Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 4 năm 2021 | 14:13

Lao đao giữa dịch bệnh

Chưa bao giờ ngành chăn nuôi Hà Tĩnh, các hộ kinh doanh lại lâm vào cảnh lao đao như hiện nay, “dịch chồng dịch” khiến chính quyền địa phương và người dân trở tay không kịp.

t21.jpg
Chính quyền địa phương vất vả phòng dịch, tiêu huỷ gia súc bị nhiễm DTLCP.

 

Thiệt hại khó đong đếm

Đã nhiều ngày nay, tại xã Thạch Văn (Thạch Hà), không khí nặng nề bao trùm khắp các thôn/xóm. Những chiếc xe chở lợn chết vì dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) liên tục trở đi, trở lại các vị trí chôn lấp bởi số gia súc chết không ngừng tăng. Ở đây, có ngày cao điểm phải tiêu hủy 5 - 6 tấn lợn. Bao vốn liếng, công sức chăm bẵm của bà con  bị chôn vùi dưới bãi cát mênh mông.

Anh Bùi Văn Hùng, cán bộ khuyến nông kiêm chăn nuôi, thú y xã Thạch Văn, chia sẻ: Chỉ trong vòng hơn nửa tháng, toàn xã đã có 630 con lợn bị nhiễm bệnh của 125 hộ chăn nuôi với gần 45 tấn lợn buộc phải tiêu hủy. DTLCP đợt này lây lan nhanh, chúng tôi phải làm cả ngày lẫn đêm mới kịp chôn, tránh ô nhiễm môi trường. Nhiều người dân ngã quỵ, khóc lóc vì “của đau, con xót”.

Còn ở Cẩm Xuyên, dịch bệnh đã khiến 282/1.840 con trâu, bò bị nhiễm bệnh chết, buộc phải tiêu hủy với trọng lượng gần 27 tấn. Không chỉ người dân mà cả chính quyền cũng bàng hoàng trước sự tàn khốc của đợt dịch bệnh này.

Trận lũ lịch sử vừa qua đã cuốn trôi hết tất cả, người dân Cẩm Xuyên đang cố gắng gồng mình gây dựng lại, mong có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Nhưng với tình hình hiện tại, dịch chồng dịch, đi tới đâu cũng thấy biển cảnh báo, vôi bột rải trắng xóa, thật xót xa vô cùng.

Chị Nguyễn Thị Hằng ở thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Được đồng vốn nào đổ vào lợn cả, nào tiền giống, tiền cám, tiền thuốc men... 3 con lợn đực giống, 10 con nái, và hơn 3 ổ lợn con, công chăm chút, nuôi nấng từ nhỏ tới lúc phối giống đến giờ vốn liếng cũng ngót nghét 300 triệu đồng, giờ lại phải vất vả mang đi chôn. Đợt dịch 2 năm trước đã mất trắng hết rồi, giờ bòn mót, tích cóp được chừng ấy lại về không”. 

“Dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam và hiện chưa có thuốc đặc trị khiến cho công tác phòng, chống dịch càng khó khăn hơn. Huyện vẫn đang căng mình ứng phó với phương châm “phát hiện nhanh, xử lý gọn, khoanh vùng bao vây dập dịch”. Tuy nhiên, thiệt hại đối với người chăn nuôi là không thể đong đếm được. Tới đây, chuồng trại đành phải ngưng trệ trong thời gian dài sẽ gây thiệt hại nặng nề cho bà con và cả nền chăn nuôi của địa phương”, ông Lê Văn Danh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết.

Buôn bán ế ẩm, quán hàng đóng cửa

Theo nhận định của ngành chuyên môn, tình hình dịch bệnh trên gia súc ở Hà Tĩnh đang vào thời điểm “đạt đỉnh” và mức độ gây hại nguy hiểm nhất từ trước đến nay. Mặc dù các đơn vị liên quan đang nỗ lực triển khai các biện pháp để bao vây, khống chế, song về lâu dài, ngành chăn nuôi cần lá chắn vững vàng hơn.

Hà Tĩnh có gần 240.000 con trâu, bò thì chỉ khoảng 400 hộ chăn nuôi với quy mô 10 con trở lên, còn lại có đến 5.000 - 6.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (3 - 5 con); số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lợn và gia cầm chắc chắn còn lớn hơn rất nhiều.

 

t21b.jpg
Đoàn kiểm tra của ngành chăn nuôi do Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Dương Tất Thắng dẫn đầu và Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt đi kiểm tra tình hình dịch viêm da nổi cục tại huyện Cẩm Xuyên.
 

Trong điều kiện các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, ngành chăn nuôi và các địa phương ở Hà Tĩnh cần mạnh dạn thúc đẩy tái cơ cấu, loại bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, có liên kết với doanh nghiệp, phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng bền vững.

Người chăn nuôi lao đao vì dịch bệnh, còn nhiều quầy hàng, quán ăn ở Hà Tĩnh cũng phải đóng cửa vì người dân “quay lưng” với thịt bò, lợn.

Anh Nguyễn Mạnh Tưởng, chủ tiệm phở Thìn Hà Nội (đường Lê Duẩn, TP. Hà Tĩnh), cho biết: “Khách không có nên tôi  đóng quán từ ngày 20/3 đến nay. Thịt bò của cửa hàng được chọn lựa kỹ từ lò mổ về, đảm bảo tươi ngon mới có thể làm ra bát phở đạt chất lượng được. Nếu tình trạng này kéo dài cũng không biết xoay xở thế nào vì còn phải trả tiền thuê mặt bằng, nhân viên và chi phí khác…”.

Những quán hàng đang cố gắng hoạt động cũng đã đồng loạt cắt giảm, sắp xếp lại món ăn sao cho phù hợp với tình hình. Cùng với đó, phải tính toán lại số lượng thực phẩm nhập về để cân đối với lượng khách đến quán, tránh tình trạng ế ẩm, thua lỗ.

Bổ sung thêm món mới, đóng cửa nghỉ sớm,... cũng là giải pháp được nhiều cửa hàng, quán ăn lựa chọn trong thời điểm này.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Bộ Nông nghiệp và PTNT, dịch bệnh VDNC và DTLCP đều là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút gây ra. Tuy nhiên, các loại vi-rút này không lây nhiễm và không gây bệnh trên người, vì vậy, người tiêu dùng không nên tẩy chay, quay lưng với thịt trâu, bò, lợn.

“Người tiêu dùng, tiểu thương kinh doanh, chủ nhà hàng, quán ăn,... cần thực hiện ăn chín, uống sôi, sử dụng các sản phẩm thịt rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu kiểm dịch rõ ràng tại các điểm kinh doanh tập trung; cần kiểm tra kỹ các dấu hiệu trên thịt như màu sắc, độ bám dính tự nhiên, không thấy nhớt và ướt nước khi ấn vào thịt, không có mùi hôi.

Hiện nay, các địa phương cũng đang tiếp tục tăng cường quản lý các lò mổ trên địa bàn nhằm đảm bảo hoạt động đúng quy định, công tác kiểm dịch được chú trọng hơn để cung ứng nguồn thịt an toàn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng”, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, cho biết.

 

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Hà Tĩnh, đến nay, tổng số trâu, bò mắc VDNC chưa qua 21 ngày là 10.000 con của hơn 6.000 hộ dân tại 13 huyện, thị, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh, chết phải tiêu hủy hơn 900 con với trọng lượng hơn 100 tấn; gần 5.000 con lợn bị DTLCP ốm chết, buộc tiêu hủy. Bình quân mỗi ngày Hà Tĩnh tiêu hủy  100 - 150 con lợn bị bệnh.

 

 

 

Trà Giang - Hoàng Hằng
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top