Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 5 tháng 10 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 10 năm 2024 | 9:42

Bắc Ninh mạnh tay với "vấn nạn" ô nhiễm làng nghề

Thời gian qua, Cụm công nghiệp (CCN) Phú Lâm (huyện Tiên Du), phường Phong Khê (TP Bắc Ninh) và xã Văn Môn (huyện Yên Phong) được đánh giá là một số “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Trước thực trạng này các cơ quan ban, ngành đã đưa nhiều giải pháp chế tài đã được ban hành, áp dụng.

Kiên quyết xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề

Thành uỷ chỉ đạo UBND TP. Bắc Ninh tiếp tục duy trì các đoàn kiểm tra theo lộ trình và lập chốt kiểm tra, giám sát các phương tiện vận chuyển phế liệu ra, vào làng nghề, cụm công nghiệp, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề và ngoài cụm công nghiệp, đảm bảo quy định của pháp luật, hoạt động đến ngày 31/12/2024. Đối với cơ sở sản xuất trong Cụm công nghiệp Phong Khê I và Cụm công nghiệp Phong Khê II đảm bảo đầy đủ quy định của pháp luật, hoạt động đến ngày 31/12/2029. Tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở trên, nếu không đủ điều kiện hoạt động, yêu cầu dừng hoạt động. Đề xuất hình thức vận hành Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê, xong trong quý I/2025.

Tại Cụm công nghiệp Phú Lâm, giao Huyện uỷ chỉ đạo UBND huyện Tiên Du yêu cầu các cơ sở ngoài Cụm công nghiệp Phú Lâm tự tháo dỡ hoặc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ lấn, chiếm đất theo quy định, xong trong quý IV/2024 và chỉ đạo chủ đầu tư đưa nhà máy xử lý nước thải tập trung Cụm công nghiệp Phú Lâm đi vào vận hành chính thức trong tháng 10/2024.

Một cơ sở sản xuất giấy tại phường Phong Khê, TP Bắc Ninh. (Ảnh: Khương Lực)

Kiểm tra các cơ sở tại Cụm công nghiệp Phú Lâm và Cụm công nghiệp Phú Lâm mở rộng về thủ tục môi trường, thực hiện đóng cửa các cơ sở không đảm bảo quy định, xong trước 30/10/2024. Dừng hoạt động Cụm công nghiệp Phú Lâm, Cụm công nghiệp Phú Lâm mở rộng và các cơ sở sản xuất tái chế giấy trong cụm công nghiệp, trước ngày 31/12/2029.

Tại xã Văn Môn, giao Huyện uỷ chỉ đạo UBND huyện Yên Phong chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra và lập chốt kiểm tra, giám sát (24/24h) các phương tiện vận chuyển phế liệu ra, vào làng nghề Mẫn Xá, cụm công nghiệp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Dừng hoạt động các cơ sở, hộ gia đình tái chế nhôm trong làng nghề Mẫn Xá không có giải pháp xử lý khí thải và không có hợp đồng với đơn vị có năng lực về xử lý xỉ thải theo quy định của pháp luật, trước ngày 31/12/2024; đối với những cơ sở đủ điều kiện, hoạt động đến ngày 31/12/2025.

Thực hiện di dời các cơ sở, hộ gia đình tái chế nhôm trong làng nghề vào cụm hoạt động hoặc chuyển đổi ngành nghề khác, xong trong năm 2025. Dừng hoạt động Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá và các cơ sở sản xuất trong cụm do chưa đủ điều kiện hoạt động; xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.

Về xử lý chất thải rắn tồn đọng, xem xét lựa chọn 1 trong 3 phương án, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh trước ngày 30/10/2024: Nghiên cứu đơn giá xử lý, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với cơ quan, đơn vị liên quan tìm giải pháp xử lý; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn làng nghề xã Văn Môn, huyện Yên Phong, diện tích 3,8ha, để xử lý chất thải tồn đọng của làng nghề và chất thải phát sinh hàng ngày của làng nghề và cụm công nghiệp theo quy định; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu nhà ở xã Văn Môn, với diện tích khoảng 16,3 ha theo quy định.

Tháo gỡ điểm nghẽn về ô nhiễm môi trường tại Xã Văn Môn

Thời gian này, Tổ giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ giám sát của UBND tỉnh Bắc Ninh thường xuyên, liên tục thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đến từng cơ sở cô đúc nhôm;  lập biên bản, thu thập hồ sơ, lấy các mẫu phân tích để đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại đây.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng xử lý mạnh tay các hành vi vi phạm về môi trường, tạo sự răn đe đối với các chủ cơ sở cố tình xả thải, xả thải nhiều lần ra ngoài môi trường.

Năm 2023, cơ quan chức năng phát hiện 50 vụ việc với 55 đối tượng vi phạm đổ chất thải rắn thông thường trái quy định; chuyển giao chất thải rắn thông thường cho đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý; tiếp nhận chất thải rắn thông thường nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý, xử phạt 738 triệu đồng.

Từ đầu năm 2024 đến nay có 10 vụ việc bị phát hiện, xử phạt hơn  21 triệu đồng.

Trong khi đó, UBND xã Văn Môn thành lập Tổ tự quản bảo vệ môi trường; lắp đặt camera giám sát tình trạng đổ, đốt chất thải không đúng nơi quy định; rà soát lập danh sách 154 cơ sở sản xuất, hộ gia đình cô đúc nhôm trong khu dân cư không thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền chính sách, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đến tất cả các hộ sản xuất; vận động các tổ chức, cá nhân trong làng nghề và trong CCN làng nghề Mẫn Xá nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả của lực lượng tuần tra, kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm về khí thải, chất thải, vận chuyển xỉ thải và rác thải công nghiệp; vận động các hộ dân di dời sản xuất trong khu dân cư vào CCN làng nghề… song kết quả chưa thực sự khả quan, ô nhiễm vẫn “chồng” ô nhiễm.

CCN làng nghề Mẫn Xá được xem là giải pháp tối ưu cho bài toán xử lý ô nhiễm môi trường tại đây. Với tổng diện tích hơn 29 ha, khoảng 666 lô đất được thành lập để hu hút, di dời các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ vào khu sản xuất tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các làng nghề; chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka.

Thế nhưng đến nay vẫn còn khoảng 10% diện tích đất chưa thu hồi; 229 lô đất chưa cho thuê. Các công trình xây dựng trong CCN đều tự phát, không có hồ sơ thiết kế và giấp phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp; tỉ lệ di dời các cơ sở sản xuất, hộ gia đình cô đúc nhôm trong làng nghề ra CCN đạt thấp. Nguyên nhân do giá thuê mặt bằng trong CCN cao so với mặt bằng chung của huyện, giá thuê trung bình là 8-9 triệu đồng/m2, có lô đến 10 triệu đồng/m2; hạ tầng kỹ thuật; các yếu tố bảo vệ môi trường chưa hoàn thiện… Vì vậy, vẫn còn nhiều vấn đề phát sinh trong CCN làng nghề, chưa mang tính ổn định, bền vững.

Trước những tồn tại trên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, UBND huyện Yên Phong chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND xã Văn Môn phải liên tục tuyên truyền chính sách, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, vận động di dời các hộ dân sản xuất trong khu dân cư ra CCN.

Kiên quyết tổ chức cưỡng chế các hộ dân còn vướng trong giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xử lý chất thải rắn làng nghề xã Văn Môn 3,8 ha; dự án CCN làng nghề Mẫn Xá xong trong tháng 11 năm nay.

Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù (chỉ định thầu) một đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn tồn đọng tại làng nghề Mẫn Xá (khoảng gần 400.000 tấn chất thải tồn đọng ngoài môi trường); có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất cô đúc nhôm di dời ra CCN…

Đồng thời, huyện Yên Phong cũng chỉ đạo gắt gao chủ đầu tư CCN làng nghề Mẫn Xá phải nhanh chóng hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật,  nhất là các công trình bảo vệ môi trường theo quy định; xem xét, hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho các hộ gia đình, các tổ chức sản xuất kinh doanh cô đúc nhôm khi di dời ra CCN. Đề nghị tăng cường lực lượng Công an trong tuần tra, ngăn chặn, bắt giữ xử lý nghiêm đối với các phương tiện vận chuyển chất thải trái quy định ra vào xã...

Khởi tố 2 đối tượng gây ô nhiễm ở Phong Khê

Thể hiện sự quyết liệt trong xử lý “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn, Công an tỉnh Bắc Ninh vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Quốc Sử, 39 tuổi, ở phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh và Trần Văn Chính, 32 tuổi, ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định là Phó Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Nam Thái Nguyễn chi nhánh Bắc Ninh, có địa chỉ tại CCN Phong Khê 2, phường Phong Khê về tội “Gây ô nhiễm môi trường”.

Theo hồ sơ vụ việc, do có nhu cầu san lấp thửa ruộng trũng của gia đình tại cánh đồng khu Ngô Khê, phường Phong Khê và được sự đồng ý của Trần Văn Chính, từ đầu tháng 7.2024 đến giữa tháng 8.2024, Trần Quốc Sử đã vận chuyển 40 chuyến xe với khối lượng gần 200 tấn tro xỉ phát sinh từ quá trình đốt nhiên liệu sản xuất lò hơi của Công ty TNHH Nam Thái Nguyễn về san lấp tại thửa ruộng.

Mỗi chuyến xe, Công ty TNHH Nam Thái Nguyễn hỗ trợ Sử 150.000 đồng chi phí xăng dầu. Cơ quan điều tra xác minh, thửa ruộng của gia đình Trần Quốc Sử là đất nông nghiệp trồng lúa, không được cấp phép là nơi chôn, lấp, đổ chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Do đó, hành vi của của Trần Văn Sử và Trần Văn Chính đã phạm vào tội “Gây ô nhiễm môi trường” quy định tại điểm g, khoản 1, điều 235 Bộ luật Hình sự. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Vừa mới đây nhất, ngày 27/9, Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Ngô Xuân Lợi, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng sản xuất và Thương mại Phú Lâm (Công ty Phú Lâm) ở xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh về tội "Gây ô nhiễm môi trường".

Cụ thể, Tổ công tác của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an (C05) đã phát hiện Công ty Phú Lâm đang đổ thải tại Cụm công nghiệp Phú Lâm với nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Cụ thể, Công ty này đã có hành vi chôn, lấp, đổ 841.900kg chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật.

Hầu hết các cơ sở sản xuất giấy tại Phong Khê chưa có Giấy phép về môi trường

Theo tìm hiểu, đa số các cơ sở sản xuất giấy đều sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu, thải loại của một số nhà máy trong và ngoài nước, dẫn đến hiệu quả, năng suất sản xuất thấp và gây ô nhiễm môi trường (môi trường nước, đất, không khí, tiếng ồn...).

Sản lượng giấy trung bình đạt trên 400.000 tấn/năm và có xu hướng tăng hàng năm. Tuy nhiên theo thực tế, số tiền thuế nộp vào ngân sách nhà nước trên địa bàn Phong Khê lại có xu hướng giảm và rất thấp so với các địa phương khác trong thành phố.

Nguồn nước thải và khí thải trong hoạt động sản xuất tại làng nghề giấy Phong Khê được xác định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho khu vực, sông Ngũ Huyện Khê (đoạn qua thành phố Bắc Ninh) ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Cầu về sức khỏe của người dân, gây ra nhiều hệ lụy về môi trường từ nhiều năm. Khối lượng rác thải từ sản xuất (rác lề thủy lực, bùn thải, đinh ghim, tạp chất...) còn tồn đọng với khối lượng lớn chưa được xử lý.

Để công tác bảo vệ môi trường trong các làng nghề có hiệu quả, thời gian tới các cơ quan quản lý Nhà nước cần  tập trung thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề, tuyên truyền vận động người dân, chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại địa phương, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và thực hiện các quy ước, hương ước, cam kết về bảo vệ môi trường.    

Cùng với đó, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm nghiêm trọng như: Ngừng cung cấp điện, nước, cưỡng chế ngừng sản xuất đối với các trường hợp cố tình tái phạm; đồng thời xử phạt, kỷ luật đối với cán bộ cố ý làm sai các thủ tục kiểm tra, thủ tục hành chính đối với các tổ chức, cơ sở sản xuất; thành lập Quỹ bảo vệ môi trường nhằm hỗ trợ, tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm môi trường, đồng thời có cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích để huy động, thu hút đầu tư có hiệu quả cho công tác bảo vệ môi trường.

Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban ngành đoàn thể, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phát động các phong trào toàn dân phân loại chất thải sinh hoạt tại hộ gia đình; làm sạch ruộng đồng, vớt bèo, khơi thông dòng chảy kênh mương; chống rác thải nhựa, vận động doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng và toàn dân hạn chế tối đa sử dụng túi ni lông, chuyển sang sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường; làm sạch đường làng, ngõ xóm... Duy trì và phát huy vai trò của các tổ, đội vệ sinh môi trường trong thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; quan tâm, tập trung cao cho công tác vận chuyển rác tại một số điểm tập kết quá tải, hạn chế gây bức xúc trong nhân dân; 

Bà Nguyễn Thị Hồng Linh - Phó trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường TP Bắc Ninh cho biết, trong thời gian vừa qua, chúng tôi đang tập trung kiểm tra đối với các cơ sản xuất giấy vàng mã là những cơ sở có lượng phát sinh nước thải, chất thải có nồng độ ô nhiễm cao.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát và lên danh sách các đối tượng để kiểm tra, tại thời điểm kiểm tra, có một số đối tượng là chủ cơ sở vẫn đang hoạt động sản xuất, có những cơ sở đã dừng hoạt động sản xuất sau khi họ cảm thấy việc tiếp tục hoạt động không có hiệu quả kinh tế.

Lãnh đạo tỉnh và thành phố cũng đề ra những chủ trương và lộ trình phù hợp, trong quá trình chúng tôi tiến hành xử lý cũng đã xác định rõ vấn đề giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường trong khu dân cư và đặc biệt, đoàn kiểm tra sẽ xử lý xong toàn bộ các cơ sở trong khu dân cư trước ngày 31/12/2024.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ VOV, cand, laodong...)
Ý kiến bạn đọc
  • Hành trình của chàng trai người Mông đến giảng đường Đại học Y Hà Nội

    Hành trình của chàng trai người Mông đến giảng đường Đại học Y Hà Nội

    Giữa những dãy núi trùng điệp, những con đường đất gồ ghề, cậu học sinh nghèo hiếu học Giàng A Ký (dân tộc Mông) đã nuôi một ước mơ trở thành bác sĩ để chăm sóc và cứu giúp người dân nơi quê nhà. Đối mặt với khó khăn của cuộc sống, đã có lúc, Ký tưởng mình phải bỏ cuộc giữa chừng. Cho đến khi hy vọng được gieo mầm từ Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin…

  • Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

    Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

    Mỗi khi đất nước có thiên tai, dịch bệnh thì truyền thống yêu nước, tinh thần "tương thân, tương ái", “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo” luôn là bản chất tốt đẹp của người dân Việt Nam lại được phát huy.

  • Tạp chí Kinh tế nông thôn chung sức cùng người dân Lào Cai khắc phục hậu quả sau mưa lũ

    Tạp chí Kinh tế nông thôn chung sức cùng người dân Lào Cai khắc phục hậu quả sau mưa lũ

    Hoàn lưu của cơn bão số 3 (Yagi) đã khiến tỉnh Lào Cai bị thiệt hại nặng về người và tài sản. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã nén đau thương cùng nhau nỗ lực khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống trong sự sẻ chia của đồng bào khắp mọi miền đất nước.

Top