Những ngày đầu tháng 7/2018, Thủ đô Hà Nội và khu vực miền Bắc, miền Trung trải qua đợt nắng nóng gay gắt. Cái nắng khủng khiếp kéo dài đã làm đảo lộn đời sống sinh hoạt của người dân.
Oải vì nắng nóng
Tại Thủ đô, người dân hạn chế ra đường vì thời tiết những ngày này khiến Hà Nội được ví như cái “chảo lửa”. Các địa điểm vui chơi cuối tuần thường ngày đông đúc như phố đi bộ, các công viên cũng trở nên vắng vẻ vì nhiệt độ ngoài trời cao.
Ai đi ra đường cũng “phòng thủ” trang phục kín mít để tránh tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp của mặt trời và kiếm cho mình chỗ có bóng râm để tránh cái nóng gay gắt. “18 giờ tôi ra khỏi cơ quan mà vẫn cảm thấy nóng khủng khiếp, tưởng như bánh xe máy sắp nổ vì lòng đường quá nóng. Nóng, tắc đường… trông ai cũng oải. Thời tiết ngày càng đáng sợ”, chị Ngọc Thắm (Trung Hòa - Nhân Chính) than thở.
Người buộc phải lao động ngoài trời cảm nhận rõ nhất cái nắng “rát mặt” như thiêu những ngày này. “Nhóm công nhân chúng tôi làm từ 6 đến 9 giờ sáng đã phải tạm nghỉ vì nắng quá, không chịu được. Phải đến chiều muộn mới làm lại để tránh bị say nắng”, ông Nguyễn Quang Tấn, thợ xây một công trình xây dựng trên đường Đào Tấn (TP. Vinh - Nghệ An) thở dài.
Tại Huế (Thừa Thiên - Huế), nắng nóng kéo dài xảy ra trên diện rộng gần 1 tuần qua. Nhiệt độ trung bình ngoài trời thường xuyên ở mức 35 - 38 độ C, có thời điểm đo được 40 độ C. Anh Thanh, công nhân thi công đường dây cáp viễn thông trên đường Trần Hưng Đạo, cho biết, do tính chất công việc nên anh và đồng nghiệp thường xuyên phải chui xuống cống. Nóng và ngộp, cái nóng cứ vậy hắt hết vào mặt mũi. Mỗi đoạn cống như vậy tụi tui phải cố gắng làm cho nhanh để lên chứ ở dưới lâu không chịu nổi.
Đà Nẵng cũng đang bước vào đợt nắng nóng gay gắt nhất từ đầu 2018. Những ngày qua, nhiệt độ ngoài trời nhiều thời điểm trên 37 độ C. Cái nắng gay gắt bắt đầu từ 9 giờ, kéo dài đến hơn 15 giờ. Trải bạt ngồi trên thảm cỏ dưới bóng cây, chị Phạm Thị Thúy Ngân (giáo viên Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, quận Thanh Khê) đang ăn uống cùng hai em nhỏ cho biết do ở nhà quá nóng nên ba chị em đưa nhau ra công viên...
So với mức nắng nóng lịch sử 42,5 độ năm ngoái, mức nhiệt mùa hè năm nay có thấp hơn nhưng khoảng thời gian nắng nóng kéo dài hơn, đến hôm nay đã bước sang ngày thứ 9. Kèm theo đó, hiệu ứng phơn hoạt động rất mạnh nên độ ẩm không khí luôn dưới 40% khiến cái nóng tại Bắc Bộ và Trung Bộ càng thêm bỏng rát.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, ngày 7/7, khi những cơn mưa bắt đầu xuất hiện, nắng nóng ở miền Bắc mới có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cách phòng chống sốc nhiệt vì nắng nóng
Thời tiết nắng nóng kéo dài, độ ẩm tăng cao bất thường mấy ngày qua khiến nhiều người bị suy kiệt sức khỏe, có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, trụy mạch, tổn thương não, nhất là đối tượng người già, trẻ nhỏ hoặc người có công việc phải ra ngoài đường nhiều.
Bác sỹ Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các bệnh liên quan tới nắng nóng, ra mồ hôi nhiều mà không được bù nước đầy đủ có thể dẫn tới mất nước và chuột rút, trong khi cơ thể không thải đủ nhiệt sẽ dẫn tới suy kiệt vì nóng, thậm chí là say nắng cần cấp cứu. Chuột rút, kiệt sức vì nóng hay say nắng thường xuất hiện ở trẻ lớn tham gia hoạt động thể lực kéo dài dưới nắng nóng, ví dụ trong giờ chơi thể thao. Với trẻ nhỏ, bệnh chủ yếu liên quan tới nắng nóng là mất nước.
Say nắng là căn bệnh nghiêm trọng nhất do nắng nóng. Bệnh xuất hiện khi cơ thể không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ: thân nhiệt gia tăng nhanh chóng, ra mồ hôi không đủ để giải tỏa nhiệt, cơ thể không thể tự làm mát. Thân nhiệt có thể lên tới 39,5 độ C hoặc cao hơn trong vòng 10-15 phút.
Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
Hạn chế ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.
Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời; nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh bởi dễ gây viêm họng.
Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp (nhiệt độ trong phòng điều hòa chỉ nên thấp hơn bên ngoài 10-12 độ); không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
Thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Chủ động ứng phó với nắng nóng cho gia súc, gia cầm Theo ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện nay chưa có thống kê thiệt hại do nắng nóng đối với chăn nuôi. Tuy nhiên, khả năng có động vật bị chết là rất cao. Nắng nóng như hiện nay sẽ ảnh hưởng nhất định tới ngành chăn nuôi, trong đó, tác động lớn nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trâu, bò theo kiểu chăn thả. Trước diễn biến của thời tiết, Cục Chăn nuôi đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố, địa phương để chủ động ứng phó với nắng nóng cho gia súc, gia cầm. Chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ và chế biến các loại phụ phẩm sau khi thu hoạch (đặc biệt là rơm khô) làm thức ăn cho gia súc, gia cầm trước và trong mùa khô hạn. Những ngày khô hạn, thực hiện chế độ chuyển bữa ăn, thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp sang cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Tăng cường khẩu phần ăn xanh như rau cỏ tươi, củ, quả và các loại vitamin...; tăng cường đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần đối với từng loại gia súc, gia cầm. |
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.