Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 4 năm 2017 | 4:1

Đổi thay trên vùng căn cứ cách mạng

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp trở lại các xã thuộc vùng căn cứ cách mạng của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Sóc Trăng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Giao thông nông thôn ở xã Lâm Tân ngày càng khang trang, rộng rãi.

42 năm sau ngày giải phóng, 25 năm kể từ khi tái lập tỉnh Sóc Trăng, kế thừa sức mạnh “thép” và ý chí cách mạng của vùng quê anh hùng, các địa phương nơi đây đang dần chuyển mình trong công cuộc đổi mới, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân không ngừng nâng lên.

Trong ký ức của nhiều người dân địa phương, những địa danh rừng tràm, rừng lá, Bàu Còn không chỉ là căn cứ địa cách mạng, là minh chứng khẳng định lòng tin, sự chở che của nhân dân đối với Đảng mà còn là nơi phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề từ chiến tranh. Tuy nhiên, những năm qua, nhờ sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, tinh thần đoàn kết, quyết tâm khắc phục khó khăn của người dân địa phương, vùng căn cứ cách mạng đã đổi thay với những cánh đồng lúa bạt ngàn, những con đường trải nhựa, bê tông khang trang, những ngôi nhà mái ngói mọc san sát.

Mỹ Phước “thay da, đổi thịt”

Về thăm xã Mỹ Phước (Mỹ Tú), khu căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Sóc Trăng, đi trên những con lộ bê-tông rộng rãi, chúng tôi cảm nhận, Mỹ Phước hôm nay đã “thay da, đổi thịt”. Những con đường giao thông nông thôn được bê-tông, nhựa hóa, những công trình thủy lợi, chợ, trường học được đầu tư xây dựng khang trang, tạo cho Mỹ Phước một bộ mặt nông thôn mới.

Ông Phạm Minh Kết, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước, cho biết: “Thời gian qua, tuy điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn nhưng nhờ phát huy tốt sức mạnh tổng hợp, tập trung thực hiện chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, đã tạo động lực đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân, góp phần làm cho vùng nông thôn ngày càng khởi sắc”.

Theo đó, Đảng ủy và chính quyền địa phương đã đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hàng năm duy trì diện tích gieo trồng lúa trên 15.000ha, năng suất bình quân trên 5,8 tấn/ha;  xây dựng mô hình cánh đồng mẫu tại các ấp Phước Trường A, Phước Trường B với diện tích 100ha.

Quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo, Mỹ Phước tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn Chương trình 135, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cung ứng nguồn vốn vay đến các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn, đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; đồng thời, thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, gia đình chính sách. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn xã xuống còn 17,1%.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đến nay có 60,5km đường trục xã được nhựa hóa, bê-tông hóa, các tuyến đường liên ấp đều được cứng hóa, trên 97% hộ dân có điện sử dụng, 98,59% hộ dân được dùng nước sạch. Hiện, xã đã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới.

Vui mừng trước diện mạo mới của địa phương, ông Nguyễn Văn Huệ, ấp Phước An A, cho biết: “Là địa phương chịu nhiều hậu quả trong chiến tranh, trước đây, cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm thiếu thốn nhưng với sự năng động, nhạy bén trong lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ và chính quyền địa phương, Mỹ Phước đã vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới, đường giao thông nông thôn được nâng cấp, mở rộng, nhiều tuyến đường ấp đã được chính quyền địa phương, đoàn thể và người dân thắp sáng ánh điện về đêm, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân”.

Lâm Tân cán đích nông thôn mới

Rời xã Mỹ Phước, chúng tôi đến ấp Tân Lộc, xã Lâm Tân (Thạnh Trị), nơi được biết đến với cái tên Bàu Còn trong thời kỳ kháng chiến. Tâm sự với chúng tôi, ông Trần Văn Quý, ấp Tân Lộc, người có hơn 50 năm chứng kiến sự thay đổi của nơi đây, cho biết: “Trong hai cuộc kháng chiến, Lâm Tân là vùng căn cứ cách mạng, bị địch đánh phá ác liệt, chịu đựng bom cày, đạn xới, nhưng với lòng yêu nước, bà con vẫn trung kiên bám trụ, một lòng theo Đảng. Khi hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và chính quyền xã, nhất là từ khi có phong trào xây dựng nông thôn mới, địa phương đã có những bước phát triển vượt bậc, đường, trường, trạm đều có đủ hết, nhờ đó bà con nơi đây tập trung phát triển kinh tế gia đình”.

Ông Dương Quốc Tuấn, Bí thư Chi bộ ấp Tân Lộc, cho biết thêm: “Không chỉ cơ sở hạ tầng được đầu tư, nhờ các chương trình, dự án, vốn vay hỗ trợ mà đời sống người dân trên địa bàn ấp không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm liên tục giảm, đến nay chỉ còn 11,67%. Giờ đây, người dân Tân Lộc không còn lo đến chuyện “ăn no, mặc ấm” mà chỉ nghĩ đến chuyện làm giàu”.

Không chỉ riêng địa danh Bàu Còn, nhiều địa danh như rừng lá (ấp Kiết Nhất A), Vàng Bạc (Tân Nghĩa) cũng chuyển mình xây dựng nông thôn mới. Những cánh đồng hoang hóa, những khu vực nhiễm phèn, mặn ngày nào giờ trở thành cánh đồng lúa đặc sản, là bệ đỡ cho sự phát triển kinh tế của địa phương và là nguồn thu nhập chính của người dân.

Song song với việc vươn lên phát triển kinh tế, Lâm Tân còn nỗ lực xây dựng nông thôn mới. Tuy có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện nhưng nhờ sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, Lâm Tân đã được công nhận xã nông thôn mới vào tháng 9/2015; đồng thời, không ngừng ra sức củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, 95% diện tích trồng lúa đặc sản trên tổng diện tích 3.300ha; đường giao thông nông thôn trong xã được cứng hóa trên 80%, 4 điểm trường đều đạt chuẩn, tỷ lệ người dân có điện sử dụng chiếm trên 99%, tỷ lệ hộ nghèo còn 12,2%.

Theo ông Liêu Sơn Nhì, Chủ tịch UBND xã Lâm Tân, có được những thay đổi ngày hôm nay, ngoài sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, còn có sự đóng góp không nhỏ của người dân địa phương. Điển hình như trong xây dựng nông thôn mới, người dân đóng góp trên 63 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, qua đó góp phần giúp Lâm Tân cán đích nông thôn mới.

Các xã vùng căn cứ cách mạng của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Sóc Trăng đang vững bước trên con đường đổi mới, để xứng đáng với truyền thống của vùng đất cội nguồn cách mạng. Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, với những thành tựu đã đạt về kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương nơi đây sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức xây dựng vùng ngày thêm trù phú và đầy sức sống.

Tấn Phát

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top