Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 2 tháng 9 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 12 năm 2020 | 13:51

Nghề đúc tượng ông Công, ông Táo vào “mùa”

Ông Công, ông Táo là một trong những hình ảnh gần gũi trong tín ngưỡng của người Việt Nam nói chung và người dân Thừa Thiên - Huế nói riêng.

Tại địa phương này, có một nơi chuyên về đúc tượng ông Công, ông Táo để phục vụ nhu cầu của người dân.

 

t34.jpg
Tượng được nung bằng vỏ trấu trong khoảng 2-3 ngày.

 

Nghề cha truyền con nối

Theo tín ngưỡng của người Việt Nam, ông Công, ông Táo là những vị thần cai quản việc bếp núc của gia chủ. Vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, ba vị thần (02 nam, 01 nữ) này sẽ cưỡi cá chép lên trên Trời để báo cáo với Ngọc Hoàng về cuộc sống, về công việc làm ăn… của gia chủ trong năm vừa qua, cùng với đó, gia chủ sẽ rước ông Công, ông Táo mới về thờ tự cho năm tiếp theo.

Tại Thừa Thiên - Huế, ông Công, ông Táo được người dân đúc thành tượng, nung đỏ rồi trang điểm bắt mắt. Việc đúc ông Công, ông Táo cũng trở thành nghề của một số gia đình sống tại làng Địa Linh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà. Thời điểm này, khi sắp đến ngày 23 tháng Chạp, những nơi chế tác tượng ông Công, ông Táo đang phải làm việc tất bật để kịp nguồn hàng cung ứng ra thị trường.

Là thế hệ trẻ đang đi theo nghề đúc (in) tượng ông Công, ông Táo, chị Nguyễn Thị Hòa (38 tuổi, làng Địa Linh) cho biết, bản thân là người nơi khác đến vùng này làm dâu và được gia đình nhà chồng hướng dẫn cách làm nên cũng không rõ nghề đúc tượng ông Công, ông Táo có từ khi nào.

“Cũng nhiều lần tôi đã hỏi bố chồng và những người lớn tuổi đang làm nghề này xem nó xuất hiện từ khi nào thì họ đều nói không rõ, chỉ biết là do ông cha truyền lại”, chị Hòa kể lại.

 

t35.jpg
Mỗi lần, lò nung chứa được khoảng 2.000 pho tượng.

 

Ông Võ Văn Nam (60 tuổi, trú tại làng Địa Linh) nhớ lại, khi còn nhỏ đã thấy ông nội, ba mình đúc tượng ông Công, ông Táo. Khi lớn lên, cả 4 anh em (ông Đức – bố chồng chị Hòa, ông Nhật, ông Hay và ông Nam) đều làm nghề đúc tượng ông Công, ông Táo. Giờ đây, 4 gia đình là 4 địa điểm chế tác tượng ông Công, ông Táo duy nhất trong vùng này.

Làm để giữ lấy nghề

Theo chị Hòa, số lượng ông Công, ông Táo mà gia đình chế tác và cung ứng ra thị trường trong mỗi năm là không cụ thể, nhưng ước khoảng 30.000 - 50.000 pho tượng. 

“Làm tượng này thì chẳng lời lãi bao nhiêu, chủ yếu là lấy công làm lãi. Cũng vì ít lãi nên chẳng có mấy ai theo nghề này, chỉ có mấy anh em nhà ba tôi làm thôi. Lớp trẻ sau này đi làm việc khác hết rồi chứ có theo nghề đâu. Có chăng cuối năm mà nhiều việc thì về phụ thêm cho vui thôi”, con dâu ông Đức nói về nghề đúc tượng ông Công, ông Táo.

 

t35a.jpg
Được nung đỏ.

 

Ông Nam cho biết thêm, để có  được những pho tượng ông Công, ông Táo, họ phải tiến hành thu mua đất sét vàng từ khoảng tháng 02 âm lịch hằng năm để nhào nặn và ủ; tiếp đến, tranh thủ thời tiết nắng ráo của mùa hè, họ đúc tượng ông Công, ông Táo theo khuôn và phơi khô, tích trữ đến cuối năm thì bắt đầu nung, trang trí hoàn thiện và cung ứng ra thị trường.

“Phải để thời điểm này mới nung vì nếu nung sớm quá không có chỗ bỏ thì sẽ bị ẩm ướt, tượng sẽ không có màu đẹp. Còn nếu để đến bây giờ mới bắt đầu thì tượng đất khó mà khô được. Tượng mà không khô bỏ vào nung sẽ bị nứt, hỏng ngay. Do đó, chúng tôi thường đúc, phơi từ mùa hè nhưng đến giờ mới nung là như vậy đó”, ông Nam giải thích về quy trình đúc tượng ông Công, ông Táo.

Ông Võ Văn Hay (62 tuổi, làng Địa Linh) bộc bạch: Chúng tôi làm thế này cũng có đồng ra đồng vào là vui rồi. Quan trọng giờ làm cho kịp hàng để người ta đến lấy chứ năm nay mưa nhiều quá. Còn nghề thì cha ông để lại mà lại là phục vụ tín ngưỡng của người dân nên mình phải làm để duy trì chứ.

 

t35b.jpg
Rồi mới đưa vào trang trí.

 

“Ban đầu làm nghề cũng thấy chán vì tay chân lấm đất, lấm màu suốt ngày nhưng làm được thời gian thì thấy cũng thích. Hơn nữa, mình cứ ngồi làm xong là họ đến tận nơi lấy nên cũng khỏe. Nhiều người phải bươn chải trong lúc mưa lạnh, mình được ngồi trong nhà làm việc thế này cũng là niềm vui, niềm may mắn”, chị Hòa tâm sự.

Được biết, để phục vụ nhu cầu và đáp ứng thị hiếu của người dân, hiện tại, sau khi hoàn thiện, tượng ông Công, ông Táo ở các địa điểm chế tác này sẽ có 02 màu chính là đỏ sẫm (do nhuộm sơn mài) hoặc màu hồng (sau khi nung tượng được phủ một lớp sơn, trang trí và gắn kim tuyến).

Gặp chúng tôi, Phó chủ tịch UBND xã Hương Vinh Trương Đắc Giàu cho biết, nghề đúc tượng ông Công, ông Táo đã có tại địa phương từ lâu. Tuy nhiên, do hiệu quả kinh tế mang lại không cao nên chỉ có 4 hộ tại làng Địa Linh sản xuất.

“Tính trung bình mỗi tượng họ lãi 500 – 700 đồng. Mỗi năm mặt hàng này chỉ bán chạy vào một thời điểm là khoảng tháng 11, 12 âm lịch. Dẫu vậy, nghề đúc tượng ông Công, ông Táo cũng đã mang lại công ăn việc làm và giúp họ có nguồn thu nhất định, đặc biệt là góp phần duy trì nét văn hóa bản sắc của người dân”, ông Giàu cho hay.

 

 

 

Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
  • Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II năm 2024: Tưng bừng vào hội

    Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II năm 2024: Tưng bừng vào hội

    Tối 31/8, Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc ( Đắk Lắk ) lần thứ II năm 2024, với chủ đề “Sầu riêng Krông Pắc: Phát triển và Hội nhập” đã chính thức khai mạc tại trung tâm thị trấn Phước An.

  • Đêm nhạc đặc sắc “Lào Cai sông núi hoà ca”

    Đêm nhạc đặc sắc “Lào Cai sông núi hoà ca”

    Nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), chào mừng ngày âm nhạc Việt Nam mùng (3/9) và hưởng ứng Festival Sông Hồng Lào Cai năm 2024, Hội Văn học - Nghệ thuật Lào Cai phối hợp với Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Lào Cai đã tổ chức Ðêm nhạc “Lào Cai sông núi hoà ca”.

  • Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê

    Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê

    Thông qua nghi lễ cúng no đủ, người Ê Đê không chỉ cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, rẫy nương tươi tốt, mùa màng bội thu, mà còn khơi dậy niềm đam mê văn hóa truyền thống cho các thế hệ trẻ.

Top