Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 9 tháng 4 năm 2020 | 18:26

Huế: Hàng chục hộ dân xã vùng cao đăng ký thoát nghèo

A Roàng là một trong những xã có điều kiện KT - XH khó khăn nhất huyện A Lưới nói riêng, tỉnh TT - Huế nói chung. Gần đây, hàng chục hộ dân ở đây đã mạnh dạn đăng ký thoát nghèo, tuy nhiên, để có sự phát triển vượt bậc như vậy là chưa đủ.

Xuất phát từ những chính sách hỗ trợ

Trong những năm trở lại đây, Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều mô hình, dự án để hỗ trợ, giúp đỡ xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điển hình, năm 2018 Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động nguồn lực từ hội viên, nông dân, cán bộ công nhân viên cơ quan để giúp đỡ xã A Roàng xây dựng mô hình làm chân hương; hỗ trợ đào tạo nghề chăm sóc và cạo mủ cây cao su; hỗ trợ dụng cụ sản xuất nông nghiệp và trao học bổng cho học sinh nghèo với số tiền 37.400.000 đồng.

 

Các chính sách, các chương trình hỗ trợ đang là động lực thúc đẩy nhiều hộ dân tại xã A Roàng đăng ký vươn lên thoát nghèo.
Các chính sách, các chương trình hỗ trợ đang là động lực thúc đẩy nhiều hộ dân tại xã A Roàng đăng ký vươn lên thoát nghèo.

 

Tiếp đến năm 2019, để giúp đỡ xã A Roàng có hiệu quả Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành làm việc với đại diện lãnh đạo Hội Nông dân huyện A Lưới, UBND xã A Roàng, Hội Nông dân xã A Roàng.

Đồng thời, thông qua khảo sát nhu cầu cần giúp đỡ năm 2019, Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành làm việc với Ban Dân tộc - Tôn giáo - An ninh - Quốc phòng xây dựng dự án chăn nuôi bò cái sinh sản cấp tỉnh đối với xã A Roàng.

Dự án có tổng kinh phí là 379.150.000 đồng và nằm trong kế hoạch công tác giảm nghèo của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam theo đề xuất, điều kiện thực tế của Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ban Quản lý dự án chăn nuôi bò cái sinh sản cấp tỉnh, xã đã được thành lập; đồng thời, sau khi làm việc với xã A Roàng, 26 con bò cái giống khỏe mạnh, đã tiêm phòng và kiểm dịch đầy đủ được giao cho 26 hộ nghèo, cận nghèo vào tháng 9/2019. Ngoài ra, mỗi hộ được nhận thêm 3.300.000 đồng hỗ trợ làm chuồng bò và trồng cỏ nuôi bò từ UBND huyện A Lưới. 

Trong năm 2019, các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi và trồng trọt cho nhiều hộ dân; các dụng cụ sản xuất; các suất học bổng… tiếp tục được trao tặng tại xã A Roàng.

Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế, trong năm 2019, tổng kinh phí đã hỗ trợ cho xã A Roàng là 497.300.000 đồng.

Hàng chục hộ dân mạnh dạn đăng ký thoát nghèo

Được biết, 26 hộ được nhận bò từ dự án chăn nuôi bò cái sinh sản cấp tỉnh và hàng chục hộ dân khác tại xã A Roàng đã đăng ký thoát nghèo. Cụ thể, năm 2019 có 40 hộ đăng ký thoát nghèo, trong đó 28 hộ đã thực hiện được mục tiêu này. Theo kế hoạch, năm 2020 xã A Roàng có 28 hộ đăng ký thoát nghèo.

Gia đình anh Hồ Văn Hải, trú tại thôn A Chi - Hương Sơn, xã A Roàng, huyện A Lưới – một trong 26 hộ được nhận bò trong dự án chăn nuôi bò cái sinh sản cấp tỉnh cho biết, sau khi nhận bò và được hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc bò, trồng cỏ nuôi bò hiện nay con bò gia đình anh đang phát triển tốt, đã có bầu và khoảng 2 tháng nữa sẽ sinh.

Nhờ có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức đoàn thể đến nay gia đình đã có công ăn việc làm nhiều hơn. Đây là một trong những động lực giúp gia đình thực hiện được mục tiêu thoát nghèo, hộ anh Hồ Văn Hải cho biết.

 

Hàng chục hộ dân tại xã A Roàng đã đăng ký thoát nghèo.
Hàng chục hộ dân tại xã A Roàng đã đăng ký thoát nghèo.

 

Anh Hồ Văn Nhườn, 28 tuổi cùng trú tại thôn A Chi – Hương Sơn vui mừng báo tin, con bò gia đình anh nhận được từ dự án chăn nuôi bò cái sinh sản cấp tỉnh đã sinh được 01 con bê con khoảng 2,5 tháng tuổi.

Ngoài ra, với việc trồng được 2ha cây keo, một diện tích lúa nước và thêm nghề sửa xe máy... là cơ sở để gia đình anh Nhườn vươn lên thực hiện được mục tiêu thoát nghèo đã đăng ký với địa phương trước đó.

Vẫn còn những băn khoăn và cần hơn hết sự nỗ lực vươn lên từ chính người dân

Chủ tịch Hội Nông dân xã A Roàng B Lúp Dương cho biết, trong khoảng thời gian qua và gần nhất là từ năm 2017 đến nay, mỗi năm xã A Roàng đều nhận được nhiều chương trình tập huấn nghề nghiệp như: nghề làm chân hương, nghề cạo mủ cao su…; hỗ trợ về con, cây giống như gà, bò, cây cỏ, cây ổi… hoặc hỗ trợ các suất quà nhân dịp lễ tết, các suất học bổng…

Ông Dương nhận định, sau khi nhận được các gói hỗ trợ trên, người dân tại xã A Roàng đã có nhiều cố gắng, áp dụng vào cuộc sống của mình. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết và tay nghề của bà con chưa được thực sự thành thục nên một số sản phẩm không đạt hiệu quả như mong muốn.

Đàn gà hỗ trợ cho các hộ dân sau một thời gian đầu phát triển tốt đã bị chết vì dịch bệnh; nghề chân hương cũng chưa thực sự phát triển do chất lượng sản phẩm của người dân làm ra chưa đảm bảo theo yêu cầu, ông Dương trăn trở.

 

Để có sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, xã A Roàng cần sự chung tay của người dân.
Để có sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, xã A Roàng cần sự chung tay của người dân.

 

Chủ tịch UBND xã A Roàng Hồ A Lua cho hay, những năm gần đây sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đã có những bước khởi sắc, tuy nhiên, so với mặt bằng chung của huyện A Lưới và của tỉnh Thừa Thiên Huế thì xã A Roàng vẫn cần phải cố gắng hơn nữa.

Ví dụ như, xét về thu nhập bình quân đầu người tại xã A Roàng trong năm 2019 là 15,66 triệu đồng/người/năm, kết quả này đạt so với chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đặt ra trước đó, nhưng nếu so với kết quả phát triển chung của huyện, của tỉnh thì rõ ràng xã A Roàng còn khiêm tốn, ông Lua dẫn chứng.

Được biết, xã A Roàng đã đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong năm 2020. Tuy nhiên, theo quan điểm của Chủ tịch xã A Roàng, việc nâng cao nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội; việc nâng cao chất lượng, tìm được nơi tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm sản xuất của người dân và việc cải thiện cơ sở hạ tầng tại địa phương là những điểm then chốt để thúc đẩy xã A Roàng phát triển vượt bậc.

 

 

Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
Top