Huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) từng gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, do có 83% diện tích núi đá và rừng. Tuy nhiên, với khát vọng xóa đói giảm nghèo, người Chi Lăng đã biến khó khăn đó trở thành lợi thế khi trồng na trên núi. Giờ đây, na Chi Lăng đã theo những dây ròng rọc xuống núi, tỏa đi muôn phương, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Vận chuyển na đến các chợ đầu mối.
Diện tích trồng na an toàn tăng
Những ngày này, từ sáng sớm đến chiều tối, hàng ngàn người trồng na từ Chi Lăng, Hữu Lũng, Lai Kinh, Hòa Lộc... mang na được thu hoạch tập trung về chợ Đồng Bành (huyện Chi Lăng). Từ đây, mỗi ngày có hàng chục tấn na được xuất bán cho khách du lịch, cho thương lái vận chuyển về xuôi tiêu thụ và thương nhân Trung Quốc. Trái to đẹp, vị ngọt mát, hạt nhỏ, cùi dày, na Chi Lăng đã được ghi danh trong Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam, năm 2017 được tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.
Người trồng na Chi Lăng rất vui vì na năm nay được mùa và được giá. Hiện giá bán dao động 30.000 - 70.000 đồng/kg, cao hơn 20.000 - 30.000 đồng/kg so với thời điểm này năm ngoái.
Từ lâu, na là cây giảm nghèo làm giàu của huyện Chi Lăng, diện tích trồng na mỗi năm đều tăng, hiện đạt 1.500ha. Điều đáng mừng là, diện tích trồng na đạt tiêu chuẩn an toàn tăng khá nhanh, từ 10ha năm 2015 đến nay đã có 90ha được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và gần 1.000ha khác đăng ký kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Con số đó cho thấy tính đúng đắn trong chủ trương thúc đẩy, nâng cao giá trị tự nhiên của cây na. Tư duy sản xuất của đa số người trồng na Chi Lăng đã có nhiều thay đổi. Trong vụ na 2017, bà con tuyệt đối không dùng thuốc trừ sâu, trừ cỏ. Nhiều vườn đã chuyển sang sử dụng các loại phân, thuốc sinh học theo hướng hữu cơ. Việc sản xuất theo hướng hữu cơ không những tốt cho sức khỏe con người, tốt cho đất, cho cây mà còn nâng cao giá trị của sản phẩm bởi tính an toàn.
Người dân vận chuyển na bằng ròng rọc xuống núi.
Chi Lăng cũng là nơi Phòng Thương mại và Công nghiệp Australia chọn để thực hiện mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) trên cây na đầu tiên của cả nước. Theo đó, quy trình sản xuất vô cùng nghiêm ngặt, người trồng na phải thực hiện các quy định chuẩn quốc tế, từ việc dọn vỏ bao thuốc vào thùng chứa chuyên dụng, đến danh mục thuốc được phun, thời gian phun… Kho chứa phân bón và thuốc bảo vệ thực vật phải cách ly với khu dân cư…
Trong vụ thử nghiệm năm 2017, hơn 5ha na sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đã đạt 80% yêu cầu và trong mùa na tới phấn đấu đạt 100% theo yêu cầu nhập khẩu của thị trường Australia. Đây là tín hiệu khả quan cho đặc sản na Chi Lăng và cũng là bước tiến rất nhanh trong thay đổi tư duy sản xuất của cán bộ và nhân dân trong huyện. Đó cũng là kết quả bước đầu của việc bảo vệ và phát huy chứng nhận nhãn hiệu na Chi Lăng đã được Nhà nước bảo vệ năm 2011. Nhờ được bảo hộ, từ chỗ chỉ bán ở ngoài đường và các chợ truyền thống, na Chi Lăng đã có mặt ở nhiều siêu thị lớn.
Na được trồng trên sườn núi.
Thu trái ngọt
Theo ông Đoàn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, với việc sản xuất theo các mô hình VietGAP, GlobalGAP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên năng suất, chất lượng na được tăng lên. Để phát huy hơn nữa thương hiệu na Chi Lăng, huyện sẽ không tăng thêm diện tích trồng na mà duy trì ở mức 1.500ha nhưng sẽ đầu tư theo chiều sâu. Theo đó, Chi Lăng tập trung vận động nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Đồng thời, tích cực phối hợp với các doanh nghiệp mở rộng chuỗi kết nối tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp với các tổ chức để bảo quản và chế biến sau thu hoạch.
Gắn với lợi thế tự nhiên, na Chi Lăng vốn dĩ đã có giá trị riêng biệt không nơi nào có. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và ngành chức năng địa phương, người trồng na Chi Lăng đã có tư duy sản xuất mới, thực hiện các biện pháp canh tác an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Xu hướng này tới gần hơn với nền sản xuất hiện đại, tạo ra hướng đi bền vững, hướng tới thị trường quốc tế giá trị cao hơn cho nông sản địa phương.
Chợ na tấp nập người mua kẻ bán.
Để phát triển, nâng tầm thương hiệu cho na Chi Lăng, ông Đoàn Thanh Sơn cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động người dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc cây na theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức điểm kết nối tiêu thụ na Chi Lăng tại Hà Nội để giới thiệu rộng rãi cũng như cung cấp sản phẩm na an toàn đến người tiêu dùng trong cả nước.
Đóng gói, phân loại na.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và chủ động của tỉnh Lạng Sơn trong việc tìm hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp và khai thác thế mạnh địa phương và hy vọng, trong thời gian tới Lạng Sơn sẽ tiếp tục quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo vệ sinh an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để ngày càng có nhiều sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT Lạng Sơn, hiện toàn tỉnh có khoảng 2.430ha na, tập trung ở Chi Lăng và Hữu Lũng. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 20.000 - 22.000 tấn, giá trị thu được trên 500 tỷ đồng/năm, chưa kể các dịch vụ đi kèm. |
Khánh Nguyên
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.