Ngày Tết lại nhớ dư vị món bánh tét (đòn bánh tét) truyền thống được gói bằng lá dừa nước của người dân Nam Bộ khiến nhiều người vẫn nguyên cảm xúc rưng rưng nhớ về miền tuổi thơ.
Món bánh kỳ công
Cây dừa nước có nhiều lợi ích đối với người dân Nam Bộ. Lá cây dừa thường được dùng để lợp nhà cho bà con trú mưa, che nắng. Ngày trước, người dân làng quê Nam Bộ đa phần đều lợp nhà bằng lá dừa nước, chỉ có số ít gia đình khá giả, giàu có mới lợp nhà bằng ngói, trát tường xi măng.
Lá dừa nước non còn là nguyên liệu tạo ra những trò chơi bổ ích của trẻ con làng quê. Hồi đó, làm gì có nhiều đồ chơi bằng nhựa như bây giờ. Mà nếu có cũng chẳng có tiền để mua. Chúng tôi thường đi róc lá dừa nước non để xếp thành những đồ chơi như cào cào, hoa, máy bay, bươm bướm,... thậm chí còn kỳ công hơn là những chiếc nón đội đầu. Nhớ những ngày cuối năm, tôi hay theo ông nội đi ra sau vườn nhà để đốn búp dừa nước non, róc lá cho bà gói bánh tét bằng lá dừa nước. Dù cách làm kỳ công hơn gói bằng lá chuối nhưng những đòn bánh tét làm từ lá dừa nước thơm ngon hơn, đậm đà hơn, phảng phất vị dừa nước đặc trưng thấm đều vào trong nhân bánh.
Cứ chiều 29 - 30 Tết là bà nội lụi hụi dưới bếp chuẩn bị củi lửa, nồi to để nấu bánh tét. Các khâu chuẩn bị để gói bánh đã được chuẩn bị kỹ càng trước đó 3-4 ngày: nào lựa nếp, lựa đậu xanh, chọn thịt, nhất là đi đốn lá vô rọc ra lau chùi sẵn, rồi đốn dây lạt phơi khô từ trước đó nữa.
Khác với gói bằng lá chuối, phải phơi nhẹ cho lá heo héo, gói bằng lá dừa nước để lá càng tươi càng thơm ngon. Bắt đầu gói bánh, bàn tay nội tôi thoăn thoắt gập đôi 2 tàu lá dừa nước cho giao nhau ở điểm giữa, xong bà gập thành góc vuông và bỏ nếp, chuối, đậu (nếu là bánh chay), thịt (nếu là bánh mặn), bà vỗ vỗ mấy cái đã thành hình đòn bánh vừa tròn dài nhưng thật vuông vức ở 2 đầu, rồi buộc lạt cho chặt.
Đậm dư vị Tết xưa
Tôi nhớ mãi hình ảnh đôi tay khéo léo của nội vừa nhẹ nhàng vừa dứt khoát để tạo hình đòn bánh, điêu luyện như một nghệ nhân chuyên nghiệp. Dù tuổi cao nhưng đôi tay của nội không hề già, dứt khoát trong từng vòng buộc khéo léo. Cả đêm thức canh nồi bánh, sáng ra là bánh chín, nội vớt ra, cứ 2 đòn buộc thành một cặp treo lủng lẳng trên cây đòn tay trong nhà để những ngày Tết cắt ra cho con cháu ăn. Còn nội thì chỉ cần ngồi nhai trầu, ngắm nhìn con cháu ăn bánh, nói cười cũng đủ vui rồi. Những đòn bánh tét nội mang biếu hàng xóm, bà con, thường được nội tháo dây buộc cũ ra, thay dây mới vào cho đẹp mắt, tinh tế (vì dây buộc cũ, trong lúc luộc bánh đôi khi bị co lại lỏng lẻo)…
Một cái Tết cổ truyền nữa lại về. Sáng xách giỏ đi chợ Tết, mẹ chợt nhắc về việc gói bánh. Bất giác lòng tôi bồi hổi bồi hồi, chợt thèm đòn bánh tét lá dừa nước do nội gói. Nhưng ông bà nội đã đi về miền xa ngái. Mảnh vườn xưa cũng đã không còn những cây dừa nước mọc ven sông. Ngồi nhớ lại những khoảnh khoắc bó gối chờ nồi bánh tét chín trong đêm giao thừa, chợt yêu cái ký ức ngọt ngào của Tết Việt xưa biết bao nhiêu!
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.