Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 12 năm 2016 | 12:10

Nhọc nhằn “gieo” chữ nơi biên cương Tổ quốc

11 tuổi quân, 4 năm vượt núi băng rừng dịch, dạy chữ Mông cho học sinh ở nhiều bản làng xa xôi trên địa bàn Lũng Cú, Ma Lé, anh chẳng nhớ bao lần chân mình bật máu vì đá tai mèo sắc nhọn, bao lần vắt rừng cắn sưng tay chân, nhưng mỗi khi vận động được một trẻ đến trường, niềm hạnh phúc trong anh lại dâng tràn. Bởi anh vừa là người truyền lửa tri thức, vừa là bố nuôi của những học sinh có hoàn cảnh éo le ở vùng biên giới địa đầu Tổ quốc. Anh là Trung úy Vừ Mí Chứ, Đội trưởng Đội vận động quần chúng - Đồn Biên phòng Lũng Cú (Hà Giang).

Tác giả (áo hải quân) cùng đoàn tặng quà chụp ảnh lưu niệm với cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Lũng Cú.

Chuyện “bố nuôi của trẻ bỏ rơi”

Tôi có dịp gặp và trò chuyện với Trung úy Vừ Mí Chứ, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn biên Phòng Lũng Cú (Hà Giang) trong một lần đến đây tặng quà cho cán bộ chiến sĩ. Khó có thể kể hết được những khó khăn, gian khổ mà các cán bộ, chiến sĩ ở đồn biên phòng này trải qua khi  ngày đêm vững chắc tay súng canh giữ biên ải của Tổ quốc, song có một câu chuyện làm chúng tôi xúc động, đó là việc Trung úy Vừ Mí Chứ vượt núi băng rừng dịch, dạy chữ Mông cho học sinh Ma Lé, Lũng Cú hơn ba năm qua. Anh bảo: “Lính biên phòng thì ở đâu cũng khổ. Ngày canh biên giới, đêm vượt rừng dạy chữ là bình thường. Tôi chỉ muốn cùng góp sức đưa các em ở bản làng xa xôi đến trường”.

Cho đến bây giờ, đã gần một năm kể từ ngày anh cứu ba cháu nhỏ giữa rừng sâu Ma Lé, nhưng mỗi lần ai hỏi đến chuyện dịch chữ, Trung úy Chứ lại bùi ngùi xúc động. “Hơn ba năm bám bản dạy chữ, lần cứu ba em bé tôi không thể nào quên. Cái tên bố nuôi cũng xuất phát từ lần đi dạy chữ ấy”, anh chia sẻ.

Trung úy Vừ Mí Chứ kể lại: Chừng này năm ngoái, anh được giao nhiệm vụ xuống bản dịch chữ Mông cho một lớp học giữa rừng. Cũng như bao lần “xuống núi” khác, hành trang của thầy giáo biên phòng ngoài sách vở, đèn pin, áo mưa chống rét, tinh thần tận tụy, còn có “phương án tác chiến” để sẵn sàng đối phó với tình huống bất ngờ xảy ra. Hai giờ chiều từ Đồn biên phòng Lũng Cú, Trung úy Vừ Mí Chứ vượt 8 km đường rừng núi đến lớp học. Sau buổi dịch chữ, anh trở về đơn vị lúc trời xẩm tối.

Lần theo đường mòn quen thuộc, bỗng anh nghe tiếng trẻ con văng vẳng từ xa: “Cứu tôi với! Có ai không cứu tôi với!”. Bằng linh cảm và nghiệp vụ của lính rừng biên giới, Chứ phán đoán: Một là có kẻ xấu bắt cóc học sinh đem đi biên giới bán, hai là trẻ em bị bố mẹ bỏ rơi giữa rừng. Trấn tĩnh, anh bí mật tiến về phía có tiếng trẻ con kêu cứu. Đúng như dự đoán, ba đứa trẻ bị người mẹ bỏ rơi giữa rừng để vượt biên trốn sang Trung Quốc. Thấy anh tới, chúng chạy lại ôm chầm lấy anh kêu khóc. Đứa chị nói: “Chú ơi cứu cháu với, mẹ cháu bỏ đi rồi”. Hai đứa em mặt mũi nhem nhuốc khóc kêu đói bụng. “Lúc đó xúc động quá. Tôi ngồi xuống hỏi chuyện mới biết, bố các cháu chết rồi. Mẹ đi lấy chồng ở Trung Quốc, bỏ ba con ở lại. Tôi lấy lương khô cho các cháu ăn và dẫn các cháu về đồn, báo cáo với đơn vị”, Trung úy Chứ hồi tưởng.

Ngay sau khi Trung úy Vừ Mí Chứ báo cáo với Ban chỉ huy về trường hợp ba em học sinh người Mông bố chết, mẹ bỏ đi, không nơi nương tựa, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Lũng Cú đã tự nguyện quyên góp từ tiền lương, phụ cấp của mình giúp đỡ 500.000 đồng/em/tháng. “Số tiền đó được cán bộ chiến sĩ tự nguyện góp vào quỹ “Nâng bước em tới trường” và chuyển đến các em đều đặn hằng tháng. Tuy chưa nhiều, nhưng đủ để các em có cái ăn hàng ngày”, Trung úy Chứ cho biết.

Hỏi chuyện Trung úy Chứ được ba đứa trẻ nọ gọi là bố nuôi, Chứ cười hiền: “Sau lần cứu ba cháu giữa rừng sâu, các cháu gọi em là bố nuôi. Mỗi lần đi dịch chữ, em vẫn ghé thăm, bọn trẻ thích lắm. Nhờ động viên kịp thời mà chúng không bỏ học. Đứa lớn đã học lớp ba rồi”.

Ngày tuần tra biên ải, đêm xuống bản dạy chữ

28 tuổi đời, 11 tuổi quân, hơn 3 năm giữ chức Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Trung úy Vừ Mí Chứ không nhớ hết bao lần xuống núi, trèo đèo; bao lần “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng học) với bà con và học sinh ở Ma Lé, Lũng Cú. Song mỗi lần vận động được một em đến trường học chữ, niềm vui trong anh như được nhân lên. Anh bảo, nhiều đêm anh mất ngủ vì có em thuyết phục mãi mà bố mẹ vẫn chưa cho đến lớp. Có ông bố  nói thẳng vào mặt anh: “Tao không cho nó đi đâu. Ở nhà đi rừng còn có mèn mén đổ vào mồm chứ. Đi học rồi cái bụng đói ai lo?”. Có bà mẹ cứ khăng khăng: “Mày bảo cho nó đi học thì ai ở nhà trông em cho tao đi rừng?”. “Lúc đó tôi buồn lắm. Nhưng được đơn vị tin tưởng giao phó, tôi kiên trì thuyết phục. Cuối cùng họ cũng hiểu ra học cái chữ để thoát nghèo và cho con đến trường. Tuy nhiên, cố gắng lắm cũng chỉ đạt được 90% số em đến lớp. Có em đến trường xa hơn nửa ngày đường nên bữa học bữa nghỉ”, Trung úy Chứ chia sẻ.

Những con người “sống trong đá chết vùi trong đá”.

Với thầy giáo quân hàm xanh, việc dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số quanh địa bàn đóng quân được thực hiện vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Bởi vậy, anh Chứ không có khái niệm ngày nghỉ. Các ngày trong tuần phải huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tuần tra biên giới, canh gác cột cờ Lũng Cú; thứ bảy, chủ nhật lại hành trình xuống núi. Công việc chính là dịch tiếng Việt sang tiếng Mông và ngược lại cho học sinh và giáo viên trong bản. “Giáo viên dạy học ở đây chủ yếu là người Kinh, không biết tiếng Mông. Khi cô giáo nói đến đâu, tôi dịch ra tiếng Mông, rồi nói cho các em học sinh nghe đến đó. Ngược lại, khi học sinh trả lời bằng tiếng Mông, tôi lại dịch ra tiếng Việt cho cô giáo hiểu”, thầy giáo Chứ cho biết.

- Học sinh ở đây có học tiếng Kinh không? Tôi hỏi.

- Có chứ. Nhưng chúng chỉ học trên lớp thôi, còn về nhà chúng nói tiếng Mông. Có em học ba năm cũng chưa nói sõi. Nhiều em bảo: “Tao nói tiếng của tao dễ hiểu hơn”, anh Chứ cười kể lại.

Đồn là nhà, vợ con chỉ ghé qua

Gia đình vợ con chỉ cách nhà 8km, nhưng chưa bao giờ Trung úy Chứ được ở bên vợ con hai ngày nghỉ cuối tuần trọn vẹn. Khi đơn vị không trực chiến thì xuống núi dịch chữ, khi đồn trực chiến thì tuần tra biên ải và túc trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đột xuất khi có lệnh.

“Bộ đội biên phòng không có khái niệm ngày nghỉ đâu. Cứ có lệnh là lên đường. Nhà Chứ ở xã Ma Lé này nhưng tháng mới về thăm một lần. Cũng có lần đi dạy chữ rồi ghé thăm vợ con. Con gái đầu năm nay học lớp ba rồi nhưng cũng không có nhiều thời gian ở bên để động viên”, Chứ chia sẻ.

Nói về khó khăn nhất hiện nay trong nhiệm vụ vận động trẻ em đến trường học chữ, Trung úy Chứ cho biết, 100% bà con người dân tộc Mông, trình độ dân trí thấp, văn hóa lạc hậu, sống ở tách biệt rải rác trên lưng chừng đồi núi. Đa phần các gia đình kinh tế khó khăn. Lương thực hằng ngày của bà con chủ yếu là mèn mén, tức là ngô bột hấp. Khi chưa đến vận động, họ không muốn cho con đi học, bắt ở nhà bế em, hoặc lên rừng đào măng. Khi hiểu cái chữ thoát nghèo, họ đồng ý cho con đến trường. “Ở vùng biên giới này, chuyện mẹ đi Trung Quốc lấy chồng bỏ con bơ vơ nhiều lắm. Những trường hợp như vậy, chúng tôi cử cán bộ chiến sĩ đến tận nơi tìm hiểu vận động các em tới tường”, Trung úy Chứ kể.

Tạm biệt các chiến sĩ Đồn biên phòng Lũng Cú sau 4 ngày hành trình từ thiện, trên đường trở về Vũng Tàu, trong đầu tôi cứ hiển hiện rừng núi trập trùng, có những chiến sĩ khoác màu xanh của rừng tuần tra biên giới. Và những thầy giáo quân hàm xanh như đang băng rừng dạy chữ cho các em học sinh đồng bào dân tộc tít bản làng hẻo lánh xa xôi mà Trung úy Vừ Mí Chứ là một điển hình.

“Khi được giao nhiệm vụ phối hợp với các cô giáo dịch, dạy chữ cho học sinh, đồng chí Chứ rất nhiệt tình, tận tụy. Ở các đồn biên phòng dọc tuyến biên giới Hà Giang như Lũng Làn, Lũng Cú, các chiến sĩ ngày tuần tra biên ải, đêm xuống bản dạy chữ đã trở thành điểm sáng trong mục tiêu xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trên địa bàn đóng quân”, Đại úy Nguyễn Đức Oanh, Chính trị viên phó, Đồn biên phòng Lũng Cú, nói.

Minh Quang

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top