Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 8 năm 2016 | 8:34

Ông Phan Hùng Việt, Bí thư Huyện ủy Đông Hải: Tập trung khai thác tiềm năng kinh tế biển

KTNT - Với lợi thế ven biển, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình kinh tế, nhất là ngành kinh tế biển. Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện, kinh tế biển luôn chiếm vị trí quan trọng và được ưu tiên hàng đầu.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Phan Hùng Việt, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đông Hải.

Ông Phan Hùng Việt, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đông Hải.

Xin ông đánh giá đôi nét về tiềm năng kinh tế biển của Đông Hải?

Xác định kinh tế biển sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn phát triển song hành với việc xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện đã giành nhiều nguồn lực ưu tiên để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế này.

Phải nói rằng, so với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Đông Hải hội tụ đầy đủ mọi điều kiện để phát triển ngành kinh tế biển đa dạng và bền vững. Chúng tôi có bờ biển dài 23km, có hai cửa sông lớn (Gành Hào và Cống Cái Cùng) thông ra biển Đông; có hơn 600 phương tiện hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản. Đặc biệt, huyện được Trung ương đầu tư xây dựng cảng cá Gành Hào, là nơi neo đậu, đầu mối tiêu thụ hàng hóa của hàng nghìn tàu cá trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, huyện còn có hơn 38.000ha đất sản xuất nuôi trồng thủy sản, tổng sản lượng hằng năm hơn 100.000 tấn (trong đó tôm khoảng 30.000 tấn); gần 2.000ha đất sản xuất muối, sản lượng thu hoạch bình quân hằng năm khoảng 100.000 tấn. Thế mạnh chủ yếu của huyện là khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối. Huyện được xác định là địa bàn trọng yếu về kinh tế, quốc phòng của tỉnh. Chúng tôi hy vọng, với tiềm năng này, Đông Hải trở thành huyện vùng biển giàu đẹp của tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Kinh tế biển cũng có đóng góp quan trọng vào sự đổi thay của huyện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 16,6%/năm; thu nhập bình quân năm 2015 đạt trên 36 triệu đồng/người, tăng hơn hai lần so với năm 2010. Về xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện đã hoàn thành việc lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho 10/10 xã; đã có hai xã đạt 16 tiêu chí, một xã đạt 15 tiêu chí, hai xã đạt 14 tiêu chí, ba xã đạt 13 tiêu chí, một xã đạt 12 tiêu chí và một xã đạt 11 tiêu chí...

Trong ngành kinh tế biển, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Với diện tích nuôi trồng thủy sản 38.478ha, tổng sản lượng trên 116.000 tấn/năm, Đông Hải được đánh giá là một trong những huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn của tỉnh Bạc Liêu. Phát huy thế mạnh này, năm 2016, Đông Hải quyết tâm đưa nghề nuôi trồng thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Riêng từ đầu năm đến nay, nông dân trong huyện đã thả nuôi thủy sản trên diện tích gần 36.000ha.

Nhằm phát triển thế mạnh trong nuôi trồng, giảm rủi ro cùng với phát triển các đối tượng nuôi chủ lực như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, cá kèo, nhuyễn thể…, chúng tôi còn thực hiện đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương thức nuôi (nuôi luân canh, nuôi chuyên canh và nuôi kết hợp nhiều đối tượng). Trong đó, khuyến khích các mô hình sản xuất bền vững, nuôi tôm sinh thái, phát triển mạnh các loại thủy sản cho giá trị kinh tế cao trên vùng đất bãi bồi ven biển (như nghêu, sò, ốc…).

Bên cạnh tiềm năng, lợi thế, việc phát triển kinh tế biển ở Đông Hải có gặp những khó khăn gì không, thưa ông? 

Như tôi đã nói ở trên, tiềm năng phát triển kinh tế biển của Đông Hải là rất lớn nhưng để khai thác hiệu quả cần một hệ thống giải pháp đồng bộ và kịp thời. Hiện nay, nông dân vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế biển khi thị trường tiêu thụ bấp bênh, nhiều chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhưng chưa đến được với đối tượng thụ hưởng. Ví dụ như việc triển khai Nghị định 67/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ phát triển đánh bắt thủy sản đang gặp nhiều bất cập về quá trình thẩm định dự án, giải ngân vốn… Thiết nghĩ, các ngân hàng cần phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ thẩm định giải ngân đáp ứng nhu cầu vay vốn của ngư dân từ các chính sách hỗ trợ theo Nghị định, tránh để thời gian kéo dài làm ngư dân nản lòng trong việc đầu tư, trang bị, đóng mới tàu đánh bắt thủy sản. Về phía ngư dân, cần liên kết tổ chức các tổ, đội, hợp tác xã, đổi mới phương thức khai thác. Chuyển từ phương thức đánh bắt truyền thống sang đánh bắt, khai thác có hiệu quả các sản phẩm có giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chỉ như thế chúng ta mới có thể nâng cao giá trị sản phẩm ngành biển.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp là chủ vựa giữ vai trò làm trung gian phân phối, cần ký hợp đồng bao tiêu cho các tổ hợp tác, hợp tác xã đánh bắt thủy sản của ngư dân, hướng đến việc đưa sản phẩm vào các nhà máy lớn chế biến. Chỉ khi nào xây dựng một lộ trình ổn định, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân thì người đi biển mới thật sự hưởng lợi từ nghị định.

Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá vận chuyển sản phẩm sau chuyến đánh bắt tại cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải). Ảnh: Tú Anh

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Huyện ủy Đông Hải ưu tiên cho những nhiệm vụ nào, giải pháp thực hiện ra sao, thưa ông?

Phát huy thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ qua, Đại hội Đảng bộ lần thứ 12, nhiệm kỳ 2015-2020, Huyện ủy Đông Hải đề ra một số phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu và quyết tâm thực hiện là chú trọng đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế trọng điểm, phấn đấu từng bước đưa Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về phát triển kinh tế biển của tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, huyện quyết tâm thực hiện một số công trình trọng điểm, có tính động lực đã được tỉnh xác định có nhiều khả năng được triển khai trên địa bàn như tuyến đường Giá Rai - Gành Hào cần tiếp tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giao lưu, vận chuyển hàng hóa, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Mặt khác, huyện Đông Hải chủ động các điều kiện để triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm, như: Dự án điện gió tuyến đê Đông ven biển; xây dựng khu trung tâm hành chính mới của huyện (tại xã Điền Hải), đầu tư mở rộng cảng cá Gành Hào, khu neo đậu tàu thuyền tránh bão; phát triển du lịch sinh thái khu vực tuyến đê Đông - sân chim Lập Điền (xã Long Điền Tây) - Lăng Ông Nam Hải (thị trấn Gành Hào),...

Huyện ủy lãnh đạo các cấp, các ngành và nhân dân trong huyện quyết tâm phấn đấu đến năm 2020 xây dựng năm xã phía Đông của huyện là vùng sản xuất tập trung chuyên nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, đặc biệt là phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính. Đối với các xã phía Tây của huyện, quy hoạch nuôi tôm quảng canh cải tiến chất lượng cao; phấn đấu trong nhiệm kỳ, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 650.000 tấn; phấn đấu đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm trở lên; có 4 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ 60% trở lên. Phấn đấu đường xe ô-tô đến trung tâm 11/11 xã, thị trấn; nâng cấp, mở rộng 40% các tuyến đường xã liền ấp, ấp liền ấp theo chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm.

Về giải pháp thực hiện, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn việc nghiên cứu, xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả và nhân rộng mô hình, đặc biệt là mô hình nuôi tôm ít thay nước có sử dụng chế phẩm sinh học. Vận dụng các cơ chế, chính sách tạo quỹ đất để mời gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính ở xã Điền Hải, Long Điền Tây và thực hiện mô hình sản xuất muối chất lượng cao.

Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của cấp trên phối hợp đầu tư hoàn thành hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp xã Long Điền, xây dựng khu neo đậu tránh trú bão Gành Hào; cầu Xóm Lung, tuyến đường Xóm Lung - Cái Cùng, Gành Hào - Hộ Phòng. Huyện kết hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư của tỉnh mời gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng cá Gành Hào, phấn đấu từng bước đạt quy mô cảng loại I. Chú trọng đầu tư khu sản xuất muối ăn xuất khẩu, xây dựng Cảng biển Gành Hào, cụm kinh tế kỹ thuật Gành Hào, khu đô thị mới Gành Hào, dự án Điện gió theo tuyến đê ven biển; đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị mi-ni, điểm bán hàng tự chọn tại thị trấn Gành Hào; phát triển du lịch sinh thái vườn chim Lập Điền (xã Long Điền Tây), Lăng ông Nam Hải (Thị trấn Gành Hào).

Đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân trong công tác giảm nghèo. Triển khai thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội, quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là gia đình chính sách, người có công với cách mạng..

Nhằm nhanh chóng tạo bước đột phá mới sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 12, nhiệm kỳ 2015-2020, mỗi cán bộ, đảng viên và toàn dân trong huyện cần phát huy cao độ hơn nữa tinh thần trách nhiệm, đóng góp công sức xây dựng quê hương. Đặc biệt, mỗi cán bộ chủ chốt cần đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, nỗ lực phấn đấu đưa Đông Hải trở thành một vùng biển giàu đẹp trong tương lai không xa.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Thái Đào (thực hiện)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top