Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 5 năm 2021 | 14:22

Khi nào không còn nỗi đau đuối nước ở trẻ?

Gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước thương tâm, đa số nạn nhân là học sinh ngồi trên ghế nhà trường.

Làm sao để không còn những vụ đuối nước thương tâm và những tiếng khóc xé lòng đang là câu hỏi đặt ra cho cả xã hội.

 

t13.jpg
Dạy bơi là chủ động phòng chống đuối nước cho trẻ em. Ảnh: Phương Thanh

 

Những vụ đuối nước thương tâm

Khoảng 13h30’ ngày 23/4, một nhóm học sinh gồm 8 em rủ nhau ra bãi biển thuộc thôn Thanh Xuân, xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) tắm. Do gặp sóng lớn nên 4 em đã tử vong.

Trước đó, ngày 14/4, một nhóm học sinh gồm 7 em ở Trường THCS Đà Xá (Thanh Thủy - Phú Thọ) rủ nhau ra sông Đà (thuộc xã Thạch Đồng) chơi và xuống  tắm. Không may, 2 em N.C.Đ. và N.T.Đ.  bị nước cuốn trôi. Ngày 17/4, lực lượng chức năng mới tìm thất thi thể của hai học sinh này.

Ngày 3/4, 3 học sinh Trường Trưng Vương (TP. Đông Hà, Quảng Trị) rủ nhau đi tắm biển và cả ba bị đuối nước. May mắn hai em vào bờ được, một em mất tích và được tìm thấy sau đó trong tình trạng tử vong. 

Hay vào sáng  25/2, 4 học sinh lớp 6, Trường THCS Lê Ngọc Giá (phường Điện Dương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) đi tắm biển ở khu vực khối phố Hà Quảng Đông (phường Điện Dương).  Không may, cả nhóm bị đuối nước. Phát hiện sự việc, người dân xung quanh đã lao ra biển nhưng chỉ cứu được 3 học sinh, riêng em Nguyễn Văn C. (ngụ phường Điện Dương)  tử vong.

Trên đây chỉ là những vụ đuối nước mà  học sinh rủ nhau đi tắm biển, chưa nói đến những vụ đuối nước do trẻ em sơ sẩy sa chân xuống những hố công trình, hay gặp nạn khi làm những công việc của người lớn, do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống...

Do sự sao nhãng, vô ý?

Không phải đến bây giờ các cơ quan chức năng mới đưa ra những khuyến cáo về tình trạng học sinh bị đuối nước đang ngày một gia tăng. Nhưng, do các em đang ở lứa tuổi hiếu động, tò mò, nghịch ngợm và khả năng bảo vệ bản thân chưa được hình thành. Trong khi đó, không ít các bậc cha mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ hoặc các lực lượng còn lơ là, chủ quan, để trẻ tự do tìm đến sông, suối, ao, hồ, bãi biển đùa nghịch, tắm mà không có sự giám sát của người lớn, nên vẫn còn nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế quyền trẻ em. Hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng, ngày càng hoàn thiện.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn những thách thức đối với việc bảo đảm các quyền của trẻ em và đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Hàng năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Chính vì vậy, công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo.

Trao đổi thêm về tình hình tai nạn thương tích trẻ em và đuối nước, bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết,  trong 10 năm qua, tình hình tử vong do đuối nước ở nước ta đã giảm, năm 2010 có 3.300 em tử vong do đuối nước, đến 2019 có hơn 2.000 em tử vong. Tuy nhiên, con số này vẫn cao, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do tai nạn thương tích trẻ em.

“Tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần các nước phát triển”, bà Hoa nhấn mạnh.

Về các nguyên nhân chủ yếu gây đuối nước trẻ em, bà  Hoa cho biết, trước hết là do nhận thức và hiểu biết chung về đuối nước trẻ em còn thấp. Nhiều trường hợp đuối nước ở trẻ em xảy ra do sự thiếu kiến thức của người lớn, thiếu kiến thức của bản thân trẻ. Nhiều trẻ em không biết bơi, mới có 30% trẻ em từ 6-14 tuổi biết bơi.

Đuối nước cũng xảy ra do sự sao nhãng, vô ý, bất cẩn của các bậc cha mẹ. “Trên 50% số trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ em tắm ở ao, hồ, sông, suối và tắm biển không có người lớn đi kèm”, bà  Hoa nói.

Cần dạy kỹ năng an toàn cho trẻ

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, để giảm thiểu tử vong do đuối nước ở trẻ em, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể, sự vào cuộc của cộng đồng. Đặc biệt, chúng ta cần quan tâm đến các can thiệp trực tiếp tại cộng đồng, đến việc hỗ trợ trực tiếp trẻ em các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, các kỹ năng bơi; hỗ trợ cho gia đình và cộng đồng các kiến thức, kỹ năng để giám sát, quản lý trẻ…; đồng thời mỗi gia đình phải thấy rõ trách nhiệm bảo vệ chính con em mình.

Trước hết, muốn cho trẻ em không bị đuối nước, phải dạy cho các em biết bơi. Điều này nhà trường phải tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh, gia đình phải đưa con em mình đến các lớp dạy bơi, để các em làm quen và có những động tác, kỹ năng khi ở dưới nước, để bảo vệ chính bản thân mình.

Các địa điểm tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng có hồ nước, gần biển, nhất thiết phải có lực lượng chức năng ứng trực để xử lý những sự cố đuối nước xảy ra. Đặt biển cấm và có người túc trực ở những nơi sông hồ, khu vực tắm biển có nguy cơ xảy ra mất an toàn cao.

Các công trình xây dựng đang trong quá trình thực hiện, nhất thiết phải có rào chắn, biển cảnh báo và lực lượng bảo vệ để ngăn chặn các em nhỏ chơi gần nơi dễ xảy ra tai nạn.

Một điều rất quan trọng là trách nhiệm của từng gia đình, phải luôn luôn quan tâm, chú ý đến mọi hoạt động của con, phải kiểm soát được mọi hoạt động đi lại của chính con em mình trong những ngày nghỉ học.

Ngoài việc thường xuyên giám sát, cha mẹ cần chủ động nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em về hành vi tắm mát, bơi lội tại các sông, hồ, bãi biển; trang bị cho trẻ về các nguy cơ có thể xảy ra khi đến gần những nơi có mặt nước hở để nâng cao cảnh giác. Đồng thời, tạo điều kiện để trẻ học bơi nâng cao sức khỏe và ứng phó tai nạn đuối nước; hướng dẫn trẻ giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước… Có như vậy thì nỗi đau về nạn đuối nước của trẻ em mới có thể giảm.

 

Bộ GD-ĐT yêu cầu phòng tránh tai nạn, đuối nước cho học sinh

Để hạn chế tình trạng đuối nước trong học sinh, Bộ GD-ĐT vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích ở trẻ em, học sinh năm 2021. Thời gian thực hiện Kế hoạch từ nay đến hết tháng 11/2021.

Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng Chương trình hành động của ngành giáo dục về phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, học sinh giai đoạn 2021-2030 theo Chương trình của Chính phủ. Tổ chức phát động phong trào tập luyện môn bơi, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước. Triển khai các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh.

Bộ GD-ĐT cũng sẽ chuẩn hóa hệ thống tài liệu hướng dẫn kỹ năng bơi an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; tài liệu dạy bơi an toàn trong các trường phổ thông và tổ chức hướng dẫn sử dụng tài liệu trong các cơ sở giáo dục.

 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top