Để đối phó với thời tiết rét đậm, Hội Làm vườn Tân Kỳ (Nghệ An) đã chủ động hướng dẫn bà con ủ chua thức ăn cho bò phòng tránh rét hại trong mùa đông.
Hiện, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã che chắn chuồng trại, chuẩn bị "lương khô" cho bò. Đó chính là thân cây ngô được băm nhỏ, trộn đều với mật mía, cám ngô, muối và ủ lên men sau 15 ngày.
Ông Mai xã Nghĩa Dũng sử dụng những chiếc bao tải lớn để ủ thức ăn cho bò. Ảnh: Xuân Hoàng
Ông Phạm Văn Mai ở xóm 3, xã Nghĩa Hợp (Tân Kỳ) nuôi 16 con bò thịt. Để có nguồn thức ăn mùa đông, ông sử dụng gần 1ha đất trồng ngô vụ xuân hè, vụ đông để làm thức ăn cho bò. Ngoài cho bò ăn tươi, ông còn băm nhỏ thân cây ngô để ủ thức ăn, dự trữ trong mùa đông giá rét, khan hiếm thức ăn.
Ông Mai cho biết: Để thức ăn ủ chua đảm bảo dinh dưỡng, cứ 1m3 cây ngô băm nhỏ, trộn với 2 lít mật mía, 3 kg muối, 5 kg cám ngô. Sau khi trộn đều, ủ kín trong bao tải hoặc kho chứa, sau 15 ngày cho bò ăn dần.Hiện, ông đã xây một kho chứa khoảng 10m3, tự khâu 3 bao tải lớn (2m3/bao) để ủ thức ăn cho bò.
Ở xã Nghĩa Đồng, ông Nguyễn Thu Ngoạn hiện có 150 con bò sữa và bò thịt, ông Ngoạn đã xây một khu nhà chuyên ủ thức ăn chua. Ngoài cỏ voi trồng được, ông còn thu mua cây ngô của bà con về băm nhỏ, trộn với mật mía, cám ngô, muối cho bò ăn dần.
Ông Ngoạn cho hay: "Năm nào cũng vậy, trước mùa đông, tôi đầu tư hàng trăm triệu đồng mua cây ngô của bà con về băm nhỏ ủ được cả trăm m3 thức ăn cho bò. Nếu không làm vậy, những ngày mùa đông giá rét, nguồn thức ăn khan hiếm, lấy gì cho bò ăn".
Hiện, chăn nuôi bò hàng hóa của Tân Kỳ phát triển khá mạnh. Để đảm bảo thức ăn, sức khỏe của đàn bò trong mùa đông, Phòng Nông nghiệp huyện thường xuyên tuyên truyền, chỉ đạo Hội Làm vườn, Hội Nông dân xuống cơ sở hướng dẫn bà con cách ủ thức ăn, che chắn chuồng trại cho bò.
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, trên địa bàn Tân Kỳ có hơn 29 nghìn hộ chăn nuôi bò, trong đó khoảng 40% số hộ áp dụng ủ thức ăn chua dự trữ. Với cách làm này, đàn trâu, bò Tân Kỳ vẫn phát triển tốt vào mùa đông.
Quảng Bình: Nắng nóng kèm theo mưa, nhiều ao tôm bị dịch bệnh
Năm 2018, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) đã tổ chức nhiều buổi tập huấn kỹ thuật cho nông dân, trợ giá giống cá, cải tạo, xử lý ao hồ, để tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Thị xã Ba Đồn luôn quan tâm công tác cải tạo ao hồ nuôi trồng thủy sản
Hiện, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn thị xã là 472,1 ha, đạt 98,35% kế hoạch. Song, do thời tiết nắng nóng kèm theo mưa going, làm môi trường nước ao nuôi biến động, khó kiểm soát nên xảy ra dịch bệnh.
Theo đó, diện tích ao bị bệnh là 12,5 ha, tập trung tại các xã Quảng Hải, Quảng Tiên, Quảng Lộc, phường Quảng Phúc, Quảng Thuận. Vì vậy, sản lượng nuôi trồng không đạt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, sản lượng nuôi trồng năm 2018 ước 1.852 tấn, đạt 84,19% kế hoạch.
Sắp tới, Thị xã đẩy mạnh phương pháp nuôi thâm canh, bán canh theo hướng hàng hóa bền vững, có khả năng cạnh tranh cao; hướng dẫn nông dân tập trung con nuôi chủ lực như: tôm thẻ chân trắng , các loại cá truyền thống, kết hợp đa dạng hóa các sản phẩm nuôi trồng. Tăng cường kiểm tra giống và dịch bệnh, xử lý ao nuôi tốt để nâng cao hiệu quả. Phấn đấu cuối năm 2019, sản lượng ao nuôi toàn thị xã đạt 1.860 tấn.
Thanh Chương: Trồng đậu tương rau xuất khẩu sang Nhật
Để nâng cao giá trị và thu nhập trên đơn vị diện tích, nhiều địa phương huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã liên kết sản xuất, tiêu thụ đậu tương rau với doanh nghiệp để xuất khẩu sang Nhật
Kiểm tra kết quả mô hình cây đậu tương rau tại Đồng Văn. Ảnh: Hữu Thịnh
Đậu tương rau là món ăn có nguồn gốc từ Nhật Bản, khá ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, thu hái khi quả còn xanh và luộc ăn như một món rau.
Anh Võ Bá Sáu, cho biết: “Lúc đầu không tin tưởng lắm, vì kinh nghiệm, kỹ thuật chưa có, nhưng sau 2 tháng trồng thấy hiệu quả cây đậu tương rau cao: thời gian trồng ngắn, mỗi năm thu 3 vụ/ sào đạt 3 - 3,5 tạ; giá bán 8.000 đồng/kg; tính ra, kinh tế hơn ngô và các cây trồng khác".
Là xã có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp, năm 2018 Đồng Văn đã phối hợp với doanh nghiệp xây dựng mô hình đậu tượng rau tại 3 xóm Tiên Kiều, Thượng Quánh và Phượng Đình. Sau một thời gian cho thấy, cây đậu tương rau thích nghi ở Đồng Văn, sinh trưởng mạnh hơn so những giống đậu tương khác.
Cây có khả năng chống chịu sâu bệnh, thân cao, phân cành tốt, sai quả, bình quân từ 30 - 50 quả/cây; năng suất từ 3,5 - 4 tạ/sào. Bà con được hướng dẫn trồng theo quy trình sạch.
Khi cây đậu tương rau vào độ chín công ty sẽ thu mua cả quả, không phải phơi, đập và không phụ thuộc vào thời tiết như những giống đậu tương khác, hạn chế được rủi ro cho người dân...
Ông Nguyễn Xuân Đại - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết, xã đã giao cho HTX nông nghiệp tổ chức liên kết với doanh nghiệp để tập huấn KHKT, theo dõi và chăm sóc, cũng như ký cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đến nay cây đậu đã cho kết quả rất khả quan.
Cùng với Đồng Văn, xã Thanh Khai cũng xây dựng mô hình đậu tương rau xuất khẩu, với diện tích 10 ha trên vùng bãi bồi ven sông Lam, thời gian trồng khoảng 80 ngày/vụ. So với các loại cây màu khác, đậu tương rau cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.
Năm 2018, cây đậu tương rau được trồng trên địa bàn huyện Thanh Chương với diện tích 37 ha, ở 3 xã Đồng Văn, Thanh Khai và Thanh Tường. Đến kỳ thu hoạch, công ty về tận ruộng thu mua với giá cam kết 8.000 đồng/kg xuất khẩu sang Nhật.
Quảng Trị: Vườn rau xứ lạnh trên đất đỏ ba gian
Với đặc thù từ các tiểu vùng khí hậu mát mẻ và đất đỏ ba zan, bà con huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã trồng thử nghiệm nhiều loại cây ăn quả, rau màu đưa từ miền Bắc vào như cam Hòa Bình, bắp cải, sup lơ trắng, sup lơ xanh, cà rốt…Không ngờ, vườn rau thử nghiệm này khá thích nghi khí hậu ở đây, bước đầu cho hiệu quả cao.
Bà con Khe Sanh, Hướng hóa thu hoạch bắp cải, súp lơ
Chị Lê Thị Cẩm Lệ, Thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa từng có 9 năm sống ở vùng nông thôn Bắc Kạn và làm nông nghiệp, nên chị hiểu rõ cách trồng rau, cây ăn quả chịu lạnh ở miền Bắc. Khi trở về Hướng Hóa nơi có khí hậu khá mát mẻ, cộng với lợi thế đất đỏ ba dan, chị quyết định đưa vào trồng thử.
Năm 2016, chị thành lập trang trại cây ăn quả, rau màu và chăn nuôi rộng gần 2 ha, trong đó, cam Hòa Bình hơn 1 ha, rau màu 6 sào, còn lại chăn nuôi. Trong 6 sào rau, chị trồng 5 sào các loại cây chịu lạnh có nguồn gốc miền Bắc: bắp cải, su lơ xanh, trắng, su hào, mỗi năm 1 vụ, mỗi vụ 2 lứa, bước đầu cho thua hoạch tốt.
Năm 2018, chị tiếp tục trồng 2.000 cây lơ xanh/lứa, 800 cây bắp cải, 200 cây su hào và sup lơ trắng, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó, với giá cải bắp 15.000 đồng/kg, su lơ xanh 23.000 đồng/búp, su lơ trắng 15.000- 20.000 đồng/búp... Mỗi vụ rau 2 lứa, chị Lệ thu hoạch gần 150 triệu đồng.
Hiện, không chỉ Khe Sanh mà cả vùng Bắc Hướng Hóa đều phát triển cây rau xứ lạnh. Toàn huyện có 75 ha rau màu, trong đó 9- 10% diện tích rau khí hậu lạnh. Trưởng phòng Nông nghiệp Hướng Hóa Nguyễn Ngọc Khả cho biết: “Huyện đã kết nối với chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững, tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác các loại rau xứ lạnh mới du nhập cho người dân, bình quân mỗi năm 2-3 lớp”.
Giá các loại rau bắp cải, su lơ trồng tại Hướng Hóa cao hơn từ 1,2- 1,5 lần so rau cùng loại, nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận, vì họ tin tưởng rau đảm bảo an toàn thực phẩm, không phun thuốc bảo vệ thực vật, không bón phân vô cơ nên tốt cho sức khỏe. Chị Lệ cho biết: “Hiện, rau không đủ cung cấp, tôi chỉ bán ở chợ Khe Sanh, chỉ một lát là hết. Nhiều cửa hàng rau sạch ở Đông Hà đặt hàng, nhưng mới đáp ứng được một lượng nhỏ”.
Chuẩn bị chuồng trại, thức ăn chống rét cho trâu bò trong mùa lạnh; các ao tôm bị dịch bệnh; trồng đậu tương xuất khẩu sang Nhật; trồng rau xứ lạnh trên đất đỏ bazan, là tin nổi bật trong tuần ở miền Trung.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.