Tổng Bí thư yêu cầu có cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội cần xây dựng theo hướng phù hợp, để tất cả các cấp, ngành phải thu hút nguồn lực về Hà Nội đồng thời nêu rõ trách nhiệm của từng cơ quan.
Xây dựng Thủ đô trở thành thành phố rồng bay
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ TP Hà Nội nhằm sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị (Khoá XI) về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, hiện Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển song, vấn đề quan trọng là phải giữ được bản sắc riêng của Hà Nội, giữ được hồn cốt của dân tộc, xây dựng văn hoá người Hà Nội thanh lịch, văn minh có chiều sâu, trí tuệ.
Tổng Bí thư lưu ý, với đặc thù quan hệ đối ngoại của Thủ đô ngày mở rộng, Hà Nội phải hết sức chú ý tới việc giữ ổn định chính trị, an ninh. Việc thiết lập quan hệ đối ngoại chặt chẽ với các quốc gia chính là thế mạnh, nguồn lực lớn của Thủ đô Hà Nội, vì vậy, cần xây dựng hình ảnh một Hà Nội văn minh, lịch sự bởi công tác đối ngoại của Thủ đô không chỉ thực hiện cho Hà Nội mà còn là của cả nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất cả nước với 40 vạn Đảng viên, với nhiều Đảng viên cấp cao. Chính vì vậy, Đảng bộ Hà Nội phải gương mẫu đi đầu cho cả nước về kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh để thu hút nguồn lực xây dựng nhất nước. "Phải xắn tay áo cùng nhau làm việc, thu hút mọi nguồn lực, tinh hoa quốc tế để xây dựng Thủ đô trở thành thành phố rồng bay, văn hiến, thanh lịch, hoà bình, giữ được truyền thống văn hoá dân tộc từ thời cố đô Cổ Loa.
Về kiến nghị của TP. Hà Nội về xin áp dụng cơ chế đặc thù, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đồng ý với đề xuất của Đảng bộ Hà Nội và yêu cầu Thủ đô nêu rõ các vấn đề cần áp dụng cơ chế đặc thù, trình Chính phủ, Quốc hội để sửa luật nếu cần. Tổng Bí thư cũng yêu cầu cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội cần xây dựng theo hướng phù hợp, để tất cả các cấp, ngành phải thu hút nguồn lực về Hà Nội đồng thời nêu rõ trách nhiệm của từng cơ quan. Về đề xuất tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu nên mạnh dạn cho Hà Nội triển khai thực hiện. Với đề xuất trao tặng Huân chương độc lập bởi những thành tích đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12, Tổng Bí thư cơ bản tán thành, đồng thời gửi lời chúc mừng tới 8 triệu nhân dân Thủ đô nhân sự kiện quan trọng sắp tới.
Chương Mỹ vẫn còn ngập sau hơn 1 tuần vỡ đê Bùi 2
Nước đã rút nhưng rất chậm nên một số nơi trên địa bàn xã Nam Phương Tiến vẫn còn ngập nặng, nhiều hộ dân vẫn phải khoá cửa, đi sơ tán
Một hơn tuần sau sự cố vỡ đê Bùi 2 (huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội), nước lũ tại xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bắt đầu rút dần. Tại một số điểm nước đã rút, người dân đang khẩn trương dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả lũ lụt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngôi nhà bị ngập nặng, có nhà đến gần đến mái. Nhiều tuyến đường liên thôn, nước ngập đến đầu gối.
Tại khu vực trước cổng trường mẫu giáo và Tiểu học Nam Phương Tiến A nước vẫn còn ngập mênh mông xung quanh, học sinh trên địa bàn xã vẫn phải nghỉ học. Do một số tuyến đường của xã Nam Phương Tiến còn ngập sâu trong nước nên người dân phải sử dụng thuyền để di chuyển. Người lớn phải chở trẻ nhỏ trên những chiếc phao bằng săm xe ô tô di chuyển trong thôn.
Theo lãnh đạo UBND xã Nam Phương Tiến, Chính quyền địa phương đang khẩn trương chỉ đạo, tuyên truyền cho người dân dọn dẹp, xử lý xác chết động vật, rắc vôi bột để tránh dịch bệnh sau mưa lũ. Đồng thời, tuyên truyền trên loa phát thanh của xã cảnh báo người dân về đuối nước ở trẻ em, đề phòng trộm cắp vặt, bảo vệ tài sản của mình. Bên cạnh đó, xã vẫn tiếp tục duy trì lịch trực 24/24 đối với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, phân công người kiểm tra thường xuyên các điểm ngập để nắm bắt tình hình.
Theo thống kê của xã UBND xã Nam Phương Tiến thì toàn xã có đến 831 hộ bị cô lập chiếm 4412 khẩu, 530 hộ ngập úng, có điểm ngập sâu hơn 4m. Hàng trăm hecta hoa màu, ruộng vườn bị thiệt hại, chưa kể hơn 5577 gia súc, 96.321 gia cầm bị ảnh hưởng nặng nề.
Hà Nội phạt tiền, đình chỉ 58 dự án vi phạm phòng cháy chữa cháy
Khu chung cư số 4 Chính Kinh (quận Thanh Xuân) dù đã đưa vào sử dụng nhưng ngoài phạt tiền đã bi đình chỉ hoạt động
58 dự án, công trình nhà ở, khu chung cư vừa được Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội công bố bị phạt tiền, tạm đình chỉ và đình chỉ do vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Nhiều dự án đã đưa vào sử dụng nhưng không chịu khắc phục vi phạm nên đã bị đình chỉ hoạt động.
Theo Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, thực hiện các biện pháp cương quyết theo chỉ đạo của Thành phố, tính đến thời điểm hiện nay có 21/79 công trình, chủ đầu tư đã khắc phục xong và được cấp văn bản xác nhận nghiệm thu về PCCC. Tuy nhiên, vẫn còn 58/79 công trình chưa thực hiện xong.
Cụ thể đã xử phạt hành chính đối với chủ đầu tư của 48/58 công trình với tổng số tiền trên 3,4 tỷ đồng. Đơn cử như: Khối đế và tháp B -Tòa nhà hỗn hợp HH1 ngõ 102 Trường Chinh của Cty CP cơ điện và xây dựng Việt Nam; Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở xã hội số 30 đường Phạm Văn Đồng của Cty CP đầu tư xây dựng và thương mại dịch vụ Bắc Hà; Chung cư cảnh sát 113 Trung Kính của Cty TNHH Thăng Long; Tòa nhà FLC Complex 36 Phạm Hùng của Cty TNHH đầu tư và quản lý tòa nhà ION Complex…
Đặc biệt, đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động 17 hạng mục công trình và đình chỉ hoạt động 25 hạng mục công trình. Thậm chí đình chỉ nhiều công trình chung cư lớn. Đơn cử như: Trung tâm thương mại và nhà ở cao tầng 27 Lạc Trung của Cty TNHH một thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội (đình chỉ công trình); Tòa nhà HH1 đường Đại Mỗ, phường Đại Mỗ của Cty CP đầu tư địa ốc Alaska (đình chỉ hoạt động xây dựng công trình); Tòa nhà hỗn hợp nhà ở kết hợp dịch vụ thương mại và văn phòng cho thuê số 4 Chính Kinh, quận Thanh Xuân của Cty CP bất động sản Hà Nội Sông Hồng (đình chỉ hoạt động công trình);...
Trong danh sách vừa được Cảnh sát PCCC công bố hầu hết là những dự án đã đưa vào hoạt động mà chủ đầu tư là những “ông lớn” trong BĐS vi phạm nhiều lần nhưng chậm khắc phục.
Đơn cử như: Tòa nhà FLC Complex (Số 36 Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm) của Cty TNHH đầu tư và quản lý tòa nhà ION Complex; Tòa nhà HH1 (Đường Đại Mỗ, phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm) của Cty CP đầu tư địa ốc Alaska; Tòa nhà New Skyline khu đô thị Văn Quán (quận Hà Đông) của Tổng Cty đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD.
Cty CP đầu tư và xây dựng số 1 Hà Nội (HICC1) với 4 dự án: CT2B, CT2C, CT1A, CT1B thuộc khu đô thị mới Nghĩa Đô (Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm); Các khu chung cư Đại Thanh, Kim Văn Kim Lũ, VP Linh Đàm, Xa La của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên.
Theo yêu cầu của lãnh đạo Hà Nội, ngoài công khai danh tính chủ đầu tư vi phạm PCCC, các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra việc khắc phục các vi phạm về PCCC (15 ngày/lần), lập biên bản; nêu rõ việc thực hiện những cam kết của chủ đầu tư; ra thông báo tạm đình chỉ, đình chỉ. Sau khi xử phạt xong, nếu chủ đầu tư “chây ì” không khắc phục, đề xuất chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế…
Đã khống chế được 95% ổ dịch sốt xuất huyết
Báo cáo thống kê từ Sở Y tế Hà Nội, hiện toàn thành phố đã khống chế được 4.717 ổ dịch (qua 14 ngày không xuất hiện thêm bệnh nhân mới), chiếm 95,02%. Tuy số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội có dấu hiệu giảm nhưng vẫn đang là giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Vì vậy, người dân cần chủ động thực hiện các công tác phòng chống dịch để ngăn chặn khả năng hình thành đỉnh dịch lần thứ hai trong năm.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 9/10 đến 15/10, toàn thành phố ghi nhận 1.021 trường hợp mắc sốt xuất huyết mới, giảm 47 trường hợp so với tuần trước. Toàn thành phố hiện còn 247 ổ dịch đang hoạt động, 4.717 ổ dịch đã được khống chế (qua 14 ngày không xuất hiện thêm bệnh nhân mới), chiếm 95,02%. Như vậy, tính đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 33.588 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 7 trường hợp tử vong.
Mặc dù tình hình dịch sốt xuất huyết đã có dấu hiệu chững lại, song qua kiểm tra của các đoàn kiểm tra thành phố, một số xã, phường, quận, huyện vẫn còn tỷ lệ diệt bọ gậy, phun hóa chất chưa đảm bảo theo yêu cầu làm nguy cơ dịch có thể bùng phát sau mưa lũ như: Láng Thượng (Đống Đa), Trương Định (Hai Bà Trưng), Đồng Mai (Hà Đông), Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì), Tiền Phong (Thường Tín)…
Theo các chuyên gia y tế, tuy số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội có dấu hiệu giảm nhưng vẫn đang là giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết vì theo chu kỳ, tháng 10, tháng 11 mới là đỉnh của dịch. Bên cạnh đó, xung quanh Hà Nội, một số địa phương như Hà Nam, Nam Định, dịch đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh, sự di chuyển, giao thương giữa Hà Nội với các vùng miền này rất lớn, do vậy việc dịch bùng phát trở lại là hoàn toàn có thể xảy ra.
Chặt hạ gần 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng
Sáng ngày 18/10, TP. Hà Nội đã bắt đầu tiến hành chặt hạ, đánh chuyển hàng loạt cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng để thực hiện dự án mở rộng đường vành đai 3.
Nhằm phục vụ cho việc xây dựng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long, TP Hà Nội sẽ tiến hành chặt hạ, di chuyển, cắt tỉa khoảng 1.289 cây nằm trên đường Phạm Văn Đồng thuộc địa phận quận Cầu Giấy.
Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long có tổng chiều dài là 5,5 km, điểm đầu Km0+000 (Ngã tư Mai Dịch), điểm cuối km5+500 (cầu Thăng Long).
Dự kiến đến tháng 12/2017, Hà Nội sẽ thực hiện xong việc đánh chuyển gần 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng.
Kỷ luật khai trừ Đảng Bí thư xã Đồng Tâm
Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm (Mỹ Đức) bị kỷ luật khai trừ Đảng, 5 cán bộ khác bị kỷ luật cảnh cáo, khiển trách do liên quan đến vụ dân thôn Hoành phản ứng việc thu hồi đất ở sân bay Miếu Môn hồi tháng 4.
Sáng 21/10, bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) xác nhận thông tin trên.
Bà Lan cho biết, kết luận kiểm tra của Huyện ủy Mỹ Đức đối với Ban chấp hành Đảng bộ xã Đồng Tâm nhiệm kỳ 2015-2020 do để xảy ra sự việc tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm) các ngày 15-17/4/2017 vừa được công bố vào ngày 19/10.
“Ban Thường vụ Đảng ủy xã bị kỷ luật, ngoài ra có 2 đồng chí phó chủ tịch xã, phó chủ tịch HĐND xã” - bà Lan nói.
Tại kết luận này, Huyện ủy Mỹ Đức ra quyết định kỷ luật bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, hình thức khai trừ Đảng.
4 cán bộ xã bị thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo gồm: ông Nguyễn Mạnh Tiến - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, ông Hoàng Thanh Hương - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã; ông Lê Trường Huy - Phó Chủ tịch UBND xã; ông Phạm Hồng Sỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm.
Ông Phạm văn Quang, Phó Chủ tịch HĐND xã nhận hình thức khiển trách.
Vân Nhi (tổng hợp)
“Trong những ngày đầu tháng 12 này, Khu đền tháp Mỹ Sơn cùng với Đô thị cổ Hội An tròn 25 năm ngày được Unesco công nhận Di sản văn hóa của nhân loại. Niềm vinh dự này, không phải địa phương nào cũng có được, tôi xin được chia sẻ niềm vui và niềm tự hào này đối với thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên, chúc cho công tác bảo tồn các di sản ngày càng tốt đẹp, đạt được những thành công hơn nữa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nói.
Tối 28/11, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai mạc Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật các tỉnh: Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Lâm Đồng và Hà Tĩnh.