Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 5 tháng 6 năm 2022 | 8:55

Khủng hoảng an ninh lương thực hâm nóng Diễn đàn Davos

Vấn đề khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu đã “hâm nóng” Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ). Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng này?

Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì

Hiện, giá bột mì trung bình tại các thị trường bán lẻ đã tăng gần 13% so với năm trước. Ấn Độ đã xuất khẩu 7 triệu tấn lúa mì trong năm tài chính 2021-2022, tăng hơn 250% so với cùng kỳ trước đó. Vào tháng trước, nước này đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn lúa mì.

 

z3464868091608_767a746723e7ea11b567efa53d8521d3.jpgNông dân thu hoạch lúa mì trên một cánh đồng ở Uttarkashi, Ấn Độ. (Nguồn: ANI)
 

Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu lúa mì của nước này đã chính thức bị cấm từ ngày 13/5.

Theo ông Subrahmanyam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Ấn Độ, quyết định này của Chính phủ là nhằm kiểm soát lạm phát, cũng như giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước. Nhưng đây không phải là quyết định vĩnh viễn, Chính phủ Ấn Độ sẽ xem xét bãi bỏ trong thời điểm thích hợp.

Việc xuất khẩu lúa mì vẫn sẽ được phép áp dụng tới các quốc gia dễ bị tổn thương thông qua các thỏa thuận giữa các Chính phủ, nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực. Phía Ấn Độ kỳ vọng, quyết định này sẽ khắc phục tình trạng giá lúa mì trong nước tăng mạnh.

Ngay sau khi thông báo này được đưa ra, nhóm Các nước Công nghiệp Phát triển (G7) đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Ấn Độ, cho rằng, động thái này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Nguyên nhân?

Tại các phiên thảo luận về kinh tế thế giới ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), nguyên nhân khủng hoảng an ninh lương thực đầu tiên được chỉ ra là do cuộc chiến tại Ukraine. Hầu hết các chính trị gia, các quan chức lãnh đạo của thiết chế tài chính, thương mại lớn, các chuyên gia kinh tế đều nhận định, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã làm đứt gãy nguồn cung một loạt các sản phẩm nông nghiệp quan trọng như lúa mì, dầu hướng dương, hạt giống… do cả Nga và Ukraine đều được coi là các “vựa lúa” trên thế giới, chiếm đến 40% tổng sản lượng lúa mỳ toàn cầu.

Ngoài ra, Ukraine còn là cường quốc xuất khẩu hạt giống và việc hiện nay Ukraine đang bị phong toả hoàn toàn đường biển, không thể xuất khẩu lúa mỳ, hạt giống qua cảng Odessa ở biển Đen được cho là yếu tố quan trọng khiến nguồn cung lương thực trên thế giới bị tác động. Nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở Bắc Phi, Trung Đông, Nam Á, không chỉ thiếu lúa mỳ mà còn có nguy cơ thiếu cả hạt giống để gieo trồng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cuộc chiến tại Ukraine chỉ là một nguyên nhân. Như nhận định của ông Davis Beasley, Giám đốc Chương trình lương thực thế giới (WFP) của Liên Hợp quốc, tình hình hiện nay có thể gọi là “cơn bão hoàn hảo”, tức là sự tích tụ cùng lúc của rất nhiều yếu tố bất lợi. Đầu tiên là bất ổn địa chính trị, tiếp đến là sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã xuất hiện từ trong đại dịch Covid-19. Ngoài ra, xu hướng tăng giá nhiên liệu cũng như các nguyên liệu đầu vào đã xuất hiện từ năm 2021 lại bị cuộc chiến tại Ukraine làm trầm trọng hơn. Tất cả những điều đó tạo ra nguy cơ khủng hoảng lương thực như hiện nay.

Mấu chốt của vấn đề thế giới thiếu nguồn cung lúa mỳ, hạt giống, dầu hướng dương… từ Ukraine là do quốc gia này không thể xuất khẩu các sản phẩm này qua đường biển. Theo chính quyền Ukraine, hiện nước này có khoảng 20 triệu tấn lúa mỳ và 30 triệu tấn hạt giống bị mắc kẹt trong nước vì không thể xuất khẩu qua cảng Odessa ở phía Nam.

Ngoài ra, do xung đột ngày càng lan rộng và trở nên khốc liệt tại khu vực Donbass và các tỉnh miền Đông-Nam của Ukraine, nơi vốn là vùng đồng bằng vựa lúa của Ukraine nên nhiều trang trại, cánh đồng bị phá huỷ, bị biến thành chiến trường, nông dân Ukraine không thể tiến hành thu hoạch.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen mặc dù chỉ trích Nga rất mạnh nhưng cũng phải thừa nhận sự cần thiết phải tìm giải pháp với phía Nga. Chính quyền Nga từng lên tiếng, phương Tây không thể đổ lỗi cho một mình Nga gây ra nguy cơ khủng hoảng lương thực như hiện nay, bởi phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt vô cùng nặng nề lên Nga, điều này khiến giá cả nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào tăng cao. Ngoài ra, Nga cũng cho rằng, nếu muốn Nga nhượng bộ thì phương Tây cũng phải chấp nhận đánh đổi, tức phải gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Việt Nam đề xuất giải pháp ứng phó

Trong phiên thảo luận với chủ đề “Chuyển hướng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu” tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, là quốc gia mà nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, Việt Nam đã trải qua một quá trình phát triển nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu, từ một nước trong quá khứ thường xuyên bị đe doạ bởi việc thiếu hụt lương thực, từ nhiều năm qua Việt Nam không chỉ đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực cho quốc gia mà còn trở thành một quốc gia xuất khẩu quan trọng, đóng góp lớn vào an ninh lương thực toàn cầu.

 

z3464868110532_a215895fcbefbcb60ffb64cc7fd57d39.jpgPhó Thủ tướng Lê Minh Khái trong phiên thảo luận chiều 23/5 tại Diễn đàn Davos.

 

Do đó, trên cơ sở những kinh nghiệm được đúc kết từ quá trình phát triển nông nghiệp của Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đưa ra 5 đề xuất, giải pháp nhằm ứng phó với nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Đề xuất đầu tiên, đó là an ninh lương thực là vấn đề tác động trực tiếp đến toàn thể người dân nên bất kỳ chính sách nông nghiệp nào cũng cần phải có cách tiếp cận toàn diện, với chiến lược lâu dài.

“Vì an ninh lương thực tiếp cận đến toàn dân nên cần có một sự tiếp cận tổng thể, đa chiều, đa mục tiêu và không chỉ ngắn hạn mà cả dài hạn, hướng đến mục tiêu là xây dựng một hệ thống lương thực tự cường, bao trùm và bền vững”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ.

Các nhóm giải pháp tiếp theo được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề xuất: Trước mắt, cần viện trợ khẩn cấp cho các quốc gia đang bị đe dọa bởi khủng hoảng lương thực, phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu, phá bỏ các rào cản về thuế quan. Về lâu dài, an ninh lương thực là vấn đề toàn cầu nên cấp thiết cần có sự phối hợp đa phương, nâng cao vai trò điều phối của các tổ chức quốc tế.

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến các cơ chế hợp tác 3 bên trong lĩnh vực nông nghiệp mà Việt Nam đã có kinh nghiệm triển khai thành công trong nhiều năm qua khi cử các kỹ sư nông nghiệp đến giúp đỡ các quốc gia đang phát triển tại châu Phi, khu vực Mỹ Latinh.   

Hướng đến tương lai, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề xuất nông nghiệp cần bắt kịp với tiến bộ công nghệ, cần gắn nông nghiệp với tiến trình chuyển đổi số, tạo nên bước thay đổi về chất đối với phát triển nông nghiệp theo hướng “xanh, sạch, ít phát thải carbon”.

Nhận định rằng, hệ sinh thái nông nghiệp tương lai cần phát triển theo hướng bền vững, công bằng hơn đối với các đối tượng yếu thế, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng nêu ví dụ về việc mô hình “liên kết 4 nhà” tại Việt Nam, bao gồm nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông đã không chỉ giúp giải quyết được vấn đề an ninh lương thực mà còn góp phần làm hài hoà trách nhiệm xã hội của các bên.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tự tin cho rằng, với kinh nghiệm và thế mạnh của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam sẽ tiếp tục vững bước tiến vào kỷ nguyên nông nghiệp mới nhờ 3 trụ cột là “nông nghiệp sinh thái, nhà nông thông minh, nông thôn hiện đại”, đồng thời đề nghị các đối tác quốc tế gia tăng hợp tác để Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo về nông nghiệp của khu vực Đông Nam Á.

 

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

  • Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Phát huy lợi thế diện tích đất đai vùng gò đồi màu mỡ, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã thực hiện những giải pháp “căn cơ” đẩy mạnh mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Top