Những người phụ nữ cào dắt dường như cúi rạp người trên bãi cát. Dáng vẻ lam lũ, tảo tần của các mẹ, các chị đổ bóng trên nền cát như một bức tranh quê bình dị mà tuyệt đẹp.
Những ngày này, đi dọc bãi biển xã Diễn Kim (huyện Diễn Châu), chúng tôi bắt gặp từng top (tầm 7 – 10 người) ngồi xổm, trên tay cầm chiếc muôi sắt múc canh cào xoàn xoạt trên nền cát ẩm ướt. Bên cạnh là những chiếc rổ, rá để đựng “chiến lợi phẩm” là những con dắt biển. Tiếng cười nói rôm rả như xua tan mọi khó khăn, mệt nhọc của tiết trời ngày giao mùa.
Mỗi ngày có hàng trăm người đến đây cào dắt biển. Đa phần là người dân 3 xã Diễn Kim, Diễn Hải, Diễn Hùng. So với nghề khai thác, nghề cào dắt tuy vất vả hơn nhưng ngư dân được đi về trong ngày. Đây là nghề giúp bà con ngư dân vùng biển có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Khoảng 2h chiều, khi những con sóng lăn tăn vỗ vào bờ rồi lại dạt ra xa, khi ánh mặt trời chiếu rọi lên mặt nước, thì cũng là lúc những người phụ nữ vùng biển miệt mài với công việc cào dắt. Chị Nguyễn Thị Tâm (35 tuổi, xã Diễn Kim) cho biết: “Nghề này bèo bọt lắm, lại bấp bênh vì phải phụ thuộc vào con nước”.
Để cào được con dắt, chị Tâm và hàng trăm “đồng nghiệp” phải chạy đua theo con nước, phải sống cùng con nước và đắng cay cùng con nước. Chị cho biết, nghề này phụ thuộc vào con nước. Khi nước ròng (hạ thấp), những doi cát còn xâm xấp nước thì những người cào dắt dùng muôi sắt cào hớt nhẹ lên lớp cát để nhặt con dắt. Ngồi cả ngày may ra cũng chỉ được 2 – 3kg. Giá bán chừng 15.000 – 20.000 đồng/kg.
Bà Lê Thị Hoan năm nay cũng bước sang tuổi 60 nhưng hãy còn nhanh nhẹn. Ở cái tuổi xế chiều, thì với cụ, cào dắt được xem là thú vui tiêu khiển, như một hình thức tập thể dục để nâng cao sức khỏe. Đời cụ hết bốc cá thuê ở chợ, bưng bê trong các quán ăn, nhà hàng thì cũng ngót nghét hơn 20 năm sống với nghề cào dắt. Cứ khoảng 1 giờ chiều, khi cơm nước xong xuôi cũng là lúc nước thủy triều cạn, bà Hoan ra bãi cào dắt. Đồ nghề của bà chỉ là cái muôi sắt và chiếc rổ con. Mỗi buổi miệt mài cào cũng được khoảng 1kg.
Với những người dân làng biển nơi đây, cào don, cào dắt được xem là nghề cho thu nhập “chính” trong gia đình. Có những người đi cào don, cào dắt đơn giản là đỡ buồn tay, buồn chân, để tìm niềm vui trong cuộc sống. Nhưng cũng có những người, với họ, mớ don, dắt cào được trong ngày đem bán là đủ mua mấy bơ gạo hay mớ cá vụn ăn qua ngày. Không phải ai cũng quen với công việc cào dắt. Có những người chỉ cào được một buổi rồi không bao giờ làm công việc này nữa, đành tìm việc khác mưu sinh.
Đang hì hục cào dắt cách đó không xa, chị Đinh Thị Hương (xã Diễn Hùng) tay cầm chiếc cào (cán làm bằng tre, dài hơn 3m, miệng cào làm bằng sắt gắn lưới thép) vừa ngâm mình trong nước, vừa phơi dưới nắng, nói với lên: “Nghề này vất vả lắm cô ơi!”. Xòe bàn tay chai sần, đầy vết sẹo bợt đi vì ngâm nước, chị Hương nói vui đó là những “kỷ niệm” khó quên đối với nghề. “Làm công việc này chỉ cần chịu khó và kiên nhẫn là được. Khi mới vào nghề, vì chịu không nổi nên tui muốn chuyển qua công việc khác. Nhưng thấy thu nhập bấp bênh nên cũng ráng làm, dần dần rồi quen. Có người làm lâu năm, nằm lòng con nước, những nơi có nhiều dắt nên họ về sớm lắm. Còn tui lưng còng cào có khi trời xế chiều mới về”, chị Hương cho biết thêm.
Nghề cào dắt biển không chỉ dành cho người lớn mà những em nhỏ vùng ven biển cũng rất siêng năng, chăm chỉ theo bà, theo mẹ ra biển những lúc được nghỉ học. Em Phạm Thu Trang (học sinh lớp 6A, trường THCS Diễn Kim) thân hình nhỏ nhắn, da rám nắng theo mẹ ra bãi gần nhà cào dắt. Đôi tay bé nhỏ của em thoăn thoắt cào nhẹ trên nền cát ẩm ướt, nhặt từng con dắt vùi mình trong cát biển, em chia sẻ: “Em theo mẹ đi cào dắt từ những ngày còn nhỏ. Những bữa nghỉ học là em đi cào dắt với mẹ. Em thấy vui vì vừa đỡ đần giúp mẹ vừa quen biết được nhiều bạn mới”.
Theo những người dân nơi đây, gần chục năm nay, con don, con dắt cũng có giá trị hơn nhưng đánh bắt cũng khó khăn hơn do don, dắt ngày càng ít đi mà người đi bắt thì càng ngày càng nhiều.
“Ngày mô cũng rứa, khoảng 2h chiều ra đây, tầm 5h nước lên lại cắp rổ về. Ngồi còng lưng vài ba tiếng đồng hồ, mười đầu ngón tay tê buốt rồi chai cứng lại. Nhưng dần rồi cũng thành quen, không thấy có cảm giác chi nữa. Mỗi bữa cũng kiếm được vài ba cân, bán cũng được dăm sáu chục bạc, nộp tiền học cho con, còn lại mua mớ rau, con cá cho mấy đứa nhỏ”, chị Hoàng Thị Phượng (xóm Xuân Châu, xã Diễn Kim) vui vẻ cho hay.
Khi nắng bắt đầu nhạt đi, biển cũng không còn lấp lánh mà chuyển dần sang màu đỏ thẫm, khi thủy triều lên cao, bãi cát dần chìm trong nước biển cũng là lúc những người phụ nữ cào dắt trở về nhà sau một ngày rong ruổi trên bãi cát nhặt nhạnh từng con dắt bé tí. Những con dắt vùi mình trong đất cát nhưng vẫn sinh sôi, nảy nở cũng giống như nghị lực vươn lên số phận, chịu thương chịu khó của những người phụ nữ vùng biển.
Chương trình từ thiện: Cùng em đến trường hỗ trợ học sinh nghèo “Viết tiếp ước mơ” giai đoạn 2025 - 2028 sẽ hỗ trợ cho hàng nghìn học sinh nghèo tại các vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và vùng chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ.
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã triển khai gói tín dụng 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do bão Yagi gây ra. Ngoài ra, Ngân hàng cũng thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, giãn, hoãn nợ cho khách hàng phù hợp với tình hình thực tế.
Mới đây, tại các Điện lực trực thuộc Công ty Điện lực Đắk Nông đã tổ chức trao giải và cấp giấy chứng nhận cho các khách hàng tiêu biểu đạt tiêu chí của chương trình “Hộ gia đình tiết kiệm điện năm 2024” do công ty phát động.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).
Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.