Việc Trung Quốc thắt chặt nhập lợn từ Việt Nam qua đường tiểu ngạch đã khiến giá lợn trong nước sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi.
Thời gian gần đây, giá lợn hơi liên tục sụt giảm, phần do cung vượt cầu, phần do phía Trung Quốc hạn chế nhập khẩu. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT đã có kế hoạch trình Chính phủ và làm việc với phía Trung Quốc để ký các hợp tác song phương, giúp các doanh nghiệp có thể xuất khẩu chính ngạch mặt hàng lợn…
Trung Quốc dừng nhập khẩu lợn bị ùn ứ tại cửa khẩu chết hàng loạt và bị thương lái vứt dọc đường. Hình ảnh tại Cao Bằng hồi tháng 5/2016 |
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT cho biết, hiện giá lợn hơi đang rất thấp (23.000 - 25.000/kg), một số vùng đã chạm đáy. Theo ông có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này.
''Thứ nhất, hiện số đầu lợn hơi đang rất cao. Cụ thể, vào thời điểm này năm 2015, cả nước có 27,8 triệu con lợn thì nay có khoảng 29,1 triệu con. Số đầu lợn tăng, đồng nghĩa với sản lượng tăng. Trong khi đó thị trường tiêu thụ đang bị bó hẹp.
Hơn 1 tháng nay, phía Trung Quốc đã chỉ đạo các tỉnh giáp biên giới với nước ta giám sát chặt chẽ việc nhập lợn qua các đường tiểu ngạch, do đó các thương lái xuất lợn sang Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn, bởi từ trước tới nay lợn vẫn chủ yếu xuất qua đường tiểu ngạch, hầu như chưa từng xuất qua đường chính ngạch.'', ông Trọng phân tích.
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện nay người dân vẫn chủ yếu chăn nuôi theo lối tư duy cũ mà chưa có sự liên kết theo chuỗi bền vững. Nghĩa là người chăn nuôi hầu như mới chỉ làm được khâu xây trang trại, gắng nuôi thật nhiều lợn, năng suất thật cao, còn đầu ra thế nào, giá cả ra sao lại hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái.
Hễ thấy giá lợn cao là người dân vào đàn, dẫn đến cung vượt cầu, rồi giá tụt giảm, thua lỗ lại bỏ chuồng và khi thấy giá lợn tăng lại vào đàn, bất kể các ngành chức năng đã khuyến cáo rất nhiều.
''Vừa qua, Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT cũng đã có kế hoạch trình Chính phủ để sang làm việc với phía Trung Quốc, nhằm thỏa thuận việc hợp tác xuất khẩu lợn chính ngạch. Tuy nhiên, để đàm phán sao cho hợp lý, đảm bảo quyền và lợi ích giữa hai bên thì cần phải có thời gian.'', ông Trọng cho biết thêm.
Hệ quả nhãn tiền
Trước đó, hồi tháng 3 - 5/2015 có thời điểm giá thịt lợn hơi lên đến 55.000 đồng/kg. Thương lái thu mua lợn ồ ạt để xuất khẩu sang Trung Quốc, người dân vì chạy theo lợi nhuận cũng đầu tư trang trại, mở rộng đàn lợn mà không hề tính toán đến những nguy cơ tiềm ẩn mà thị trường Trung Quốc mang lại.
Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia và cơ quan chức năng đã cảnh báo đến người dân, thận trọng khi mở rộng quy mô chăn nuôi. Bởi lẽ, thương lái Việt Nam làm ăn với thương lái Trung Quốc thường không có hợp đồng rõ ràng, nên rất dễ trở nên bị động, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Cũng tại thời điểm này, ông Nguyễn Văn Trọng từng lưu ý rằng, thương lái thu gom để xuất đi chủ yếu là loại lợn có tỷ lệ mỡ cao, trọng lượng vượt quá 100 kg. Trong khi thông thường tiêu thụ trong nước những năm gần đây xu hướng thích tiêu dùng loại lợn có tỷ lệ nạc cao, tỷ lệ mỡ thấp và trọng lượng dưới 100 kg, điều này phù hợp với xu thế chăn nuôi trên thế giới.
Theo ông Trọng, nhu cầu tiêu thụ lợn mỡ trong nước không cao, do đó, nếu phía Trung Quốc ngừng nhập thì người chăn nuôi sẽ chịu thiệt thòi lớn. Họ có thể mua lợn mỡ ào ào với giá cao rồi không mua nữa thì người nông dân phải bán những con lợn hàng trăm kg như vậy với giá bèo bọt.
Việc giá lợn chạm đáy như thời điểm hiện tại được coi là hệ quả của việc người chăn nuôi quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đầu tư sản xuất theo kiểu chộp giật, không có tính bền vững.
Chúng ta đã có quá nhiều bài học khi làm ăn với Trung Quốc (Thanh long, dưa hấu...) thế nhưng người dân vẫn bất chấp rủi ro, tham gia vào một trò chơi mà không biết rằng bản thân sẽ trở thành người thua cuộc./.
Theo Chung Ly/Đất Việt
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.