Những năm qua, nhiều lao động Hà Tĩnh sang Angola lao động “chui” với hy vọng đổi đời. Thế nhưng, hệ lụy đằng sau những lời hứa có cánh là tiền mất, nợ mang, không ít lao động bỏ mạng nơi xứ người do bị cướp sát hại, hoặc bệnh tật, tai nạn giao thông…
Không như miền đất hứa
Ngày 23/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola phát đi tin buồn về việc chị Trần Thị Thu Hường (40 tuổi, trú tại xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) và anh Nguyễn Trọng Đức (47 tuổi, trú tại xã Song Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) tử vong do bị cướp sát hại vào lúc 2giờ sáng ngày 20/5 tại khu nhà trọ ở tỉnh Lubango. Hai nạn nhân bị sát hại là chị em, trong đó chị Hường là chị dâu của anh Đức.
Nơi xóm nghèo Phượng Sơn, nhiều người dân kể về gia cảnh thương tâm của bà Nguyễn Thị Tuyết (gần 80 tuổi), là mẹ đẻ và mẹ chồng của hai nạn nhân vừa bị sát hại.
“Chỉ trong 6 tháng đã mất đi 3 đứa con, không biết rồi bà Tuyết sẽ sống ra sao với nỗi đau quá lớn này!”, một người dân trong xã Trường Lộc chia sẻ.
Bà Thành, mẹ chị Hường, ngậm ngùi: “Vợ chồng chúng nó lấy nhau, gia đình hai bên nghèo khó không đỡ đần được gì nhiều nên cuộc sống khó khăn mãi. Tháng 8 năm ngoái (2018), cháu Hường xa chồng con sang Angola làm thuê cho người em chồng bên đó. Mới đi được 6 tháng thì chồng nó ở nhà bị tai nạn rồi mất. Vì mới sang, chưa dành dụm được tiền nên cháu nó không thể về chịu tang chồng. Những tưởng như thế đã là quá đủ với hai cháu ngoại, vậy mà đau đớn thay, giờ mẹ của chúng lại bị giết hại. Chúng tôi già yếu cả rồi, không biết rồi không còn bố mẹ, hai cháu sẽ sống ra sao”.
Còn anh Đức, anh sang Angola mưu sinh, ở nhà, vợ và đứa con lớn dắt díu nhau vào Đồng Nai làm thuê. Bao nhiêu tiền dành dụm được đều gửi về quê trả nợ.
Vừa trở về từ Angola, vẫn chưa hết bàng hoàng, ông Trần Thái Bạch (xã Xuân Liên, Nghi Xuân) kể: “Cuối năm 2014, tin lời môi giới với những lời giới thiệu có cánh, sang Angola làm việc nhẹ lương cao, vợ chồng vay mượn tiền bạc làm chuyến “xuất ngoại” mong được đổi đời. Thế nhưng suốt 4 năm sinh sống ở đó, cuộc sống khổ cực, thường xuyên bị cướp đến tấn công, giờ nhắc đến Angola tui khiếp ba đời”.
Trước đó, vào năm 2016 và 2017, ở Hà Tĩnh, chị Hoàng Thị Văn (huyện Cẩm Xuyên) và Nguyễn Thị Đào (huyện Nghi Xuân), lao động xuất khẩu chui tại Angola, cũng bị một nhóm cướp ngoại quốc tìm tới nhà trọ đập cửa khống chế, do hai chị này không có tiền, đã bị chúng ra tay sát hại.
Khó kiểm soát
Hà Tĩnh là địa phương có truyền thống đi xuất khẩu lao động theo cộng đồng, làng xã. Mặc dù đã được cảnh báo về an ninh bất ổn tại Angola, thế nhưng, hàng nghìn lao động tại các vùng nông thôn trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn bất chấp nguy hiểm, rủi ro, quyết sang Angola để tìm kế sinh nhai…
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có gần 4.000 lao động đang sinh sống và làm việc tại Angola, chủ yếu đi theo con đường du lịch, thăm người thân. Thời gian qua, tại Angola, xảy ra không ít vụ việc người lao động Hà Tĩnh bị tử vong do bị cướp, bệnh tật và tai nạn giao thông. Mặc dù luôn trong tình trạng lo lắng, bất an, nhưng vì nhiều lý do, người lao động Việt Nam vẫn bám trụ tại đó.
Ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh), cho rằng: Lao động đang làm việc tại Angola hết sức khó khăn bởi tình hình bất ổn về an ninh, tỷ giá đồng quan (tiền Angola) so với USD giảm mạnh. Nhiều chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh của người Việt Nam cũng như của Hà Tĩnh và người lao động muốn về nước nhưng chưa thể vì họ đang cố níu kéo kinh doanh để thu hồi vốn và người lao động thì cố làm việc để trả nợ.
Cũng theo ông Dũng, để hạn chế lao động sang làm việc “chui” tại Angola nói riêng và một số thị trường lao động khác, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu được thị trường lao động phức tạp ở Angola.
Tỉnh Hà Tĩnh đã và đang kêu gọi thu hút đầu tư các dự án để tạo nhiều việc làm cho lao động. Thời gian tới, tỉnh sẽ ban hành một số chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và việc làm cho lao động trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tìm kiếm, mở rộng thị trường để đưa lao động sang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Hiện nay, cơ chế quản lý người lao động đi nước ngoài theo địa phương, pháp luật đưa lao động đi nước ngoài vẫn còn nhiều kẽ hở, cần điều chỉnh, bổ sung. Người lao động đi nước ngoài phải đăng kí những thủ tục ban đầu để làm hộ chiếu nhưng sau đó người lao động đi nước nào không cần khai báo với địa phương nên việc kiểm soát rất khó khăn. Bên cạnh đó, cần thắt chặt mối quan hệ giữa các bộ, ngành trong việc quản lý người lao động thì mới xiết chặt quản lý, xử lý những rủi ro của người lao động ở nước ngoài.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.