Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 6 năm 2021 | 10:49

Đồ ăn vặt trước cổng trường nhiều nguy cơ mất ATTP

Trước mỗi cổng trường học là các cửa hàng bán đồ ăn, uống vặt cả cố định và di động, đối tượng phục vụ chủ yếu là cho học sinh. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao, nhiều vụ ngộ độc xảy ra cho học sinh.

Trước mỗi cổng trường học là các cửa hàng bán đồ ăn, uống vặt cả cố định và di động, đối tượng phục vụ chủ yếu là cho học sinh. Bánh kẹo, nước giải khát, đồ ăn nhanh, sữa chua… đều là những món khoái khẩu, nhưng nguồn gốc xuất xứ những loại đồ ăn, thức uống này thì chỉ có “trời mới biết”. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao, nhiều vụ ngộ độc xảy ra cho học sinh khi sử dụng loại đồ ăn, thức uống này.
 
Ngộ độc thực phẩm đã xảy ra từ đồ ăn trước cổng trường
 
Không khó lắm khi tìm kiếm trên trang Google với từ khóa là ngộ độc từ đồ ăn trước cổng trường, với 7.290.000 kết quả  chỉ trong vòng 0,48 giây. Điều này chứng tỏ những vụ ngộ độc từ đồ ăn, thức uống, được bày bán công khai trước cổng các trường học là rất lớn. Lấy một vài ví dụ đơn cử về việc học sinh sử dụng đồ ăn vặt trước cổng trường bị ngộ độc, để thấy sự nguy hiểm liên quan đến sức khỏe và tính mạng của học sinh.
 
hoc-sinh-da-nang-ngo-doc-5read-only-16186729154231456504740.jpg
Học sinh ở Đà Nẵng ngộ độc do mua đồ ăn trước cổng trường - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
 
Có thể nêu một số vụ điển hình như ngày 18/3/2021, 3 học sinh Trường tiểu học Phú Trạch (Quảng Bình) có dấu hiệu bị ngộ độc một loại kẹo thổi bong bóng mua ở tiệm tạp hóa trước cổng trường.
 
Sau khi sử dụng, các em có dấu hiệu đau đầu, khó thở, buồn nôn, chóng mặt, được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cấp cứu.
 
Sáng 15/3/2019, bảy học sinh lớp 4A trường Tiểu học Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) mua xôi và bánh mì tại hai quán ăn trước cổng trường. Khoảng 10h, các em đau bụng, buồn nôn, được đưa tới Trạm y tế xã Cẩm Thăng kiểm tra.
 
Theo bác sĩ Hoàng Văn Chung, Trạm trưởng Y tế xã Cẩm Thăng, sáng 20 học sinh cùng ăn sáng tại hai quán trên, song chỉ bảy em ngộ độc.
 
Chiều 28/3/2014, 14 học sinh Trường THCS Tam Hòa, TP Biên Hòa (Đồng Nai) được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng Nai cấp cứu do ngộ độc thực phẩm. Tất cả các em đều có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi.
 
Tại bệnh viện, các em cho biết đã ăn bánh tráng trộn của một người bán hàng rong trước cổng trường. Sau khi ăn chừng 5-10 phút thì cảm thấy dấu hiệu như trên, rồi được thầy cô đưa vào cấp cứu.
 
Trước đó, ngày 7/11/2008, Bệnh viện Thủ Đức, TP.HCM tiếp nhận 51 ca ngộ độc thực phẩm do ăn xôi trước cổng Trường tiểu học Tam Bình, quận Thủ Đức, trong đó gồm 46 học sinh Trường tiểu học Tam Bình, 3 trẻ nhỏ và 2 phụ huynh đưa con đi học.
 
Đã có những vụ việc đau lòng mà thủ phạm là những món quà vặt gây ra, đơn cử như trường hợp một nữ sinh lớp 7 tại Nghệ An đã tử vong vào tháng 3/2018 sau khi ăn chè tại một quán ăn trước cổng trường. Tất cả những vụ việc trên đều có nguyên nhân xuất phát từ việc học sinh ăn, uống những loại đồ ăn vặt trước cổng trường.
 
Kiểm tra thường xuyên hàng quán trước cổng trường
 
Trước thực trạng hàng quán bán đồ ăn vặt ngay cổng trường học, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, cô Trần Thị Thu Hương (hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM) cho biết, nhà  trường kết hợp địa phương nên không có tình trạng hàng rong, hàng ăn vặt trước cổng. Tuy nhiên, ai cũng biết hiện nay có quá nhiều sản phẩm, đồ chơi thiên biến vạn hóa, tiềm ẩn những nguy hiểm, ngộ độc... nên trường, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên phổ biến, tuyên truyền dặn dò các em trong các buổi sinh hoạt, ngoại khóa... để học sinh không mua những đồ ăn, đồ chơi độc hại.
 
e7-1601148230354.jpg
Bán thức ăn nhanh cho học sinh tại cổng trường học tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong ảnh: Xe bán đồ ăn nhanh cho học sinh trên phố Hòa Mã, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN ÐĂNG

 

 
Đối với căng tin, trường ra quy định tuyệt đối không cho bán hàng không nhãn mác, không rõ xuất xứ hoặc xuất xứ không rõ ràng. Vì dịch COVID-19 nên bữa sáng món ăn cũng chỉ là mì ly, mì gói hoặc xúc xích chiên. Tất cả được mua trong siêu thị, nguồn gốc rõ ràng.
 
Cô Đặng Thu Hà (hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Đổng, Q.6, TP.HCM) chia sẻ, nhà trường  tăng chất lượng, đảm bảo cho căngtin và bếp ăn ở trường, ngay từ đầu năm trong cuộc họp với cha mẹ học sinh, trường đã tuyên truyền, phổ biến kết hợp phụ huynh cùng hỗ trợ để các em hạn chế mua thức ăn, đồ chơi trước cổng trường.
 
Còn cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt (hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành, Đà Nẵng) nêu quan điểm, nhà trường sẽ có đoàn kiểm tra gồm chủ tịch công đoàn, y tế, ban thanh tra, phó hiệu trưởng. Có thể kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ. Ngoài ra, còn thông qua sự giám sát của phụ huynh cũng như tổ chức tuyên truyền dưới cờ cho học sinh về các loại đồ chơi nào không nên sử dụng, không an toàn để các em biết mà tránh...
 
Là một phụ huynh Chị Mai Ánh Tuyết (phụ huynh học sinh lớp 3 Trường tiểu học Hòa Bình, Q.1, TP.HCM) mong muốn và tin tưởng căngtin vì ở trong trường nên chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là điều tôi luôn mong muốn.
 
Bằng cách nào đó, chẳng hạn như giám sát kiểm tra, công khai danh sách các mặt hàng bán ở căngtin với phụ huynh, cho phụ huynh được tham quan căngtin, hoặc vào trường được ăn cùng con để cùng cảm nhận, rồi góp ý kịp thời cho căngtin nâng chất lượng lên.
 
Để hạn chế việc học sinh sử dụng đồ ăn vặt, các gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết. Các bậc phụ huynh nên hạn chế việc để con em mình sử dụng đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc, bày bán trước cổng trường. Thay vào đó, chuẩn bị bữa sáng cho con ở nhà, chọn những loại thực phẩm có nhãn mác, được quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu rõ ràng. Đồng thời, cần phải có sự kiểm soát, kiểm tra của các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, có như vậy mỗi ngày đến trường trẻ đến trường mới thực sự “là một ngày vui”.
 
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top