Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 11 năm 2016 | 2:0

Hà Nội: Nhiều hộ dân có nguy cơ mất nhà

Sau “đường cong mềm mại”, những “quan” làm dự án, vẽ quy hoạch của Hà Nội tiếp tục làm nên câu chuyện “chẵn khóc, lẻ cười” khiến hàng chục hộ dân sinh sống tại ngõ 381 Nguyễn Khang, Yên Hòa, Cầu Giấy như ngồi trên “đống lửa” vì bỗng dưng sắp rơi vào cảnh mất nhà.

 

Dự án cải tạo mở rộng ngõ 381 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội với tổng mức đầu tư lên tới 318 tỷ đồng.

Cuối năm 2015, cư dân ngõ 381 Nguyễn Khang nghe râm ran tin đồn có dự án mở rộng, nâng cấp đường chạy qua ngõ nhưng không biết rõ thực hư ra làm sao. Sự việc cũng không mấy ồn ào bởi ai cũng nghĩ, nghe phong phanh đâu đó nói như vậy, chứ còn lâu mới thực hiện, nếu có thật, mở đường là tốt, góp phần giảm tải, chống ùn tắc giao thông, phát triển kinh tế địa phương.

Vậy nhưng, đến khi dư luận xôn xao trước thông tin Dự án cải tạo mở rộng ngõ 381 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội với tổng mức đầu tư lên tới 318 tỷ đồng nhưng lòng đường được mở rộng vỏn vẹn khoảng 11,25m, còn vỉa hè hai bên chiếm tới hơn 10m. Thậm chí, tréo ngoe hơn, theo phương án chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt, có đoạn nâng cấp thu hồi toàn bộ phần diện tích đất ở hợp pháp của người dân lệch hẳn về một phía so với tâm ngõ hiện tại. Đến lúc này, sự việc một lần nữa thổi bùng bức xúc, bởi trước đó, không ít vụ nghi vấn bẻ cong, nắn đường một cách bất thường chỉ để phục lợi ích của một nhóm cục bộ trong xã hội đã từng làm dư luận Thủ đô “dậy sóng”.

 
Quyết định số 50/QĐ-HĐND ngày 31/12/2015 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
 
Hàng chục hộ dân đối mặt nguy cơ mất đất, mất nhà
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án cải tạo mở rộng ngõ 381 Nguyễn Khang được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 50/QĐ-HĐND ngày 31/12/2015. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2016 đến năm 2020.
 
Sau khi có công văn nói trên, ngày 29/7/2016, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký ban hành Quyết định số 4147/QĐ-UBND về việc phê duyệt chỉ giới đường đỏ của dự án. Theo đó, dự án tuyến đường cấp khu vực có chiều dài tuyến khoảng 368m, thuộc địa bàn phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Điểm đầu tuyến (điểm 1) nằm trên nút giao với khu đô thị mới Dịch Vọng. Điểm cuối tuyến (điểm 4) tại nút giao với đường dọc sông Tô Lịch (đường Nguyễn Khang). Trong đó, bề rộng mặt cắt ngang đường là 21,25m, phần lòng đường xe chạy rộng 11,25m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.
 
Theo khảo sát thực địa và bản vẽ phương án chỉ giới đường đỏ do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đưa ra cho thấy, ngõ 381 Nguyễn Khang mở rộng đoạn từ đầu ngõ đến phố Hoa Bằng qua cổng Trường Phổ thông cơ sở Yên Hòa cũ hiện đang được phá dỡ xây dựng lại) lấy tim ngõ hiện tại làm tâm được cải tạo mở rộng về 2 phía ngõ rộng từ 3 - 4m thành đường rộng 21,25m. Tuy nhiên, đoạn ngõ 381 nối từ đầu đường phố Hoa Bằng đến phố Thành Thái (và đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài) lại lấy đất lệch hẳn về phía dãy nhà bên số chẵn (so với tâm ngõ). Bắt đầu từ đoạn đường này, các mốc giới thể hiện, từ lề đường cũ sẽ mở rộng vào 5m nhưng càng về cuối ngõ, đã “liếm” vào trong 10m và tiếp tục là khoảng 15m... 
 
Bản vẽ chỉ giới đường đỏ do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập.
 
Nói về Quyết định số 4147/QĐ-UBND, ông Nguyễn Văn Đệ, một trong những người dân ở ngõ 381 Nguyễn Khang có nhà bị ảnh hưởng do mở đường cho biết, đây là lần đầu tiên dân cư ngõ 381 chính thức được biết về phương án cải tạo mở rộng ngõ. Vậy nhưng, tại Khoản 4 Điều 20 Luật Quy hoạch đô thị 2009, quy định trách nhiệm lấy ý kiến về quy hoạch đô thị, nêu rõ: “Các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, có giải trình, tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi quyết định phê duyệt”.
“Vì chúng tôi đã ở lâu đời rồi, nhà đất đã được thành phố cấp giấy phép xây dựng và “sổ đỏ” nghĩa là chúng tôi đã sinh sống trong đất ở được quy hoạch lâu dài của thành phố. Bây giờ một quy hoạch nào đó lại lấy đất, lấy nhà của chúng tôi phục vụ dự án khác thì chúng tôi thấy không thỏa đáng và yêu cầu chính quyền thành phố và quận phải làm rõ chuyện này về mặt pháp lý, trình tự thủ tục, quy định của pháp luật” - bà Bùi Thị Nhung, nhà 64, ngõ 381 Nguyễn Khang bức xúc cho biết.

Trước sự việc trên, hàng chục hộ dân ngõ 381 Nguyễn Khang đã gửi đơn thư khiếu nại tới nhiều ban, ngành của Hà Nội, đề nghị khẩn cấp giải quyết những kiến nghị của người dân. Tuy nhiên, đến nay, sự việc vẫn chìm sâu vào im lặng.
 
Cư dân đồng loạt phản đối
 
Theo ý kiến của một số hộ dân, từ đầu phố Hoa Bằng đến cuối ngõ 381 Nguyễn Khang, đoạn này cũng cần mở rộng, lấy đất cân về 2 bên trên toàn đoạn tính theo tim ngõ hiện tại, vì toàn bộ các hộ gia đình hiện đang sinh sống ở cả hai bên mặt ngõ 381 đều được các cấp có thẩm quyền cấp đất, xây nhà và có “sổ đỏ” đầy đủ. 
 

Các hộ dân có ý kiến điều chỉnh Quyết định phê duyệt chỉ giới đường đỏ.

 

“Việc lấy đất cân về hai bên ngõ tính từ tim ngõ hiện tại sẽ đảm bảo tính công bằng, không thiên lệch về lợi ích cục bộ nào đó. Sẽ rất vô lý và bất công khi một bên ngõ bị mất đất, mất nhà để dành đất cho các nhà phía bên kia ngõ đã không bị lấy đất mà lại còn có đất để làm thêm vỉa hè, vì hiện tại hè bên đó không có hoặc quá nhỏ. Chúng tôi hoàn toàn không nhất trí và dứt khoát phản đối việc lấy đất, phá nhà một bên ngõ để làm vỉa hè cho bên còn lại” - bà Lê Thị Bích Nga, nhà số 80 không nhất trí với bản vẽ phương án chỉ giới đường đỏ đã được xét duyệt.
 
Đồng tình với bà Lê Thị Bích Nga, bà Trần Thị Uyên số nhà 66 cho rằng, ngõ 381 Nguyễn Khang chỉ thuộc loại đường nhánh, vì vậy để giảm tối đa thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống người dân mà vẫn đảm bảo lưu thông khu vực, không nhất thiết phải mở quá rộng, chỉ cần mở rộng vừa đủ, nhất là khi lòng đường quy hoạch rộng hơn 11m mà lấy đất người dân đang sinh sống để làm vỉa hè rộng tới 10m (cộng cả 2 bên hè) thì là quá bất hợp lý.
 
“Ở đây, nhiều gia đình bám mặt ngõ này để làm nơi mưu sinh, kiếm sống hằng ngày. Bản thân gia đình nhà tôi là cơ sở sản xuất, mấy thế hệ sinh sống tại đây, bây giờ lấy đất làm đường thì chúng tôi biết làm gì để có thể tồn tại. Những người lao động liên quan vì thế mà mất công ăn, việc làm vậy tổn thất của chúng tôi ai sẽ phải gánh chịu đây” - bà Trần Thị Uyên trần tình.
 
Dư luận đặt câu hỏi phải chăng UBND thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND quận Cầu Giấy đã làm hết trách nhiệm trong vụ việc này. Điều đáng nói hơn, dù mục đích thực hiện Dự án cải tạo mở rộng ngõ 381 Nguyễn Khang là làm đường công cộng, phục vụ dân sinh hay gì đi chăng nữa thì đều phải thực hiện theo trình tự thủ tục và quy định của pháp luật. Nhưng ở đây, nhiều hộ dân có nhà, đất nằm trong chỉ giới vạch đỏ của phường Yên Hòa được thành phố phê duyệt thuộc diện có thể thu hồi phục vụ công tác giải phóng mặt bằng nhưng không hề hay biết, không được bàn mà hoàn toàn bị đẩy vào thế bị động trong suốt tiến trình diễn ra vụ việc.
 
Qua đây, đã đến lúc Thường trực Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần khẩn trương vào cuộc xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm những phản ánh của người dẫn đang sinh sống ngõ 381 Nguyễn Khang để đảm bảo đời sống dân sinh, trật tự an ninh xã hội trên địa bàn.
 
Ánh Sáng/hoanhap.vn
 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top