Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 6 tháng 10 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 8 năm 2019 | 10:13

Nâng cao kiến thức, tư duy làm kinh tế nông nghiệp cho nông dân

Để thực hiện chủ trương tri thức hoá nông dân, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, Đồng Tháp đã xây dựng chương trình, kế hoạch tập huấn, nâng cao kiến thức cho nông dân.

Thực hiện chủ trương tri thức hoá nông dân, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hiện đại, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT xây dựng chương trình, kế hoạch tập huấn, nâng cao kiến thức cho nông dân.

Để hiểu rõ hơn về chương trình, kế hoạch tập huấn này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phước Thiện, Phó giám đốc phụ trách điều hành hoạt động Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp.

 

tr14.jpg
Ông Nguyễn Phước Thiện

Ông có thể cho biết đến nay chương trình và kế hoạch tập huấn, nâng cao kiến thức và tư duy làm kinh tế nông nghiệp cho nông dân được Sở triển khai như thế nào? Ý nghĩa của hoạt động này đối với tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh?

Mục tiêu của chương trình là giúp nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất theo tập quán sang sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn của người tiêu dùng, sản xuất những gì thị trường cần thay cho cung ứng thị trường những gì mình có. Đồng thời, sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp người nông dân có thêm cơ hội tiếp cận thị trường.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã quán triệt tư tưởng chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp trong quản lý và điều hành tổ chức sản xuất nông nghiệp và người lao động về chủ trương, định hướng đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Từ đó, làm thay đổi nhận thức trong sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Trường Quản lý cán bộ nông nghiệp II, Trường Cao đẳng cộng đồng Đồng Tháp, Trường Chính trị Đồng Tháp xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên, công chức/viên chức phụ trách công tác nông nghiệp và nông thôn mới, thành viên các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân tiêu biểu về kiến thức kinh tế nông nghiệp.

Tính đến hết tháng 6/2019, đã lồng ghép tổ chức tập huấn cho hơn 29.700 nông dân về phát triển kinh tế nông nghiệp, 10 lớp bồi dưỡng, đào tạo cho 500 người quản lý HTX nông nghiệp hiểu và vận dụng được những kiến thức trong đánh giá, xếp loại hợp tác xã, thi hành các chính sách nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, tổ chức lớp tập huấn tham quan thực tế về thị trường nông sản cho hội quán, hợp tác xã kết hợp giới thiệu các sản phẩm nông sản tỉnh Đồng Tháp tại Diễn đàn “Kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản phía Bắc (rau củ, trái cây) và tỉnh Đồng Tháp tại TP. Hồ Chí Minh”. Có 40 học viên thuộc các hội quán, HTX và doanh nghiệp trong tỉnh tham gia lớp tập huấn và gần 100 sản phẩm tiêu biểu của hợp tác xã, dự án khởi nghiệp được giới thiệu tại phiên trưng bày của Diễn đàn.

Có thể nói, đây là hoạt động có ý nghĩa rất lớn đối với việc tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. 

Thứ nhất, cung cấp thông tin kiến thức cho người nông dân về thông tin thị trường, vùng nguyên liệu sạch, vấn đề kinh tế hợp tác, nâng cao kỹ năng, khả năng tìm kiếm, xúc tiến liên kết, hợp tác thương mại, giới thiệu, quảng bá nông sản làm tăng giá trị, chất lượng và cải thiện thu nhập của người nông dân trên chính thửa đất, mảnh ruộng của mình.

Thứ hai, giúp người nông dân hiểu được quy luật vận hành của cơ chế thị trường; điều chỉnh sản xuất, đa dạng hóa nông sản cũng như các hình thức sản xuất thích hợp, khắc phục tình trạng cung vượt cầu.

Thứ ba, tạo ra nhiều cơ hội kết nối, giao lưu hợp tác với các công ty, doanh nghiệp trong các lĩnh vực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ nông sản.

Chương trình tập huấn sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?

Nội dung chương trình đào tạo không chỉ lý thuyết suông mà còn gắn với thực hành, học tập chia sẻ kinh nghiệm và để nông dân trực tiếp thực hiện các phần việc của mình như: Đổi mới sản xuất, giám sát chất lượng nông sản, tự thương thảo, trao đổi với doanh nghiệp, đối tác và trực tiếp tiếp cận với các thị trường lớn để nâng cao năng lực, kiến thức, quy luật vận hành của cơ chế thị trường, tạo sản phẩm nông sản chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Cụ thể với các chuyên đề như: Chia sẻ về chuyển đổi nhận thức từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; kinh tế hộ, kinh tế hợp tác; các tiêu chuẩn, quy trình hợp đồng và tiêu thụ nông sản tại hệ thống siêu thị và chia sẻ với các học viên về những vấn đề cần chú ý khi hợp tác; các biện pháp kỹ thuật giảm giá thành trong sản xuất lúa; các vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi, các mối nguy về an toàn thực phẩm và quy định quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất trồng trọt, tập huấn kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản và tham quan thực tế về thị trường nông sản lớn.

Trình độ của mỗi nông dân là khác nhau và nhu cầu của họ cũng vậy. Làm thế nào để việc tập huấn mang lại hiệu quả cao nhất, giúp bà con tiếp thu vấn đề dễ dàng, đặc biệt là đáp ứng được “cái nông dân cần”, thưa ông?

Đó là thực trạng hiện nay, tuy nhiên, để tập huấn mang lại hiệu quả cao nhất và đáp ứng được “Cái nông dân cần”, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập huấn phải phân loại theo nhu cầu, đối tượng để biên soạn chương trình, tài liệu và mời báo cáo viên nhằm cung cấp kiến thức, nội dung thiết thực để tổ chức tập huấn một cách hiệu quả nhất.

 

tr14a.jpg

Mô hình Hội quán ở Lai Vung, Đồng Tháp. Ảnh K.V

 

Cụ thể: Nhóm nông dân nòng cốt (nông dân có uy tín tại địa phương); hội quán, nhóm hợp tác xã, doanh nghiệp khởi nghiệp; nhóm tìm hiểu thị trường; nhóm nhân lực nguồn cho các hợp tác xã, nhóm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

Cùng với đó, đẩy mạnh chia sẻ và học kinh nghiệm từ thực tế giúp người học có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, qua đó giúp người nông dân tự tích lũy, chắt lọc kiến thức, kinh nghiệm tiếp thu được nhằm hoàn chỉnh kiến thức và lựa chọn áp dụng trong thực tế.

Thay đổi tư duy, nhận thức là việc không hề dễ dàng và cũng không thể qua một vài lớp tập huấn là có thể thay đổi ngay được. Ông có thể cho biết, sau những lớp tập huấn như vừa nêu thì ngành Nông nghiệp sẽ có những chiến lược gì để thật sự tạo ra những lớp nông dân tiêu biểu, đúng theo định hướng ban đầu?

Một là, cán bộ là nguồn gốc của vận động phát triển.

Muốn tư duy của nông dân được thay đổi thì việc đầu tiên là những nhà quản lý nông nghiệp phải thay đổi; công chức, viên chức chuyên môn cần có kiến thức, nhiệt tâm, am hiểu và xác định nhiệm vụ, nội dung công việc cần làm để hướng dẫn, triển khai đúng đắn đến người nông dân thay đổi tư duy nông nghiệp.

Từ đó, tập trung đào tạo bồi dưỡng năng lực cho công chức, viên chức nâng cao năng lực trên mọi mặt về kiến thức phát triển kinh tế nông nghiệp, kỹ thuật canh tác nông nghiệp, đào tạo nghề nông thôn, kỹ năng truyền đạt, giám sát,… Có như thế thì mới đảm bảo được nhu cầu tuyên truyền, định hướng cho người nông dân.

Hai là, “tri thức hóa” nông dân

Khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ trí thức tích cực tham gia vào các hoạt động khoa học và công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Đổi mới trong phương pháp đào tạo gắn với hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp gắn với hỗ trợ vốn, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Có kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân, giúp bà con tiếp cận có hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ thời cơ, thách thức của thị trường nông sản thời kỳ hội nhập sâu rộng hiện nay.

Ba là, đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản, hàng hoá

Đây được xem là yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi tư duy sản xuất của người nông dân, từ đó mạnh dạn thay đổi tư duy áp dụng các phương pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Bốn là, đa dạng hoá phương thức tuyên truyền, thực hiện kiên trì, bền bỉ

Thông qua các hình thức toạ đàm, hội nghị, phóng sự trên truyền hình, pano, áp phích… để nông dân, người sản xuất có cái nhìn trực quan và hiểu được mục đích và ý nghĩa của việc đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức và tư duy làm kinh tế nông nghiệp cho nông dân.

Kết hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc lồng ghép tuyên truyền nội dung chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

 

 

 

 

Nguyệt Ánh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
  • Hành trình của chàng trai người Mông đến giảng đường Đại học Y Hà Nội

    Hành trình của chàng trai người Mông đến giảng đường Đại học Y Hà Nội

    Giữa những dãy núi trùng điệp, những con đường đất gồ ghề, cậu học sinh nghèo hiếu học Giàng A Ký (dân tộc Mông) đã nuôi một ước mơ trở thành bác sĩ để chăm sóc và cứu giúp người dân nơi quê nhà. Đối mặt với khó khăn của cuộc sống, đã có lúc, Ký tưởng mình phải bỏ cuộc giữa chừng. Cho đến khi hy vọng được gieo mầm từ Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin…

  • Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

    Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

    Mỗi khi đất nước có thiên tai, dịch bệnh thì truyền thống yêu nước, tinh thần "tương thân, tương ái", “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo” luôn là bản chất tốt đẹp của người dân Việt Nam lại được phát huy.

  • Tạp chí Kinh tế nông thôn chung sức cùng người dân Lào Cai khắc phục hậu quả sau mưa lũ

    Tạp chí Kinh tế nông thôn chung sức cùng người dân Lào Cai khắc phục hậu quả sau mưa lũ

    Hoàn lưu của cơn bão số 3 (Yagi) đã khiến tỉnh Lào Cai bị thiệt hại nặng về người và tài sản. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã nén đau thương cùng nhau nỗ lực khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống trong sự sẻ chia của đồng bào khắp mọi miền đất nước.

Top