Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 9 năm 2018 | 13:32

Hoa hồng rừng trước nguy cơ… vào sách đỏ

Chợ huyện Bắc Hà vào phiên chính, các loài hoa rừng được bày bán khá nhiều nhằm phục vụ nhu cầu của khách du lịch đến tham quan...

Như thường lệ, vào mỗi phiên chợ chính ngày chủ nhật, khách du lịch trong nước, quốc tế và người dân các thôn, bản lại tấp nập đổ về chợ trung tâm huyện Bắc Hà (Lào Cai). Cả khu chợ rộng chừng 2ha trở nên nhộn nhịp với đa dạng hàng hóa cùng nhiều sắc màu sinh động. Đó là màu váy áo thổ cẩm của các cô gái Mông xuống chợ, đó là màu của những nhành lan rừng khoe sắc thắm, những gốc hồng cổ nằm “lay lắt” dưới nền gạch với cảnh kẻ bán - người mua nhộn nhịp…

tr8t.jpg
Những gốc hoa hồng rừng không ngọn, lá, gốc trơ trọi không dính đất.

 

Hồng cổ giá rẻ

Chợ huyện Bắc Hà vào phiên chính, hoa lan rừng được bày bán khá nhiều nhằm phục vụ nhu cầu của khách du lịch đến tham quan trong dịp này… Đến khu bán hoa, nằm sát dãy ẩm thực, chúng tôi thấy nhiều lan rừng và gốc hồng cổ thụ được bày bán ngổn ngang trên nền sân gạch, sắc hoa hé nở trong tiết trời chớm Thu, mặc cơn mưa nặng hạt, từ sáng sớm, khu vực này này vẫn nhộn nhịp, đông khách...

Ngắm nhìn toàn cảnh khu bán hoa lan, tôi thấy một phụ nữ Mông, đang bán mấy khóm lan rừng. Chị có vài ba khóm phong lan nở hoa vàng rất đẹp, bắt mắt và giá cả cũng không quá đắt, chỉ  50 - 200 nghìn đồng/khóm. Chị niềm nở khoe với khách: “Hôm nay, mình chỉ có ít phong lan này thôi, nó nở hoa vàng rất đẹp nên mình mang bán để kiếm thêm ít tiền nuôi con”. Còn khi được hỏi lan rừng này, chị nhập ở đâu?  Chị cười trừ: “Lấy từ rừng các anh ạ!”.

Tại phiên chợ, tôi có dịp gặp một cặp vợ chồng trẻ dưới xuôi. Anh chồng tên Quảng, 35 tuổi, quê Hải Phòng, đang tìm mua hoa hồng cổ về trồng. Đắn đo khi mang gốc về trồng, liệu cây có sống nổi, anh Quảng cho biết: “Chỉ nghe tên hoa hồng cổ thôi đã muốn mua về rồi. Bởi hoa hồng vốn là “chúa tể” của các loài hoa mà mua được hoa rừng càng quý”.

Anh Quảng cười nói thêm: “Nghe chị bán hàng bảo hoa rừng nên khi nở đẹp lắm, nở quanh năm, bông thì to như nắm tay lại càng muốn mua”.

Chị vợ anh Quảng - tên Quyên - lanh lẹ bảo: “Cây sống sao được mà anh mua?”. Anh Quảng tặc lưỡi bảo vợ: “Thôi cứ mua em ạ. Giá cũng rẻ, chỉ khoảng 150 nghìn đồng/khóm, gốc to như thế này mà… Cây sống được thì tốt, không sống thì bỏ đi, đáng bao nhiêu đâu”.

Kể cũng thấy lạ! Nhiều tháng nay, các gốc hoa hồng rừng (hoa hồng cổ thụ) được bày bán tại mỗi phiên chợ văn hóa Bắc Hà ngày càng nhiều. Cây to có, nhỏ có, chủng loại cũng hết sức phong phú, đa dạng… Có loại lá dài, thân quấn như dây leo, nở hoa vàng rực rỡ khá bắt mắt, cũng có loại khoe sắc tím biếc, mỏng manh..., người ta hay gọi với tên mĩ miều: “Phi điệp tím”, loại này giá lên đến hàng triệu đồng/khóm.

Giá bán hoa lan rừng ở chợ văn hóa Bắc Hà cũng rất đa dạng, có thể từ vài chục đến mấy trăm ngàn đồng, tùy thuộc vào sắc hoa và tính “hiếm” của hoa.

Nguy cơ vào sách đỏ

Tại khu vực bán hoa, tôi để ý nhiều nhất đến loài hoa hồng cổ thụ, bởi thấy chúng được bày bán “la liệt”, đa số hoa đều được khai thác từ tự nhiên nên nguy cơ vào sách đỏ là rất cao. Nhất là khi thấy hoa hồng cổ được bày bán ngày càng nhiều như hiện nay, thậm chí có cả những gốc hoa cổ thụ, có bộ gốc, rễ nặng đến vài chục cân cũng được mang bán… Vậy, họ lấy nguồn từ đâu? Tất cả đều từ “rừng già” chăng?

Tìm hiểu về chợ hoa, tôi cũng giống anh Quảng, chị Quyên…, đều “băn khoăn” khi thấy các gốc đều được chặt ngọn, bứt sạch lá, chỉ để lại gốc trần “trơ trụi”, liệu khi vận chuyển về xuôi…, những gốc cây ấy có thể sống không?

Theo giải thích của những người bán hàng: “Chặt như vậy là để vận chuyển cho dễ… Bởi hoa hồng đẹp nhưng lắm gai, nếu không cẩn thận sẽ dễ trầy da, xước thịt, thế nên phải chặt ngọn”. Cứ thế, những gốc hồng cổ thụ này theo chân khách du lịch về xuôi... 

Tiếc thay, vì thấy chút lợi ích nhỏ trước mắt, nhiều tháng nay, cơn “sốt” săn tìm gốc hoa hồng rừng, hồng cổ thụ bỗng lên tới đỉnh điểm. Ngày qua ngày, hết cây to đến cây bé bị cưa ngọn, bật gốc… rồi mang đến chợ huyện bán. Nhà nhà đào gốc, người người săn hồng cổ... thì lâu dần, loài hoa này liệu còn nữa hay không?

Nhiều người dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao Bắc Hà vì chưa hiểu, mải chạy theo lợi nhuận trước mắt... mà vô tình  “tận diệt” loài  hoa hồng cổ, để vô hình chung chính họ phá đi môi trường sinh thái vốn có từ rừng… Những gốc hồng to, nhỏ cứ theo khách nườm nượp về xuôi..., không biết có sống nổi khi khác khí hậu, khác thổ nhưỡng, hệ sinh thái… và cả sự “hoang dã” nơi vùng cao.

“Rừng vàng, biển bạc” là điều cổ nhân dạy để thế hệ hậu sinh biết “nâng niu”, trân trọng tài nguyên từ rừng, từ biển, biết khai thác đi liền với bảo tồn, phát huy giá trị bền vững. Còn ở đây, việc khai thác gốc hoa hồng rừng, hồng cổ thụ... không phải là sự “sẻ chia” cái đẹp, cái quý từ rừng với miền xuôi... mà những việc làm ấy, đang tàn phá hệ sinh thái, suy kiệt nguồn tài nguyên từ rừng! Còn với những cây khi đã bị đánh bật gốc lên, chuyện  sống hay chết… có lẽ là “may rủi”, “sống chết mặc bay”… Song đáng buồn thay, sự thực nguy cơ hoa hồng rừng bị tận diệt đang hiện hữu ở mảnh đất vùng cao còn nhiều khó khăn này.

 

 

Khuất Linh
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top