Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo mô hình kinh tế tập thể giúp nông dân yên tâm sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của sản phẩm, song cần tạo cú huých phát triển để thích ứng hơn trong tình hình mới.
Hưng Yên: Kinh tế tập thể giúp nhau cùng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao
Bắt kịp xu thế đó, những năm gần đây, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích, vận động hội viên liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, góp phần tạo điều kiện để hội viên tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng thêm thu nhập.
Tại thôn Đại Duy, xã Đoàn Đào (Phù Cừ), trước đây nhiều hội viên nông dân đã chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao bởi người dân sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu làm theo kinh nghiệm nên sản phẩm làm ra chất lượng không bảo đảm, tiêu thụ khó khăn, nhiều hộ dân luôn thấp thỏm, lo âu về giá cả và đầu ra cho sản phẩm. Để hội viên nông dân yên tâm sản xuất, năm 2019, được sự tuyên truyền, vận động của Hội nông dân xã, tổ hội trồng hoa thôn Đại Duy được thành lập (nay là Hợp tác xã Đức Thịnh) với 10 thành viên, trong đó có 7 hộ sản xuất, 3 hộ chịu trách nhiệm phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Các thành viên chủ yếu trồng hoa cúc, một số hộ trồng thêm hoa giấy, hoa nhài, hoa hồng và cây cảnh.
Anh Nguyễn Văn Trưởng, Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Đại Duy cho biết: Chi hội đã tuyên truyền, vận động để cán bộ, hội viên nông dân hiểu về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, lợi ích của thành viên khi tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể. Tham gia vào hợp tác xã, các thành viên đã giới thiệu cho nhau địa chỉ có giống tốt, cùng tìm kiếm thị trường, trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, trồng cây giống, chăm sóc đến thời gian thu hoạch… Vì vậy, cây hoa được các thành viên trồng đều phát triển tốt, tỷ lệ sống khi bán cho khách đạt cao. Mỗi sào hoa cúc cho thu nhập trung bình đạt khoảng 40 triệu đồng/vụ.
Bà Phạm Thị Hà, Phó Giám đốc Hợp tác xã Đức Thịnh chia sẻ: Qua thực tế cho thấy, từ khi hợp tác xã được thành lập và đi vào hoạt động đã phát huy được kinh nghiệm của các thành viên trong quá trình sản xuất, mang lại hiệu quả cao hơn so với trước. Chúng tôi được Hội Nông dân hỗ trợ để tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi và tham gia các buổi chuyển giao khoa học, kỹ thuật.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khoái Châu cho biết: Khi tham gia chi hội nghề nghiệp, các thành viên được tham gia các lớp tập huấn về cải tạo ao nuôi, chăm sóc cá giống, cá thịt, thức ăn cho cá, phòng trừ dịch bệnh cho cá... Ngoài ra, một số thành viên được hỗ trợ vay vốn. Nhờ đó, các thành viên đều mở rộng diện tích nuôi thủy sản, năng suất và chất lượng cá thương phẩm được nâng lên rõ rệt, thị trường tiêu thụ sản phẩm được ổn định.
Từ thực tế các mô hình cho thấy kinh tế tập thể giúp nhau cùng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để giúp hội viên nông dân tham gia có hiệu quả vào các mô hình kinh tế tập thể, Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách và lợi ích của hội viên khi tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp; khảo sát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, chủ động hướng dẫn, động viên nông dân liên kết, hợp tác và tham gia vào mô hình kinh tế tập thể. Đồng thời phát hiện, nhân rộng, biểu dương khen thưởng kịp thời các mô hình hoạt động có hiệu quả cao. Tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể, hội viên nông dân được các cấp hội hỗ trợ hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật để có sản phẩm chất lượng tốt, năng suất cao, được vay vốn đầu tư sản xuất; xây dựng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm…
Do vậy, các mô hình sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã vận động, hướng dẫn thành lập và duy trì hoạt động của 57 hợp tác xã, 50 tổ hợp tác, 36 chi hội và 84 tổ hội nghề nghiệp. Với phương thức tổ chức điều hành quản lý gọn nhẹ, linh hoạt nên đa phần các mô hình kinh tế tập thể duy trì hoạt động ổn định và làm ăn có lãi. Để giải bài toán "được mùa, rớt giá", các cấp Hội đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tạo cơ hội để các hội viên liên kết hợp tác, kinh doanh; đồng thời tăng cường vai trò trong tiêu thụ nông sản, ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ "đầu vào", chuyển giao quy trình kỹ thuật, liên kết sản xuất và tìm "đầu ra" cho nông sản.
Nhiều mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả gắn phát triển sản xuất với tiêu thụ sản phẩm như: Hợp tác xã thương mại dịch vụ sản xuất nghệ Đại Hưng (Khoái Châu) liên kết với Công ty TNHH Hoàng Minh Châu (Khoái Châu) tiêu thụ sản phẩm nghệ của thành viên; Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản xã Hạ Lễ (Ân Thi) và Hợp tác xã thủy sản Hưng Phát (Phù Cừ) liên kết với Công ty TNHH Cá sạch Việt Nam (Hà Nội) tiêu thụ cá thương phẩm cho thành viên của hợp tác xã…
Vĩnh Phúc: Tạo cú huých thích ứng với tình hình mới
Đại dịch Covid-19 hoành hành lần này khiến các HTX vốn đã suy yếu từ những đợt dịch trước chưa kịp phục hồi càng khó khăn hơn. Để duy trì hoạt động và phát triển, mỗi HTX phải không ngừng thay đổi, chủ động tìm kiếm các giải pháp tự nâng cao năng lực thích ứng trong tình hình mới. Tuy nhiên, cũng rất cần những cơ chế, chính sách cùng những giải pháp tháo gỡ khó khăn của ngành chức năng để giúp các HTX vượt qua giai đoạn khó khăn.
Sức ảnh hưởng của Covid-19 thật nặng nề, tiềm lực mạnh như HTX rau an toàn Visa, xã Đại Tự (Yên Lạc) thời điểm này cũng gần như ngừng hoạt động.
Bà Lê Thị Thu Hương, đại diện pháp luật của HTX rau an toàn Visa cho biết: “Khi chưa có dịch Covid-19, HTX đã mở rộng được quy mô lên đến hơn 700 ha với trên 70 loại rau, hàng ngày cung cấp ra thị trường gần 8 tấn rau xanh. Đơn vị đã trở thành nhà cung cấp rau cho hệ thống Vinmart tại 7 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, Covid-19 ập đến đã phá bỏ tất cả những nỗ lực, cố gắng của mọi thành viên. Bởi các thị trường chính của công ty bị phong tỏa, giãn cách xã hội nên lượng tiêu thụ gần như số 0.
Sản phẩm làm ra không bán được, nếu cứ tiếp tục sản xuất thì đơn vị sẽ phải đối diện với nguy cơ phá sản. Vì vậy, phải tạm ngừng một thời gian, đợi dịch qua đi sẽ tiếp tục SXKD”.
Cũng gặp những khó khăn tương tự, HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh, xã Vân Hội (Tam Dương) hiện cũng đang phải cắt giảm nhân công, hoạt động sản xuất cầm chừng chỉ còn 30% nhờ kênh phân phối chính của đơn vị hiện nay là bán hàng trực tuyến (online).
Các HTX nêu trên đều sản xuất ra mặt hàng thiết yếu mà còn gặp khó khăn đến vậy, các đơn vị ở nhiều lĩnh vực khác còn khó khăn hơn rất nhiều. Với những khó khăn chung đó, hiện nay, các HTX rất cần một “cú huých” để duy trì sản xuất và phát triển.
Bà Phan Thị Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 750 HTX đăng ký kinh doanh nhưng chỉ có 449 đơn vị hoạt động.
Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức rà soát hoạt động của các HTX.
Chỉ có một số các HTX sản xuất lúa gạo, chăn nuôi lợn và gia cầm, rau xanh là có cơ hội tồn tại do thị trường trong nước vẫn có nhu cầu. Còn phần lớn các HTX trong ngành công nghiệp và dịch vụ, nhất là lĩnh vực du lịch, vận tải đều giảm sản lượng, doanh thu, thậm chí ngừng hoạt động.
Khó khăn chồng chất khó khăn, một số HTX sản xuất rau phục vụ các bếp công nghiệp bị đình trệ. Do ảnh hưởng từ đợt dịch Covid-19 trước, nhiều HTX đã cắt giảm lao động, đến nay muốn tuyển lại lao động cũng gặp khó khăn.
Dịch Covid-19 bùng phát kéo dài, con giống sản xuất ra không tiêu thụ được, đặc biệt là giống gia cầm; trứng gà thương phẩm cũng khó tiêu thụ, trong khi đó, đại đa số HTX hiện nay gần như đã “kiệt” nguồn vốn để tái sản xuất và đầu tư chuồng trại.
Để tháo gỡ khó khăn cho các HTX vượt qua thời điểm khó khăn, Liên minh HTX tỉnh tích cực tham mưu UBND tỉnh đặt hàng, giao nhiệm vụ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Cho phép đơn vị sử dụng phần dư lãi suất của các HTX vay vốn (sau khi đã chi trả lương và các chi phí khác cho hoạt động của quỹ) để bổ sung cho các hoạt động của Liên minh HTX tỉnh như: Xây dựng trang Web quảng bá sản phẩm, hỗ trợ HTX, duy trì hàng năm việc bổ sung, cập nhật thông tin về năng lực, cơ cấu tổ chức, hình thức hoạt động, số lượng HTX thành lập mới, giải thể.
Tạo cơ chế cho đơn vị xây dựng mô hình điểm và chủ trì tìm kiếm, lựa chọn HTX để thực hiện điểm về cơ chế cho vay (thí điểm vượt định mức điều lệ quỹ, Hội đồng quản lý quỹ quyết định).
UBND tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng dẫn thủ tục hỗ trợ các HTX bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; cơ cấu lại hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay.
Liên Minh HTX thực hiện tốt vai trò hỗ trợ, gắn kết, tạo điều kiện cho các HTX phát triển. Xây dựng một số HTX kiểu mới theo chuỗi giá trị sản phẩm bền vững.
Tiếp tục phối hợp với các ngành và địa phương chỉ đạo đổi mới, phát triển HTX và triển khai các văn bản chỉ đạo của tỉnh để có cơ chế chính sách hỗ trợ các HTX.
Kiến nghị với Liên minh HTX Việt Nam có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước.
Hỗ trợ phát triển kết nối thị trường nội bộ giữa các HTX và Hiệp hội doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu.
Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam tạo điều kiện cho các HTX ở Vĩnh Phúc được vay vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Hỗ trợ kinh phí cho các HTX xây dựng thương hiệu và xây dựng trang web để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Thời gian qua, đã có nhiều HTX chủ động thay đổi, thích ứng trong bối cảnh mới như liên kết nhiều HTX lại với nhau để tạo nhóm cùng nhau bán hàng... Tuy nhiên, do các HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực, xuất phát điểm thấp, rất cần các chính sách hỗ trợ riêng biệt.
Khi ban hành chính sách, cần phân loại đối tượng vì riêng HTX nông nghiệp đã có nhiều loại hình hoạt động, ngoài ra còn có các HTX phi nông nghiệp.
Mỗi HTX lại có những đặc thù riêng trong SXKD, do vậy, văn bản hướng dẫn cần cụ thể, chi tiết để HTX có thể tiếp cận được.
Bên cạnh đó là đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến các chính sách và đặc biệt là bố trí ngân sách thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm giúp các HTX duy trì SXKD và phát triển.
Hà Nam: Thay đổi tư duy, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của xã Chuyên Ngoại đã có sự thay đổi tích cực. Nổi bật là xã xây dựng khu chăn nuôi bò sữa tập trung, thu hút 19 hộ xây dựng trang trại, với tổng đàn hiện có hơn 620 con. Chăn nuôi bò sữa phát huy hiệu quả, đem lại giá trị cao khi mỗi con bò cho lãi ròng đạt 3 triệu đồng/tháng từ nguồn sữa tươi, góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
Mô hình trang trại của anh Nguyễn Văn Lập, thôn Điện Biên, xã Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên) đang phát huy tốt hiệu quả. Trên diện tích 6 ha thầu của UBND xã, anh đầu tư nuôi thủy sản, trồng cây, chăn nuôi. Diện tích thủy sản 4 ha được nuôi theo hướng công nghiệp; trong đó, 1 ha áp dụng mô hình nuôi cá tiên tiến bằng biện pháp trải bạt toàn bộ nền ao và xử lý thu gom phân, thức ăn thừa của cá theo công nghệ mới. Sau một năm nuôi thử nghiệm, cá tăng trọng nhanh, cho năng suất lên đến 3 tấn/sào. Sang năm thứ 2 này, anh nuôi chuyên canh cá trắm đen và trắm trắng trên toàn bộ diện tích ao nuôi trải bạt. Cùng với đó, anh còn đầu tư phát triển chăn nuôi 120 con lợn nái và 1.400 lợn thịt/lứa. Với cách làm hiệu quả, giá trị sản xuất trong khu trang trại của anh đạt bình quân hàng tỷ đồng/năm.
Anh Nguyễn Văn Lập chia sẻ: Để nâng cao hiệu quả sản xuất trên đồng ruộng hiện nay cần có sự thay đổi trong cả tư duy, cách làm. Trong đó cần mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới tạo ra sản phẩm hàng hóa bảo đảm cả số lượng và chất lượng. Thực tế, trang trại của tôi hiện nay đang đem lại giá trị vượt trội so với cách làm truyền thống trước đây.
Cùng với chăn nuôi, Chuyên Ngoại còn khai thác tốt thế mạnh nuôi cá lồng trên sông Hồng. Toàn xã hiện có hơn 200 lồng nuôi các loại cá cho giá trị cao, như: cá lăng, chép lai…, cho sản lượng mỗi năm khoảng 1.500 tấn cá các loại. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục coi chăn nuôi lợn là một trong những hướng đi chính của sản xuất nông nghiệp với tổng đàn luôn duy trì khoảng 7.000 con (gần 1.000 lợn nái) giúp bảo đảm nguồn con giống chất lượng cho sản xuất.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất, xã Chuyên Ngoại chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ của HTXDVNN, nhất là dịch vụ thủy nông phục vụ tưới, tiêu cho cả sản xuất lúa và nuôi thủy sản. Trên địa bàn xã đã thành lập được 2 HTX kiểu mới cá lồng sông Hồng và chăn nuôi bò sữa. Các HTX này đều phát huy tốt hoạt động hỗ trợ quá trình sản xuất của các thành viên. Tại HTX chuyên ngành chăn nuôi bò sữa đã hỗ trợ hiệu quả các trang trại thành viên trong việc chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, nhất là bảo đảm chất lượng sữa bò tươi. Đây là một trong những yếu tố để Chuyên Ngoại phát triển tốt đàn bò sữa.
Ông Phạm Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Chuyên Ngoại cho biết: Sản xuất nông nghiệp vẫn được coi là hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế. Do vậy, địa phương khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân phát triển sản xuất.
Năm 2021, xã Chuyên Ngoại đặt ra mục tiêu đưa giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 155,266 tỷ đồng, tăng hơn 21 tỷ đồng so với năm 2020. Để hoàn thành được mục tiêu này, địa phương đã đề ra các giải pháp cụ thể, trọng tâm là tập trung đẩy mạnh thâm canh, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Trong năm nay, xây dựng 2 mô hình cấy lúa bằng máy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay điều khiển từ xa và hướng đến nhân rộng trong những vụ tới giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Cùng với trồng trọt, Chuyên Ngoại tập trung phát huy hơn nữa hiệu quả của chăn nuôi bò sữa, lợn, nuôi trồng thủy sản… Riêng đàn lợn, xã Chuyên Ngoại vừa được nhận 90 con lợn nái hậu bị của 9 hộ tham gia Đề án Phát triển đàn lợn nái ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo phục vụ nhiệm vụ tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2022. Đây là nguồn bổ sung con giống đáng kể để địa phương nâng tổng đàn lợn trong thời gian tới.
Với kết quả đã đạt được và nhiệm vụ, giải pháp đề ra, tin rằng sản xuất nông nghiệp của Chuyên Ngoại sẽ tiếp tục phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến hết năm 2022, xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu./.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.