Ngay sau khi dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu hạ nhiệt ở Thủ đô thì dịch bệnh sởi và ho gà lại gia tăng.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố
Sáng 4/11, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Thường trực HĐND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải, nhấn mạnh, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, của cử tri; trong những năm qua, HĐND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ đã cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thành các nghị quyết của HĐND trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế đến văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Với mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới, Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ lần thứ 3 đã xác định chọn chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả chức năng quyết định của HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. Đây là sự thể hiện quyết tâm của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phối hợp để hoàn thành các nhiệm vụ được phân công, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương.
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, đây cũng là dịp để Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, bàn bạc những giải pháp để phát huy hơn nữa vai trò của Thường trực đối với hoạt động của HĐND ở các địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuý cho biết, qua theo dõi hoạt động của HĐND cũng như quá trình giám sát việc ban hành nghị quyết và hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay việc thực hiện chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của Hội đồng nhân dân đã có nhiều đổi mới phù hợp, lựa chọn đúng và quyết định nhiều vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm.
Các vấn đề quan trọng được Hội đồng nhân dân quyết định tại kỳ họp là cơ sở, định hướng quan trọng để các địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, an sinh xã hội và giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra trong đời sống xã hội ở địa phương, tạo tiền đề phát triển cho các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, việc thực hiện chức năng quyết định của Hội đồng nhân dân vẫn còn một số vấn đề khó khăn, vướng mắc từ quy định pháp luật như thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp, quy trình ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân chưa thực sự hợp lý…
Đánh giá cao những đổi mới trong hoạt động của HĐND các tỉnh trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ yêu cầu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân thời gian tới cần bám sát các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh để cụ thể hóa các chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Các chủ trương, chính sách của Hội đồng nhân dân khi ban hành phải đúng và trúng vấn đề để từ đó phát huy được hiệu quả.
“Để làm được điều này, cần có sự đánh giá tác động, dự báo các thuận lợi, khó khăn khi nghị quyết có hiệu lực, thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách; cần xác định rõ các nội dung lấy ý kiến phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nội dung nào cần thiết, bức xúc, vì lợi ích của nhân dân và cử tri thì phải nghiên cứu để làm ngay, tránh việc phải chờ đợi xin ý kiến, chủ trương"- Đại tướng Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.
Hiệp hội Taxi Hà Nội đề nghị Uber, Grab đặt máy chủ tại Việt Nam
Trong công văn trả lời Hiệp hội Taxi Hà Nội về hoạt động của Uber, Grab, Bộ GTVT bảo lưu quan điểm không dừng hoạt động của Uber và Grab nhưng cho biết đồng thuận với một số biện pháp quản lý và đề nghị Chính phủ cho địa phương không gia tăng phương tiện.
Một trong những nội dung quan trọng được đề cập là Bộ GTVT đồng ý với đề nghị dán logo (bao gồm tên, số đơn vị kinh doanh vận tải) phía ngoài xe Uber, Grab.
Trước vấn đề này, trao đổi với Báo Lao Động, ông Đỗ Quốc Bình – Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết sẽ có văn bản gửi Bộ GTVT, phản biện lại việc không dừng hoạt động của Uber, Grab.
Ông Bình nêu quan điểm, cần dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm Uber, Grab, để tiến hành tổng kết, đánh giá thực tế triển khai kế hoạch thí điểm loại hình taxi công nghệ.
Ông Bình nói, hiện tại đã nhìn thấy những hệ lụy của "taxi công nghệ" hoạt động tại Việt Nam như hệ lụy về thuế bởi sau 3 năm hoạt động, đến nay cả Uber và Grab đều báo lỗ lũy kế. Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội đặt ra câu hỏi, nếu chương trình của họ hay tại sao lại lỗ nhiều đến vậy?
Bên cạnh đó, ông Bình chia sẻ, trong chương trình thí điểm, nhà chức trách Việt Nam không kiểm soát số lượng phương tiện thí điểm nên số lượng xe thí điểm tăng lên hàng ngày, từ 50.000 xe lên khoảng 55.000 xe hoạt động cũng là một trong những hệ lụy.
“Từ những hệ lụy trên, cần dừng ngay thí điểm Uber, Grab nhưng Bộ GTVT lại phớt lờ ý kiến chuyên gia, bảo lưu quan điểm không dừng hoạt động loại hình taxi này. Vấn đề quan trọng trong kế hoạch thí điểm là phải quản lý chặt chẽ số lượng xe. Bộ GTVT đã thả nổi khiến số lượng xe thí điểm tràn lan”, ông Bình nêu quan điểm.
Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT siết chặt hoạt động của Uber, Grab. Theo đó, để quản lý tốt, đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, Uber, Grab phải đặt máy chủ tại Việt Nam.
“Hiệp hội sẽ gửi văn bản liên quan đến hai vấn đề, thứ nhất làm rõ chương trình thí điểm Uber, Grab, bản chất của loại hoạt động này là gì, thứ hai, "taxi công nghệ" phải được đặt máy chủ tại Việt Nam để đảm bảo an toàn thông tin.
Nước ta đã ký hiệp định thương mại WTO, trong biểu mẫu hoạt động xuyên biên giới không có điều khoản về dịch vụ kết nối vận tải. Bộ GTVT nên lắng nghe ý kiến của các chuyên gia để điều chỉnh hoạt động của Grab, Uber tốt hơn", ông Bình nói.
Dịch bệnh sởi và ho gà gia tăng
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, Thành phố đang phấn đấu đến cuối tháng 11/2017 sẽ cơ bản chấm dứt dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, hiện dịch bệnh sởi và ho gà lại bắt đầu gia tăng.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 43 trường hợp mắc sởi, trong đó có 1 trường hợp tử vong (tăng 41 trường hợp so với năm 2016). Số ca mắc phân bố tại 39 xã, phường, thị trấn của 20 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện có số mắc cao như: Ba Đình (5 trường hợp), Nam Từ Liêm (4), Đống Đa (3), Thanh Xuân (3)… Trong đó có 36/43 trường hợp chưa được tiêm vắc xin sởi (chiếm 83,72%). Bên cạnh đó, thành phố cũng ghi nhận 119 trường hợp mắc ho gà, 1 trường hợp tử vong (số mắc tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2016); có 110/119 ca (chiếm 92,4%) trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ 3 mũi vắc xin phòng bệnh ho gà.
“Hằng năm, ngành Y tế Hà Nội triển khai đầy đủ các đợt tiêm chủng mở rộng nhưng vẫn còn khoảng 5% số trẻ chưa được tiêm phòng do bị ốm, bố mẹ chờ vắc xin dịch vụ… Chúng tôi sẽ tiến hành rà soát từng hộ gia đình, xác định số trẻ chưa được tiêm phòng để tuyên truyền phụ huynh đưa con em mình đi tiêm phòng đầy đủ”, ông Nguyễn Nhật Cảm nói.
Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giò chả
Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra giám sát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giò chả trên địa bàn.
Theo đó, thời gian gần đây các đoàn kiểm tra liên ngành của TP, đoàn kiểm tra chuyên ngành của Sở Y tế đã kiểm tra và làm các test xét nghiệm nhanh và lấy các mẫu thực phẩm chín, thức ăn ngay làm kiểm nghiệm đánh giá chất lượng an toàn thực phẩm.
Kết quả các mẫu thực phẩm đạt chất lượng chiếm tỷ lệ tương đối cao (khoảng 98%). Tuy nhiên, một số mẫu giò chả có kết quả dương tính với hàn the.
Do vậy, để nâng cao sức khỏe cộng đồng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, Sở Y tế Hà Nội đề nghị Sở NN&PTNN, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân trong việc lựa chọn sản phẩm giò chả nói riêng và thực phẩm chín, đồ ăn ngay nói chung tại các cơ sở sản xuất thực phẩm đảm bảo chất lượng.
Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã đồng loạt tiến hành thanh tra kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ ăn ngay, thực phẩm chín đặc biệt là giò chả và lấy mẫu xét nghiệm khi cần thiết, nếu phát hiện sai phạm cần xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.
Hà Nội - Ninh Bình trao đổi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới
Sáng 4/11, Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) TP Hà Nội đã tổ chức chuyến đi thực tế trao đổi kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM tại tỉnh Ninh Bình.
Ông Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Ninh Bình cho biết, Ninh Bình đã có 64/119 xã (đạt 53,8% tổng số xã) đạt chuẩn NTM; đến hết năm 2017, phấn đấu có thêm 16 xã về đích. Toàn tỉnh có 1 huyện Hoa Lư được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt huyệ đạt chuẩn NTM.
Theo ông Lê Thiết Cương - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM TP Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội), TP. đã có 4 huyện đạt chuẩn NTM gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức. Hai huyện Gia Lâm, Phúc Thọ đang phấn đấu hoàn thành NTM đầu năm 2018. Hà Nội cũng đang hướng đến mục tiêu cuối năm 2020, có 10/18 huyện, thị xã đạt chuẩn, trên 80% tổng số xã về đích NTM.
Tại Hội nghị, đại biểu hai Văn phòng điều phối NTM của Hà Nội và tỉnh Ninh Bình đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xây dựng NTM. Ông Trần Văn Hà đánh giá cao một số mô hình của Hà Nội như “đường có hoa”, “nhà có số” của huyện Đan Phượng; mô hình trồng rau thủy canh tại huyện Thanh Trì; hiệu quả từ dồn điền đổi thửa tại huyện Sóc Sơn; phát huy vai trò của hợp tác xã huyện Thanh Oai… Đặc biệt là bài toán thu hút đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội. Theo ông Hà, đây là những khía cạnh phát triển nổi bật của Hà Nội mà tỉnh Ninh Bình cần tiếp thu, học tập, từng bước nghiên cứu triển khai, áp dụng vào thực tiễn phát triển của địa phương trong giai đoạn 2016 - 2020…
Theo ông Lê Thiết Cương, Hà Nội và Ninh Bình là hai địa phương có những đặc điểm khá tương đồng về địa hình. Do đó, những cách làm sáng tạo, tích cực trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM của tỉnh Ninh Bình là những kinh nghiệm hết sức quý giá để Hà Nội làm tốt hơn nữa công tác xây dựng NTM của TP.
Hà Nội kết nối giao thương với 50 tỉnh, thành phố
Chiều 3/11, UBND TP. Hà Nội phối hợp Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, TP năm 2017.
Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, TP tổ chức nhiều Tuần lễ nhận diện sản phẩm an toàn và đặc sản vùng miền, qua đó hỗ trợ DN các tỉnh thành giới thiệu sản phẩm nông sản, rau củ, quả đặc sản tới người tiêu dùng Thủ đô.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức Hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn giữa TP Hà Nội với tỉnh Lâm Đồng, tạo cơ hội cho DN Lâm đồng giới thiệu sản phẩm lợi thế của tỉnh Lâm Đồng tới các nhà phân phối Hà Nội.
Đặc biệt, HPA và DN bán lẻ Hà Nội đã hỗ trợ DN các tỉnh cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm đạt tiêu chuẩn, xây dựng tem điện tử thông minh QR code cho 250 dòng sản phẩm có nguồn gốc từ các tỉnh chuyển về Hà Nội tiêu thụ trong hệ thống bán lẻ hiện đại. Đồng thời thông qua hoạt động xúc tiến thương mại HPA còn tạo cơ hội cho DN các tỉnh giới thiệu sản phẩm lợi thế vào hệ thống phân phối nước ngoài như hệ thống Aeon (Nhật Bản); Central Group (Thái Lan); Coop, Conad (Italia)…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đánh giá, chương trình liên kết vùng đã góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Hà Nội với các tỉnh, TP trên cả nước. Nhiều địa phương đã chủ động đề xuất các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm qua đó giúp DN chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, đặc biệt khắc phục được tình trạng được mùa mất giá.
Vân Nhi (tổng hợp)
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.