Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 3 tháng 5 năm 2018 | 16:54

NHCSXH nỗ lực hỗ trợ giúp người dân thoát nghèo bền vững

Theo đánh giá của chính quyền và các hội, đoàn thể huyện Mường Tè, các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã giúp người dân thay đổi nhận thức, giúp hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.

Chiều ngày 2/5, dẫn đầu Đoàn công tác, đồng chí Dương Quyết Thắng - Bí thư Đảng ủy Ngân hàng chính sách xã hội Trung ương (NHCSXH TW), Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc đã có buổi làm việc với Huyện ủy, UBND, HĐND và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Mường Tè (Lai Châu).

Thực hiện tốt chương trình tín dụng

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè Trần Đức Hiển cho biết, ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đã làm tốt công tác tham mưu cho Thường trực huyện ủy, UBND huyện trong việc chỉ đạo các ngành, các xã phối hợp với NHCSXH thực hiện tốt các chương trình tín dụng, hướng dẫn kỹ thuật, sản xuất, chăn nuôi, lồng ghép với các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, giáo dục, giảm nghèo bền vững, nông thôn mới.
Dù là huyện nghèo 30a nhưng đến nay UBND huyện đã ưu tiên, dành nguồn vốn ngân sách địa phương 1,3 tỷ đồng ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Về hoạt động của NHCSXH huyện Mường Tè, đến ngày 30/4/2018, tổng nguồn vốn đạt trên 218 tỷ đồng, tăng 7,6 tỷ đồng so với năm 2017. Tổng dư nợ cho vay 12 chương trình tín dụng đạt 217,7 tỷ đồng.

Theo đánh giá của chính quyền và các hội, đoàn thể huyện Mường Tè, các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã giúp người dân thay đổi nhận thức, giúp hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội. Đã giải quyết kịp thời những vấn đề căn bản thiết yếu của cuộc sống trong khu vực đồng bào DTTS và giúp cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác dần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Kiến nghị tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Trần Đức Hiển đề nghị NHCSXH xem xét, bố trí nguồn vốn cho vay lãi suất thấp để phát triển các mô hình chăn nuôi, phát triển nông nghiệp tập trung cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện; nâng mức cho vay đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn lên 12 triệu đồng/công trình...

nh-1.JPG
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng kiểm tra thông tin hoạt động tín dụng chính
sách tại Điểm giao dịch xã Bum Nưa. (Ảnh: PV)

 
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng khẳng định: Về cơ bản huyện Mường Tè thực hiện rất tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Chất lượng tín dụng khá, thể hiện qua tỷ lệ nợ quá hạn chỉ 0,22%/tổng dư nợ, đặc biệt có 3 xã không có nợ quá hạn.

Mặc dù địa bàn huyện rộng, chủ yếu tập trung đồng bào DTTS, trong đó có 3 dân tộc chủ yếu là La Hủ, Thái, Hà Nhì (chiếm gần 70% số người trên toàn huyện); có 6 xã biên giới, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo cao nhưng được sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương nên công tác quản lý vốn tín dụng ưu đãi khá tốt, giúp 4.465 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn vượt qua ngưỡng nghèo.

Thay mặt Ban lãnh đạo NHCSXH, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng ghi nhận, đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo đia phương, giúp cho tín dụng chính sách tại Mường Tè phát huy hiệu quả khá tốt.

Chủ động tìm người vay

Mặc dù vậy, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cũng lưu ý, Mường Tè là huyện có diện tích khá rộng, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, một tỷ lệ không nhỏ đồng bào chưa mạnh dạn vay vốn.

Tới đây, chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể phải làm tốt công tác vận động tuyên truyền bà con; có định hướng giúp bà con sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi phù hợp để hỗ trợ tốt hơn cho đồng bào. Kinh tế càng phát triển thì càng phải quan tâm tới đối tượng yếu thế, trong đó có đồng bào DTTS. Và với nhiệm vụ của mình, NHCSXH không chờ người vay đến mà luôn chủ động tìm người vay song cũng phải xác định rõ nhu cầu, nguồn lực cần bao nhiêu thì mới bố trí ngân sách, đảm bảo nguồn vốn đến đúng địa chỉ, sử dụng đúng mục đích.

nh-2.JPG
Quang cảnh buổi làm việc tại xã Bum Nưa

 

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết, NHCSXH sẽ phối hợp với Ủy ban Dân tộc trao đổi và kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh chính sách phù hợp, triển khai Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.

“Các kiến nghị, đề xuất của địa phương, Đoàn công tác NHCSXH sẽ tiếp thu và nghiên cứu. Nội dung nào thuộc thẩm quyền giải quyết của NHCSXH, chúng tôi nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp. Nội dung thuộc thẩm quyền cao hơn, NHCSXH sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng chia sẻ.

Nỗ lực giúp người dân thoát nghèo bền vững

Trước đó, Đoàn công tác của NHCSXH đã đến thăm và làm việc với Đảng ủy, HĐND, UBND và các tổ chức chính trị - xã hội xã Bum Nưa, huyện Mường Tè.

Báo cáo với Đoàn công tác, bà Vàng Thị Thảnh - Chủ tịch UBND xã Bum Nưa cho biết, Bum Nưa là một xã có tổng diện tích tự nhiên 7.388,29ha, với 7 bản, 749 hộ, 3.715 nhân khẩu; xã có 3 dân tộc chính là Thái, Mảng, Kinh sinh sống trên địa bàn. Phần lớn đồng bào các dân tộc có trình độ dân trí thấp, không đồng đều, sản xuất canh tác còn lạc hậu, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2018, xã có tổng số 100 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,35%; hộ cận nghèo 50 hộ, chiếm tỷ lệ 6,68%; hộ thoát nghèo là 104 hộ, chiếm tỷ lệ 13,88%.

Công tác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của NHCSXH tỉnh, Ban đại hiện HĐTQ NHCSXH huyện. Đặc biệt là NHCSXH huyện đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện và UBND các xã kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đến ngày 30/4/2018 tổng dư nợ toàn xã là 29.378 triệu đồng, với 677 hộ vay, 16 Tổ tiết kiệm và vay vốn; nợ quá hạn 5 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,02%. Số dư tiền gửi tiết kiệm đạt 474 triệu đồng; trong đó, số dư tiền gửi tiết kiệm qua tổ là 414 triệu đồng, số hộ tham gia gửi tiền tiết kiệm tổ là 673/677 hộ, số hộ gửi tiết kiệm tổ định kỳ hằng tháng là 621 hộ.

Nguồn vốn tín dụng chính sách được giải ngân kịp thời, nhanh chóng, đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn phát triển SXKD, chăn nuôi trồng trọt, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và dần ổn định cuộc sống.

Thay mặt các hộ đã được hưởng thụ tín dụng chính sách, bà Đao Thị Hồng - Đại diện Hội Nông dân xã cho biết, hoạt động ủy thác cho vay qua Hội Nông dân đã mang lại kết quả rõ nét, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại xã.

Nhờ có nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã tạo việc làm mới cho nhiều hội viên nông dân và nhiều gia đình thoát nghèo, giảm nghèo bền vững.

Theo Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng, qua báo cáo, xã Bum Nưa có số hộ đồng bào DTTS chủ yếu, tỷ lệ hộ nghèo so với một số xã trong huyện còn thấp nhưng so với toàn quốc là cao. Hầu hết các hộ đã được thụ hưởng chính sách tín dụng với 16 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua các ý kiến phát biểu thì thấy rằng tín dụng chính sách xã hội đã và đang phát huy rất tốt.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng mong rằng, xã Bum Nưa cần tiếp tục phát huy những kết đã đạt được, nỗ lực hơn nữa để đảm bảo người dân thoát nghèo bền vững. Từ những kiến nghị của chính quyền xã, ngay tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đã hứa sẽ bổ sung 3 tỷ đồng vốn vay để giải ngân cho các hộ vay của xã Bum Nưa và mong muốn các chương trình tín dụng chính sách xã hội cần được thực hiện hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới./.



Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top