"Quy hoạch này có thể là nhằm hợp thức hóa cho dự án xây dựng. Vì chủ đầu tư họ muốn vào đó, nên dù là rừng phòng hộ, thì ông cũng cố xin để phục vụ họ".
>> Dự án "siêu nghĩa trang" phá hơn 100ha rừng phòng hộ: Đừng để phải nuối tiếc!
>> Vì sao người dân lo sợ về “siêu nghĩa trang" sắp hình thành trên Tam Đảo?
Làm nghĩa trang theo định hướng quy hoạch đã được duyệt?
Liên quan tới dự án "siêu nghĩa trang" đang nhăm nhe xóa sổ cả trăm ha rừng phòng hộ tại khu núi Ngang, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, sáng 24/1, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Hoàng Anh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, việc tỉnh này đồng ý cho chủ đầu tư nghiên cứu làm quy hoạch nghĩa trang được thực hiện trên cơ sở định hướng quy hoạch chung mà... Thủ tướng đã phê duyệt.
"Hiện tại tỉnh Vĩnh Phúc chỉ mới đồng ý cho họ (nhà đầu tư) nghiên cứu và đề xuất làm quy hoạch triển khai dự án.
Định hướng của tỉnh là như thế. Còn tất cả mọi cái, kể cả phạm vi nghiên cứu, lẫn địa điểm thì chúng tôi cũng chưa trình lãnh đạo.
Tuy nhiên, trong định hướng quy hoạch chung của Thủ tướng có khu vực đó (khu vực làm nghĩa trang) thì chúng tôi đề xuất thôi.
Còn chi tiết như thế nào thì chúng tôi còn phải nghiên cứu và làm đúng theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, đơn vị có thẩm quyền chưa điều tra, khảo sát, xin ý kiến công đồng về dự án, nên chúng tôi khó trả lời cụ thể với các anh được!", ông Phạm Hoàng Anh cho biết.
Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cho biết thêm: "Từ trước tới nay có rất nhiều nhà đầu tư tới Vĩnh Phúc để nghiên cứu, khảo sát đầu tư nhưng họ đến rồi lại đi, không có nhà đầu tư nào làm dứt điểm cho mình cả".
Tam Đảo nổi tiếng với những thắng cảnh du lịch và có khí hậu lạnh, trong lành, nếu thu hồi hơn 100ha rừng phòng hộ để làm nghĩa trang sẽ ảnh hưởng rất lớn đến du lịch nơi đây.
Ngoài ra, trái với những gì ông Hoàng Anh nói (chưa trình lãnh đạo phạm vi nghiên cứu và địa điểm xây dựng nghĩa trang), trên thực tế, từ ngày 4/1/2017, cấp trên của ông Hoàng Anh là ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Tờ trình số 02/TTr-UBND gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đề nghị cho triển khai quy hoạch, xây dựng khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang (xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo).Tuy nhiên, cần phải nói rõ ràng rằng quy hoạch Thủ tướng đã phê duyệt cho Vĩnh Phúc chỉ xác định địa điểm xây dựng nghĩa trang thuộc địa phận xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo chứ trước nay chưa từng có chuyện Thủ tướng phê duyệt cho Vĩnh Phúc chuyển đổi rừng phòng hộ để làm nghĩa trang ở xã này! Vì vậy không thể nói Vĩnh Phúc chuyển đổi rừng phòng hộ để làm nghĩa trang là chủ trương phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt!
Nội dung Tờ trình thể hiện rõ đã có nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư Bình Minh Xanh có văn bản đề xuất với UBND tỉnh xin được đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang trên phạm vi diện tích hàng trăm ha đất rừng phòng hộ tại khu vực núi Ngang, xã Bồ Lý.
Mặt khác, trong quy hoạch Tổng thể kinh tế xã hội huyện Tam Đảo đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của UBND huyện Tam Đảo ghi rõ:
Tại Tam Đảo hiện có 537,66ha đất rừng phòng hộ, trong đó rừng đặc dụng là 12.328,41ha.
Đất rừng phòng hộ và đặc dụng của Tam Đảo vừa làm chức năng phòng hộ, vừa làm chức năng bảo tồn đa dạng sinh học.
“Vì vậy, trong những năm tới, cần nâng cao chất lượng và bảo tồn (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) trước nguy cơ khai thác của dân và xâm lấn trước một số công trình hạ tầng, du lịch trong kế hoạch mở rộng Tam Đảo 2 và khai thác khoáng sản”, bản Quy hoạch Tổng thể kinh tế xã hội huyện Tam Đảo nhấn mạnh định hướng này.
Đối với đất rừng phòng hộ tại xã Bồ Lý, bản quy hoạch chỉ rõ: Xã Bồ Lý thuộc cụm xã tiểu vùng 2, là vùng đệm rừng quốc gia Tam Đảo mang đặc trưng điển hình của xã miền núi có độ dốc cao, kinh tế xã hội chậm phát triển nhưng lại có mức độ ảnh hưởng lan tỏa đến các xã xung quanh.
Định hướng phát triển của tiểu vùng này là nông, lâm nghiệp và dịch vụ du lịch (không có việc "xóa sổ" hàng trăm hecta rừng phòng hộ ở vùng đệm rừng quốc gia Tam Đảo để xây dựng nghĩa trang).
Như vậy, việc lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc ủng hộ cho nhà đầu tư nghiên cứu làm nghĩa trang trên đất rừng phòng hộ liệu có trái với định hướng quy hoạch của huyện du lịch Tam Đảo?
Cần phải nhắc lại rằng, vị trí đất rừng phòng hộ được nhắm đến cho "siêu nghĩa trang" là khu vực núi Ngang thuộc xã Bồ Lý, đây cũng là khu vực đã được đánh giá là có trữ lượng khoáng sản felspat hết sức dồi dào.
Như vậy, có hay không việc ai đó quan tâm tới dự án này nhằm mục đích chính là khai thác khoáng sản hơn là việc làm nghĩa trang?
Trả lời vấn đề này, ông Phạm Hoàng Anh cho biết: "Báo chí viết như vậy, nhưng chúng tôi chưa điều tra khảo sát nên chưa biết dưới lòng đất là cái gì".
Cuối cùng, ông Hoàng Anh nói lời cảm ơn báo chí đã có những ý kiến phản biện để giúp địa phương quản lý nhà nước tốt hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng.
Có hay không chuyện đồng tiền điều khiển chính sách?
Bình luận về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, tỉnh Vĩnh Phúc nên cân nhắc vị trí khi làm "siêu dự án" nghĩa trang.
"Phải khẳng định rằng, việc xây dựng nghĩa trang nói chung là cần thiết. Việc có nhà đầu tư muốn thực hiện dự án này thì tôi không có gì phản đối cả, mà ngược lại còn hoan nghênh mới đúng, bởi có cầu ắt phải có cung.
Nhưng, vấn đề đặt ra là phải chọn địa điểm thực hiện dự án cho phù hợp để không ảnh hưởng tới quy hoạch chung, để đảm bảo môi trường, cuộc sống người dân xung quanh, chứ không phải địa phương đó chạy theo dự án để hợp thức hóa quy hoạch mà bất chấp các quy định của pháp luật, dẫn đến những hệ lụy xấu.
Phải phân biệt rõ rằng, chủ trương “xin” đất rừng phòng hộ để làm nghĩa trang là của tư nhân, chứ không phải tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra chủ trương và bỏ tiền (ngân sách) xây dựng nghĩa trang tại khu vực đó.
Hay nói thẳng ra là nhà đầu tư đã muốn vào rừng phòng hộ để làm nghĩa trang và đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc hợp thức hóa cho họ khoảnh đất đó.
Trong khi đó, việc đầu tư vào "bất động sản nghĩa trang" sẽ mang lại lợi nhuận lớn, chi phí bồi thường đất rừng phòng hộ thấp hơn các loại đất khác. Cho nên, khi có chủ trương đầu tư, nhà đầu tư thấy dự án có lợi nhuận họ mới làm.
Do đó, bản chất của việc quy hoạch này có thể là nhằm hợp thức hóa cho dự án xây dựng. Vì chủ đầu tư họ muốn vào đó, nên dù là rừng phòng hộ, thì ông cũng cố phục vụ họ.
Đến đây, người ta có quyền đặt nghi vấn, có hay không chuyện đồng tiền điều khiển chính sách?", Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm băn khoăn.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng (ảnh: infonet.vn).
"Tôi bất ngờ vì lãnh đạo tỉnh chấp thuận về chủ trương cho nhà đầu tư nghiên cứu quy hoạch nhanh đến vậy.Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra cảnh báo, đối với những dự án lớn, có tác động tới môi trường, cuộc sống người dân thì tỉnh Vĩnh Phúc nên hết sức cẩn trọng.
Thông thường đối với dự án đầu tư xây dựng trước khi thực hiện phải có báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, khảo sát, thiết kế, đánh giá tác động môi trường… Với một dự án lớn như vậy thì đơn vị chủ đầu tư đã có báo cáo tiền khả thi chưa?
Do đó, đối với dự án này, cần sớm có ý kiến của các Bộ ngành có liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp..., các nhà khoa học trong việc thực hiện đánh giá, thẩm định tính khoa học của dự án.
Trong thực tế, không ít chủ đầu tư vì lợi nhuận mà còn bất chấp, làm trái quy hoạch. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng nên lưu ý điều này", Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm nói.
Theo HỒNG MINH/GDVN
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.