Việt Nam được đánh giá là đang ở thời kỳ dân số vàng, nhưng chất lượng nguồn nhân lực hiện vẫn là thách thức cho sự phát triển...
Tỷ lệ sinh không đồng đều
Theo kết quả sơ bộ của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, dân số Việt Nam hiện là 96,2 triệu người, tăng thêm 10,4 triệu người sau 10 năm. Việt Nam trở thành nước đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 khu vực.
Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế): Mặc dù Việt Nam đã khống chế được tốc độ gia tăng dân số nhanh, nhưng do mức sinh cao trong quá khứ nên quy mô dân số chưa ổn định và tiếp tục tăng. Trong 10 năm qua, quy mô dân số nước ta tăng thêm 10,4 triệu người, tương đương với 10 tỉnh có dân số trung bình.
Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động lớn hơn tỷ lệ người trong độ tuổi phụ thuộc. Đây là cơ hội gần như chỉ đến một lần ở mỗi quốc gia trên thế giới, là cơ hội lớn để phát triển đất nước nếu tận dụng tốt. Nhìn sang các nước, có thể thấy Trung Quốc hay Hàn Quốc đã tận dụng tốt cơ hội này để vươn lên thành các cường quốc trên thế giới.
Tuy nhiên, dân số Việt Nam hiện tại có thực sự là “vàng”? Khi mà lợi thế được nhắc đến nhiều nhất của chúng ta là “nhân lực giá rẻ”, còn năng suất lao động thuộc hàng thấp nhất trong khu vực. Và vùng có mức sinh cao nhất lại rơi vào vùng kém phát triển (hầu hết các tỉnh thuộc trung du và miền núi phía Bắc có mức sinh cao nhất, từ 2,5 con/ phụ nữ tuổi sinh đẻ; tỉnh có mức sinh cao nhất là Lai Châu, 3,11 con). Trong khi đó, đầu tàu kinh tế của cả nước là TP. HCM chỉ có mức sinh 1,45, hay Bà Rịa - Vũng Tàu là 1,56 con.
Chất lượng lao động thấp
Theo kết quả điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê, đến hết quý 3/2019, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 55,7 triệu người, lao động từ 15 đến 59 tuổi đạt 49,1 triệu người, chiếm 88,2% lực lượng lao động.
Từ kết quả này cùng với nhiều phân tích khác, TS. Lê Thị Phương Mai, chuyên gia Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA), đánh giá, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, nếu tận dụng tốt, họ có thể đóng góp vào việc tăng trưởng kinh tế, mở rộng đầu tư vào xã hội.
Mặc dù vậy, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện vẫn đang là thách thức. Tuy có một lực lượng lao động trẻ dồi dào nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật thấp, chưa đáp ứng cho định hướng phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, chương trình giáo dục - đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tình trạng thất nghiệp cao trong thanh niên, đặc biệt là những người tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng là vấn đề đáng báo động.
Báo cáo chung của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động quốc tế cho thấy, có khoảng 162.000 lao động có bằng cử nhân và thạc sỹ hiện không tìm được việc hoặc phải làm các công việc không đúng với ngành/nghề được đào tạo.
“Điều này cho thấy một lực lượng lao động lớn vẫn còn thiếu kỹ năng và kiến thức để đáp ứng yêu cầu của thị trường, cộng với năng suất lao động thấp, khiến nền kinh tế rơi vào bẫy với các hoạt động giá trị thấp và tỷ lệ tăng trưởng thấp”, chuyên gia UNFPA cảnh báo.
Thừa nhận còn tồn tại những thực tế trên, TS. Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cũng chỉ ra một điểm rất đáng lưu ý khác là, việc chuyển dịch cơ cấu lao động theo các nhóm nghề, nhất là lao động giản đơn hiện nay giảm rất chậm, từ 39% (năm 2009) xuống còn 36% (năm 2018).
Trong 10 năm nhưng chỉ giảm được 3%, tức là trong suốt một thời gian dài chuyển dịch cơ cấu lao động theo nhóm nghề không nhiều, nền kinh tế gần như vẫn giữ nguyên cơ cấu sử dụng lao động giá rẻ.
Ở các nước trong khu vực, sự phù hợp giữa bằng cấp, trình độ và việc làm ngày càng thu hẹp thì ở Việt Nam xu hướng này lại giãn ra. Thực tế này khiến Việt Nam chưa giảm được bất cập đào tạo với yêu cầu của nhà tuyển dụng, cùng với thiếu lao lao động lành nghề, các nhóm có chuyên môn kỹ thuật, nhà quản lý, đổi mới sáng tạo, trong khi đây là những nhóm có khả năng dẫn dắt nền kinh tế.
Bà Lê Thị Phương Mai nhấn mạnh, cơ hội dân số vàng chỉ đến một lần, dự kiến với Việt Nam sẽ kéo dài đến năm 2041. Do đó, để tận dụng được nguồn nhân lực, cần có một chính sách quản trị thị trường lao động tốt.
Chuyển từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển
Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nêu rõ: “Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”.
Ông Nguyễn Doãn Tú cho rằng: Để nâng cao chất lượng dân số theo các mục tiêu của Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới, chúng ta cần cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đến tuyến cơ sở để đáp ứng đầy đủ nhu cầu, thuận tiện với chất lượng ngày càng cao. Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng bằng việc mở rộng, nâng cao hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Đánh giá, xếp hạng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, trong đó lấy tỉ lệ học viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp với nghề được đào tạo là tiêu chí chủ yếu.
Đẩy mạnh chương trình tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị, tăng thời gian sử dụng lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường xuất khẩu lao động. Duy trì, củng cố thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, mở rộng xuất khẩu lao động sang các thị trường mới…
Phải nâng cao nhận thức
Theo Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thực sự công tác dân số của chúng ta phải được đổi mới rất căn bản, bởi đến giờ này nhận thức của các cấp chính quyền, cộng đồng xã hội, tôi đánh giá là vẫn chưa cao, do đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức.
Phó thủ tướng dẫn chứng: Chúng ta hay nghe điệp khúc việc quán triệt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều được làm tốt, mọi người đã nhận thức đầy đủ, tuy nhiên, kết quả yếu kém chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện. Kết quả chưa tốt thì có nghĩa là chưa nhận thức sâu sắc, bởi vì khi nhận thức sâu sắc thật sự thì người ta sẽ bằng mọi cách trăn trở để có cách làm tốt nhất và sẽ có hiệu quả.
“Nghị quyết trung ương đã ban hành được 2 năm chúng ta cũng chưa có được cơ cấu tổ chức và cơ chế cần thiết để tất cả các bộ, ngành phải phục vụ vẫn chỉ là khoán gọn cho Bộ Y tế, trong Bộ Y tế gần như khoán gọn cho Tổng cục Dân số, và trong Tổng cục Dân số thì gần như công việc cũng chỉ liên quan đến chuyên môn của ngành y tế, có chăng đã phần nào thoát khỏi tư duy kế hoạch hóa gia đình, do đó, năm nay, nhất là sau tháng hành động này, chúng ta phải thay đổi thật sự”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.