ giá thành sản xuất.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện hơn 1 nghìn con trâu bò nghi mắc bệnh viêm da nổi cục; bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 3 hộ chăn nuôi trên địa bàn phường Tiền Châu, thành phố Phúc Yên và mới đây phát hiện 1 ổ dịch tại xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc; bệnh Cúm gia cầm xảy ra tại 11 hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn 9 xã, phường thuộc 7 huyện, thành phố, làm chết và tiêu hủy hơn 24 nghìn con gia cầm.

Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, cơ quan chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương và hộ chăn nuôi có gia súc, gia cầm mắc bệnh thực hiện biện pháp xử lý, khoanh vùng, bao vây ổ dịch, hạn chế tình trạng lây lan trên diện rộng. Nhờ đó, tình hình dịch bệnh hiện nay cơ bản được kiểm soát.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, nguy cơ các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, đặc biệt bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh và lây lan vào dịp cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là rất cao do tổng đàn vật nuôi của tỉnh lớn; các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật các tháng cuối năm tăng mạnh; thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ thấp, mưa nhiều, độ ẩm cao làm giảm sức đề kháng của vật nuôi.

Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra trên diện rộng, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ngành Nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát hiện.

Đồng thời, tổ chức tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm và phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt 2 năm 2021 đảm bảo hiệu quả; chủ động lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh động vật, đặc biệt là các địa phương có ổ dịch cũ và có sự lưu hành của các loại mầm bệnh để kịp thời cảnh báo, xử lý kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh Thú y đảm bảo theo quy định; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, tái đàn hợp lý, phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi các tháng cuối năm nhằm góp phần đảm bảo ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường.

Thanh Hóa: Linh hoạt sản xuất vụ đông đảm bảo nguồn hàng phong phú

Vụ đông 2021-2022, toàn tỉnh đề ra mục tiêu gieo trồng 45.000 ha cây trồng các loại trở lên. Tổng giá trị sản xuất vụ đông đạt 3.375 tỷ đồng, giá trị bình quân đạt 75 triệu đồng/ha. Vụ đông năm nay tiếp tục được thực hiện theo định hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, với nhóm cây trồng chủ lực, gồm: ngô, đậu tương, khoai tây, khoai lang và rau đậu các loại. Thực hiện đa dạng hóa cây trồng trong toàn vụ, trồng rải vụ đối với cây rau màu; đồng thời, mở rộng diện tích các đối tượng có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định, ưu tiên các sản phẩm tiêu thụ, chế biến nội địa, gắn sản xuất với chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Để thực hiện mục tiêu sản xuất vụ đông, ngay từ trung tuần tháng 9-2021, cùng với việc thu hoạch lúa thu mùa, bà con nông dân ở các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung giải phóng đất, xuống giống trên diện tích đất 2 vụ lúa được bố trí gieo trồng cây vụ đông. Năm nay, sản xuất vụ đông được diễn ra trong điều kiện bất lợi do diễn biến của dịch COVID-19. Ngoài ra, giá các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao, phân bón tăng hơn 50%, thuốc bảo vệ thực vật tăng từ 10 đến 20%, nên chi phí tăng gấp 1,3 đến 1,5 lần, làm ảnh hưởng đến tâm lý người sản xuất. Mặt khác, do ảnh hưởng của mưa bão đầu vụ làm nhiều diện tích cây trồng vụ đông vừa xuống giống bị ngập, gây thiệt hại. Những trở ngại trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu, tiến độ sản xuất vụ đông của các địa phương.

 

245d6175906t33697l0.jpg
Nông dân xã Mỹ Lộc (Hậu Lộc) trồng cây vụ đông 2021-2022.

 

Với quyết tâm đạt và vượt mục tiêu cả về diện tích, sản lượng, giá trị kinh tế trong sản xuất vụ đông, những ngày này, bà con nông dân ở khắp các địa phương đang tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tiếp tục xuống giống các loại cây trồng cho kịp thời vụ. Chị Trần Thị Nga, xã Định Liên (Yên Định), cho biết: Vụ đông năm nay, gia đình chị gieo trồng 5 sào cây trồng vụ đông các loại. Diện tích ớt và ngô đã được gia đình chị hoàn thành việc xuống giống từ trước ngày 10-10-2021. Hiện, chị đang tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để tiến hành gieo trồng các loại cây rau màu ưa lạnh, như: khoai tây, su hào, xà lách, bắp cải... Năm nay, được UBND xã Định Liên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Yên Định định hướng, gia đình chị giảm bớt diện tích một số loại cây trồng được dự báo là khó khăn về thị trường tiêu thụ, thay vào đó mở rộng diện tích cây trồng được tiêu thụ mạnh ở thị trường nội tỉnh và dễ bảo quản, như: hành, tỏi, đậu côve, cà chua... Với sự chuyển đổi linh hoạt này, chị Nga hy vọng sản phẩm sẽ có thị trường tiêu thụ ổn định, hiệu quả kinh tế cao.

Đối với gia đình bà Lê Thị Tích, xã Xuân Lộc (Hậu Lộc), việc gieo trồng hết 4 sào hành và rau màu trong vụ đông năm nay gặp trở ngại vì 2 lao động chính trong nhà thuộc diện phải cách ly và theo dõi y tế tại nhà. Thế nhưng, những ngày qua, hội phụ nữ xã, đoàn thanh niên của xã đã bố trí lực lượng giúp gia đình bà làm đất, xuống giống, hoàn thành việc gieo trồng.

Trở ngại lớn nhất trong sản xuất vụ đông năm nay là tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Do đó, ngành nông nghiệp đã và đang cùng chính quyền các địa phương nỗ lực thực hiện giải pháp điều hành linh hoạt trong chỉ đạo sản xuất. Đối với các địa phương có nguy cơ thấp, tập trung điều hành máy, nhân lực đẩy mạnh sản xuất, mở rộng tối đa diện tích, giám sát việc tuân thủ nghiêm ngặt quy định 5K về phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình sản xuất. Đối với những địa phương dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương đang thực hiện giải pháp chỉ đạo mỗi hộ chỉ bố trí tối đa 2 lao động tham gia sản xuất trên đồng ruộng, các đối tượng tham gia sản xuất phải được giám sát y tế chặt chẽ.

Ngoài các giải pháp về điều hành sản xuất, ngành nông nghiệp và các huyện, thị xã, thành phố đang tiếp tục mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm vụ đông. Đồng thời, chủ động liên hệ, tìm hiểu các địa phương khác trong và ngoài tỉnh nắm bắt nhu cầu sử dụng sản lượng, chủng loại sản phẩm nông sản để kết nối tiêu thụ giữa các địa phương, doanh nghiệp và nông dân, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top