Có lẽ, được một lần gặp Bác Hồ là niềm mong ước, niềm hạnh phúc vô bờ của mọi người dân Việt Nam. Và rồi, mỗi lần gặp Người là cả một “rừng câu chuyện”, để giờ đây mỗi khi kể lại thấy tự hào, thấy thấm thía những lời Bác dạy.
Qua câu chuyện về ông Mông Đức Ngô, người cảnh vệ bảo vệ cho Bác suốt nhiều năm Người sống, làm việc tại Thủ đô kháng chiến An toàn khu (ATK) và cô thôn nữ Dương Thị Bình vinh dự hai lần được gặp Bác là những minh chứng cho điều này.
Người cảnh vệ gần 10 năm bảo vệ Bác
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, 15 tuổi, Mông Đức Ngô, ở xã Phượng Tiến (Định Hóa - Thái Nguyên), đã cùng với du kích địa phương tham gia bảo vệ quê hương.
Năm 1945 (16 tuổi), ông được chọn làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội Du kích xã Vị Trung (nay là xã Phượng Tiến) cùng với lực lượng Cứu Quốc quân và nhân dân tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, ông được chuyển về Đại đội 413, Trung đoàn 246 đóng quân tại địa phương với nhiệm vụ bảo vệ chiến khu Việt Bắc và Định Hóa.
Tháng 5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đồi Khau Tý, xã Thanh Định (nay là xã Điềm Mặc) để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông được tuyển chọn để thành lập Đại đội 32, với nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn tuyệt đối cho Bác.
Từ năm 1947 đến cuối năm 1953, ông Ngô cùng Đại đội 32 theo và bảo vệ Bác qua nhiều địa điểm từ Khau Tý (Điềm Mặc), Khuôn Tát, Nà Lọm, Tỉn Keo (Phú Đình)... đến Tân Trào, Sơn Dương (Tuyên Quang).
Ông Ngô nhớ lại, công tác bảo vệ Bác thời gian đó rất khó khăn, phiên hiệu không có, quân phục không thống nhất, ai có gì mặc nấy, cũng chưa có điều lệnh quy định, tất cả chỉ dựa vào nhiệt tình cách mạng và quyết tâm trung thành bảo vệ an toàn cho Bác bằng mọi giá.
Hàng ngày, ngoài giờ làm việc, Bác vẫn cùng cảnh vệ trồng rau, nuôi gà, phát nương, hướng dẫn và giúp đồng bào tăng gia sản xuất để chống đói. Bác thường bảo: “Trồng rau vừa để cải thiện bữa ăn, nếu chuyển đi thì người sau đến ở sẽ có rau mà ăn. Thực có túc thì binh mới cường”.
Ông Ngô tâm sự, tôi nhớ nhất một hôm tôi cùng đồng đội đang tăng gia sản xuất tại bãi đất giáp suối Nà Lọm thì Bác đến. Lúc ấy, có người đang làm thật lực, một số thì mải nói chuyện. Thấy vậy, Bác nhẹ nhàng nói: “Các chú ạ, một người làm ngoảy ngoảy không bằng 7 người làm khoan khoan; một giờ làm hăng say bằng cả ngày làm chiếu lệ. Phải làm việc thật lực, tích cực thì mới mong sớm có kết quả”. Sau lời nhắc của Bác, tất cả chiến sỹ đều nỗ lực làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao hơn, quên đi mệt mỏi để hoàn thành tốt công việc.
“Trong gần 10 năm làm cảnh vệ bảo vệ sự an toàn cho Bác, điều khiến tôi nhớ nhất về Người là sự dung dị, bình dân đến lạ thường. Bác luôn quan tâm khi gặp bất cứ ai, sống giản dị với tất cả mọi người, dù họ ở cương vị nào. Chính vì thế mà Bác gần gũi được với mọi người, không ai có sự xa cách”, ông Ngô nhớ lại.
Cuối năm 1953, cả nước tập trung cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Ngô được điều động lên mặt trận Điện Biên Phủ làm Trung đội trưởng Trung đội Thông tin phục vụ trực tiếp tại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng. Ông được Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ trực tiếp truyền mệnh lệnh của Đại tướng xuống chỉ huy các đơn vị trên toàn mặt trận.
Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, ông Ngô vinh dự cùng đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Năm 1958, ông xuất ngũ trở về địa phương sống cuộc đời bình dị với người dân quê nhà cho đến nay. Với những đóng góp trong suốt 15 năm hoạt động cách mạng, ông Ngô được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý .
Cô thôn nữ hai lần gặp Bác
Hình ảnh cô thôn nữ trong bức hình Bác Hồ thăm nông dân Đại Từ sau cải cách ruộng đất 1954, in trên hàng trăm tờ báo, tạp chí trong nước và nước ngoài, đã trở thành biểu tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông dân trong suốt hơn 60 năm qua.
Cô gái trong bức hình ngày ấy là bà Dương Thị Bình, ở xóm Bình, Điềm Thụy (Phú Bình - Thái Nguyên) hôm nay.
Bà Bình chỉ vào mình - Cô thôn nữ trong bức hình Bác Hồ thăm nông dân Đại Từ sau cải cách ruộng đất 1954. Giờ đây, bức hình trở thành biểu tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông dân trong suốt hơn 60 năm qua.
Năm 19 tuổi, bà Bình vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. “Năm 1950, sau khi học 6 tháng lớp “công - nông - phụ tham chính” do liên khu Việt Bắc tổ chức, bà về làm Bí thư phụ nữ cứu quốc xã Nhã Lộng, cán bộ phụ vận huyện Phú Bình, rồi cán bộ nông hội tỉnh.
Bà Bình nhớ lại, sau khi xuống các xã làm giảm tô, giảm tức ở Phúc Xuân, Túc Duyên và Trung Thành, chúng tôi về mở rộng cải cách. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Đoàn ủy cải cách ruộng đất đã gọi tôi lên giao nhiệm vụ: “Cô là cán bộ nông hội tỉnh, phải đi chỉ đạo nông dân sản xuất, vì ở Đại Từ đã cải cách thí điểm rồi”.
Thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng”, động viên sức người, sức của cho mặt trận Điện Biên Phủ, Đại Từ là huyện An toàn khu (ATK) được Trung ương trực tiếp chỉ đạo thực hiện cải cách ruộng đất tại 6 xã điểm gồm: Hùng Sơn, Bình Thuận, Trần Phú, Tân Thái, Độc Lập và An Mỹ.
Bà Bình được giao xuống xã Bình Thuận và xã Hùng Sơn chỉ đạo, điều tra tình hình sản xuất tại đây. Điểm đầu tiên bà xuống là xã Hùng Sơn - nơi có tổ đổi công Cầu Thành được thành lập với 13 hộ luôn dẫn đầu phong trào tổ đổi công toàn miền Bắc, được tuyên dương, báo chí ca ngợi thời bấy giờ. Về sau, tổ đổi công phát triển lên HTX Cầu Thành (tháng 5/1955), là một trong số những HTX nông nghiệp đầu tiên của miền Bắc.
Lúc này, bà Bình về ở nhà chị Huân, xóm Liên Giới, bên kia cầu Huy Ngạc, và thực hiện “ba cùng” với bà con: quét dọn nhà cửa, tắm giặt cho trẻ con, nấu cám lợn, gặt lúa… Đoàn đi cùng bà có khoảng hai chục người, do anh Trần Đức, Phó ban Công tác nông thôn Trung ương làm Trưởng đoàn.
Bà Bình nhớ lại, sáng một ngày tháng 9/1954, tôi mặc áo nâu, thắt khăn mỏ quạ cùng đoàn tập trung ra đồng Cả tham gia gặt lúa giúp dân. Buổi gặt hôm đó là vụ thu hoạch đầu tiên sau cải cách ruộng đất nên nông dân rất phấn khởi. Khoảng 9 giờ sáng, thấy tiếng xôn xao, tôi nhìn sang phía suối Tấm thấy đông người, ngựa. Nhận ra Bác Hồ, chúng tôi mừng quá reo lên: “Bác Hồ, Bác Hồ”, rồi ùa lên đón Bác.
“Đi đến gần con mương, Bác cúi xuống xắn quần lội qua. Bác mặc quần áo nâu, cổ vắt chiếc khăn mặt bông, đầu đội mũ cát két. Bác đặt mũ xuống, kê dép cao su ngồi xuống đầu bờ hỏi chuyện về đời sống, về tình hình sản xuất sau cải cách. Không khí ấm cúng bao trùm lên mỗi chúng tôi, không có gì ngăn cách giữa vị Chủ tịch nước với bà con. Bác hỏi anh Phan Văn Khoan:
- Chú làm gì ở địa phương?
- Thưa Bác, cháu là Bí thư nông hội xã Hùng Sơn.
Bác hỏi mọi người:
- Nông dân sau cải cách ruộng đất có ruộng cấy, có trâu cày rồi thì phải làm gì?
- Thưa Bác, có ruộng cấy, có trâu cày rồi thì nông dân phải tích cực sản xuất, phải đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ.
Bác mỉm cười nói:
- Đúng rồi, muốn giúp nhau sản xuất thì phải xây dựng tổ đổi công, cùng nhau làm ăn, có ăn rồi mới có đóng góp cho kháng chiến, kiến quốc.
Bác quay sang hỏi bà Huê (lúc đó đứng cạnh bà Bình), người Quảng Bình:
- Cô là thế nào?
Bà Huê xúc động bối rối, được anh Trần Đức đỡ lời:
- Thưa Bác, đây là đồng chí cán bộ trong đoàn công tác nông thôn đi gặt giúp dân.
Bác cười:
- Thế là nông dân lai rồi.
Sau đó, bác quay sang hỏi tôi: “Cô ôm bó lúa kia là thế nào”. Tôi trả lời: Cháu là cán bộ về xã chỉ đạo sản xuất, điều tra nông thôn, đi gặt giúp dân ạ!
Bác gật đầu, dặn dò: “Ừ, thế là tốt, cán bộ phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm mới hiểu được nông dân, mới giúp đỡ được dân…””, bà Bình xúc động kể tường tận từng chi tiết buổi gặp Bác hôm đó.
Bà Bình chia sẻ, hình ảnh của Bác in sâu vào trong tâm trí tôi đến tận giờ. Tôi nhớ mãi từng động tác, cử chỉ của bác rất khoan thai, nhẹ nhàng, làn da hồng hào. Bác nói chuyện với cán bộ và nông dân khoảng 15 phút rồi đoàn của Bác đi sâu vào phía trong làng, còn chúng tôi quay lại gặt lúa tiếp.
Lần thứ hai tôi được gặp Bác là ở Đại hội thi đua yêu nước lần 2 tại Hà Nội nhưng lần đó tôi chỉ được nhìn Bác ở xa.
Được biết, sau năm 1958, bà Bình về Ban Công tác nông thôn Trung ương, rồi lập gia đình với ông Trần Văn Sinh, Phó trưởng ban tiếp tế, vận tải chiến dịch Biên giới. Năm 1970, bà Bình chuyển về huyện Phổ Yên làm Phó phòng Hợp tác xã nông nghiệp; Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện rồi Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, ở đâu bà cũng luôn phấn đấu, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm 1985, bà nghỉ hưu.
Bà Bình bồi hồi nói: “Tôi luôn ghi nhớ lời Bác dạy: Cán bộ phải gần dân, giúp dân, vì dân, sống giản dị, tiết kiệm, mọi người dân Việt Nam đều có thể học tập làm theo gương Bác: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư””.
Thông qua câu chuyện kể của ông Ngô và bà Bình cách đây đã lâu nhưng những gì Bác dạy, những gì Bác nói, việc Bác làm vẫn luôn thấm thía: “Cán bộ phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm mới hiểu được nông dân, mới giúp đỡ được dân”, “khi đã làm phải làm việc thật lực, tích cực thì mới mong sớm có kết quả”, “sống gần gũi, giản dị với tất cả mọi người, dù họ ở cương vị nào”, “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”… Đây là những bài học mà mỗi người dân, cán bộ, đảng viên cần phải học và làm theo Bác.
Trải qua mấy mươi năm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đã có nhiều cháu thành đạt, có cuộc sống ổn định, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em (CTXH-QBTTE) Thừa Thiên - Huế đã thắp lửa “sưởi ấm” cho nhiều phận đời kém may mắn, giúp họ vượt qua những rào cản, phát triển và hòa nhập cộng đồng.
Được chính thức khởi động từ tháng 9/2022, Dự án “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đến nay cơ bản đạt mục tiêu đề ra, bước đầu tạo ra những kết quả rất đáng phấn khởi.