Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 22 tháng 11 năm 2021 | 16:52

Giải bài toán giá vật tư và kết nối nâng cao giá trị nông sản chính vụ

Vụ Đông là vụ sản xuất đặc trưng và quan trọng của các tỉnh phía Bắc. Hầu hết các địa phương đều đã xác định vụ Đông là vụ chính, sản xuất hàng hóa chính với sản phẩm đa dạng, có thị trường tiêu thụ và mang lại giá trị thu nhập cao cho nông dân.

11.jpg
Nông dân xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) tập trung chăm sóc rau vụ đông - xuân 2021-2022, nhằm hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Ảnh: Thanh Bạch

 

Hà Nội: Chủ động giải “bài toán” giá vật tư

Là vụ sản xuất chính trong năm của Hà Nội và khu vực phía Bắc, với diện tích canh tác lên đến hơn 1 triệu héc ta, tuy nhiên, vụ đông - xuân 2021-2022 dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có tình trạng giá vật tư, nguyên liệu sản xuất tăng cao. Nhận diện vấn đề này, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang nỗ lực, chủ động tập trung triển khai các giải pháp ứng phó.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), nhiều năm qua, đông - xuân luôn là vụ sản xuất có sản lượng cao nhất với chi phí thấp nhất. Tuy nhiên, vụ đông - xuân 2021-2022, cả nông dân và doanh nghiệp đều gặp khó khăn khi phải đối mặt với tình trạng giá vật tư, nguyên liệu sản xuất tăng cao.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bồng Mạc (xã Liên Mạc, huyện Mê Linh) Tạ Hồng Lý cho biết: "Với gần 100ha sản xuất cây trồng các loại, ngay từ thời điểm này, chúng tôi đã phải dự trù kinh phí cho việc giá giống, giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Chưa kể, nếu thời tiết bất thường có thể phải tính đến phương án xuống giống 2 lần". Còn Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Hương Ngải (xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất) Nguyễn Đỗ Ban cho hay: "Giá giống rau nhập khẩu đang tăng mạnh, có loại tăng tới 50.000 đồng/ túi loại 100g- 200g; giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cũng tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp".

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới ở thị trường Hà Nội cho thấy, giá vật tư nông nghiệp đang có mức tăng 30-40% so với hồi đầu năm. Cụ thể, phân NPK Lâm Thao có giá 500.000-530.000 đồng/tạ, tăng 20%; phân urê Hà Bắc giá 1.200.000 đồng/tạ, tăng 40%... Theo Giám đốc Marketing Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền Phan Văn Tâm, hiện đang xảy ra tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất phân bón, trong khi giá nguyên liệu phân URE tiếp tục tăng cao, trên thị trường thế giới đã lên tới hơn 1.000 USD/tấn. Việc sản xuất phân hỗn hợp trong nước hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu nên hầu như không thể can thiệp để giảm giá...

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT) Nguyễn Mạnh Phương cho biết, vụ đông - xuân 2021-2022, Hà Nội có diện tích canh tác hơn 103.000ha, trong đó lúa là 82.000ha, còn lại là cây rau màu và cây trồng khác. Với diện tích này, Hà Nội cần hơn 300 tấn giống cây trồng các loại, trong đó chủ yếu là giống lúa với 250 tấn (giống lúa chất lượng cao chiếm trên 90%). Tuy nhiên, hiện lượng giống có bản quyền chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế, còn lại là nguồn giống được trao đổi của người dân. Đáng lo ngại là thời điểm này xảy ra hiện tượng giống đóng bao bì không có nhãn mác cung ứng giữa các đại lý tới người nông dân, gây khó khăn cho việc quản lý…

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT) Vũ Thị Hương nhận định, giá vật tư, nguyên liệu đang làm giảm đáng kể lợi nhuận của người nông dân. Do đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ đẩy mạnh triển khai các mô hình sản xuất giảm chi phí, giảm giá thành và hướng dẫn nông dân thực hiện. Đặc biệt, muốn giảm chi phí "đầu vào", cần giảm chi phí trung gian thông qua việc các hợp tác xã mua trực tiếp sản phẩm, vật tư nông nghiệp từ nhà máy...

Ở điểm nhìn khác, bà Bùi Thị Hồng Hà (Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, giá phân bón trên thị trường thế giới khó có khả năng giảm trong thời gian tới, do đó, các địa phương nên khuyến nghị nông dân tận dụng tối đa các phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại chỗ.

Với góc độ địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, để bảo đảm sản xuất vụ đông - xuân 2021-2022, huyện chủ động tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật gieo trồng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất; đồng thời triển khai các chính sách khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm như: Hỗ trợ chi phí mua giống lúa, phân bón NPK chuyên dùng, thuốc bảo vệ thực vật… cho các diện tích sản xuất lúa VietGAP...  Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng thông tin, huyện sẽ hỗ trợ các hợp tác xã 50% chi phí mua giống rau, ngô, khoai tây; hỗ trợ 30-50% chi phí mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để thực hiện mô hình cơ giới hóa, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, sản xuất lúa vụ đông - xuân 2021-2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nông nghiệp Hà Nội, khi cần giành thắng lợi cả về năng suất, giá trị, lợi nhuận để làm tiền đề cho tăng trưởng của ngành trong năm 2022 và bảo đảm an sinh xã hội. Ngành Nông nghiệp Thủ đô đã và sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai các giải pháp mở rộng diện tích gieo cấy lúa và rau màu chất lượng cao; đẩy mạnh hỗ trợ để giảm chi phí "đầu vào" sản xuất như thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, giống cây trồng… Với những diện tích không chủ động được nguồn nước sẽ thực hiện chuyển đổi, không trồng lúa bằng mọi giá mà chuyển sang rau màu và cây ăn quả ngắn ngày.

Thanh Hóa: Phát triển SX theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững

Để thực hiện mục tiêu tổng giá trị sản xuất vụ đông 2021-2022 đạt 3.375 tỷ đồng, bình quân đạt 75 triệu đồng/ha, tăng 2,1 triệu đồng/ha so với vụ đông 2020-2021, từ đầu vụ sản xuất đến nay, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố đã và đang chỉ đạo bà con nông dân thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

 

245d0203658t45168l0.jpg
Nông dân xã Quảng Yên (Quảng Xương) chăm sóc cây trồng vụ đông.

 

Trên cánh đồng sản xuất vụ đông tập trung rộng hơn 20 ha của làng Đông, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc), thời điểm này, các loại cây trồng vụ đông đã lên xanh tốt. Thực hiện theo định hướng của UBND xã trong sản xuất vụ đông là chủ động, phù hợp, thích nghi và hiệu quả kinh tế, nên nhiều hộ dân đã đưa các loại cây, như: hành, tỏi, xu hào, súp lơ, đậu cove... vào gieo trồng. Đây đều là những loại rau màu có sức tiêu thụ nội địa mạnh. Không chỉ dừng lại ở việc gieo trồng theo định hướng cơ cấu cây trồng, các hộ dân còn đa dạng hóa cây trồng; đồng thời, áp dụng biện pháp xen canh để nâng cao giá trị sản xuất.

Chị Lê Thanh Mai, làng Đông, xã Vĩnh Thịnh, cho biết: Vụ đông năm nay, gia đình chị gieo trồng 2 sào cây rau màu các loại. Để giảm áp lực về thị trường tiêu thụ, đồng thời, nâng cao hiệu quả kinh tế, chị phân thành nhiều luống để sản xuất, mỗi luống trồng một loại cây. Ngoài ra, chị còn thực hiện trồng xen các loại cây với nhau, như: Diện tích trồng hành, tỏi, mồng tơi, trồng xen thêm thì là, rau mùi, hay diện tích trồng cải bắp chưa xòe tán, trồng thêm xà lách. Với cách làm này, không những chủ động được thị trường tiêu thụ mà gần như ngày nào chị cũng có rau để bán, bảo đảm chi tiêu trong gia đình.

Được biết, việc đa dạng hóa cây trồng và trồng xen canh đang là cách làm được thực hiện rộng rãi tại nhiều hộ dân trên địa bàn xã Vĩnh Thịnh. Ông Mai Đình Phương, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thịnh, xã Vĩnh Thịnh, cho biết: Vụ đông năm nay, xã Vĩnh Thịnh gieo trồng 230 ha cây trồng vụ đông các loại; trong đó, diện tích trồng hành, tỏi chiếm gần 50%. Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho diện tích trồng cây vụ đông, thời gian qua, HTX đã phối hợp với UBND xã Vĩnh Thịnh, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho bà con nông dân các biện pháp trồng xen canh. Nhờ biện pháp này mà hiệu quả kinh tế tăng lên khoảng 15 đến 20%. Đơn cử như diện tích trồng hành, tỏi, nếu chỉ độc canh một loại cây, thì 1 ha đạt lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng/ha/vụ, nhưng xen canh thì lợi nhuận tăng thêm khoảng 16 đến 20 triệu đồng/ha/vụ.

Vụ đông 2021-2022, xã Quảng Yên (Quảng Xương) gieo trồng được 110 ha cây trồng các loại. Với lợi thế là xã có truyền thống sản xuất rau an toàn, nên ngoài việc khuyến khích các hộ dân đưa các loại cây trồng hàng hóa vào sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, như: cà chua, dưa chuột, cải củ, cà rốt..., UBND xã đã và đang chủ động đấu mối với các bếp ăn tập thể, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn để cung ứng sản phẩm. Ông Trần Ngọc Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Yên, cho biết: Hiện xã đã đấu mối với 12 bếp ăn tập thể và 2 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn để cung ứng các loại rau, củ an toàn. Việc đưa được sản phẩm vào các bếp ăn tập thể và cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn giúp giá trị sản xuất nâng lên 25% so với việc tiêu thụ đại trà.

Với đặc thù về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, trình độ sản xuất của từng vùng, mỗi địa phương đang lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp để nâng cao giá trị trong sản xuất vụ đông. Năm nay, hầu hết các địa phương đều tiếp tục phát triển sản xuất vụ đông theo định hướng tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao giá trị kinh tế. Do đó, những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh được các địa phương ưu tiên gieo trồng các cây phục vụ chế biến, xuất khẩu, có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đối với diện tích cây rau màu không có liên kết thì đa dạng hóa cây trồng và thực hiện trồng rải vụ nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng vừa thừa, vừa thiếu; đồng thời, gắn với sản xuất an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

ĐBSH: Kết nối tiêu thụ nông sản vụ Đông

Vụ Đông là vụ sản xuất đặc trưng và quan trọng của các tỉnh phía Bắc. Hầu hết các địa phương đều đã xác định vụ Đông là vụ chính, sản xuất hàng hóa chính với sản phẩm đa dạng, có thị trường tiêu thụ và mang lại giá trị thu nhập cao cho nông dân.

Hải Dương là địa phương có cây vụ Đông không những đa dạng, phong phú về chủng loại mà còn đảm bảo chất lượng. Nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu VietGAP, GlobalGAP… đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu với sản lượng lớn như cà rốt, bắp cải, hành, tỏi và một số loại rau khác… đem lại giá trị kinh tế cao.

 

88.jpg
Hải Dương có gần 1.550 ha cà rốt, với sản lượng 75.000 tấn/năm.

 

Đến nay, tỉnh Hải Dương đã gieo trồng được 20.000/21.000 ha cây vụ Đông. Diện tích sản xuất tập trung, quy mô lớn, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhiều cơ sở sản xuất đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, hình thành mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm thúc đẩy đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Điển hình Hải Dương có 6.300 ha hành tỏi, với sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm. 70% tiêu thụ tại các tỉnh trong trong nước, 30% xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc…

Đặc biệt, Hải Dương có gần 1.550 ha cà rốt, với sản lượng 75.000 tấn/năm. Diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP khoảng 500ha. Sau thu hoạch, được sơ chế sạch để tiêu thụ ngay hoạch bảo quản lạnh và sấy khô. Toàn tỉnh có trên 30 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sơ chế cà rốt phục vụ xuất khẩu.

Cà rốt được tiêu thụ trong nước và 90% để xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông… Bên cạnh đó, Hải Dương còn nhiều loại nông sản có tiềm năng xuất khẩu được như: hành tỏi, su hào, bí xanh, bí đỏ với sản phẩm hấp chín cấp đông, sấy khô.

Ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, toàn tỉnh có 201 doanh nghiệp chế biến nông sản có quy mô tương đối lớn và 12.560 cơ sở là các hộ sản xuất cá thể, hợp tác xã… thu gom, sơ chế, sấy khô. Tuy vậy, hiện tại tỷ lệ nông sản qua sơ chế, chế biến trên địa bàn tỉnh còn thấp.

Là một trong những tỉnh cửa ngõ Thủ đô, ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết, Hà Nam sẽ có khoảng 100.000 tấn rau vụ Đông, tập trung chủ yếu su hào, bắp cải, dưa chuột bao tử, bí xanh, bí đỏ, rau ăn lá…

Địa phương có thị trường chủ yếu là Hà Nội. Riêng cây dưa chuột bao tử xuất khẩu đã ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho 6 nhà máy trên địa bàn tỉnh với sản lượng gần 18.000 tấn

Các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Hà Nam cần tiêu thụ từ nay đến Tết Nguyên đán 2022 là rau các loại vụ Đông, quả có múi, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, cá nước ngọt. Thời vụ thu hoạch tập trung các cây trồng vụ Đông cuối tháng 12 đến đầu tháng 1 nên đây là thời điểm cần huy động nhiều doanh nghiệp, đối tác, thương lái tập trung thu mua nông sản cho nông dân.

Có thể tiêu thụ lượng hàng hóa lớn tiêu thụ trên kênh phân phối và xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Diễn Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) cho rằng, các địa phương hiện nay có nguồn hàng lớn nhưng hệ thống sơ chế, chế biến lại đang kém, chưa theo kịp năng lực sản xuất.

Địa phương cần đầu tư hơn trong khẩu sơ chế, đóng gói để doanh nghiệp có thể chỉ việc liên hệ với địa phương, hợp tác xã là có thể tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Bà con đã trồng được sản phẩm nhưng cần có đầu tư sơ chế, đóng gói, thậm chí có thể sấy khô.

Hiện, doanh nghiệp đang tiêu thụ sản phẩm nông sản tại 63 tỉnh thành cho hệ thống siêu thị NutriMart và doanh nghiệp luôn ưu tiên các doanh nghiệp, hợp tác xã nhỏ vừa vừa. Tuy nhiên, hợp tác xã cần xây dựng mô hình sơ chế đóng gói, để bà con có thể đưa hàng đến đó để hoàn thiện sản phẩm.

Trong chiến lược kinh doanh của mình, Vinanutrifood vừa đăng ký 200m2 sàn kinh doanh ở khu vực miễn thuế tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn để phục vụ nhu cầu tìm hiểu hàng mẫu, mua thử của các doanh nhân Trung Quốc sau khi tình hình dịch bệnh được cải thiện. Vinanutrifood mong muốn tiếp cận, kết nối với bà con nông dân để có nguồn hàng chất lượng, phục vụ cho  xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng cho hay,

Ông Trần Phương Minh, Giám đốc ban Thương mại quốc tế, Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Thagri, việc kiểm soát chất lượng từ vùng trồng đến xuất khẩu cần làm tốt hơn. Công ty có thế mạnh về logistics và xuất khẩu. Doanh nghiệp mong muốn kết hợp với hợp tác xã, vùng trồng để giúp bà con hiểu được xu hướng, thị hiếu thị trường để từ đó áp dụng vào sản xuất. Công ty có thể hỗ trợ bà con vận chuyển, bảo quản hàng hóa trong  xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, vụ Đông là vụ quan trọng nhất của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng với sản lượng xấp xỉ 2 triệu tấn, chủ yếu là cây ngắn ngày.

Thứ trưởng hy vọng việc tiêu thụ làm sao để người tiêu dùng được thụ hưởng những sản phẩm chất lượng, người sản xuất được hưởng thành quả xứng đáng. Để giải quyết vấn đề này, cần xây dựng chương trình kết nối nông sản an toàn tới các trang trại, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho các khu công nghiệp./.

 

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Techcombank: Lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ

    Techcombank: Lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ

    Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (“Techcombank” hoặc “Ngân hàng”) công bố kết quả kinh doanh quý 1 năm 2024.

  • Cư dân Ocean City “chơi lớn” chào hè bằng cả một mùa lễ hội

    Cư dân Ocean City “chơi lớn” chào hè bằng cả một mùa lễ hội

    Cư dân Ocean City đã chính thức bước vào một mùa hè sôi động và ngập tràn hứng khởi với Lễ hội “Chào mùa hè 2024” - sự kiện khởi đầu cho một mùa lễ hội náo nhiệt, bùng nổ với loạt sự kiện hấp dẫn, độc đáo và mãn nhãn tại “đại đô thị đáng sống bậc nhất hành tinh”.

  • BAC A BANK ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp vay ngắn hạn

    BAC A BANK ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp vay ngắn hạn

    Hỗ trợ Khách hàng doanh nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội tăng trưởng bằng nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh được bổ sung đầy đủ và kịp thời, giúp phản ứng “nhanh” với môi trường hoạt động thường xuyên biến đổi, Ngân hàng TMCP Bắc Á chính thức triển khai chương trình tín dụng ngắn hạn “Nhận vốn ưu đãi - Đón đầu thời cơ” với tổng hạn mức lên tới 5.000 tỷ đồng.

Top