Trong sáu tháng cuối năm 2019, Hà Nội phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 7,6 đến 8%.
Hôm nay (8/7), HĐND thành phố Hà Nội khóa XV tổ chức kỳ họp thứ chín nhằm xem xét, thảo luận báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 và quyết định một số nội dung theo thẩm quyền.
Dịch tả lợn châu Phi diễn biến ngày càng phức tạp
Báo cáo của UBND thành phố trình tại kỳ họp cho thấy, sáu tháng đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội của Thủ đô đạt kết quả toàn diện. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,21% (cùng kỳ năm 2018 tăng 7,15%).
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 132.134 tỷ đồng, đạt 50,2% dự toán. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 5,3 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước.
Thành phố đã cấp Giấy chứng nhận thành lập mới cho 13.690 doanh nghiệp, vốn đăng ký 143,7 nghìn tỷ đồng (tăng 10% về số lượng doanh nghiệp và tăng 1% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước).
Du lịch tiếp tục phát triển, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 14,4 triệu lượt, tăng 9,5%. Sáu tháng đầu năm, thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 90 nghìn lao động, đạt 58,8% kế hoạch năm.
Một số chỉ tiêu đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất công nghiệp; tổng mức bán ra và bán lẻ hàng hóa; doanh thu dịch vụ; kim ngạch xuất - nhập khẩu; khách du lịch.
Chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng cao hơn cùng kỳ; bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến ngày càng phức tạp, làm giảm hơn 8% tổng số đàn so với cùng kỳ năm trước.
Công tác giải phóng mặt bằng ở một số công trình còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công đầu tư xây dựng và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; công tác quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư tái định cư còn bất cập...
Phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 7,6 đến 8%
Trong sáu tháng cuối năm, Hà Nội phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 7,6 đến 8%.
Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thành những chỉ tiêu đạt thấp và còn khó khăn như tăng trưởng công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất, nhập khẩu; cấp nước sạch nông thôn; tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước sạch; giao đất dịch vụ.
Đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền; điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả; nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường …
Theo Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ xem xét, thảo luận và thông qua 10 báo cáo và một nghị quyết thường kỳ; 14 nghị quyết chuyên đề để phục vụ cho sự phát triển của thành phố và công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố.
Thông qua chủ trương sử dụng hơn 5.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cho 2 dự án nhóm A
Chiều 8/7, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020,
Tại tờ trình, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền nêu, UBND thành phố trình HĐND thành phố cho ý kiến thông qua chủ trương sử dụng vốn đầu tư công của thành phố đối với 2 dự án nhóm A (gồm tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3 và xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2) trước khi trình Thủ tướng Chính phủ với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.122 tỷ đồng.
Trình phê duyệt chủ trương đầu tư 24 dự án (trong đó có 23 dự án nhóm B, 1 dự án trọng điểm nhóm C) sử dụng vốn đầu tư công của thành phố với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 6.230 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng trình HĐND thành phố điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 4 dự án nhóm B sử dụng vốn đầu tư công của thành phố, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.746 tỷ đồng.
Tại báo cáo thẩm tra, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Vũ Ngọc Anh nêu, các dự án UBND trình HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại kỳ họp đều là những dự án cần thiết, phục vụ nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, trong đó nhiều nhất là lĩnh vực giao thông (14 dự án).
Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 10 dự án; điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; đề nghị UBND thành phố bổ sung làm rõ nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công phù hợp với tiến độ thực hiện 17 dự án còn lại.
Riêng đối với 2 dự án nhóm A cần điều chỉnh thời gian thực hiện dự án bảo đảm tính khả thi.
UBND thành phố đã có các văn bản báo cáo làm rõ các nội dung theo yêu cầu báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách. Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất các nội dung giải trình của UBND thành phố và đề nghị thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2016-2020 của thành phố Hà Nội.
Cũng trong chiều 8/7, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hồi đất năm 2019; dự án chuyển mục đích trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2019; Nghị quyết quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố và Nghị quyết ban hành Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025 và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thuộc Đề án.
Dự kiến, kỳ họp diễn ra từ ngày 8 đến 10/7.