Tổ Tiết kiệm và vay vốn (Tổ TKVV) được ví như những “cánh tay nối dài” của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang.
Thông qua hoạt động của tổ, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn và được định hướng sử dụng vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Vốn chính sách giúp xóa nghèo
Xác định Tổ TKVV có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách, bình xét, lựa chọn hộ đủ điều kiện vay và hỗ trợ người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả... nên Bắc Giang rất chú trọng đến hoạt động của “cánh tay nối dài” này. Trong nhiều năm qua, trên 95% Tổ TKVV hoạt động hiệu quả nên hàng trăm hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Bắc Giang được tiếp cận nguồn vốn vay kịp thời để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống
Huyện Lục Nam có 403 Tổ TKVV ở các thôn, bản. Trong đó, Tổ TKVV thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn được đánh giá là tổ có chất lượng hoạt động tốt, ổn định. Ông Chu Văn Hùng, Tổ trưởng Tổ TKVV thôn Đồng Cống, cho biết: “Tổ có 48 tổ viên với dư nợ hơn 2,1 tỷ đồng. Các hộ vay chủ yếu đầu tư vào trồng dứa, chăm sóc vải thiều, chăn nuôi lợn, vịt, gà, trồng rừng… Sau khi được NHCSXH cho vay, Ban quản lý tổ thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay, các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, đời sống của người nâng lên rõ rệt”.
Gia đình ông Lâm Văn Vạn là hộ nghèo. Trong lúc khó khăn, năm 2019, ông được Tổ TKVV của thôn hướng dẫn làm hồ sơ vay 100 triệu đồng chương trình hộ nghèo. Có vốn trong tay, ông thuê máy móc, nhân công và mua phân bón cải tạo gần 2ha đồi rừng của gia đình trồng dứa, bạch đàn. Sau 1 năm, 1ha dứa đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 40 tấn. Với giá bán bình quân 7.000 đồng/kg, ông thu về 280 triệu đồng, trừ chi phí, lãi hơn 100 triệu đồng. Những năm sau, ông tiếp tục trồng dứa, nhờ vậy, cuộc sống gia đình từng bước ổn định, kinh tế khấm khá dần lên, đến nay, gia đình ông đã thoát hẳn nghèo.
Huyện Lạng Giang hiện có 315 Tổ TKVV. Thông qua các Tổ TKVV, nhiều hộ dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Ngần ở thôn Tê, xã Tân Thanh là hộ nghèo, kinh tế khó khăn. Năm 2019, gia đình ông được Tổ TKVV thôn Tê giúp bình xét, NHCSXH cho vay 50 triệu đồng. Có vốn, ông mua 2 con bò sinh sản kết hợp tăng gia sản xuất nông nghiệp. Mỗi năm, bò sinh sản, ông nuôi thành bò thương phẩm để bán thu được 40 - 50 triệu đồng. Đến nay, ông đã trả được vốn vay, kinh tế khá hơn trước.
Nâng cao chất lượng hoạt động
Bà Đồng Thị Hả, Tổ trưởng Tổ TKVV thôn Tê, cho biết: Để giúp người dân tiếp cận và sử dụng hiệu quả vốn tín dụng chính sách, tổ tích cực tuyên truyền về các chương trình tín dụng cho vay vốn, quy định về thời hạn vay, mức vay, lãi suất, hướng dẫn người dân làm hồ sơ vay vốn, thực hiện bình xét công khai, dân chủ. Sau 30 ngày giải ngân, Tổ trưởng kiểm tra tình hình sử dụng vốn của hội viên, hộ nào sử dụng chưa đúng mục đích sẽ đôn đốc, nhắc nhở ngay. Qua đó, các hộ có ý thức, trách nhiệm hơn trong sử dụng vốn vay. Đặc biệt, Tổ trưởng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các khoản nợ sắp đến hạn, nợ quá hạn và nắm bắt khó khăn để báo cáo kịp thời với cấp trên.
Toàn tỉnh Bắc Giang có 3.135 Tổ TKVV, trong đó gần 95% số tổ xếp loại khá.
Hầu hết các Tổ TKVV làm tốt công tác bình xét, lựa chọn các hộ đủ điều kiện vay vốn ở thôn, bản; giám sát người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và đôn đốc người vay trả lãi tiền vay, nợ gốc đúng thời hạn. Đồng thời, thực hiện thu lãi, vận động các hộ gửi tiền tiết kiệm hằng tháng, hạn chế tình trạng “tín dụng đen” ở nông thôn.
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang - Hà Quốc Quân cho biết, để hoạt động của các Tổ TKVV đóng góp hiệu quả hơn cho hoạt động tín dụng chính sách, thời gian tới, Chi nhánh sẽ thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác cho vay đối với tổ chức chính trị - xã hội cấp xã; tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc tham gia quản lý vốn tín dụng chính sách, nhất là các Tổ TKVV.