Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 7 năm 2020 | 17:21

NN ĐBSH: Làm thế nào để đưa nông sản vào chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn?

Phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là một trong các giải pháp hiệu quả nhằm kết nối cung cầu, thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản chất lượng.

Hà Nam: Làm thế nào để đưa nông sản vào chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều cửa hàng cung ứng và giới thiệu nông sản sạch, nông sản an toàn. Có điều, lượng nông sản được đưa vào chuỗi cung ứng này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Làm thế nào để phát triển, mở rộng thêm các chuỗi cung ứng, nâng cao giá trị nông sản là vấn đề cần được quan tâm.

 

de-dua-nong-san-vao-chuoi-cung-ung-thuc-pham-an-to-56-01.jpg

Nông sản tại Cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn Hà Giang.

 

Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là việc liên kết kiểm soát các khâu từ sản xuất đến thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Quá trình này phải được kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm tốt nhất, có thể truy xuất được nguồn gốc trước khi đưa đến tay người tiêu dùng. Thời gian qua, UBND tỉnh khuyến khích các huyện, thành phố, thị xã có cơ chế hỗ trợ xây dựng các cửa hàng giới thiệu và bán nông sản an toàn, nông sản sạch.  Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 26 cửa hàng giới thiệu nông sản hoạt động ở các quy mô khác nhau.

Cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn Hà Giang tại số nhà 149, Đường Nguyễn Viết Xuân là một trong số ít những cửa hàng giới thiệu nông sản ở thành phố Phủ Lý hoạt động hiệu quả. Bà Ngô Thị Giang, chủ cửa hàng cho biết: Mục tiêu ban đầu khi thành lập cửa hàng là hỗ trợ nông dân trong tỉnh phát triển sản xuất nông sản an toàn, nông sản sạch. Tuy nhiên, hiện tại, cửa hàng có nhiều mặt hàng nông sản tươi sống, hoặc đã qua sơ chế, chế biến, như: bắp cải được sản xuất ở Mộc Châu; cà chua, khoai tây, măng tây, xà lách ở Đà Lạt; cam Đồng Tháp; cá thu Phú Quốc... Còn tỷ lệ nông sản có nguồn gốc tại tỉnh ta chỉ chiếm một phần nhỏ trong số các nông sản đang được giới thiệu và phân phối tại cửa hàng.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho nhiều mặt hàng nông sản không được đưa vào chuỗi cung ứng. Yếu tố chính làm cho một vài mắt xích trong chuỗi cung ứng thường bị gãy lại nằm ngay ở quá trình sản xuất. Sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm là do còn tồn dư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tiềm năng, thế mạnh nông sản của từng địa phương cũng chưa được quan tâm, khai thác hiệu quả, khâu quảng bá sản phẩm còn nhiều hạn chế. Ổi Trác Văn đã từng được đưa vào chuỗi cung ứng trong hệ thống siêu thị của VinEco, nhưng cũng không giữ được vị trí quá lâu.

Vì sao cần có liên kết chuỗi ở các HTX để đưa nông sản vào chuỗi cung ứng và nâng cao giá trị, ông Nguyễn Đình Thành, người có nhiều năm nghiên cứu về HTX, hiện đang là giảng viên cao cấp Trường Bồi dưỡng cán bộ của Liên minh HTX Việt Nam nhận định: Liên kết sẽ tạo lợi ích cho các bên, kể cả người sản xuất và người phân phối. Có nhiều yếu tố thúc đẩy liên kết chuỗi theo hướng ngang và liên kết dọc, như khuyến khích các tác nhân chuỗi tham gia vào các hội chợ thương mại và tổ chức triển lãm, tổ chức tham quan, hội thảo về bán sản phẩm... Để làm một cách bài bản, đòi hỏi HTX phải có chiến lược, định hướng để cải thiện chuỗi giá trị.

Thời gian qua, nhiều chương trình xúc tiến thương mại đã được các ngành có liên quan phối hợp tổ chức, hỗ trợ đắc lực cho việc tiêu thụ sản phẩm, trong đó có nông sản. Cuối năm 2019, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức hội nghị “Kết nối sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm của HTX, doanh nghiệp gắn với chuỗi giá trị năm 2019”. Tại hội nghị này, một số HTX và doanh nghiệp tham gia ký bản ghi nhớ, hợp đồng hợp tác để đưa nông sản vào chuỗi cung ứng nông sản an toàn. Sở NN&PTNT đang phối hợp với Bưu điện tỉnh để đưa các sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) quảng bá trên sàn giao dịch điện tử.

Trao đổi với chúng tôi về một số vấn đề có liên quan, nhiều ý kiến trong giới chuyên môn cho rằng, với thực tế sản xuất ở tỉnh ta hiện nay, cần quan tâm đến xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm đối với nông sản thực phẩm, như: thịt lợn, thịt gà, cá và một số loại rau, củ, quả. Để làm được điều đó, cần phát huy vai trò của các HTX, các tổ chức nông dân trong việc ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn để có sản phẩm tốt.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin, kinh nghiệm về phát triển thị trường; triển khai các chương trình để thúc đẩy và ưu tiên đối với ký hợp đồng bao tiêu, tiêu thụ những sản phẩm đạt chuẩn, có thể truy xuất được nguồn gốc, có thương hiệu, bảo đảm an toàn thực phẩm được sản xuất tại tỉnh.

Nông sản giá trị thấp là bởi còn chật vật đầu ra vì chuỗi liên kết cung cầu rời rạc. Để chuỗi cung ứng bền vững, cần tạo cơ hội cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh và nhà phân phối gặp gỡ, kết nối hiệu quả nhằm đưa sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt ra thị trường.

Hà Nội: Đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng

Hà Nội có nhiều nông sản mang đặc trưng vùng, miền đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và được thành phố xếp hạng theo từng mức sao. Thế nhưng việc thực hiện mục tiêu kép - đưa sản phẩm OCOP ra thị trường nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người sản xuất và giúp người tiêu dùng tiếp cận với những sản phẩm chất lượng cao vẫn là vấn đề cần được quan tâm hơn nữa.

 

sanpham.jpg
Các sản phẩm OCOP sản xuất từ mây, tre, giang đan của xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. (Ảnh: Mạnh Dũng)

 

Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Thành phố đã có 301 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3, 4 sao và tiềm năng 5 sao. Tuy vậy, do sản phẩm OCOP được sản xuất từ các hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ là chính nên có những hạn chế nhất định, nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu; chưa được quảng bá nhiều đến người tiêu dùng...

Với những khó khăn nảy sinh từ thực tiễn, mong muốn được thành phố hỗ trợ đẩy mạnh truyền thông để mỗi người dân hiểu, lựa chọn và sử dụng sản phẩm OCOP; đồng thời tổ chức các hoạt động hội chợ, xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh giao thương... là nguyện vọng của nhiều chủ thể tham gia Chương trình OCOP.

Về vấn đề này, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, đồ thủ công mỹ nghệ, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... Mục tiêu là sản phẩm OCOP phải trở thành một thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước lựa chọn.

Ngày cuối tháng 6 vừa qua, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã tổ chức Hội chợ trưng bày, quảng bá và kết nối giao thương các sản phẩm OCOP. Hơn 100 gian hàng với các sản phẩm rau, củ, quả, thịt, cá, dược liệu, sữa tươi; mây tre đan, sơn mài... đã đến với người tiêu dùng Thủ đô.

Bên cạnh những mặt tích cực, hiện việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn các huyện còn gặp không ít khó khăn. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Dương Hồng Điệp đánh giá, sản xuất nông sản của huyện chủ yếu là nông hộ, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; nhiều hợp tác xã quy mô nhỏ và vừa; quy trình kỹ thuật, tổ chức sản xuất, quảng bá thương hiệu chưa bài bản... Do vậy, thời gian tới huyện sẽ hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP củng cố chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Có thể thấy, để những sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng thì các giải pháp quảng bá, xúc tiến thương mại có vai trò đặc biệt quan trọng. Phát huy kết quả đã đạt được, thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động này, tạo cầu nối giữa sản xuất và thị trường, góp phần phát triển nền kinh tế Thủ đô. 

Hưng Yên: Nông dân làm giàu từ mô hình nuôi cá trong ao bán nổi

Mô hình nuôi cá trong ao bán nổi ở Hưng Yên đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi, hiệu quả cao gấp 5 lần so với nuôi truyền thống.

Dự án phát triển thủy sản trong ao bán nổi được tỉnh Hưng Yên phê duyệt tại 6 huyện: Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ. Tỉnh có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi, tất cả diện tích cấy lúa hiệu quả thấp sang mô hình nuôi thủy sản ao bán nổi với mức tối thiểu phải có 1 ha trở lên. Các dự án được hỗ trợ phải nằm trong qui hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản. Chi cục Thủy sản sẽ hỗ trợ tiền đào, đắp, hệ thống điện, cấp thoát nước, tổng trị giá hỗ trợ không vượt quá 30% tổng mức đầu tư/ha.

 

nuoicatrongaobannoihungyenvovuhwf_2020062992451.jpg
Mô hình nuôi cá trong ao bán nổi cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Hiệu quả nuôi trồng thủy sản trong ao bán nổi so với mô hình nuôi trồng thủy sản truyền thống tăng gấp 5 lần, đã có những hộ có thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Đây cũng là một trong những chủ trương lớn lớn của tỉnh Hưng Yên trong việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Ông Lưu Văn Dũng - Thôn Thọ Lão, xã Quang Hưng, Phù Cừ, Hưng Yên, thực hiện mô hình nuôi cá trên ao bán nổi được gần 1 năm, cảm nhận rõ hiệu quả từ mô hình này. Các ao nuôi diện tích lớn nhưng đều được cho ăn, sục khí tự động nên không tốn quá nhiều nhân công. Chủ lực trong các ao nuôi của ông Lưu Văn Dũng là chép lai V1, trạch sông, trắm đen. Hiện trang trại của ông Dũng cung cấp giống cho cả nước. Dù thị trường rộng lớn và nhu cầu tăng cao nhưng diện tích vẫn còn hạn hẹp.

Ông Vũ Văn Điệp – Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Một số huyện ở vùng úng, trũng chuyển sang nuôi trồng thủy sản trong ao bán nổi là một trong những bước đi đúng đắn. So với cấy lúa thì hiệu quả rất cao, thậm chí tốt hơn cả những ao nuôi thâm canh trong những vùng nước tĩnh trong khu vực đông dân cư. Ở đây diện tích rộng nên lượng ô xy giàu nên sinh trưởng của cá tốt, hạn chế dịch bệnh, đỡ một phần trong thu hoạch.

Cùng với đó, việc chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại trồng lúa; không được sử dụng xi măng, cát, sỏi, gạch để xây dựng nhà quản lý nuôi trồng thủy sản; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất.

Hiện nay, trong toàn tỉnh có một số tổ chức và cá nhân đã áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi thủy sản. Nhiều hộ dân đã tập trung đầu tư vốn, công sức và các điều kiện về khoa học kỹ thuật để phát triển nuôi thủy sản theo hướng nuôi thâm canh tập trung, quy mô trang trại.

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top