Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 24 tháng 12 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 1 năm 2018 | 10:9

Hà Nội xây dựng đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục hết hơn 7.000 tỷ đồng

Trong tháng 1, Hà Nội sẽ trình thẩm định dự án đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục để triển khai thiết kế cơ sở và lấy ý kiến nhân dân. Đây là thông tin do ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội cho biết tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức ngày 9/1.

Theo báo cáo kế hoạch triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai I, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục, tổng mức đầu tư dự án 7.800 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp (gồm hai cầu vượt, phá dỡ công trình nổi, thi công đường và hệ thống kỹ thuật đồng bộ) là 785 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm cả chi phí di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật) trên 6.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Sỹ Bảo cho biết, chi phí giải phóng mặt bằng được xác định theo các quy định liên quan đến đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất gồm: bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản, hỗ trợ khác (ổn định đời sống, di chuyển, tạm cư, thưởng tiến độ, hỗ trợ tự lo nhà tái định cư), di chuyển công trình ngầm, nổi...

Ông Nguyễn Sỹ Bảo trả lời câu hỏi của các phóng viên

Giám đốc Bảo cho biết, việc hoàn thiện tuyến đường vành đai 1 được thành phố phê duyệt từ lâu. Do nguồn vốn lớn, thành phố phải chia thành nhiều dự án, thi công theo các giai đoạn khác nhau và đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục là đoạn tuyến cuối cùng để khép kín vành đai 1.

Ông Bảo cũng cho rằng, với kinh nghiệm đã thi công các đoạn tuyến trước đó của đường vành đai 1, kinh phí đầu tư sẽ không bị "đội vốn".

Trả lời câu hỏi về việc khi dự án được công bố, có 139 hộ dân ở đường Đê La Thành đã treo băng rôn phản đối việc thu hồi đất để làm bãi đỗ xe, cây xanh.

Ông Nguyễn Sỹ Bảo trả lời, việc mở rộng đường này được quy hoạch từ năm 2000. Đất mà 139 hộ đang sử dụng thuộc phần đất xen kẹt được quy hoạch là đất cây xanh.

Theo ông, khi công bố mốc chỉ giới đường đỏ có sự tham gia của các sở, ban, ngành, chi bộ, tổ dân phố, đại diện người dân trong khu vực và nhận được sự đồng thuận. Trên cơ sở đó mới cắm mốc giới cả tuyến đường, việc phản đối của người dân là sau này.

“Nhiệm vụ của chúng tôi trong thời gian tới là cùng Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng phối hợp với các quận Đống Đa, Ba Đình đối thoại với người dân để tạo sự đồng thuận”, ông Bảo nói.

Phó chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp thông tin thêm, năm 2000, khi xây dựng quy hoạch, pháp luật không quy định phải công khai lấy ý kiến cộng đồng. Các đồ án sau khi được phê duyệt thì phổ biến công khai để nhân dân biết và thực hiện.

“Tại quy hoạch thì phần đất xen giữa đường Vành đai 1 và đường Đê La Thành là đất cây xanh và bãi đỗ xe”, ông Giáp nói. Ông nhấn mạnh, dự án này nếu thực hiện đồng bộ cả phần đường và bãi đỗ xe, cây xanh sẽ đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Ngọc Thủy

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top