Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024  
Thứ ba, ngày 30 tháng 6 năm 2020 | 13:31

Giá thịt lợn “nhảy múa”: Bất lực?

Từ khóa “thịt lợn” đang là tâm điểm thị trường nửa đầu năm nay, khi giá liên tục “nhảy múa” và tăng cao đột biến.

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân là do lo ngại giảm đàn sau đợt dịch tả châu Phi năm 2019, trong khi nhu cầu thịt lợn của người Việt Nam luôn ở mức cao đã đẩy giá tiêu thụ lên cao. Chưa kể, nhu cầu tăng cao giữa mùa dịch, trong khi tái đàn không kịp và đàn lợn nái giảm khiến giá thịt lợn liên tục tăng tại nhiều khu vực.

 

tr22.jpg

Khan hiếm nguồn cung

Trước diễn biến bất thường của giá thịt lợn, trong khi đây là mặt hàng thiết yếu, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều chỉnh giá. Mặc dù vậy, thông tin nguồn cung trên thị trường đến nay chưa có con số cụ thể, và mặt bằng giá đến nay vẫn chưa giảm.

Theo ghi nhận, giá lợn hơi tại miền Bắc hiện dao động trong khoảng 88.000 - 91.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Thái Nguyên, Lào Cai, Ninh Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, giá lợn được thu mua với mức 90.000 - 91.000 đồng/kg. Còn tại Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Tuyên Quang, giá lợn  được thu mua với mức thấp hơn, 88.000 - 89.000 đồng/kg.

Tại miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hiện đang dao động trong khoảng 83.000 - 90.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tại miền Nam dao động trong khoảng 85.000 - 88.000 đồng/kg.

Điều đáng nói, khi quyết định nhập lợn sống về Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT kỳ vọng giá lợn hơi sẽ giảm nhanh và giảm sâu hơn nữa. Thế nhưng, những ngày gần đây, mức giảm đã chững lại, thậm chí có địa phương giá tăng nhẹ trở lại, khoảng 1.000 đồng/kg.

Lý do giá lợn hơi khó giảm sâu, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, bởi nguồn lợn trên thị trường thế giới khan hiếm. Mặt khác, nông dân Thái Lan khi thấy Việt Nam nhập khẩu lợn hơi cũng đẩy giá lên cao để kiếm lời. “Từ chi phí giá thành chăn nuôi 50.000 - 52.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Thái Lan bị đẩy lên thành 62.000 - 63.000 đồng/kg”, ông Phạm Trần Sum, Giám đốc Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức cho biết.

Bên cạnh đó, trong quá trình vận chuyển về đến Việt Nam, chi phí cho mỗi con lợn 100kg bị đội lên khoảng 1,3 - 1,5 triệu đồng, đẩy giá lợn hơi khi nhập về Việt Nam lên khoảng 80.000 - 82.000 đồng/kg, khiến giá lợn hơi trong nước khó giảm sâu.

Các doanh nghiệp nhập khẩu lợn cũng cho rằng, giá lợn khó giảm sâu trong thời gian tới, bởi chăn nuôi lợn theo mô hình khép kín, đảm bảo an toàn sinh học đòi hỏi chi phí cao; tỉ lệ tái đàn đang chậm lại do dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp khiến nguồn cung chưa thể tăng nhanh...

Khó dự báo giá lợn

Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan, rất khó dự báo chính xác giá thịt lợn. Như Vissan, khi làm kế hoạch cho năm 2020 từng dự báo giá thịt đầu năm sẽ ở mức khoảng 85.000-90.000 đồng/kg. Thế nhưng có thời điểm thịt lợn lên mức đỉnh 100.000 đồng/kg.

“Điều đó cho thấy khó có thể đưa ra con số chính xác. Tuy nhiên, dựa trên phân tích thị trường thế giới và dịch bệnh, chúng tôi nhận định, người chăn nuôi còn rất e dè trong việc tái đàn. Có thể đến năm 2021, tình hình mới khả quan hơn.

Do đó, giai đoạn 2020-2021, giá thịt lợn sẽ có những khoảng nhấp nhô nhưng vẫn giữ ở mức cao. Nhiều khả năng giá sẽ giảm nhiệt bắt đầu từ giữa năm 2021, giảm trong năm 2022 và ổn định trong những năm tiếp theo”, ông An dự đoán.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá lợn hơi sẽ khó giảm sâu dưới 80.000 đồng/kg. Hiện lượng lợn nhập chưa về nhiều, trong khi nguồn cung trên thế giới giảm mạnh.

Bất lực?

Bộ Nông nghiệp và PTNT  thừa nhận, nguồn lợn trên thị trường thế giới khan hiếm. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển về Việt Nam với mỗi con lợn 100 kg khoảng 1,3-1,5 triệu đồng, đẩy giá lợn hơi khi nhập về Việt Nam lên khoảng 80.000-82.000 đồng/ kg. Vì vậy, dù nhập lợn sống về, giá lợn hơi trong nước vẫn khó giảm sâu.

Cuối tháng 3, sau rất nhiều lần vận động kêu gọi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường trong cuộc họp với 15 DN chăn nuôi lớn gần như ra “tối hậu thư”, buộc DN phải đưa giá lợn hơi xuất chuồng xuống để chia sẻ với người tiêu dùng, nếu không sẽ rà soát, cắt bỏ các chính sách ưu đãi DN đang được hưởng. Đến ngày 1/4, nhiều DN chăn nuôi đồng loạt ra văn bản thống nhất đưa giá lợn hơi xuất chuồng về mốc 70.000 đồng/kg.

Nhưng phản ứng ngoài thị trường, giá lợn hơi vẫn không ngừng “phi” lên đến 85.000 - 90.000 đồng/kg, cao hơn 15.000 - 20.000 đồng/kg khiến các DN đứng ngồi không yên khi buộc phải bán heo hơi đồng giá đã cam kết với Bộ Nông nghiệp và PTNT. Trên thực tế, nhiều DN lách cam kết này bằng cách thay vì bán lợn hơi ra thị trường thì gia tăng giết mổ để bán thịt lợn mảnh nhằm có lợi nhuận lớn hơn bán lợn hơi.

Vận động DN bán lợn hơi đồng giá 70.000 đồng/kg nhưng không kìm được đà tăng giá lợn, Bộ Nông nghiệp và PTNT thừa nhận tổng số lượng thịt lợn xuất chuồng của 15 DN chăn nuôi lớn chỉ chiếm 35 - 40% là không đủ sức dẫn dắt thị trường. Cách giải thích này như mở đường cho các DN gỡ bỏ cam kết bình ổn giá lợn hơi đã cam kết trước đó.

Cụ thể, ngày 22/5, Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam liên tục điều chỉnh giá lợn hơi từ 70.000 đồng/kg lên 75.000 đồng/kg; đến ngày 24/5, DN này tiếp tục tăng thêm 3.000 đồng/kg và niêm yết giá bán lợn hơi 78.000 đồng/kg.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhận xét về tình trạng này: “DN lãi lớn mà nền kinh tế “không vui nổi”. Bộ Nông nghiệp và PTNT thì báo cáo số liệu sai. Sai từ đầu về số liệu lợn chết vì dịch. Một con lợn nái chết, mất 20 - 25 con giống tái đàn, cũng không tính. Sau giá cao quá lại bảo nguồn cung thiếu".

“Những con số lợi nhuận của các doanh nghiệp phải chăng là những con số “biết nói”, cho thấy văn hóa kinh doanh của DN. Bên cạnh đó là một cơ quan quản lý yếu kém, lúng túng và không có chiến lược dài hạn, chỉ làm việc theo kiểu “giật cục”, thấy thị trường “nóng” là loay hoay làm, chỉ áp mệnh lệnh. Rồi yên ắng đâu vài bữa lại buông đi, tới đâu hay tới đó là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này”, ông Vũ Vinh Phú nhận định.

 

Đăng Quang
Ý kiến bạn đọc
Top