Để phát triển và nâng tầm các sản phẩm chủ lực, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã số vùng trồng, kích cầu tiêu thụ và xuất khẩu.
Hưng Yên: Sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực
Với mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm nông sản; mở rộng diện tích sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, tiêu chí xuất khẩu, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh và các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã số vùng trồng, đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu.
Hàng năm, tổng sản lượng lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1,1 triệu tấn/năm; gồm các sản phẩm chủ lực như: Nhãn, cam, chuối, thịt lợn, thịt gà, thủy sản… Đến nay, toàn tỉnh có 270 đơn vị được chứng nhận VietGAP với diện tích 3000ha, cho sản lượng khoảng 85 nghìn tấn rau, quả, thịt, cá các loại và trên 53,3 triệu quả trứng.
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được gần 14 nghìn ha sang trồng cây ăn quả, gồm các cây trồng chủ lực như: Cây nhãn hiện có gần 5 nghìn ha, sản lượng hàng năm đạt 45 - 50 nghìn tấn. Diện tích trồng nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP có hơn 1,3 nghìn ha, cho sản phẩm chất lượng cao. Toàn tỉnh hiện có 13 vùng trồng đã được cấp mã vùng xuất khẩu, trong đó có 2 vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ, 13 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc, 4 khu vực đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Thị trường tiêu thụ nhãn quả tươi chủ yếu tiêu thụ trong nước qua các kênh như hàng quà tặng, các cửa hàng, siêu thị, các chợ và xuất khẩu sang một số thị trường như Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông…
Đối với sản xuất và tiêu thụ vải, toàn tỉnh hiện trồng được gần 1,5 nghìn ha vải; trong đó, năm 2022, diện tích cho thu hoạch khoảng 900ha, sản lượng ước đạt 15.000 - 16.500 tấn, cao hơn năm 2021 từ 10 đến 20%. Đến nay, có 117ha trồng vải được thâm canh theo quy trình VietGAP, quản lý dịch hại tổng hợp; theo dõi, quản lý sâu đầu quả vải... qua đó cho chất lượng cao hơn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ vải đến nay vẫn chủ yếu tiêu thụ trong nước.
Cùng với nhãn, vải là sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh, những năm qua, cây có múi như cam, bưởi, chuối được mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, diện tích cây có múi của toàn tỉnh có khoảng 3.800ha, sản lượng hàng năm ước đạt 40.000 - 45.000 tấn; trong đó diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP hiện có 550ha, sản lượng ước đạt 8.500 tấn. Diện tích trồng chuối của tỉnh hiện có 2.400ha, sản lượng năm 2022 ước đạt 70.850 tấn; trong đó có 409ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng ước đạt 17.468 tấn. Chuối tiêu hồng Khoái Châu - Hưng Yên đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa năm 2015. Thị trường tiêu thụ chuối rộng khắp cả nước và xuất khẩu sang một số thị trường như: Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Liên bang Nga... với sản lượng xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 35.000 tấn… Đối với các mặt hàng nông sản khác như: Hạt sen, long nhãn, gạo, rau, củ, quả tươi, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản… ngày càng được mở rộng và chú trọng đến chất lượng, bảo đảm ATTP, do vậy, được người tiêu dùng trong nước đánh giá cao, có nhiều tiềm năng để xuất khẩu.
Việc sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh thời gian qua còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm cho các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá cả leo thang, giá vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) tăng cao, sức mua giảm, giá sản phẩm không tăng… Việt Nam nói chung, tỉnh Hưng Yên nói riêng chưa có chiến lược sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đa phần hiện nay các HTX, người dân vẫn sản xuất theo kinh nghiệm, chưa quan tâm nhiều đến thị trường, người tiêu dùng. Các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản bước đầu đã được hình thành nhưng thiếu tính hợp tác và liên kết bền vững từ các phía (bên mua, bên bán). Chất lượng nông sản không ổn định; đầu tư cho nhà xưởng, trang thiết bị còn thiếu; việc phân loại, bảo quản, đóng gói sản phẩm chưa được kiểm tra, giám sát chặt chẽ; các chủ thể sản xuất, chế biến chưa chú trọng đến bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm…
Việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất còn hạn chế; các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản đang phụ thuộc nhiều vào một số thị trường xuất khẩu chủ yếu như Trung Quốc… mà chưa mở rộng tới các thị trường trong khối Liên minh châu Âu, Mỹ… dẫn đến tình trạng khi Trung Quốc đóng cửa biên giới, hàng nông sản bị ùn tắc, không tiêu thụ được…
Đồng chí Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để nâng cao hiệu quả sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục thông tin phổ biến các quy định về tiêu thụ nông sản trong nước và các thị trường xuất khẩu. Thường xuyên thông tin về các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương; các chương trình hỗ trợ của nhà nước; phương thức quảng bá, khả năng thâm nhập và đáp ứng nhu cầu thị trường; thông tin về đối tác, doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, cơ quan xúc tiến thương mại của các nước nhằm tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản của tỉnh. Cập nhập thông tin các đơn vị có nhu cầu kết nối về tình hình sản xuất, khả năng cung ứng, nhu cầu kết nối để cung cấp cho các đơn vị đầu mối ở các tỉnh, thành phố nhằm kết nối tiêu thụ. Tập trung tư vấn hỗ trợ tem nhãn, bao bì nhãn hàng hóa, tự công bố chất lượng sản phẩm; mở rộng kênh phân phối qua việc bán hàng online, trên các trang thương mại điện tử… Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm hàng hóa; tiếp tục mở rộng ứng dụng phần mềm, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông nghiệp nhằm bảo vệ thương hiệu, khẳng định chất lượng và uy tín của sản phẩm nông nghiệp Hưng Yên với người tiêu dùng.
Cùng với đó, Sở tăng cường phối hợp để kiểm tra, kiểm soát các nguồn hàng, tránh sự gian lận, trà trộn hàng nhái, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh. Tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông - lâm - thủy sản nhằm hoàn thiện điều kiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khi lưu thông trên thị trường. Đẩy nhanh phát triển theo chuỗi ngành hàng, khuyến khích phát triển tổ hợp tác, HTX gắn với chương trình OCOP.
Hà Nội: Kích cầu, tạo liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông sản
Chương trình “Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội năm 2022” do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ tổ chức đã góp phần kích cầu, tạo liên kết tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản trên địa bàn thành phố.
Festival nông sản, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) gắn kết du lịch Hà Nội 2022 với quy mô 73 gian hàng doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu, các chủ thể sản phẩm OCOP (đạt phân hạng từ 3 sao trở lên). Trong đó, 20 gian hàng đại diện các tỉnh, thành phố như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Lâm Đồng; 53 gian hàng doanh nghiệp trưng bày các sản phẩm OCOP, làng nghề huyện Chương Mỹ và của nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Các sản phẩm trưng bày, giới thiệu, quảng bá tại Festival được Ban Tổ chức lựa chọn kỹ từ các nhóm thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống, vật tư nông nghiệp, ẩm thực tiêu biểu của các địa phương.
Mang tới Festival những sản phẩm như gạo hữu cơ Đồng Phú, trứng gà Tiên Viên…, chị Nguyễn Thị Thu Hà, ở thị trấn Xuân Mai chia sẻ: “Trong mấy năm dịch Covid-19 bùng phát, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của chúng tôi bị ảnh hưởng lớn. Vì vậy, chúng tôi rất phấn khởi khi huyện phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội tổ chức sự kiện lớn này, góp phần kích cầu, tạo liên kết tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản của chúng tôi”.
Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám chia sẻ: “Các sản phẩm OCOP của chúng tôi được thành phố Hà Nội cấp sao đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế, củng cố niềm tin của người tiêu dùng và mở ra thị trường rộng lớn hơn. Festival lần này thực sự là cơ hội lớn để doanh nghiệp tiếp cận thêm nhiều khách hàng”.
Còn theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh (làng nghề Phú Vinh, xã Phú Nghĩa) - một trong những người trực tiếp làm ra sản phẩm mây tre giang đan đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP cho biết: “Các sản phẩm OCOP được chúng tôi mang đến Festival không những được nghệ nhân có tay nghề cao gìn giữ, phát triển mà còn chứa đựng sự sáng tạo mới lạ, độc đáo, phù hợp thị hiếu của khách hàng”.
Bên cạnh gian hàng của các doanh nghiệp, làng nghề huyện Chương Mỹ, gian hàng của nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố cũng góp phần tạo bức tranh sinh động cho Festival.
Chị Nguyễn Thị Nhân, đến từ tỉnh Bắc Giang chia sẻ: “Các sản phẩm của chúng tôi chủ yếu là nông sản, thảo mộc. Tham gia chương trình, chúng tôi thấy rất tự hào vì đã khẳng định được thương hiệu của mình và kết nối được nhiều nơi, giới thiệu được các đặc sản vùng miền của quê hương đến với người tiêu dùng cả nước”.
Còn bà Nguyễn Thị Thơm, đến từ huyện Thường Tín cho hay: “Gian hàng của tôi giới thiệu các sản phẩm đặc sắc của làng nghề truyền thống Thường Tín, đó là các sản phẩm bằng sừng và đồ gỗ, xuất khẩu nước ngoài. Đây là cơ hội để các cơ sở sản xuất như chúng tôi được giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới”.
“Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội 2022” tại huyện Chương Mỹ đã để lại những kết quả tốt đẹp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như du khách.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho biết, Festival đã chứng tỏ là nơi để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm, mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch đến khách tham quan, người tiêu dùng; tăng cường đẩy mạnh công tác kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, thích ứng an toàn, linh hoạt, thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”. Cũng qua đây đã đóng vai trò tích cực trong nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương. Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê truyền thống và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên.
Vĩnh Phúc: Thành công từ chuyển hướng chế biến các sản phẩm từ sữa bò
Tận dụng lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng trọng điểm chăn nuôi bò sữa theo hướng hàng hóa như: Vĩnh Ninh, Vĩnh Thịnh, Phú Đa... (Vĩnh Tường); Thái Hòa (Lập Thạch), Bồ Lý (Tam Đảo)... Đến nay, tại một số địa phương này đã thu hút được doanh nghiệp (DN), HTX tham gia thu mua, chế biến sữa bò thành các sản phẩm: Sữa tươi thanh trùng, các loại sữa chua và bánh sữa chua...; tạo thành chuỗi sản xuất khép kín thực phẩm an toàn, giúp người chăn nuôi chủ động đầu ra, hạn chế tình trạng bị thương lái ép giá và nâng cao giá trị sản phẩm sữa bò, tăng thu nhập, giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động, hình thành các sản phẩm OCOP tiêu biểu gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, thôn dân cư NTM kiểu mẫu.
Tháng 5/2018, HTX Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo (xã Bồ Lý) được thành lập trên cơ sở Dự án chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2015 - 2019 được triển khai tại 3 xã Bồ Lý, Đạo Trù, Yên Dương của huyện Tam Đảo.
Trước thực trạng giá sữa bấp bênh, không dừng lại ở việc thu mua sữa nguyên liệu cung cấp cho các công ty sữa, nhằm giúp các thành viên ổn định về đầu ra, HTX đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại gồm máy thanh trùng, máy đồng hóa sữa, lò ủ sữa chua, máy đóng gói có ghi ngày đóng gói và hạn sử dụng, phòng lạnh bảo quản sản phẩm... chuyển hướng sang chế biến các sản phẩm từ sữa bò.
Nhằm đảm bảo chất lượng từ nguồn nguyên liệu sữa đầu vào, tất cả quy trình từ khâu trồng, chăm sóc cỏ, đến chăm sóc đàn bò đều được các thành viên HTX tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP và có sự giám sát, hướng dẫn của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh.
Sau một thời gian thử nghiệm, đầu năm 2019, những lô sữa chua, sữa chua nếp cẩm, sữa thanh trùng, bánh sữa mang thương hiệu "Bò sữa Tam Đảo" đã được HTX đưa ra thị trường và dần khẳng định chất lượng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận,̀ trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng phục vụ khách du lịch khi đến Tam Đảo.
Nỗ lực nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, đến nay, HTX đã có 6 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao. Các sản phẩm hiện đang được cung ứng đến gần 20 trường học tại huyện Lập Thạch, thành phố Vĩnh Yên và tại tỉnh Nghệ An.
Theo chị Kim Thị Tân, Giám đốc HTX Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, các sản phẩm được chế biến từ sữa bò cho giá trị kinh tế gia tăng trên 30% so với việc bán sữa tươi nguyên liệu thông thường cho các công ty sữa; đồng thời, hình thức này mở ra hướng đi mới trong việc tiêu thụ sản phẩm, giúp các hộ nuôi bò sữa liên kết với HTX chủ động đầu ra, yên tâm mở rộng quy mô chăn nuôi.
Từ lâu, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) được xem là "thủ phủ" chăn nuôi bò sữa của tỉnh khi chiếm tới 70 - 80% tổng đàn bò sữa trong toàn tỉnh, sản lượng sữa tươi ước đạt gần 100 tấn mỗi ngày.
Mặc dù chăn nuôi bò sữa đã phát triển từ những năm 2000 với nguồn nguyên liệu sữa dồi dào là vậy, song, nhiều năm qua, trên địa bàn xã vẫn chưa có mô hình, DN nào đứng ra thu mua và chế biến các sản phẩm từ sữa bò.
Phần lớn nguồn sữa tươi "thô" này được các hộ chăn nuôi xuất bán cho các công ty chế biến sữa tên tuổi lớn như Vinamilk, Cô gái Hà Lan, Sữa Quốc tế... với giá cả bấp bênh, lượng sữa thu mua không ổn định.
Vốn là người con của quê hương lại là kỹ sư chăn nuôi, sau một thời gian nghiên cứu, với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp ở địa phương, tháng 5/2021, anh Nguyễn Tiến Lộc đã thành lập Công ty Cổ phần chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh với vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng quy mô 1.000 m2, trang bị hệ thống máy móc hiện đại chuyên chế biến các sản phẩm sữa tươi thanh trùng, các loại sữa chua…
Tổng công suất của đơn vị hiện đạt 1.500 - 2.000 tấn sản phẩm/năm, không chỉ đa dạng hóa cho sản phẩm sữa bò, xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương, mà còn giúp bà con chăn nuôi chủ động và ổn định đầu ra.
Sau quá trình hoạt động thử nghiệm, đến nay, công ty đã và đang cung ứng ra thị trường nhiều loại sản phẩm từ sữa chua nguyên chất, sữa chua nếp cẩm đến các loại sữa thanh trùng.
Với quy trình sản xuất khép kín, 100% sản phẩm sử dụng trực tiếp nguồn nguyên liệu là sữa tươi đảm bảo các điều kiện ATVSTP tại địa phương mà không phải nguồn sữa bột hoàn nguyên như một số đơn vị đang sử dụng, không sử dụng chất bảo quản, đã được cấp giấy chứng nhận TQC 033063 phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000:2018 về sản xuất sữa chua ăn, sữa chua uống, sữa thanh trùng..., các sản phẩm của công ty được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao về chất lượng.
Dù đi vào hoạt động chưa lâu, sản lượng cung ứng ra thị trường chưa nhiều, nhưng hoạt động của HTX Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo và Công ty Cổ phần chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh đã bước đầu khẳng định được hướng đi mới và hiệu quả khi nâng tầm giá trị sản phẩm sữa bò, hình thành các chuỗi sản xuất khép kín, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao và có thị trường tiêu thụ bền vững, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.
Với nguồn nguyên liệu sữa tươi cung ứng ra thị trường khoảng 30 triệu lít/năm, việc đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa trên địa bàn tỉnh là xu thế tất yếu trong thời gian tới.
Mặc dù có những thuận lợi về nguồn nguyên liệu và nhân lực tại chỗ, song, do vốn đầu tư lớn cũng như sản phẩm mới, thị trường tiêu thụ còn hạn chế, nên để thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực này rất cần sự hỗ trợ của tỉnh và chính quyền địa phương để xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm cũng như giới thiệu tới đông đảo người tiêu dùng, giúp DN yên tâm đầu tư, người chăn nuôi bò sữa nâng cao thu nhập./.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.