Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 8 tháng 4 năm 2017 | 10:45

Giải pháp sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu: Áp dụng các mô hình xen canh

Đẩy mạnh tái canh, áp dụng mô hình tưới tiết kiệm, trồng xen cây che bóng, cây ăn quả trong vườn cà phê là những giải pháp được chuyên gia khuyến cáo nông dân áp dụng để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay.

Trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê cho lợi ích kép.

Tác động của BĐKH ngày càng rõ nét

Hiện, tổng diện tích cà phê cả nước đạt trên 643.000ha, trong đó, Tây Nguyên, vùng trọng điểm trồng cà phê chiếm khoảng 540.000ha (tương đương  84% diện tích cà phê cả nước), vượt rất xa so với quy hoạch đến năm 2020.

Tuy nhiên, theo TS.Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sản xuất cà phê của Việt Nam thiếu tính bền vững do quy mô sản xuất nhỏ, cà phê nông hộ chiếm 84,8-89,7% tổng diện tích, trong đó 63% số hộ có diện tích dưới 1ha/hộ; cơ cấu giống chưa hợp lý, diện tích cà phê vối chiếm 92,9%; việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật chưa đồng đều, kỹ thuật canh tác chưa hợp lý, bón phân không cân đối, lạm dụng thuốc BVTV, tưới nước quá mức làm ảnh hưởng đến độ phì của đất, gây ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn nước.

Đặc biệt, tác động xấu của BĐKH như: mưa gió thất thường, hạn hán kéo dài, sự sụt giảm mực nước ngầm tác động ngày càng nặng nề đối với ngành cà phê. Chỉ tính riêng năm 2016, ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán kéo dài đã gây thiệt hại trên 116.000ha cà phê vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, trong đó có khoảng 6.854ha bị mất trắng. Mùa khô năm 2017, từ tháng 1 đến tháng 2 có nhiều cơn mưa trái mùa đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình ra hoa, đậu quả của cây cà phê. Đã có 15 - 20% diện tích trong tổng số 580.551ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ bung hoa sớm, trong đó 50-70% số hoa bị hư, không đậu quả”, ông Khởi nói.

Đồng quan điểm này, TS.Trương Hồng, Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho rằng, BĐKH đang tác động tiêu cực đến quá trình canh tác cà phê. Cụ thể, sự thay đổi nhiệt độ không khí theo chiều hướng tăng dần làm cho cây cà phê dễ ra hoa sớm. Trong điều kiện hiện nay, vào mùa mưa, đặc biệt vào các tháng 7, 8, 9 chỉ cần có khoảng thời gian từ 7 - 15 ngày trời không có mưa và nhiệt độ cao khoảng 30 - 35độ C thì cây cà phê có thể tiến hành phân hóa mầm hoa, tăng trưởng mầm hoa và hình thành nụ hoa và khi gặp những cơn mưa trở lại (khoảng từ 3mm trở lên) thì hoa cà phê sẽ nở.

Chọn giống có khả năng thích ứng

Trước những diễn biến bất thường của BĐKH, theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), mục tiêu trong những năm tới là xây dựng ngành cà phê Việt Nam theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, có tính cạnh tranh cao với các sản phẩm đa dạng, có chất lượng. Ổn định diện tích 600.000ha, trong đó 80% diện tích áp dụng quy trình sản xuất bền vững.

Để đạt được mục tiêu này, Cục Trồng trọt khuyến cáo cần nghiên cứu và đưa vào sản xuất những giống chín muộn để tránh rủi ro do mùa mưa chấm dứt muộn; giống có khả năng thích ứng với điều kiện bất thuận của BĐKH (như khô hạn, mưa trái mùa).

 Tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống cà phê trên địa bàn, gắn với cơ cấu giống đã ban hành, đảm bảo việc tái canh, ghép cải tạo sử dụng 100% giống theo quy định. Chấm dứt tình trạng sản xuất kinh doanh giống không đảm bảo yêu cầu. Nâng diện tích cà phê chè Arabica ở những vùng có điều kiện.

Đẩy mạnh tái canh, ghép cải tạo cà phê bằng giống mới với độ đồng đều cao để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế; thực hiện tốt đề án tái canh, phấn đấu đến năm 2020, các tỉnh vùng Tây Nguyên thực hiện hoàn thành 120.000ha, trong đó, tái canh 90.000ha, ghép cải tạo 30.000ha.

Mở rộng diện tích tưới nước tiết kiệm. Hiện nay tưới nước cho cà phê còn tồn tại nhiều bất cập, gây thiếu hụt nguồn nước, suy thoái môi trường nghiêm trọng. Theo các nhà khoa học, chỉ cần tưới 380-400 lít/cây/lần là đáp ứng đủ nhu cầu nước cho cà phê ra hoa, đậu trái. Phấn đấu đến năm 2020, 95% diện tích cà phê ở Tây Nguyên được tưới nước, trong đó 180.000ha áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm.

Tăng cường trồng cây che bóng, chắn gió đảm bảo cho vườn cà phê sinh trưởng phát triển tốt, ổn định, lâu dài; đến nay Tây Nguyên mới có 17,6% diện tích cà phê có trồng cây che bóng, cây chắn gió, làm tăng bốc thoát nước dẫn đến tăng số lần tưới và chi phí tưới. Trồng xen các cây như hồ tiêu, bơ, sầu riêng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế và giảm nguy cơ khi có rủi ro có thể xảy ra; mặt khác, những cây này che bóng, chắn gió tốt cho vườn cà phê.

Gắn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật với tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, hình thành nền nông nghiệp mới; kết hợp tốt quy trình tái canh cà phê vối với tổng kết kinh nghiệm có hiệu quả để nhân rộng trong sản xuất. Hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chí hiệu quả, mọi hoạt động phải nhằm mục đích giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng như canh tác theo GAP, sử dụng giống mới, bón phân cân đối, phun thuốc bảo vệ thực vật theo 4 đúng, thu hái cà phê khi đã chín, trồng cây che bóng (đa dụng), trồng xen.

Kiểm tra mô hình trồng xen cây bơ trong vườn cà phê của gia đình anh Phạm Văn Bình (phải) ở thôn Tân Lập, xã Ea Kpam (Cư M’gar - Đắk Lắk).  Ảnh: Nguyễn Xuân.

Hiệu quả từ thực tiễn

Theo ông Mai Minh Tuấn (Trung tâm Khuyến nông Gia Lai), trên thực tế, nông dân Gia Lai đang được khuyến cáo thực hiện nhiều mô hình trồng xen cây che bóng trong vườn cà phê, cho hiệu quả cao.

Điển hình như trồng xen cây bời lời đỏ trong vườn cà phê. Ở mô hình này, cây bời lời đỏ thường được trồng xen giữa trên lối đi giữa các hàng cà phê, cứ hai hàng cà phê có một hàng bời lời đỏ với mật độ trồng bằng 50% so với trồng thuần (500 cây/ha). Với một cây bời lời đỏ, sau 4 năm cho thu hoạch bán sản phẩm (vỏ, thân, cành, lá) khoảng 100.000 đồng/cây, 500 cây cho thu nhập 50 triệu đồng, tính ra mỗi năm cho thu nhập thêm 10 triệu đồng/ha.

Mô hình thứ hai là trồng xen hồ tiêu bằng trụ cây sống. Ở mô hình này cũng có nhiều cách trồng khác nhau. Có nơi trồng trên luống đi giữa hàng cà phê, mật độ trồng hồ tiêu tương đương mật độ trồng cà phê; có nơi trồng xen 1 hàng cà phê 1 hàng hồ tiêu (50% cây cà phê, 50% trụ hồ tiêu) và cũng có nhiều loại cây làm trụ sống được trồng như: Keo dậu, lồng mức, núc nác rừng, bông gòn, hông, muồng đen, xoan…

Tuy nhiên, xu hướng hiện nay là nông dân trồng theo hình thức 3 hàng cà phê 1 hàng hồ tiêu (75% cây cà phê, 25% trụ tiêu) với khoảng cách trồng cho cả hai loại cây này là 3m x 3m và loài cây được trồng làm trụ sống là cây keo dậu và cây núc nác rừng.

Việc trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê cũng đã được đưa vào từ nhiều năm trước với cây trồng được khuyến khích là các cây ăn quả (sầu riêng, bơ) sau này có phát triển thêm cây mắc ca.

Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cà phê bền vững tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề: “Canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu” vừa được tổ chức tại Gia Lai, ông Phan Thế Anh ở xã Bàu Cạn (Chư Prông - Gia Lai) cho biết, sau khi được thăm quan một vài mô hình trồng cà phê có cây che bóng, gia đình ông cũng đã trồng muồng đen quanh bờ lô, còn trong vườn thì trồng xen cây ăn quả là các giống bơ chín muộn. Việc trồng xen cây muồng và cây bơ khiến ong về khá nhiều, có lợi cho sự thụ phấn của hoa cà phê.

Ngoài ra, để tăng hiệu quả của phân bón, ông Anh còn cào lá rụng tự nhiên dưới gốc, cuốc rãnh, rải phân rồi mới lấp đất, lấp lá lại nhằm hạn chế sự bay hơi của phân và áp dụng quy tắc phun thuốc tối thiểu: Cây nào bị các loại bệnh gỉ sắt, đốm mắt cua, nấm hồng… trị nhiều năm không được thì chủ động ghép cải tạo hoặc nhổ bỏ để trồng cây khác.

Sau khi thu hoạch cà phê, gia đình không làm cành triệt để mà thì làm tối thiểu. Tức là chỉ cắt bỏ những cành sâu bệnh, những cành nhánh đã khô không còn cho quả năm sau; còn những cành sẽ phát sinh chồi mới để cho quả năm tiếp theo thì không cắt ngay vì vào thời điểm sau thu hoạch thường có gió rất nhiều, nếu bấm cành sớm có thể làm cho cành bị khô dần từ ngoài vào trong và làm khô toàn bộ cành. Với những cành này, chỉ cắt phần không cho quả sau khi đã tưới đợt 1 hoặc đợt 2 khi mà đã phát sinh chồi cành mới được 1-2 cặp lá hoàn chỉnh.

Ông Anh còn lắp đặt hệ thống ống tưới xương cá ở dưới đất để chủ động nước tưới trong lúc bón phân ngay cả trong mùa mưa nếu trời không mưa hoặc mưa không đủ. Để biết được lượng mưa đã đủ chưa thì nhận biết bằng cách dùng lon sữa nhỏ đặt ở nơi trống, nếu nước trên 2/3 lon thì lượng mưa tương đương với lượng tưới 400 lít/cây. Nếu bón phân mà mưa không đủ thì hôm sau sẽ kéo ống để tưới đuổi khoảng 100 - 200 lít/cây.

Điều đặc biệt là, thay vì bán cà phê tươi, gia đình ông Anh đã phơi và thuê máy xay vỏ cà phê ở nhà để lấy vỏ cà phê làm phân hữu cơ. Vỏ cà phê được ủ theo đúng quy trình để phân hủy hoàn toàn và hạn chế mất dinh dưỡng. Nhờ áp dụng quy trình canh tác bền vững, gia đình ông Anh có nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm.

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas trao chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng đầu tiên lớn nhất ở Việt Nam và thế giới.

  • “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    Trải rộng cả một vùng đất đỏ bazan gần 100 ha là màu xanh của riềng đỏ, loại cây dễ trồng, dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tiêu chí tổ chức sản xuất và thu nhập của xã nông thôn mới Công Liêm (Nông Cống - Thanh Hóa).

  • Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top