Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 6 năm 2022 | 14:11

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ô nhiễm nghiêm trọng, giải pháp nào ứng phó?

Được xây dựng năm 1958, hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải có chiều dài tuyến sông chính khoảng 232km, cung cấp nước tưới cho 135.000ha và tiêu úng cho gần 200.000ha đất canh tác. Hệ thống cấp nước sinh hoạt cho hơn 3 triệu người dân và các khu công nghiệp.

Vì sao Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm?

Khảo sát mới đây của Bộ NN&PTNT thực hiện trên 83 tuyến kênh chính và kênh nhánh vào mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, cho thấy tình trạng ô nhiễm đáng báo động trên hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải. Cụ thể, có đến 40/83 tuyến kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng; 23/43 tuyến kênh còn lại bị ô nhiễm ở mức độ trung bình; còn lại 20 tuyến kênh đang ở mức độ ô nhiễm nhẹ.

Theo đánh giá của Bộ TN&MT, 100% các khu công nghiệp có xả thải ra hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải đều đầu tư xây lắp hệ thống xử lý nước thải tập trung và có hệ thống quan trắc tự động, liên tục kết nối với Sở TN&MT, Bộ TN&MT. Các đối tượng này được quản lý hết sức chặt chẽ.

Ông Hoàng Văn Vy - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) cho rằng, nguồn gây ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện nay đang được kiểm soát khá tốt. Nhưng có một vấn đề là hàng năm từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, ô nhiễm trên hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải lại gia tăng. Điều này cho thấy, tình trạng ô nhiễm phụ thuộc vào lượng nước cấp cho hệ thống.

“Trên sông Cầu Bây (tuyến nhánh đổ vào hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải), trung bình 1 ngày đêm phát sinh khoảng 160.000m3 nước thải, chủ yếu từ các khu đô thị, điểm dân cư tập trung, làng nghề chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn. Đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải…” - ông Hoàng Văn Vy nhận định.

Ở góc độ quản lý, đại diện Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc nhìn nhận có 3 nguyên nhân có thể làm gia tăng ô nhiễm. Thứ nhất, do mực nước sông Hồng bị hạ thấp trong khi lượng nước thải vào hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải vẫn giữ nguyên, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm.

Thứ hai, hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải có chức năng tưới tiêu nên phải đảm bảo mực nước. Khi mực nước bị hạ thấp sẽ vận hành theo xu hướng đóng kín hạ lưu để dâng mực nước. Nước dâng lên không được lưu thông cũng là nguyên nhân gia tăng ô nhiễm.

Thứ ba, khi Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc khảo sát trên hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, việc duy tu bảo dưỡng, khơi thông dòng chảy chưa được thực hiện thường xuyên. Trên hệ thống, hệ thực vật thủy sinh phát triển rất mạnh. Bình thường, thủy sinh làm giảm ô nhiễm, nhưng khi phát triển quá mức, hệ thủy sinh chết đi, vô hình trung trở thành tác nhân gây tái ô nhiễm.

Không còn chồng chéo trong quản lý

Liên quan đến ý kiến cho rằng việc quản lý, bảo vệ nguồn nước hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải hiện nay còn chồng chéo, chưa xác định rõ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giữa ngành TN&MT, ngành NN&PTNT và các địa phương, ông Hoàng Văn Vy cho biết trước khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được ban hành, sự chồng chéo trong quản lý vẫn còn. 

Ví dụ như một công trình thủy lợi đương nhiên được quản lý bởi ngành NN&PTNT. Tuy nhiên, vì là nguồn nước mặt nên cũng thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ TN&MT, UBND các cấp. Trong trường hợp này thì sự chồng chéo là không tránh khỏi.

 

bac-hung-hai-1.jpg

Cải thiện ô nhiễm nguồn nước hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp bộ ngành và địa phương.

 

Mặc dù vậy, Luật Bảo vệ môi trường mới đây đã có quy định cụ thể, trong đó giao Bộ TN&MT có trách nhiệm điều tra, khảo sát đánh giá chất lượng nước mặt, khả năng chịu tải của nguồn nước mặt đó. UBND cấp tỉnh xác định nguồn nước mặt quan trọng phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bộ TN&MT có kế hoạch quản lý và từng địa phương cũng có kế hoạch của mình trên phạm vi của tỉnh và đóng góp quản lý liên tỉnh.

“Ngành NN&PTNT với chức năng là đơn vị trực tiếp, quản lý vận hành hệ thống đó đương nhiên sẽ có trách nhiệm vận hành và cải tạo, nạo vét, duy tu bảo dưỡng. Tất cả đều rất rõ, không chồng chéo phạm vi quản lý chức năng. Nếu làm đúng chức năng vận hành theo luật quy định thì chất lượng nguồn nước trên hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải sẽ tốt hơn...” - ông Hoàng Văn Vy cho hay.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình thuỷ lợi (Tổng cục Thuỷ lợi, Bộ NN&PTNT) cho biết thêm, trong Luật Bảo vệ môi trường mới đây cũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của các bộ ban ngành, đặc biệt địa phương.

Theo đó, địa phương phải có trách nhiệm đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Ông Việt Anh cho rằng hệ thống này ở các khu dân cư hầu như đang bị thả nổi, không thu gom, không xử lý mà đổ xả trực tiếp vào hệ thống thủy lợi. Thực tế trên hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải hiện nay, có đến 60% tổng lượng nước thải đổ vào là từ nguồn dân sinh.

Ông Nguyễn Việt Anh, phó cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết nhiệm vụ của hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải là đảm bảo tưới cho 110.000ha canh tác, tạo nguồn cấp nước cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản 2.000ha và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho hơn 3 triệu người. Đặc biệt là tiêu nước, chống ngập úng cho toàn bộ diện tích 4 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hải Dương.

Do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, hình thành nhiều khu công nghiệp, làng nghề nên tình hình vi phạm pháp luật trong quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày càng gia tăng và nghiêm trọng.

Nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật được xả vào hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải diễn ra phổ biến, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước trong hệ thống ngày càng trầm trọng, đặc biệt là vào mùa kiệt từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

Triển khai 4 giải pháp trước mắt và lâu dài

Ông Hoàng Văn Vy, phó cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc - Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết ngoài nguyên nhân xả nước thải vượt quy chuẩn của các doanh nghiệp, thì nguyên nhân chính là các khu đô thị, khu dân cư tập trung, các làng nghề không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn.

Theo ông Vy, để kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải "sống lại" thì cần triển khai 4 giải pháp trước mắt và lâu dài.

Thứ nhất, phải thống kê các nguồn thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải, từ đó chúng ta sẽ có kế hoạch kiểm soát nguồn thải. Lâu nay, số liệu nguồn thải chưa đầy đủ. Muốn quản lý thì phải có thông tin làm cơ sở.

 
bac-hung-hai-2.jpg
Công trình cống đầu mối thuộc hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: Tổng cục Thuỷ lợi.

 

Khi có thông tin, Bộ Tài nguyên và môi trường có thể có văn bản đôn đốc UBND các tỉnh tăng cường xử lý, như ở quận Long Biên, huyện Gia Lâm… từ đó chúng ta sẽ giải quyết được các nguyên nhân chính.

Thứ hai, chúng ta phải điều tra, khảo sát, đánh giá khả năng chịu tải. Bởi vì, nếu muốn quản lý nguồn nước mặt xả thải thì phải xem hệ thống còn khả năng chịu tải hay không mới cấp phép xả thải. Ngoài ra, phải ban hành kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt của hệ thống Bắc Hưng Hải.

Thứ ba, trên cơ sở thống kê, Bộ Tài nguyên và môi trường phải phối hợp với UBND các tỉnh. Trong đó, UBND các tỉnh chịu kinh phí. Nếu có vướng mắc về kinh phí đầu tư hệ thống thì bộ và UBND các tỉnh có liên quan sẽ cùng có kiến nghị với Thủ tướng các giải pháp để hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý.

Thứ tư, trách nhiệm của đơn vị vận hành hệ thống Bắc Hưng Hải phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, nạo vét, khơi thông dòng chảy.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Để “hồi sinh” hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, nhiệm vụ đặt ra là cần có kế hoạch để kiểm soát nguồn thải. Thực tế lâu nay cho thấy số liệu nguồn thải chưa đầy đủ. Chỉ khi có thông tin, Bộ TN&MT mới có căn cứ, cơ sở để đôn đốc UBND các tỉnh, TP tăng cường xử lý, như một số trường hợp ở quận Long Biên, huyện Gia Lâm (TP. Hà Nội) thời gian qua.

Điều tra, khảo sát, đánh giá khả năng chịu tải là vấn đề tiếp theo được các chuyên gia khuyến cáo. Bởi nếu muốn quản lý nguồn nước mặt xả thải thì phải xem hệ thống còn khả năng chịu tải hay không thì mới cấp phép xả thải. Ngoài ra, phải ban hành kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt của hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải.

Liên quan đến trách nhiệm của đơn vị vận hành hệ thống thuỷ lợi, đại diện Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc cho rằng, các đơn vị quản lý phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, nạo vét, khơi thông dòng chảy. Phối hợp với UBND các tỉnh, TP trong việc cấp phép xả thải dựa trên khả năng chịu tải của từng tuyến kênh, mương.

Đồng tình với quan điểm của đại diện Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình thuỷ lợi Nguyễn Việt Anh cho rằng việc thống kê, kiểm đếm nguồn thải vào công trình thủy lợi là giải pháp cần thiết.

“Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác, các Sở NN&PTNT hàng tháng phải có báo cáo về phát sinh điểm xả thải, phát sinh vi phạm. Nhưng việc tăng cường nhận thức của người dân, sự tham gia của các cấp chính quyền địa phương trong việc bảo vệ môi trường, xả thải vào công trình thủy lợi là rất quan trọng...” – ông Việt Anh chia sẻ.

Cho ý kiến về đề xuất giải pháp cải thiện nguồn nước trên hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNTT) Lương Văn Anh cho rằng giải pháp công trình là rất quan trọng, và điều này có vai trò trách nhiệm lớn của các địa phương.

Đại diện Tổng cục Thuỷ lợi thông tin, trong trung hạn, Bộ NN&PTNT đã đưa vào kế hoạch đầu tư trạm bơm Xuân Quan và nạo vét một số hệ thống kênh trục. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần phải đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải, nhất là từ các khu dân cư.

“Theo Luật Bảo vệ môi trường, trách nhiệm đầu tư hệ thống xử lý nước thải thuộc về UBND cấp tỉnh. Các địa phương phải đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu đô thị, khu dân cư và làng nghề. Có như vậy tình trạng ô nhiễm hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải mới mong được kiểm soát…” - ông Lương Văn Anh bày tỏ quan điểm. 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top