Tại Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2017 tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được thông qua với tên gọi mới: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Dù không có sự tham gia của Mỹ nhưng hiệp định này được kỳ vọng sẽ tạo ra sức bật mới cho các nền kinh tế.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Hố Nai, phường Long Bình (TP.Biên Hòa - Đồng Nai).
CPTPP là hiệp định toàn diện
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các nước đã đạt được thỏa thuận và tên gọi mới của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời ra tuyên bố chung khẳng định các nước TPP đã thống nhất được những vấn đề cốt lõi của hiệp định này theo hướng giữ nguyên nội dung của TPP. Tuy nhiên, thoả thuận cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số nghĩa vụ để bảo đảm cân bằng trong bối cảnh mới.
Về cấu trúc, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết, hiệp định mới sẽ tích hợp TPP, đình chỉ thực hiện 20 điều khoản trong hiệp định ban đầu, bổ sung các quy định về tính hiệu lực, quy trình rút lui, gia nhập, rà soát lại CPTPP trong tương lai. Thỏa thuận có giá trị tương đương TPP 12 và sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được ít nhất 6 nước thông qua.
Các điều khoản bị đình chỉ thuộc nhiều lĩnh vực, từ giải quyết tranh chấp đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ đến điều kiện dự thầu. Bên cạnh đó, có 4 vấn đề sẽ được thống nhất trước thời điểm ký kết hiệp định, trên cơ sở đồng thuận giữa tất cả các bên, để việc tạm hoãn có hiệu lực.
Các bộ trưởng đã nhất trí CPTPP là hiệp định toàn diện, có tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước. Dựa trên tuyên bố này, các trưởng đoàn đàm phán sẽ tiếp tục xử lý một số vấn đề kỹ thuật hiện chưa được sự đồng thuận, cũng như rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết.
Kết quả đạt được tại Đà Nẵng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của 11 nước TPP (không kể Hoa Kỳ) nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực.
Ông Motegi nhận định, việc đàm phán giữa 11 nước đã diễn ra tích cực suốt một năm qua, với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đã đạt thành quả là CPCPP.
“Đây là thông điệp mạnh mẽ đến Mỹ và các nước châu Á - Thái Bình Dương” - ông nhấn mạnh - “Đây là bước quan trọng để có TPP 12 trong tương lai”.
Trả lời câu hỏi về những khó khăn trong việc đàm phán, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, để có TPP, 12 nước đã mất nhiều năm thỏa thuận, xây dựng một hiệp định vừa có tiêu chuẩn rất cao, vừa làm hài lòng tất cả. Vì vậy, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi TPP, các nước đã gặp khó khăn nhất định trong việc đạt đến điểm cân bằng mới. Vấn đề này được phản ánh qua mọi vòng đàm phán.
Tuy nhiên, với CPTPP, ông khẳng định: “Đoạn đường quan trọng nhất chúng ta đã đi qua” và “rất tin tưởng vào tương lai gần”.
Liên quan đến sự khác nhau giữa CPTPP và TPP, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Tên gọi của TPP không chỉ đơn thuần là sự khác biệt của Hiệp định có 12 thành viên (TPP12) với Hiệp định có 11 thành viên (TPP11), mà vấn đề chúng tôi đã thảo luận và thống nhất một quan điểm rất được đánh giá cao của tất cả các quốc gia trong TPP 11 về việc duy trì TPP 11 với chất lượng rất cao, mang tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ là về mở cửa thị trường, thương mại kinh tế,…
Mặc dù trong bối cảnh mới có một quốc gia rút ra khỏi TPP nhưng tất cả các quốc gia đều khẳng định quyết tâm và mong muốn của mình tiếp tục con đường này. Chính vì vậy, tính chất và chất lượng của Hiệp định thể hiện qua 2 từ bổ sung là Toàn diện và Tiến bộ, đó là điều mà tất cả các bộ trưởng TPP đều hướng đến, thống nhất, nhấn mạnh và coi đó là mục tiêu chung cho tính bao trùm của Hiệp định TPP. Vì vậy, tên gọi mới CPTPP đạt được sự đồng thuận rất cao của các bộ trưởng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhất trí với Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng: “Đây không chỉ đơn giản là sự khác biệt giữa 11 thành viên và 12 thành viên như ban đầu. Vấn đề ở đây là chúng tôi đã đạt được sự thống nhất tuyệt đối rằng 11 thành viên phải duy trì một hiệp định với các tiêu chuẩn cao, một hiệp định toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ là thị trường, cải cách thương mại”.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản, so với 8.000 trang tài liệu của thỏa thuận TPP, CPTPP có 20 điều khoản tạm hoãn. Việc “đóng băng” hay treo một số điều khoản của thoả thuận là biện pháp dễ nhất cho các nước vào lúc này để có thể tiếp tục triển khai.
Ông Nguyễn Anh Dương, Phó ban Chính sách vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định, CPTPP vẫn giữ được tinh thần của TPP so với nguyên bản đã cho thấy những nhận thức chung, đồng thuận chung của các quốc gia thành viên TPP.
Theo ông Dương, trong bối cảnh mới, quan điểm chính sách ở không ít quốc gia vẫn ủng hộ thúc đẩy thương mại và đầu tư, song trên cơ sở thoả thuận song phương chứ không phải là các hiệp định đa phương.
Ông Dương cho hay, hiện thực hoá CPTPP là kết quả quan trọng, minh chứng giá trị dài hạn của hội nhập kinh tế đa phương ngay tại châu Á - Thái Bình Dương vốn đang hướng mạnh mẽ tới phát triển bao trùm và liên kết khu vực.
“Cùng với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định CPTPP có thể được xem là bước đi trung gian để hướng tới một sân chơi rộng lớn hơn, cởi mở hơn cho khu vực. Đó là sự chuẩn bị cho sự ra đời của Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP)”, ông Dương nhìn nhận.
CPTPP không chỉ là thương mại
Đó là nhận định của TS.Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM). Theo ông Doanh, CPTPP là thành tựu đáng trân trọng, chúng ta cần ghi nhận nỗ lực của 11 nước thành viên đã vượt qua nhiều khó khăn để đạt được thỏa thuận chung. Không có Mỹ tham gia hiệp định này là thiệt thòi cho Việt Nam, bởi hiện nay, Mỹ chiếm đến 22,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của chúng ta. Mặc dù vậy, CPTPP vẫn rất quan trọng bởi thành viên lớn nhất trong CPTPP hiện nay là Nhật Bản đang có mối quan hệ tốt, bổ sung với Việt Nam. Các quốc gia khác như Canada, Chile… cũng có nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam. Khung pháp luật và các vấn đề CPTPP đề cập là hình mẫu mới, các thỏa thuận trong CPTPP có giá trị vượt ra khỏi khuôn khổ 11 nước thành viên mà là mô hình hiệp định quốc tế cho các hiệp định khác tham khảo, học hỏi. Cuối cùng, không ai nói ra nhưng đều đang hy vọng một ngày nào đó Mỹ sẽ suy nghĩ lại, quay lại hiệp định này.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM thì hy vọng vào sự thay đổi thể chế chính sách. “Tâm lý chung của các DN - nhất là DN ngành dệt may, da giày, thủy sản... - là đặt kỳ vọng vào TPP sẽ được hưởng ưu đãi, tạo thuận lợi hơn trong làm ăn với thị trường Mỹ. Các thị trường còn lại, trừ Nhật, không phải là thị trường chính và thế mạnh của DN Việt. CPTPP đạt thỏa thuận cốt lõi nhưng vẫn chờ quốc hội các nước thông qua. Với CPTPP không có Mỹ, các quốc gia chắc chắn sẽ thỏa thuận lại một số nội dung mà trước đây, trước sức ép từ Mỹ, các nước - trong đó có Việt Nam - miễn cưỡng nhượng bộ.
CPTPP là hiệp định kiểu mới, cùng với việc mở cửa thị trường là hàng loạt vấn đề khác về thể chế, chính sách, hải quan… Vì vậy, DN không chỉ kỳ vọng vào thị trường chung trong khối mà còn hy vọng sự thay đổi thể chế, chính sách sẽ tạo môi trường, điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch hơn”, ông Hưng nói.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Ngãi, Khoa Kinh tế - Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, TPP-11 hay CPTPP đem lại khả năng tự do hóa thương mại, hàng hóa được lưu thông tự do trong khối 11 nước. Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu nhưng thị trường trong nước cũng sẽ cạnh tranh quyết liệt, trong đó có nông sản. Nhiều trường hợp sẽ thất bại ngay trên sân nhà như bò sữa - không có khả năng cạnh tranh với sữa Úc, New Zealand. Nói chung, ngành trồng trọt có nhiều lợi thế, khả năng xuất khẩu nhiều hơn nhưng ngành chăn nuôi rất yếu thế. Tôi cho rằng nông nghiệp Việt Nam sẽ đảo lộn hoàn toàn khi CPTPP có hiệu lực nên cần phải cấu trúc lại toàn bộ và ngày đó sẽ đến rất nhanh.
Điều này sẽ tác động đến nông dân và buộc họ phải thay đổi từ tư duy đến trình độ kỹ thuật, kỹ năng kinh doanh để làm ăn với quốc tế. Nông dân có thể gặp khó khăn nhưng tôi cho rằng nếu đóng cửa bảo hộ cho họ thì Việt Nam sẽ càng tụt hậu. Quan điểm của tôi là ủng hộ mở cửa, cần mở cửa mạnh để Việt Nam hưởng những thành tựu của quốc tế.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế tài chính, khẳng định, CPTPP mặc dù không được như kỳ vọng ban đầu nhưng cũng là bước tiến quan trọng trong bối cảnh còn một số điểm chưa thống nhất giữa các bên và chắc chắn sẽ tác động tích cực đối với hoạt động thương mại, đầu tư của Việt Nam. Hiện chúng ta chưa có tính toán, thống kê nào lượng hóa mức độ tích cực này nhưng theo các chuyên gia Nhật Bản, Việt Nam là một trong một số nước được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định mới này.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), cho rằng, điều quan trọng nhất khi tham gia CPTPP là Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn để trở thành nền kinh tế thị trường hoàn toàn. Khi đó, DN Việt Nam sẽ thoát được những cản trở thương mại mà các nước áp đặt do chưa công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường (như bị áp thuế chống bán phá giá).
“DN thủy sản không trông chờ các hiệp định thương mại tự do để giảm thuế suất vì thực tế, các dòng thuế đã rất thấp, thậm chí 0%. Mong muốn lớn nhất của DN là sự thay đổi thể chế thực sự để đáp ứng yêu cầu hội nhập của bộ máy quản lý nhà nước”, ông Lĩnh nói.
Khánh Nguyên (tổng hợp)
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.