Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 8 năm 2018 | 13:25

Quýt “rủ nhau”chết nhà vườn khóc ròng

Huyện Lai Vung là một trong những địa phương có diện tích trồng quýt lớn nhất của tỉnh Đồng Tháp nhưng nhiều hộ đang rơi vào cảnh khó khăn vì cây  bỗng dưng bị bệnh chết hàng loạt, nhiều vườn năng suất đạt thấp, trong khi giá thị trường biến động liên tục

01.jpg
Bộ rễ cây bị chết khiến trái quýt non chỉ lớn được 2 - 3 tháng là chết khô.

 

Thiệt hại hàng trăm triệu đồng

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lai Vung,  toàn huyện hiện có hơn 260ha quýt, cam chết do bệnh. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa dừng lại. Mặc dù cận kề thời điểm thu hoạch, giá quýt hồng, quýt đường cũng đang có xu hướng tăng trở lại, nhưng nhà vườn đành phải tiêu hủy số cây trồng bị nhiễm bệnh để tránh lây lan sang các diện tích còn lại.

Là hộ có thâm niên canh tác quýt hồng lâu năm, gia đình ông Trịnh Công Đảo ngụ ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước, đang phải đối mặt với nguy cơ mất trắng công sức, tiền của đầu tư do quýt “rủ nhau” chết hàng loạt. Đang chuyển những cây quýt bị bệnh chết đi tiêu hủy, ông Đảo buồn bã nói: “Gia đình có hơn 8.500m2 trồng quýt hồng, quýt đường. Đang là thời điểm cho thu hoạch mà số lượng cây quýt có thể cho trái chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Hiện tại, hơn 80% diện tích quýt vườn nhà tôi bị bệnh nên giờ đành phải đốn bỏ”.

Theo lời kể của ông Đảo, chỉ phát hiện ra hiện tượng cây quýt bị bệnh cách đây vài tháng, khi đó cây mới có hiện tượng vàng lá, rụng lá, sau chuyển sang thối gốc và chưa đầy 1 tháng sau thì chết nguyên cây.

Nhìn cây quýt trơ trụi, trái non rụng đầy dưới gốc, ông Trịnh Kỳ Nam, ngụ ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước, không thể tin vườn cây xanh tốt những năm qua lại ra nông nỗi này. Ông Nam cho biết: “Khoảng vài ngày lại có thêm cây quýt bị bệnh phải đốn bỏ. Khi phát hiện quýt có hiện tượng chết dần, gia đình tìm mọi cách để cứu chữa như bón phân, xịt thuốc nhưng cũng không thể hạn chế được sự lây lan nhanh. Ban đầu chỉ có một vài cây, bây giờ phần lớn diện tích vườn đã bị bệnh và số gốc bị nhiễm bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại”.

Tương tự, vườn quýt của ông Lưu Văn Hai, ngụ ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước, cũng lâm vào cảnh chết hàng loạt. Nhìn vườn quýt  2 - 5 năm tuổi xơ xác, ông Hai chua xót: “Sáng nay, tôi đi kiểm tra lại thì số cây chết lên đến mấy trăm gốc. Đau lòng nhất là nhiều cây quýt trái còn non, nhỏ xíu cũng bị chết, số quýt đó không bán được, phải bỏ hết”.

Theo ông Hai, quýt thường chết thành từng đám và khu vực, có thể là do lây lan nấm bệnh và nhện. Năm nay, gia đình ông dự kiến thu khoảng vài tấn quýt vụ Tết, nhưng với mức độ chết nhiều và nhanh như hiện nay thì kể như mất trắng. Gia đình  đầu tư rất nhiều công sức và chi phí cho vườn quýt, nhưng với tình trạng quýt chết như vậy sẽ gặp nhiều khó khăn. Với giá thị trường 27.000 - 28.000 đồng/kg, ước thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.

Không riêng ở xã Tân Phước, gia đình bà Đặng Ngọc Hiếu, ngụ ấp Tân Bình, xã Tân Thành,  cũng lâm vào cảnh trắng tay vì vườn quýt chưa cho thu hồi vốn đã “vội” chết rụi.

Nhìn vườn quýt trơ trụi, bà Hiếu nghẹn ngào: Mấy năm trước cả vườn quýt hơn 1 công (1 công = 1000m2) cũng bị chết cây nên gia đình tôi trồng lại. Năm ngoái vườn đã cho thu trái lai rai, những tưởng năm nay sẽ thu hồi lại vốn vay mượn mua giống, phân bón, ngờ đâu lại chết gần hết.

“Những gốc quýt bị bệnh chết rất nhanh nên chúng tôi trở tay không kịp. Có khi sáng sớm còn thấy xanh tươi nhưng đến trưa, cành, lá đã rũ xuống và vài ngày sau là tàn. Nghe nhiều hộ khác bày cho cách chữa, mình cũng làm theo nhưng không cứu vãn được vườn quýt”, bà Hiếu chia sẻ.

Nỗ lực tìm biện pháp

Ông Võ Hoàng Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh trên quýt gây chết hàng loạt, chúng tôi đã báo cáo cấp trên để có hướng giúp đỡ bà con. Đồng thời, địa phương cũng thường xuyên cử cán bộ xuống từng vườn để nắm rõ tình hình dịch bệnh”.

 

02.jpg
Dịch bệnh tấn công khiến nhiều nhà vườn phải đốn bỏ quýt.

 

Theo ông Huỳnh Văn Tồn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lai Vung: “Vài năm trước, toàn huyện có hơn 1.000ha quýt hồng đặc sản có giá trị kinh tế cao, nhưng dịch bệnh tràn lan khiến diện tích giảm xuống còn khoảng 700ha. Trước thực trạng dịch bệnh tấn công đe dọa sự phát triển của loại cây thế mạnh này, thời gian qua, huyện đã nhờ sự giúp sức của các chuyên gia, nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Trường Đại học Cần Thơ”.

Kết quả điều tra của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lai Vung cho thấy, hầu hết nhà vườn đều bón dư lượng phân cho quýt. Nhiều nhà vườn có lượng hữu cơ sử dụng 1.200-7.600kg/ha, trong khi đó, lượng phân đạm cho phép nhà vườn sử dụng thấp nhất 160,3kg đạm/ha/năm; cao nhất 808,1kg đạm/ha/năm. Theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Tháp, lượng đạm cho cây có múi từ 4-6 năm tuổi 132kg đạm/ha/năm đối với mật độ vườn 600-700 cây/ha. Trong đó, các loại phân được nhà vườn trên địa bàn huyện thường sử dụng gồm: Việt Thế Tín, Cropha, phân hữu cơ vi sinh Vietstar, Ba Con Rồng, Thiên Ngưu, Sumo, hữu cơ Nhật... Những nhãn hiệu phân bón này có hàm lượng đạm cao hơn hàm lượng đăng ký trên bao bì.

Từ những kết quả trên thấy nguyên nhân chính là do nông dân bón quá nhiều đạm khiến rễ non giảm sức chống chịu; cùng với đó, trong điều kiện pH đất thấp nên nhện trong rễ phát triển mạnh, tấn công bộ rễ, sau đó bội nhiễm nấm phytophthora, fusarium. Trường hợp cây nhỏ tuổi, nếu bón đạm quanh gốc liều lượng cao, khi mưa nhiều, đạm chảy xuống tập trung quanh vùng chóp rễ sẽ làm cây bị mất nước và chết.

Cần thay đổi cách trồng trọt

Theo khuyến cáo của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, để giúp cây nhanh chóng phục hồi, nông dân trồng quýt nên chú ý khi bệnh mới xuất hiện cần tưới hoặc bơm vào vùng rễ cây hỗn hợp dung dịch Pyridaben (Alfamite 15 EC-2ml/1 lít nước), axit phosphonate 400 gam/ lít. Sau 7-10 ngày, phải tưới lần 2 với Emmanectin benzoate (Acplant 1,9 EC-0,3 ml/ lít nước) và metalaxy + mancozed, polysuper WP. Sau 15 ngày,  phải bổ sung các hợp chất hỗ trợ, kích thích ra rễ.

Đồng thời, nông dân nên bón các loại phân ngoài chất đạm theo điều kiện canh tác thường niên. Khi bón các loại phân có đạm nên chú ý bón khoảng 30-40kg/ha/lần. Các lần bón cách nhau không quá 30 ngày, số lần bón tùy vào điều kiện quản lý nước của mỗi hộ và tuổi cây. Nếu tuổi cây lớn cho năng suất trái cao thì bón nhiều lần để nuôi trái. Ngược lại, nếu cây tuổi cao, nhỏ trái thì bón ít lần hơn và cũng nên dừng ở tháng 6 để tránh ngập úng.

Mặt khác, bón phân hữu cơ truyền thống với lượng nhiều nhưng phải ủ hoai với tricodecma và phải xeo đất phá váng để phân bón xâm nhập đều vào tầng canh tác. Ngoài ra, nếu bón phân hữu cơ công nghệ cao thì không nên bón chung với phân vô cơ mà phải cách nhau ít nhất 10 ngày. Chú ý các loại hữu cơ giàu đạm phải bón giảm ít nhất 1/3 liều bón thường niên để cây không bị bội thực. Quan trọng hơn hết là nông dân cần chọn giống tốt khi phát triển cây có múi, tránh sử dụng những giống có mầm bệnh.

Ông Huỳnh Văn Tồn cho biết thêm: “Thời gian tới, huyện sẽ thực hiện các mô hình điểm để thuyết phục nông dân thay đổi tập quán canh tác cũ. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện sẽ cùng các viện, trường có nghiên cứu cải thiện độ pH đất của vườn cây có múi để giảm điều kiện cho dịch hại phát triển. Để có sự bố trí cây trồng hợp lý, huyện sẽ có kế hoạch khảo sát hàm lượng dinh dưỡng đất cho các vùng trồng trọng điểm cây ăn quả của huyện; đồng thời tìm giải pháp cải tạo để tăng độ phì cho đất”.

Trong chuyến thăm và làm việc với Hợp tác xã nông sản sạch xã Vĩnh Thới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam khẳng định: “Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ chỉ đạo các viện, trường thường xuyên mở những lớp tập huấn cho các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh về kiến thức quản trị, thương mại và các quy trình sản xuất mới. Bên cạnh đó, nghiên cứu việc kéo dài thời gian công nhận sản xuất theo quy trình VietGAP; nâng cao nguồn giống đầu dòng cây có múi...”.

Nhiều năm qua, cây quýt hồng đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt cây quýt thiếu định hướng, dẫn đến cung vượt cầu, dịch bệnh khó kiểm soát đang là lời cảnh báo cho người dân cần thay đổi cách trồng trọt, tránh trồng tự phát theo phong trào.

 


 

 

Khánh Phan
Ý kiến bạn đọc
Top