Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 2 năm 2022 | 8:47

Sắc Xuân ở đại ngàn Y Tý

Chúng tôi đến Y Tý (Bát Xát - Lào Cai) những ngày đầu Xuân, vùng đất bản địa của người Hà Nhì với những nếp nhà trình tường độc đáo, nét văn hóa mộc mạc nhưng đậm bản sắc.

Y Tý từng là vùng cao heo hút quanh năm mây phủ, gió lạnh với hủ tục lạc hậu. Giờ đây, Y Tý đẹp như viên ngọc vừa được mài giũa.

Điểm du lịch hấp dẫn

Cách trung tâm huyện Bát Xát gần 70km, xã Y Tý tựa lưng vào dãy núi Nhĩ Cù San cao 2.660m; đường lên Y Tý uốn lượn như những sợi chỉ nằm vắt ngang sườn núi hùng vĩ. Cư dân trong vùng là cộng đồng các dân tộc: Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì, trong đó, người Hà Nhì chiếm đa số nên chúng tôi thường gặp những bản làng với kiến trúc nhà trình tường đặc trưng.

Núi rừng hùng vĩ, khí hậu quanh năm mát mẻ là ấn tượng đầu tiên khiến chúng tôi rũ bỏ hết những xô bồ phố xá, đắm mình vào cảnh quan tươi đẹp. Du xuân mùa này đẹp nhất là ngắm mây. Chúng tôi dừng chân tại 2 thôn cổ Lao Chải và Choản Thèn để lưu giữ lại hình ảnh nên thơ của cảnh quan thiên nhiên, những ngôi nhà bồng bềnh trong mây trắng... tại các điểm đẹp nổi tiếng ở đây như: gốc “cây Hoàng Hôn”, nếp nhà trình tường bảng lảng khói nép dưới những tán hoa đào đỏ rực, hoa mận trắng muốt, hay trèo lên đỉnh cao bao quát cả vùng núi non ẩn hiện trong mây.

 

ảnh-4.JPGDu khách check in trong khuôn viên của Homestay Y Tý Đại Ngàn.

  

Trên đường đi dạo, chúng tôi bắt gặp khá nhiều homestay là nhà trình tường của người Hà Nhì có niên đại vài chục năm, nằm giữa khu vườn sum suê hoa trái. Hầu hết những khu nghỉ dưỡng cộng đồng này đều giữ nguyên được kiến trúc trình tường cổ.

Ông Ly Cá Xứ, người dân thôn Choẻn Thèn kể về công đoạn để làm nhà khá thú vị: “Chúng tôi thường làm nhà vào khoảng cuối năm, khi tìm được đất sét tốt. Sau đó, huy động anh em họ hàng cùng nhau dựng nhà, đặt khuôn gỗ và đổ đất vào, dùng chày gỗ giã mạnh cho đất kết dính đến độ tháo khuôn gỗ ra mà đất không rơi. Bức trình tường dày 40 - 45cm, cao 4 - 5m cần sự khéo léo, nhiều kinh nghiệm và sức mạnh đôi bàn tay nên chủ yếu  chỉ có đàn ông Hà Nhì tham gia xây dựng. Trình xong tường xung quanh mới làm đến khung nhà bằng gỗ bên trong tường đất và dùng cỏ gianh hoặc rơm rạ để lợp mái. Ở trong những căn nhà trình tường bằng đất rất dày này mùa đông rất ấm mà vẫn mát mẻ trong mùa hè”.

Để đón khách du lịch đến nghỉ dưỡng, người dân địa phương đã cải tạo những ngôi nhà nhiều năm tuổi bằng cách cạo bỏ, bào mòng hóng ở các xà gồ, ở tường, làm lại sàn nhà, và căng bạt trên trần để mòng hóng không rơi xuống chăn ga, gối đệm.  Mặt tường bên trong cũng được trát và sơn trắng sạch sẽ.

Không chỉ được tỉnh Lào Cai công nhận là điểm du lịch, thôn Choản Thèn nay được coi là điểm đến “thiên đường” với rừng già, núi Lảo Thẩn, rừng trúc, cầu Thiên Sinh, chợ Y Tý... trong lòng du khách.

 

ảnh-2.JPG
Một góc bản làng trong mắt du khách.

 

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa

Đến Y Tý, chúng tôi tận mắt chứng kiến sự thay đổi tích cực trong nếp sống của người dân. Ông Ly Seo Chơ, già làng ở thôn Lao Chải, kể lại: “Chỉ khoảng dăm năm trước, Y Tý là xã biên giới nghèo quanh năm mây mù, lạnh giá. Phụ nữ là trụ cột gia đình, phải thức dậy từ 3-4 giờ sáng nấu nướng cho gia đình, chăm con lợn, con gà, rồi cơm đùm cơm nắm đi rừng đốn củi, làm nương, tối mịt mới về. Con gái từ 14 tuổi đã phải thạo đủ thứ việc để 18 tuổi là về nhà chồng. Nhiều tục lệ của người Hà Nhì đè nặng lên vai phụ nữ như: ăn cơm không được ngồi cùng mâm với anh em nhà chồng, bố chồng mà phải đứng ăn riêng, nhất là phạt vạ khi không chồng mà chửa... Nhưng nay, người dân đã ý thức được đó là những hủ tục lạc hậu”.

 

ảnh-3.JPG
Sản phẩm đặc sản của bà con Hà Nhì.

 

Sau khi biểu diễn những tiết mục múa hát của người Hà Nhì, chị Ly Xá Gơ dẫn chúng tôi về thăm nhà. Chồng chị, anh Ly Cá Sứ, khá trẻ, đón chúng tôi bằng thái độ niềm nở và thoải mái chia sẻ: “Ngoài phát triển kinh tế nông nghiệp, gia đình  cũng phát triển dịch vụ homestay, được thường xuyên tập huấn nghiệp vụ làm du lịch cũng như thường xuyên tiếp xúc với các ban ngành, đoàn thể. Chúng tôi nhận được nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, mở mang kiến thức. Phụ nữ Hà Nhì trong thôn cũng trở nên năng động, hiện đại, vợ tôi cùng với nhiều chị em trong thôn thành lập đội văn nghệ thường xuyên biểu diễn những bài hát, điệu múa của người Hà Nhì cho du khách, vừa có thu nhập, đồng thời cũng là để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc mình khỏi mai một. Cũng như vậy, các lễ hội, trò chơi dân gian, nghề đan lát truyền thống... cũng  phát triển”.

So với trước kia, phụ nữ Hà Nhì đã thực sự “vùng lên” mạnh mẽ, tự chủ trong cuộc sống và không còn bị trói buộc vào hủ tục. Bản làng nghèo đói lạc hậu ngày nào giờ đã sạch đẹp, trong lành, tuyệt nhiên không còn cảnh chất thải gia súc, gia cầm thả rông, rác sinh hoạt được tập kết đúng chỗ... Đó cũng là thành quả của huyện Bát Xát trong triển khai đề án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa; vận động nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu, thực hiện ăn, ở, sinh hoạt hợp vệ sinh như: Di chuyển chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm ra xa nhà ở, xa khu dân cư, chỉnh trang nhà cửa, đầu tư các hạng mục thiết yếu cần thiết để đón khách du lịch ăn, nghỉ tại các hộ dân (dịch vụ homestay).

Nơi chúng tôi chọn nghỉ lại là Homestay Y Tý Đại Ngàn, đây là khu nhà trình tường khá khang trang, tiện nghi. Ở phía nào của homestay cũng bắt gặp những luống rau xanh mơn mởn hay bờ hoa nở rực rỡ. Trải nghiệm đơn giản như ngồi bàn uống trà trước cửa cũng có thể phóng tầm mắt ngắm núi rừng, trò chuyện với bà con địa phương..., khiến chúng tôi có cảm xúc bình yên khó tả.

Phục vụ tại Homestay Y Tý Đại Ngàn hầu hết là bà con địa phương nên du khách được thưởng thức  nhiều món ăn ngon đặc sắc. Cơ sở này không chỉ tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần chục lao động địa phương với thu nhập 7-8 triệu đồng/người/tháng mà còn là nơi trưng bày và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc sản của đồng bào như: củ đương quy, quả hồng, khoai sâm, rau cải mèo, thịt lợn sấy... Mở cửa đón khách từ Mùng 2 Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, cơ sở này đã đón hơn 500 lượt khách đến du Xuân.

Ông Hà Ngọc Linh, Phó chủ tịch UBND xã Y Tý, cho biết: “Thực hiện mục tiêu phát triển Y Tý như một Sapa thứ hai của tỉnh Lào Cai, với mũi nhọn là phát triển du lịch cộng đồng, cấp ủy, chính quyền xã đang nỗ lực thực hiện Đề án “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc xã Y Tý giai đoạn 2020 - 2025”. Theo đó, xã sẽ tăng cường quản lý đất đai và quy hoạch; chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng. Mục tiêu đến năm 2025, Y Tý thu hút trên 600.000 lượt du khách; số ngày lưu trú bình quân 2,5 ngày/người; chi tiêu bình quân 1 triệu đồng/người/ngày; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 1.500 tỷ đồng”.

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top