Chặng đường chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc với những thành tích xuất sắc, năm 2019, Quân đoàn 4 vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì của Chủ tịch nước trao tặng.
Sáng nay, 19/7, tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 tổ chức buổi gặp mặt truyền thống, kỷ niệm 45 năm ngày thành lập (20/7/1974-20/7/2019) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.
Trong buổi họp mặt, các đại biểu cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ quân đoàn 4 đã ôn lại truyền thống hào hùng, những chặng đường vinh quang của Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu long anh hùng. Phát biểu ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang hào hùng của đơn vị, Thiếu tướng Phạm Xuân Thuyết, Tư lệnh Quân đoàn 4 không quên nhắc lại những công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc hơn 44 nghìn liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ của quân đoàn đã ngã xuống vì độc lập tự do Tổ quốc, dân tộc.
Cách đây tròn 45 năm, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của cách mạng, ngày 20 tháng 7 năm 1974, tại khu căn cứ Suối Bà Chiêm, huyện Dương Minh Châu (nay là xã Tân Thành, huyện Tân Châu), tỉnh Tây Ninh, đồng chí Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục miền Nam thay mặt Trung ương Đảng công bố quyết định thành lập Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long), tạo nên quả đấm chủ lực trên địa bàn chiến lược, có khả năng mở những chiến dịch lớn, nhằm nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
Đội hình chiến đấu của Quân đoàn tiền thân là những đơn vị có bề dày kinh nghiệm và chiến công trong chiến đấu. Trong đó phải kể đến Sư đoàn BB9, Sư đoàn BB7, Sư đoàn BB341, Lữ đoàn Pháo binh 24 (nay là Lữ đoàn Pháo binh 434); Lữ đoàn PK71, Lữ đoàn Công binh 25 (nay là Lữ đoàn Công binh 550)... Sau 5 tháng được thành lập, Quân đoàn mở đầu thắng lợi bằng chiến thắng Đường 14 Phước Long (Từ ngày 06/12/1974 đến 06/01/1975, tỉnh đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng).
Đây là thắng lợi có ý nghĩa chính trị quan trọng, là “đòn trinh sát chiến lược” giúp Bộ Chính trị đưa ra quyết định chính xác quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Quân đoàn đảm nhiệm trên hướng Đông Bắc Sài Gòn. Sư đoàn 7, Sư đoàn 341 cùng các đơn vị binh chủng tiến công giải phóng Bình Long, Chơn Thành, La Ngà, Định Quán, Phương Lâm, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Đặc biệt căn cứ Xuân Lộc được mệnh danh là “cánh cửa thép” bảo vệ Đông Bắc Sài Gòn của địch. Bằng cách đánh sáng tạo và chịu nhiều gian khổ, hy sinh, Quân đoàn 4 và lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã tiêu diệt địch mở toang “Cánh cửa thép” Xuân Lộc, tạo đà cho 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Trong khi đó, Sư đoàn 9 (lực lượng chủ yếu trong đội hình Đoàn 232) đảm nhiệm hướng Tây Nam, đánh chiếm thị xã Hậu Nghĩa, Bến Lức, Long An và Quận 8, 10, 5 tiến vào đánh chiếm Biệt khu Thủ Đô, bắt sống tướng Lâm Văn Phát - Tư lệnh Biệt khu. Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, đội hình Quân đoàn có mặt tại Sài Gòn, hội ngộ cùng các đơn vị bạn trong giờ phút thiêng liêng của ngày vui đại thắng.
Hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, Quân đoàn được giao nhiệm vụ quân quản ở Sài Gòn – Gia Định và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Phẩm chất, lối sống, phương pháp tác phong công tác của cán bộ, chiến sỹ Quân đoàn 4 trong thời gian làm nhiệm vụ quân quản đã làm sáng ngời hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân thành phố, được cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi “Các đồng chí vào thành vững như thành”. Cán bộ, chiến sỹ Quân đoàn đã đi qua một chặng đường đầy gian khổ, hy sinh, nhưng chói lọi chiến công, xây đắp nên truyền thống vẻ vang “Trung thành, đoàn kết, anh dũng, sáng tạo, tự lực, quyết thắng”. Khi cuộc chiến biên giới Tây Nam xảy ra. Cán bộ, chiến sỹ Quân đoàn 4 lại xung phong chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc. Bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của trên dải biên giới từ Tây Ninh đến Kiên Giang.
Hơn một năm chiến đấu ngoan cường, Quân đoàn đã đánh bại cuộc xâm lấn của địch, giúp đỡ hàng vạn người dân Campuchia lánh nạn. Tháng 01 năm 1979, theo nguyện vọng của nhân dân Campuchia, Quân đoàn 4 cùng với lực lượng vũ trang Bạn tiến vào giải phóng Thủ đô Phnômpênh, giúp cho nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Vẻ vang hơn mười năm làm nghĩa vụ quốc tế, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 đã tô thắm hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân nhân Việt Nam anh hùng, được nhân dân Campuchia yêu mến gọi là “Đội quân nhà Phật”.
Bước vào giai đoạn cách mạng mới, từ thực tiễn nhiệm vụ, Quân đoàn vừa củng cố thế đứng chân ở miền Đông Nam Bộ, tập trung huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa triển khai trận tuyến mới, cùng nhân dân khôi phục kinh tế sau chiến tranh.
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và yêu cầu xây dựng quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, Bộ Tư lệnh Quân đoàn và cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trực thuộc luôn quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, nhận thức rõ âm mưu chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch.
Quân đoàn chú trọng xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ. Nâng cao trình độ quản lý, chỉ huy, tổ chức, hiệp đồng của cán bộ các cấp, huấn luyện cho bộ đội thuần thục kỹ chiến thuật và thành thạo các loại vũ khí. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm xử lý tốt các phương án, tình huống chiến đấu; nâng cao khả năng cơ động lực lượng, phương tiện sát với địa hình, đối tượng tác chiến, bảo đảm cho Quân đoàn, luôn sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ khi có tình huống. Bên cạnh đó, Quân đoàn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào Thi đua - Quyết thắng, gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” sát với tình hình, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị và làm dân vận, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân đoàn chủ lực...Quân đoàn chú trọng xây dựng tình đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, xây dựng thế trận lòng dan vững chắc. Cán bộ, chiến sỹ Quân đoàn cũng luôn thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, chính sách hậu phương Quân đội; phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; thực hiện tốt chương trình quân - dân y kết hợp; giúp đỡ nhân dân trên địa bàn, vùng bị thiên tai, vùng căn cứ cách mạng xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng cơ sở chính trị địa bàn vững mạnh.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 4 Huân chương Hồ Chí Minh, 5 Huân chương Quân công hạng nhất (trong đó có 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công được tặng trong thời kỳ đổi mới), được nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Ăng co (Huân chương cao quý nhất của nhà nước Campuchia); có 09 đơn vị cấp Sư đoàn, Lữ đoàn và nhà trường, 09 đơn vị cấp Trung đoàn, 28 đơn vị cấp Tiểu đoàn, 27 đơn vị cấp Đại đội và 48 cán bộ, chiến sỹ được tuyên dương Danh hiệu Anh hùng LLVTND (trong đó Trường Quân sự được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND trong thời kỳ đổi mới); hàng ngàn tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương, Huy chương các loại cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tại buổi gặp mặt, Trung tướng Trần Quang Phương, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước đã gắn Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì lên Quân kỳ Quyết thắng của Quân đoàn 4 và trao bằng Huân chương cho chỉ huy đơn vị.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.