Vấn đề làm sao cho nông nghiệp ở ĐBSCL sản xuất có hiệu quả, tránh tình cảnh “trúng mùa rớt giá” hay “dội chợ” luôn là bài toán đau đầu của các cấp quản lý và cả nông hộ.
Nhiều năm qua, với sự trợ giúp của các cấp, các ngành, nhà khoa học và cả doanh nghiệp, bà con đồng bằng ở từng lúc, từng nơi bước đầu cũng hình thành được các mô hình sản xuất mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy vậy, thực tế nếu cứ nhân rộng thành phong trào thì coi chừng lại mất giá, “dội chợ”. Với những khó khăn, thách thức mà bà con đang đối mặt, rất cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa của nhà quản lý các cấp, nhà khoa học và doanh nghiệp.
Quy hoạch vùng nuôi chưa ổn định
Cà Mau là tỉnh có mặt giáp biển, trong đó hơn 91% diện tích tự nhiên là đất phèn mặn. Trong những năm qua, tận dụng thực tế này, ngoài mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ở những vùng nước mặn, tỉnh đã chuyển mạnh sang mô hình một vụ lúa một vụ tôm ở những vùng đất bị nhiễm mặn theo mùa với diện tích được gần 54.000 ha.
Mô hình này hiện cho năng suất tôm đạt khoảng 300 kg/ha, năng suất lúa đạt khoảng 7 tấn/ha. Nếu thuận lợi nông hộ cũng cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/ha, gấp nhiều lần trồng lúa.
Hiện nay, tỉnh đang tập trung chuyển dịch mạnh theo mô hình này. Tuy vậy qua thực tế sản xuất ở các nông hộ cho thấy, nuôi tôm theo bất cứ mô hình nào không phải cứ làm là thắng. Bởi nói đến nuôi tôm là vấn đề thủy lợi, khâu chăm sóc, chất lượng con giống, sự thay thổi thất thường của thời tiết mà nhất là dịch bệnh xảy ra liên miên, rất khó đoán định.
Chỉ tính năm ngoái, diện tích tôm nuôi ở Cà Mau bị thiệt hại lên tới 158.000 ha, với hơn 125.000 hộ; ước tính mất gần 500 tỷ đồng. Cái khó của nông hộ nuôi tôm ở Cà Mau hiện nay chính là vấn đề quy hoạch vùng nuôi chưa ổn định, vốn còn ít; việc phòng chống dịch bệnh còn nan giải; việc nhà nước giúp vào hợp tác xã thì tốt nhưng lại thiếu hệ thống thủy lợi, điện cung cấp cho quy mô lớn… Đó là chưa kể việc chế biến tìm thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp gặp khó khăn là tôm có khi cũng ùn ứ.
Cũng như ở Cà Mau, nhiều năm qua, ở các tỉnh không phải ven biển như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, khi thấy lúa không hiệu quả nông dân cũng hình thành việc nuôi cá tra, cá basa và nhiều loại thủy sản nước ngọt khác. Tuy vậy, không phải mọi chuyện lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”, con cá tra thì đôi khi cũng “lên bờ xuống ruộng” vì bị kiện tụng, giá rớt thêm thảm, khiến hầu hết các hộ phải “treo ao”.
Ngay như ở Cần Thơ, mới đây nông dân ở Cờ Đỏ, chuyển mạnh sang nuôi ếch nhưng rồi cũng “khóc ròng” vì ếch vì để nuôi thì lỗ vì ếch ăn khỏe, trong khi giá bán lại dưới giá thành. Hay ngay như một số hộ nuôi bò sữa ở Sóc Trăng cũng khốn đốn vì công ty mua sữa đặt đủ ra các điều kiện khi thu mua khiến bà con cũng ngán ngẩm.
Đó là về chăn nuôi, còn trồng trọt, hàng năm nông hộ trồng lúa thỉnh thoảng vẫn bị thương lái hay chính doanh nghiệp “bẻ kèo” mua với giá thấp khiến bà con lao đao. Trong khi đó hưởng ứng phong trào trồng cây ăn trái theo mô hình Việt Gap hay Lobalgap với nhiều tiêu chuẩn khắt khe, song khi thu hoạch bán thì cũng không hơn giá trồng thông thường nhiều.
Có một sự thật là trong sản xuất nông sản ở ĐBSCL hiện nay, ai cũng nhận thấy là mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ còn quá lỏng lẻo, việc tham gia vào hợp tác xã của bà con nông dân còn ít nên khó nói đến việc sản xuất theo chuỗi.
Lỗi này có từ nhiều phía, theo một vị Bí thư một tỉnh đã nói, Nhà nước tư duy nhiệm kỳ, nông dân tư duy thời vụ, trong khi doanh nghiệp lại tư duy theo thương vụ nên để sản xuất theo một chuỗi, sản xuất lớn thì phải 5- 10 năm mới có hiệu quả.
Chuyển đổi cây trồng từ sản lượng sang chất lượng
Tại Hội nghị về “Phát triển ĐBSCL bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu” do Chính phủ tổ chức mới đây có thể coi là một sự mở lối mới cho ĐBSCL trong tình hình hiện nay.
Hàng trăm tham luận của các nhà quản lý từ trung ương đến địa phương; các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã được trình bày, hiến kế với tính chất như một Hội nghị “Diên hồng” cho ĐBSCL phát triển.
Đặc biệt, từ hội nghị đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm đổi mới toàn diện kể cả tư duy và hành động để ĐBSCL thực sự phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; vươn lên thịnh vượng là những mong muốn lâu nay của người dân châu thổ.
Bà con nơi đây cũng dần “ngộ” ra một điều, càng làm nhiều lúa thì càng nghèo; phải chuyển đổi từ sản lượng sang giá trị; nước mặn, khô hạn đôi khi cũng là tài nguyên… Tuy vậy, vấn đề khó là khi hạn chế trồng lúa, trồng cây gì, nuôi con gì cho có hiệu quả, tránh bấp bênh, rớt giá thì bà con rất lúng túng.
Do vậy đòi hỏi ngay lúc này là sự vào cuộc thực sự gần dân, sát dân hơn nữa của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong việc triển khai các kết luận của Thủ tướng Chính phủ qua hội nghị cũng như các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển ĐBSCL cả trước mắt và lâu dài.
Trong đó, cần các nhà khoa học nghiên cứu cho ra các bộ giống mới, chất lượng cho các loại cây trồng, vật nuôi thích hợp; đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, kháng bệnh tốt. Nhà quản lý các cấp từ tạo cơ chế, chính sách đến cơ sở hạ tầng, thủy lợi, tài chính tín dụng, thị trường, liên doanh liên kết, đào tạo nhân lực có chất lượng cho nông nghiệp nông thôn.
Trong đó trước mắt là quy hoạch, phân vùng cụ thể; hướng dẫn nông hộ theo cách “cầm tay chỉ việc” trong việc nuôi con gì, trồng cây gì; gỡ khó cho bà con khi tiêu thụ bị đình đốn.
Các doanh nghiệp cần tận tâm, thực sự đồng cam cộng khổ với nông dân để khởi nghiệp. Nhà nước, gia đình và toàn xã hội cần kêu gọi, hỗ trợ; tạo điều kiện để thanh niên, trí thức về nông thôn ĐBSCL lập thân, lập nghiệp, làm giàu.
Sự chung tay góp sức này được thể hiện trên thực tiễn sẽ góp phần quyết định đạt mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ nêu ra là đến năm 2050, người dân ĐBSCL có mức thu nhập bình quân đầu người đạt 10.000 USD/người/năm. ĐBSCL sẽ phát triển bền vững, thịnh vượng, xứng tầm là vùng đảm bảo cho an ninh lương thực quốc gia; đầu tàu về sản xuất nông sản của cả nước và tầm quốc tế./.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.