Thời gian qua, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Hưng Nguyên (Nghệ An) được xem là “kênh” giúp giải quyết việc làm, xóa nghèo, làm giàu và ổn định cuộc sống một cách thiết thực cho người dân địa phương. Đạt được điều đó bởi đây là đơn vị có định hướng vững chắc trong XKLĐ của Nghệ An.
Ảnh minh họa.
XKLĐ, nhiệm vụ quan trọng
Được biết, trung bình hàng năm Hưng Nguyên có 900 - 1.100 người đi XKLĐ, nhưng rủi ro chỉ dưới 1%, đây thực sự là dấu hiệu đáng mừng. Nếu như trước năm 2010, bà con chủ yếu đi XKLĐ để giảm nghèo và thị trường là các nước dễ tính như: Malaysia, Philippines… thì từ năm 2010 đến nay, chủ yếu đi để làm giàu, thị trường đến đòi hỏi tay nghề cao với thu nhập cao và ổn định như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…
Một điểm khác biệt nữa là, bà con Hưng Nguyên nói riêng và Nghệ An nói chung thích đi làm việc ở Hàn Quốc. Riêng Hưng Nguyên, từ đầu năm 2015 đến tháng 3/2016 đã có trên 270 người đi Hàn Quốc. Bà con cho biết, đi Hàn Quốc bằng con đường ký thẳng với nước sở tại chi phí thấp, chỉ khoảng 135 triệu đồng (trong đó 100 triệu đồng tiền đặt cọc theo quy định của Nhà nước).
Nếu đi Nhật Bản, có 2 hình thức: qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tiền ăn học thấp, 3 tháng chỉ mất 30 triệu đồng; lương khá cao, 18-25 triệu đồng/tháng nhưng đòi hỏi tay nghề cao, rất ít người đạt. Đi theo các doanh nghiệp được bộ cấp phép, yêu cầu tay nghề thấp hơn một chút; tùy theo đơn hàng, ngành nghề đăng ký, chi phí từ 80-120 triệu đồng hoặc 140-180 triệu đồng (tiền đặt cọc 60 triệu đồng).
Ông Nguyễn Văn Thế, xóm 9b, xã Hưng Lĩnh, cho biết, con gái ông đi XKLĐ ở Nhật Bản, thời hạn 3 năm (đã đi hơn10 tháng), công việc theo hợp đồng là gói hàng trong siêu thị. Công việc không nặng nhọc, lương ổn định 15 triệu đồng/tháng. Hợp đồng có thể nâng lên 5 năm, nếu con gái ông có nhu cầu ở lại làm việc tiếp.
Ông Lưu Đức Lập, xóm 3, xã Hưng Đạo, có con trai đi XKLĐ ở Hàn Quốc 7 năm liền, 5 năm đầu làm trong ngành nông nghiệp (chăn nuôi lợn, trồng ớt), lương ổn định 21 triệu đồng/tháng. Hai năm sau chuyển sang làm cơ khí, lương cao gấp 1,5 lần (trên 30 triệu đồng/tháng). Hiện, anh đã hết hợp đồng, đã về nước, đang tìm hiểu thị trường trong nước để phát huy đồng vốn tích lũy, tạo việc làm ổn định ở quê nhà.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Anh Nam, Phó trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Hưng Nguyên, cho biết: “Mỗi năm chúng tôi tổ chức trên 30 cuộc tuyên truyền tại xã, phường, xóm để chuẩn bị hành trang và giải pháp tốt nhất cho lao động xuất khẩu với những nội dung như: tìm hiểu về người lao động, độ tuổi, tay nghề, thị trường lao động đăng ký đi; luật pháp nước sở tại nơi người lao động đến làm việc. Chúng tôi cũng giúp người lao động tìm hiểu kỹ các đơn vị đưa đi có văn phòng đại diện ở nước ngoài không; chi phí như thế nào... Qua theo dõi, thấy lao động Hưng Nguyên sau khi hết hợp đồng về nước vẫn “bắt nhịp” được với các công việc đã làm ở nước bạn như: gò, hàn, sản xuất bánh kẹo; sản xuất nông nghiệp; mạnh dạn đầu tư kinh doanh, buôn bán lớn nhờ có vốn, tư duy và năng lực thị trường cao hơn. Nhất là lao động ở Nhật Bản về, tay nghề khá cao (gò, hàn đạt mức 4G, 6G) do người Nhật rất chú trọng khâu truyền nghề cho lao động. Mặt khác, lao động Việt Nam ở nước ngoài thường được nước bạn nhận xét, đánh giá là cần cù, chịu khó và ham học hỏi, tích lũy”.
Ngoài ra, ông Nam còn cho biết thêm, Hưng Nguyên đã thành lập Ban chỉ đạo công tác XKLĐ từ huyện đến cơ sở, do một phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền về kết quả công tác XKLĐ. Thành viên là đại diện lãnh đạo của các ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục, Công an, Y tế, Tài chính, Ngân hàng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể khác… Mặt khác, huyện cũng đã tạo lập những điều kiện cần thiết cho công tác XKLĐ đạt kết quả cao cả về chủ trương, thông tin, tài liệu, phương tiện và kinh phí cần thiết.
Những giải pháp sát thực
Xuất phát từ thực tế dân số đông, lao động dư thừa, cộng với tốc độ phát triển khu công nghiệp, đô thị hóa nhanh (do nằm sát với TP.Vinh), hàng năm Hưng Nguyên phải giải quyết việc làm mới cho 2.700 - 3.200 lao động. Trong khi xuất phát điểm của địa phương thấp, lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ lệ cao, trên 77%; tỷ lệ hộ nghèo gần 7%. Vì vậy, huyện đã có “Đề án XKLĐ giai đoạn 2016 - 2020” để giải quyết hàng loạt khó khăn trên.
Được biết, từ năm 2011- 2014, huyện đã xuất khẩu được 4.095 lượt người, nhiều nhất là các thị trường Đài Loan, Malaysia, Trung Đông, Hàn Quốc… Các tổ chức tín dụng đã cho 1.743 lượt người vay vốn để tham gia xuất khẩu lao động với dư nợ gần 96 tỷ đồng. Bình quân mỗi lao động đi làm việc 3 năm ở nước ngoài sau khi trừ chi phí có mức thu nhập 400 USD/tháng. Như vậy, mỗi năm số tiền người lao động Hưng Nguyên gửi về là 20 triệu USD, tương đương 440 tỷ đồng.
Từ thực tế trên, Hưng Nguyên đã có một số giải pháp phát triển bền vững công tác XKLĐ giai đoạn 2016 - 2020 như: Đảm bảo cho lao động bị thu hồi đất, người chưa có việc làm ổn định có điều kiện học nghề, chuyển đổi ngành nghề; nâng cao chất lượng lao động; tăng số lượng lao động tham gia XKLĐ. Hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ và chuyển nghề theo hướng đa dạng hóa; tập trung vào lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ. Chú trọng đào tạo các nghề: May mặc, điện, điện tử, xây dựng, cơ khí, công nghệ ô tô, kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp,… để đưa lao động sang các thị trường có thu nhập cao làm việc. Đồng thời có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cá nhân, đơn vị làm tốt công tác XKLĐ giai đoạn 2016-2020. Hàng năm phấn đấu đưa từ 1.000-1.300 lao động đi làm việc ở nước ngoài; giai đoạn 2016 - 2020 sẽ có khoảng 5.800 người đi XKLĐ; trong đó, dự kiến 50% lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có thu nhập trung bình; 65% lao động đã qua đào tạo nghề, góp phần làm giảm 2-3% hộ nghèo/năm.
Một giải pháp quan trọng nữa là tăng cường công tác tuyên truyền giúp người dân nắm rõ thông tin về thị trường lao động nước ngoài; số doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân và được phép tuyển dụng lao động. Ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ, tránh thiệt hại cho người dân. Triển khai hiệu quả “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 - 2020”, nhằm chuẩn bị tốt tay nghề cho người lao động, đáp ứng thị trường lao động ngoài nước, nhất là thị trường có thu nhập cao. Gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp XKLĐ với người lao động, yêu cầu thực hiện đầy đủ điều kiện, quy định tại hợp đồng đào tạo nghề ở địa phương.
Một giải pháp rất hữu ích là, tại các xã, phường, thị trấn hình thành tổ liên gia gồm những gia đình có người đi XKLĐ để thường xuyên nắm bắt thông tin, giáo dục, động viên người lao động làm việc tốt. Chấp hành nghiêm chỉnh các điều khoản đã ký trong hợp đồng lao động, không vi phạm luật pháp nước sở tại; trả nợ ngân hàng đúng kỳ hạn. Các doanh nghiệp XKLĐ thường xuyên báo cáo tình hình người lao động làm việc ở nước ngoài cho gia đình và chính quyền địa phương nơi có người đi XKLĐ. Chú trọng trang bị kiến thức cần thiết để người lao động có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình khi làm việc ở nước ngoài. Định kỳ 6 tháng và cuối năm báo cáo kế hoạch, kết quả tuyển chọn lao động và các thông tin cần thiết khác với Ban chỉ đạo huyện.
Hy vọng, với sự chuẩn bị kỹ càng, chặt chẽ, Hưng Nguyên sẽ sớm giải quyết những khó khăn về việc làm và đảm bảo an sinh xã hội, giúp người lao động có cơ hội trang bị thêm kiến thức, có việc làm ổn định, từ đó xóa nghèo, làm giàu.
Dương An Như