Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 2 năm 2021 | 21:57

"Nếu mất thêm, Tết này bà con còn khó khăn đến nhường nào!"

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ  đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, cùng lãnh đạo Bộ Y tế đã họp trực tuyến với tỉnh Quảng Ninh về công tác phòng chống dịch bệnh vào chiều 4/2.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nếu mất thêm Tết này thì bà con còn khó khăn đến nhường nào! Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Trọng Diện cho biết, tính đến 12h00 trưa nay, tỉnh đã truy vết được trên 81.698 trường hợp từ F1-F4 (trong đó, tại Đông Triều đã truy vết trên 49.000 trường hợp từ F1-F4); qua xét nghiệm (trên 36.200 trường hợp) đã xác định được 42 ca dương tính;… trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Quảng Ninh đã và đang tiếp tục truy vết thần tốc, đẩy nhanh tốc độ và mở rộng diện xét nghiệm; huy động sức mạnh tổng hợp để đẩy nhanh tiến độ ngăn chặn dịch…

Mặt khác, tỉnh Quảng Ninh cũng đã thiết lập 3 bệnh viện để phục vụ cách ly, thu dung, điều trị các bệnh nhân COVID-19; đồng thời tổ chức đào tạo khẩn cấp thêm nhân lực phục vụ công tác truy vết, lấy mẫu. Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai cử chuyên gia xuống hỗ trợ cho tỉnh trong công tác đào tạo…

Tuy nhiên, cái khó của tỉnh là dịch xảy ra trên diện rộng; lại liên quan đến các tỉnh bạn nên việc phối hợp trao đổi thông tin phòng chống dịch bệnh cũng có vướng mắc. Bên cạnh đó, tỉnh cũng gặp khó khăn trong công tác truy vết; bảo đảm sinh phẩm phục vụ xét nghiệm; trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch,… Quảng Ninh đề nghị, Bộ Y tế xem xét hỗ trợ tỉnh về sinh phẩm, máy xét nghiệm, quần áo phòng chống dịch, khẩu trang N95…

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ninh đã kiểm soát hoàn toàn ổ dịch ở Vân Đồn.

Tại thành phố Uông Bí có 1 ca bệnh (là công nhân Công ty Than Vàng Danh); thành phố Cẩm Phả có 1 ca (xuất phát từ Hải Dương), Quảng Ninh cũng khẳng định kiểm soát được hoàn toàn dịch bệnh trên 2 địa bàn này.

Về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hạ Long, các trường hợp liên quan đến BN1553 đã kiểm soát tốt. Tuy nhiên, ngày hôm kia (2/2), qua việc thực hiện xét nghiệm thí điểm đối với các trường hợp có nguy cơ cao trong cộng đồng, tỉnh đã phát hiện 1 gia đình có 3 người nhiễm COVID-19 (gia đình về Hải Dương ăn giỗ). Theo đồng chí Nguyễn Xuân Ký dù có những phức tạp, nhưng Quảng Ninh đang tăng tốc truy vết các trường hợp liên quan, khẳng định sẽ kiểm soát được ổ dịch này trong 1-2 ngày tới.

Với Đông Triều, hiện 21/21 xã có trường hợp F0, hiện nay tỉnh Quảng Ninh đang kiểm soát để bảo đảm không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Dự kiến, trong vòng 2 ngày nữa sẽ lấy toàn bộ số mẫu, kiểm soát toàn bộ tình hình ở Đông Triều.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường: Bộ Y tế sẽ hỗ trợ Quảng Ninh: Máy X-Quang di động; máy xét nghiệm PCR; bơm tiêm điện; máy khử trùng; khẩu trang N95,… Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Quảng Ninh hoàn toàn làm chủ tình hình. Tỉnh không những quyết tâm không để dịch bệnh lây lan mà còn đảm bảo vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế và các hoạt động khác.

Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, địa bàn lại có nguy cơ cao (đường biên giới, cửa khẩu,…), tỉnh Quảng Ninh xin phép Bộ Y tế được triển khai tổ chức xét nghiệm diện rộng trên địa bàn thành phố Hạ Long và Đông Triều để rà roát, đánh giá rủi ro và có giải pháp ngăn chặn dịch hiệu quả.

Liên quan đến các đề xuất của tỉnh Quảng Ninh về hỗ trợ máy móc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch, phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định, ngay trong chiều nay, Bộ Y tế sẽ cân đối hỗ trợ tỉnh: Máy X-Quang di động; máy xét nghiệm PCR; bơm tiêm điện; máy khử trùng; khẩu trang N95,…

Về sinh phẩm xét nghiệm (test kit), trước mắt Bộ Y tế sẽ cung cấp cho Quảng Ninh một cơ số để bảo đảm nhu cầu ban đầu. Bộ Y tế đã công bố giá công khai để mua sắm test kit từ các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được, Thứ trưởng Trương Quốc Cường đề nghị tỉnh Quảng Ninh chủ động đàm phán với nhà cung cấp trên tinh thần dùng đến đâu, mua đến đó.

Liên quan đến đề xuất mở rộng xét nghiệm trên địa bàn, TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng: Để kiểm soát tốt dịch bệnh, Quảng Ninh cần tiếp tục khẩn cấp truy vết, xét nghiệm để phân loại, sàng lọc, tổ chức cách ly,… Rất mừng là vừa qua tỉnh đã chủ động làm từ rất sớm, hiệu quả,… Trong tình hình hiện tại, Quảng Ninh cần đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng. Nên tập trung vào đối tượng chính là F1, F2 và các đối tượng nguy cơ cao trong cộng đồng (cán bộ y tế, bệnh nhân, lái xe, người dân sống trong khu vực bị phong toả, sống gần các khu công nghiệp đã ghi nhận trường hợp dương tính);…

Cũng về vấn đề này, Thứ trưởng Trương Quốc Cường đồng ý với đề xuất của địa phương là cần phải tiến hành xét nghiệm trên diện rộng để khẩn trương tầm soát, ngăn chặn dịch bệnh. Bên cạnh các trường hợp F1, F2; những người có nguy cơ mắc bệnh cao, tiếp xúc nhiều người như những người bán hàng tạp hóa, buôn bán nhỏ lẻ, bán hàng ăn uống, quán spa, cửa hàng cắt tóc, quán cà phê,… cũng cần phải được xét nghiệm, tầm soát.

Với nhóm nguy cơ cao này, Thứ trưởng Trương Quốc Cường đề nghị tỉnh Quảng Ninh triển khai cấp tập, lấy mẫu và xét nghiệm ngay trong ngày để nhanh chóng rà soát, đánh giá tình hình, bắt kịp và kiểm soát dịch bệnh.

 

Tại cuộc họp lúc 13 giờ chiều 4/2 với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cam kết sớm kiểm soát toàn bộ các ổ dịch trên địa bàn. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương tỉnh Quảng Ninh đã triển khai phòng chống dịch bệnh nhanh chóng, quyết liệt, hiệu quả. Đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND và cả hệ thống chính trị trong tỉnh vào cuộc đồng bộ, sát sao; đánh giá cao việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã khẳng định là địa phương đã kiểm soát hoàn toàn 3/5 địa bàn có bệnh nhân COVID-19; đối với 2 địa bàn còn lại, tỉnh phấn đấu sẽ kiểm soát trong 1-2 ngày tới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc Quảng Ninh quyết liệt phòng chống dịch bệnh không chỉ là để người dân được đón Tết an lành, mà còn là biện pháp thiết thực giúp cho bà con nông dân, những người buôn bán nhỏ có cơ hội sản xuất kinh doanh, đảm bảo cuộc sống.

“Nếu mất thêm Tết này thì bà con còn khó khăn đến nhường nào!” – Phó Thủ tướng bày tỏ.

Về đề xuất mở rộng xét nghiệm đối với nhóm có nguy cơ cao, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Trương Quốc Cường là tỉnh Quảng Ninh cần tổ chức lấy mẫu xét nghiệm thật nhanh các trường hợp tiếp xúc với nhiều người như: Lái xe, bán hàng tạp hoá, quán ăn, quán cafe, cửa hàng cắt tóc, gội đầu, đồng thời cũng phải lưu ý cả những hộ gia đình cho thuê nhà ở tầng dưới để bán hàng nhưng vẫn sinh hoạt ở các tầng trên.

Phó Thủ tướng lưu ý: Đây không phải xét nghiệm toàn dân mà là tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, tinh thần phải lấy thật nhanh để xác định “bức tranh toàn cảnh”, trên cơ sở đó sẽ có những giải pháp phù hợp tiếp theo bảo vệ sức khỏe của nhân dân. "Tinh thần là công khai, minh bạch vì hiện nay đơn giá xét nghiệm đã được công khai".

Phó Thủ tướng bày tỏ đồng tình với phương châm của tỉnh Quảng Ninh là chống dịch phải làm kiên trì, bản lĩnh; khi cần thiết thì phải tiến hành cách ly, phong toả, nhưng phong toả phải ở diện nhỏ nhất có thể vì còn liên quan đến đời sống của người dân.

"Nếu cứ khoanh vùng, cách ly rộng nhất, dài nhất là những quyết định dễ dàng cho người quản lý nhưng rất khổ cho người dân. Thay vì phong tỏa cả huyện thì chúng ta phong tỏa một vài xã, thay vì phong tỏa cả xã thì phong tỏa một vài thôn. Đây là bản lĩnh của người quản lý", Phó Thủ tướng nói.

Cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã kịp thời giải quyết vướng mắc, hỗ trợ địa phương phòng chống dịch, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cam kết tỉnh Quảng Ninh sẽ kiểm soát toàn bộ các ổ dịch trên địa bàn.

Trước đó, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 ngày 3/2, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu Bộ Y tế rà soát và sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, sinh phẩm để chi viện cho từng khu vực, cùng với đó cho xét nghiệm cộng đồng rộng ở một số nơi.

Đến giờ này chúng ta cơ bản kiểm soát được dịch bệnh

Sau cuộc họp lúc 13h chiều 4/2 với tỉnh Quảng Ninh, 17h30 chiều, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 tiếp tục làm việc với tỉnh Gia Lai về phòng chống dịch bệnh.

Báo cáo nhanh về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh Gia Lai cho biết, hiện địa phương có 2 ổ dịch chính ở huyện Ayun Pa và huyện Ia Pa. Tính đến 17h00 hôm nay, tỉnh đã ghi nhận tổng cộng 18 ca dương tính (trong đó có 4 ca mới); 5 ca đang nghi ngờ.

Tuy nhiên, 4 ca mới đều là các trường hợp F1 đã được cách ly ở khu tập trung nên không đáng ngại lắm. Hiện cả 18 ca dương tính đều không có triệu chứng lâm sàng, ngoài ra, 5 ca nghi ngờ mắc COVID-19, đang được theo dõi và xét nghiệm lại.

Công tác khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm đối với nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người có liên quan đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, thành phố Pleiku đã được tiến hành quyết liệt, khẩu trương, đúng quy định. Đến nay, các mẫu đã ghi nhận kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1. Đến nay, Gia Lai đã lấy 4.134 mẫu, xét nghiệm 2.464 mẫu, dự kiến đến sáng 5/2 sẽ có kết quả của 1.100 mẫu, còn 570 mẫu trưa cùng ngày sẽ có kết quả.

 

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai báo cáo trực tuyến với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tình hình chống dịch. Ảnh: VGp/Đình Nam

 

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành  khẳng định đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn, tại hai ổ dịch ở huyện Ayun Pa và huyện Ia Pa. Gia Lai đã cách ly 1.401 F1, 7.414 F2, xét nghiệm 2.514 mẫu và đang tăng tốc xét nghiệm. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục truy vết, khoanh vùng đặc biệt tại hai huyện Ayun Pa và Ia Pa

“Tôi lo nhất là ở thành phố Pleiku nhưng chỉ có 1 ca và hiện đã kiểm soát được. Tỉnh sẽ mở rộng khu vực cách ly liên quan đến ca nhiễm này để làm sạch địa bàn, đảm bảo người dân có một cái Tết an toàn”, ông Võ Ngọc Thành  cho biết.

Tỉnh Gia Lai cũng đề nghị xét nghiệm toàn bộ nhân viên Cảng hàng không Pleiku.

Gia Lai tiếp tục triển khai bệnh viện điều trị COVID-19, tỉnh lo nếu bệnh nhân dương tính xuất hiện triệu chứng lâm sàng sẽ gặp khó trong điều trị; đồng thời đảm bảo cơ sở điều trị những trường hợp cấp cứu các bệnh khác.

TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) báo cáo, hôm qua (3/2) Bộ đã cử đoàn công tác vào hỗ trợ. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã làm việc với tỉnh và khảo sát thực tế, đề xuất nhiều giải pháp; các đoàn của BV Bạch Mai, Chợ Rẫy, Viện Paster, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cũng đã vào hỗ trợ tỉnh...

Bộ Y tế nhận định, tỉnh Gia Lai cần đẩy mạnh tốc độ truy vết và xét nghiệm. Các đơn vị thuộc bộ đã vận chuyển hệ thống tách chiết, 3 máy xét nghiệm PCR vào hỗ trợ để nâng cao năng lực xét nghiệm đáp ứng yêu cầu thực tế. Thời điểm này quan trọng nhất vẫn là tăng tốc truy vết và tổ chức cách ly.

Đến nay, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Paster Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 3 hệ thống xét nghiệm để tăng tốc xét nghiệm và khẩn trương truy vết các ca liên quan. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cử Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh; Bệnh viện Bạch Mai vào hỗ trợ chẩn đoán, điều trị.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết đã xuất cấp cho Gia Lai khẩu trang y tế, quần áo chuyên dụng và một số trang thiết bị điều trị.

 

Trong chiều 4/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có 2 cuộc họp nhanh với tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Gia Lai về công tác chống dịch. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương tỉnh Gia Lai trong thời gian rất ngắn đã đưa toàn bộ guồng máy vào hoạt động rất tốt, mặc dù những địa phương chưa có dịch bao giờ như Gia Lai thường lúng túng lúc ban đầu. Đến giờ phút này, Gia Lai đã thực hiện rất tốt các hướng dẫn, biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Điểm đáng mừng là tất cả 18 ca nhiễm COVID-19 ở Gia Lai đều rõ nguồn gốc và đang tiến hành truy vết. Đây là điểm căn bản nhất trong chống dịch.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Gia Lai tiếp tục quyết liệt, thần tốc hơn nữa trong công tác truy vết. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã rất quan tâm, kịp thời hỗ trợ cho Gia Lai cả cán bộ chuyên môn điều trị, cán bộ dự phòng đã vào.

Qua thực tiễn Gia Lai, Phó Thủ tướng cho rằng năng lực xét nghiệm, truy vết là rất quan trọng. Bộ Y tế cần tiếp tục quan tâm giúp nâng cao năng lực xét nghiệm cho Gia Lai và các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. “Chúng ta phải luôn luôn cảnh giác”.

“Hôm nay, ổ dịch ở Vân Đồn (Quảng Ninh) coi như đã dập xong. Ổ dịch TP. Chí Linh (Hải Dương) cơ bản kiểm soát rất tốt. Thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) tiếp giáp TP. Chí Linh đã xin chủ trương, xét nghiệm diện rộng các đối tượng nguy cơ thì sẽ kiểm soát được. Tình hình dịch bệnh ở Hà Nội, đến giờ phút này cũng kiểm soát tốt, chiều nay có 1 ca nhiễm mới thuộc diện F1. Và với tình hình Gia Lai vừa báo cáo, có thể nói đến giờ phút này chúng ta đã cơ bản không chế được dịch bệnh. Niềm mong mỏi, hy vọng của người dân có một cái Tết yên bình ngày càng đến gần”, Phó Thủ tướng nói.

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top