Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 3 tháng 3 năm 2021 | 16:36

NN ĐBSH: Giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Để phát triển chăn nuôi an toàn sinh học một cách bền vững cần hướng tới việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn theo hướng tập trung, quy mô lớn tạo thành chuỗi sản xuất hiệu quả và có đầu ra ổn định.

z23554855713688575a7d64c93dd63cee637bda603f1dbresult_2021030117361.jpg
Chăn nuôi bò thịt an toàn tại nông hộ ở xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên).

 

Hưng Yên: Chăn nuôi an toàn sinh học theo quy trình Vietgahp

Giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh, đem lại nguồn thực phẩm an toàn; giảm hao hụt 20 – 25%; tăng hiệu quả sản xuất 20 – 30%, đó là những lợi ích mà chăn nuôi an toàn sinh học theo quy trình Vietgahp mang lại cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã được ngành chuyên môn đánh giá thực tế trong những năm gần đây. Đây cũng là hướng đi cần thiết để ngành chăn nuôi trong tỉnh phát triển hiệu quả và bền vững hơn.

Theo tổng hợp của phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT, trên địa bàn tỉnh đang có hơn 11 nghìn hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Hiện đang có khoảng 30% số trang trại chăn nuôi và khoảng 15% số hộ chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi Vietgahp vào sản xuất.

Anh Nguyễn Văn Huynh, người chăn nuôi gia cầm an toàn tại xã Đại Tập (Khoái Châu) cho biết: Từ khi áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, dịch bệnh đã không còn xảy ra với gia cầm của gia đình tôi, hao hụt trong quá trình chăn nuôi giảm 20%. Mỗi lứa tôi đều nuôi trên 1 nghìn con gia cầm, ghi chép đầy đủ từ việc nhập giống, mua thức ăn, sử dụng vắc xin, quá trình chăn nuôi đến khi xuất bán. Người nhập gia cầm thương phẩm hoàn toàn có thể kiểm tra được quá trình sản xuất, yên tâm khi tiêu thụ sản phẩm.

Từ khi áp dụng quy trình Vietgahp đối với chăn nuôi lợn, ông Cao Văn Sơn ở xã Long Hưng (Văn Giang) đã đạt được hiệu quả cao hơn trong sản xuất. Ông Sơn chia sẻ, trong thời điểm bùng phát bệnh dịch tả lợn Châu Phi, trang trại của gia đình ông chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học nên không bị thiệt hại, duy trì được sản xuất.

Thực tế tại trang trại của gia đình ông Sơn cho thấy việc thực hiện nghiêm ngặt các bước bảo đảm an toàn cho trang trại, cho vật nuôi đã đem lại hiệu quả bền vững. Hệ thống thu gom chất thải hoạt động hiệu quả, hệ thống khử trùng tự động liên tục. Người lạ tuyệt đối không được tiếp xúc với môi trường chăn nuôi trong trang trại, người chăn nuôi làm việc liên tục trong trang trại suốt cả tuần, mỗi khi có việc ra ngoài đều phải thực hiện khử trùng 3 lần.

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Chăn nuôi theo quy trình Vietgahp là hướng đi cần thiết để bảo đảm hoạt động chăn nuôi mang lại hiệu quả bền vững, đem lại lợi ích cho cộng đồng. Mỗi năm, phòng Chăn nuôi phối hợp với đơn vị chuyên môn và các địa phương tổ chức tập huấn về quy trình chăn nuôi an toàn cho trên 1 nghìn lượt người. Đồng thời, liên tục nhiều năm trở lại đây, tỉnh thực hiện hiệu quả nhiều dự án, đề án để khuyến khích, nhân rộng chăn nuôi theo quy trình Vietgahp đối với các loại vật nuôi chủ đạo như: Lợn, bò, gà; mỗi năm có thêm gần 100 hộ chăn nuôi được hỗ trợ về con giống, thức ăn và quy trình sản xuất an toàn.

Tuy nhiên, để phát triển chăn nuôi an toàn sinh học một cách bền vững cần hướng tới việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn theo hướng tập trung, quy mô lớn. Bởi theo các quy định mới của Luật Chăn nuôi, người chăn nuôi không chỉ phải thực hiện các biện pháp an toàn trong sản xuất mà còn phải đáp ứng yêu cầu về khoảng cách khu sản xuất với khu vực dân cư.

Khó khăn trong thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn trên địa bàn tỉnh hiện nay là đa phần chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư và 60% số trang trại vẫn nằm trong khu vực dân cư. Mặt khác, nhiều hộ chăn nuôi chưa tích cực tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Việc đầu tư quy trình Vietgahp đòi hỏi vốn lớn để xây dựng chuồng trại khép kín và xử lý chất thải, trong khi chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh còn hạn chế, ảnh hưởng đến giá cả, tiêu thụ sản phẩm.

Để phát triển chăn nuôi theo quy trình Vietgahp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, hoạt động chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư và bảo đảm an toàn cần tiếp tục được ưu tiên, nhân rộng. Một mặt tạo điều kiện để người dân vay vốn xây dựng chuồng trại khép kín; thúc đẩy xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi an toàn; tạo điều kiện cho nông dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, mặt khác sớm loại bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, từng bước xây dựng các vùng chăn nuôi theo hướng tập trung, có khả năng bảo đảm các quy trình kỹ thuật, vệ sinh thú y, phù hợp với xu thế phát triển của chăn nuôi hiện đại, đồng thời mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Thanh Hóa: Tái đàn gia súc, gia cầm sau Tết Nguyên đán

Sau Tết Nguyên đán, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh giảm nhiều do đã được xuất bán để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, tái đàn sau Tết Nguyên đán là việc quan trọng giúp chăn nuôi khôi phục sản xuất.

176d5204508t46708l0.jpg
Trang trại chăn nuôi của gia đình anh Lê Văn Nhất, xã Định Hòa (Yên Định).

 

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thời tiết chuyển mùa, khiến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp nên người chăn nuôi cần thận trọng trong việc tái đàn và chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, trang trại của gia đình anh Lê Văn Nhất, xã Định Hòa (Yên Định) đã xuất bán khoảng 15.000 con gà, chiếm 50% tổng đàn. Ngay sau khi xuất bán, để chuẩn bị các điều kiện cho việc tái đàn, anh Nhất đã thuê nhân công để vệ sinh hệ thống chuồng trại.

Anh Nhất cho biết: “Việc tái đàn thường được tập trung khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3, đây là thời điểm giao mùa, các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát triển nên ngoài việc nhanh chóng ổn định, khôi phục đàn vật nuôi thì cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh”.

Theo đó, đối với hệ thống chuồng trại, anh Nhất thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xới lớp độn chuồng và xử lý chất thải theo đúng quy định. Khơi thông cống rãnh, tránh để ẩm ướt; toàn bộ nền chuồng, sàn, tường, sử dụng vòi tăng áp bơm nước rửa sạch nền, vách tường, chuồng nuôi,... hạn chế tối đa điều kiện để phát sinh dịch bệnh.

Đồng thời, sử dụng hóa chất và vôi bột để vệ sinh chuồng trại trước khi đưa con giống vào nuôi, vệ sinh sạch sẽ các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi. Đối với con giống, cần kiểm tra giấy tờ kiểm định chất lượng để bảo đảm con giống khỏe, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi bệnh trước khi cho nhập đàn.

Năm 2021, toàn tỉnh đề ra mục tiêu tổng đàn lợn đạt 1.185 triệu con, đàn bò 256 nghìn con, đàn gia cầm 23 triệu con... Để thực hiện được mục tiêu này, cùng với ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương đang chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Ông Mai Thế Sang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, cho biết: Trước, trong và sau Tết Nguyên đán, người dân cần duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm nguồn con giống có chất lượng phục vụ nhu cầu tái đàn khi thị trường ổn định. Trước khi thực hiện tái đàn, tăng quy mô chăn nuôi, người chăn nuôi cần tìm hiểu thông tin về dự báo và diễn biến thị trường, về lượng cung cầu, nơi tiêu thụ sản phẩm để đầu tư số lượng đàn sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế, tránh tình trạng tái đàn ồ ạt.

Bên cạnh đó, các địa phương cần hướng dẫn người dân áp dụng nghiêm ngặt các phương pháp vệ sinh sau khi con nuôi xuất bán thực hiện tiêu độc, khử trùng bằng các loại hóa chất như vôi bột, dung dịch sát khuẩn... chuồng nuôi và khu vực xung quanh chuồng nhằm tiêu diệt mầm bệnh lây lan.

Đồng thời, khi nhập giống gia súc, gia cầm từ ngoài tỉnh cần kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ, xác nhận giống đã được cơ quan thú y kiểm dịch, không nhập con giống không rõ nguồn gốc hay con giống ở vùng có dịch để tránh thiệt hại và ảnh hưởng tới an toàn dịch bệnh trên địa bàn. Đối với gia súc, gia cầm non cần chú ý sưởi ấm, nhất là vào ban đêm, có thể sử dụng bóng điện, bóng hồng ngoại,... bổ sung thêm chất độn chuồng như trấu, mùn cưa, rơm rạ,... để giữ ấm. Cung cấp thức ăn, nước uống sạch sẽ, khẩu phần ăn bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng; vào những thời điểm thời tiết thay đổi đột ngột thì cần bổ sung vitamin, men tiêu hóa,... để nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm.

Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các địa phương cũng cần tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi tiêm phòng vắc-xin; phát triển các mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hà Nội: Hơn 41.000 công trình hầm biogas được đưa vào sử dụng

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi tại vùng nông thôn, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các địa phương đưa vào sử dụng hơn 41.000 công trình hầm biogas.

 

hinh-3-mo-hinh-biogas-2.jpg
Ảnh minh họa.

 

Hiện, toàn thành phố có 75% số trại chăn nuôi bò sữa, 44% số trại chăn nuôi bò thịt, 95% số trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư đã sử dụng hầm biogas; 65% số trại chăn nuôi bò sữa, 28% số trại chăn nuôi bò thịt, 29% số trại chăn nuôi lợn và 34% số trại chăn nuôi gà sử dụng chế phẩm xử lý môi trường trong chăn nuôi.

Ngoài ra, các hộ chăn nuôi đã đưa chế phẩm vi sinh EM vào lĩnh vực xử lý môi trường và đệm lót sinh học trong chăn nuôi, góp phần giảm 80-90% mùi hôi thối của chuồng nuôi, tăng khả năng kháng bệnh cho vật nuôi.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, để nhân rộng mô hình chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, Sở đã đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất.../.

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Techcombank được vinh danh về đổi mới sáng tạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2024

    Techcombank được vinh danh về đổi mới sáng tạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2024

    Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (“Techcombank”) là đại diện ngân hàng duy nhất tại Việt Nam được tôn vinh 2 giải thưởng lớn tại hạng mục đổi mới sáng tạo lĩnh vực thương hiệu và tiếp thị của Stevie Awards châu Á-Thái Bình Dương.

  • Bảo chứng vàng cho tiềm năng tăng trưởng đột phá của Vincom Shophouse Diamond Legacy

    Bảo chứng vàng cho tiềm năng tăng trưởng đột phá của Vincom Shophouse Diamond Legacy

    Các shophouse ở vị trí trung tâm, tọa lạc tại những nơi có hạ tầng hoàn chỉnh, kết hợp với mô hình tổ hợp thương mại – giải trí hiện đại… là yếu tố tạo nên sức hút bền bỉ theo thời gian cho loại hình kinh doanh shophouse, đồng thời là bệ phóng gia tăng giá trị BĐS mà các nhà đầu tư sành sỏi luôn nhắm đến.

  • Bất động sản ven sông Đà Nẵng: Đã có những "mảnh ghép" xứng tầm

    Bất động sản ven sông Đà Nẵng: Đã có những

    Quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ đông chính thức được phê duyệt mở ra kỳ vọng về diện mạo mới của khu vực trung tâm Đà Nẵng. Với giới thành đạt, đó còn là khát khao về không gian sống tiện nghi, đẳng cấp ven sông Hàn, trong những công trình biểu tượng chứng kiến trọn vẹn vẻ phồn hoa của đô thị biển tầm cỡ quốc tế tương lai.

Top