Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 30 tháng 8 năm 2022 | 4:35

Siết quản lý chất lượng và chỉnh đốn vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản

Số lượng sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng được thương hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ta còn hạn chế, do đó, cần siết quản lý chất lượng và chỉnh đốn vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản.

 

1_4.jpg
Thịt lợn sạch của Công ty TNHH Một thành viên Phát Đạt (Phúc Yên) được người dân tin tưởng lựa chọn. 

Vĩnh Phúc: Siết chặt quản lý chất lượng nông sản

Kiểm soát tốt dịch Covid -19, mọi mặt của đời sống của người dân đã dần phục hồi hoạt động trở lại. Nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm trên thị trường ngày càng tăng. Nhằm quản lý chặt chất lượng nông sản, ngành Nông nghiệp đã tăng cường công tác thanh kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm về ATTP.

Hằng năm, ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc sản xuất ra khoảng 320 nghìn tấn lúa, 240 nghìn tấn rau các loại, 60 nghìn tấn trái cây và khoảng 130 nghìn tấn thịt gia súc, gia cầm. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh, một số sản phẩm như rau các loại, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm còn được cung ứng ra thị trường các tỉnh bạn. Do đó, việc quản lý chất lượng nông sản, đảm bảo vệ sinh ATTP luôn được ngành Nông nghiệp quan tâm, chú trọng.

Để giám sát các loại nông sản, thực phẩm trên thị trường, 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp đã lấy 1.455 mẫu sản phẩm nông sản giám sát các chỉ tiêu về ATTP, phát hiện 3 mẫu không đảm bảo quy định, hàm lượng phụ gia vượt ngưỡng cho phép (1,03%).

Trên cơ sở đó, các đơn vị làm việc trực tiếp với cơ sở có mẫu không đảm bảo quy định, tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra các điều kiện đảm bảo ATTP. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở tự kiểm tra nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm tra điều kiện vệ sinh của cơ sở, thực hiện các biện pháp khắc phục vi phạm theo đúng quy định pháp luật về chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản.

Theo thông tin từ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, từ đầu năm đến nay, chi cục đã tổ chức 3 cuộc kiểm tra liên ngành, kiểm tra chuyên ngành về ATTP tại 65 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 1 cơ sở chế biến thịt lợn sấy tại Xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) với số tiền 65 triệu đồng do vi phạm quy định về vệ sinh nhà xưởng, người lao động không đầy đủ bảo hộ lao động, không có giấy xác nhận kiến thức về ATTP, khu vực sản xuất có côn trùng, động vật gây hại...

Trên thực tế, nguyên nhân dẫn đến nông sản không đảm bảo và mất ATTP có thể xảy ra trong tất cả các công đoạn của chuỗi cung ứng thực phẩm từ khâu sản xuất, khâu sơ chế/chế biến và lưu thông, phân phối sản phẩm. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người SXKD còn hạn chế không nắm bắt, hiểu rõ và thực hành đúng các quy định, quy trình về đảm bảo ATTP, một số vì lợi nhuận nên cố tình vi phạm.

Đơn cử trong chế biến và kinh doanh thực phẩm, pháp luật đã quy định rõ các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm là cơ sở kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định.

Những tiêu chí không đáp ứng thường gặp trong công tác thanh, kiểm tra là nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm tươi sống; điều kiện cơ sở vật chất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh; sử dụng phụ gia vượt ngưỡng quy định trong chế biến thực phẩm.

Tuy vậy, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh trong công tác đảm bảo ATTP nói chung, công tác đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản nói riêng, chất lượng nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đã có sự chuyển biến tích cực; nhận thức của người SXKD, tiêu dùng thực phẩm nông, lâm, thủy sản ngày càng được nâng lên.

Đặc biệt, diện tích gieo trồng rau, củ, quả an toàn theo hướng VietGAP, hướng hữu cơ ngày càng tăng, đạt trên 4.900 ha trong năm 2021. Ngoài ra, tình trạng bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cũng được cải thiện rõ rệt.

Năm 2021, tỷ lệ các mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản không đảm bảo quy định về ATTP chỉ chiếm 0,3%, đảm bảo mục tiêu mẫu không đảm bảo quy định nhỏ hơn 4%.

Dự kiến những tháng cuối năm và những năm tiếp theo, nhu cầu tiêu thụ nông sản sẽ tiếp tục tăng cao. Việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, thực phẩm được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp.

Theo đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP nông, lâm, thủy sản; tổ chức tốt hoạt động hậu kiểm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chú trọng xây dựng các vùng sản xuất nông sản ATTP theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; tăng cường kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa HTX với doanh nghiệp. Đồng thời triển khai có hiệu quả chương trình giám sát ATTP nông sản trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hóa: Tăng cường kiểm dịch động vật

Để bảo đảm nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm qua hoạt động vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập nhiều tổ công tác thực hiện công tác kiểm soát, kiểm dịch động vật.

 

245d5192915t53750l0.jpg
Trạm kiểm dịch động vật Thạch Lâm, xã Thạch Lâm (Thạch Thành).

 

Những tháng đầu năm 2022, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, không để xảy ra các ổ dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, tỉnh ta có tổng đàn vật nuôi lớn, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ còn nhiều, thời tiết diễn biến phức tạp...; đồng thời, các tỉnh trên địa bàn cả nước vẫn còn một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, vì vậy các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn có nguy cơ lây lan trên diện rộng, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của người dân.

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, đồng thời kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người chăn nuôi, chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch. Đồng thời, tổ chức cho các cơ sở giết mổ, sơ chế, buôn bán động vật và sản phẩm động vật ký cam kết không vi phạm các quy định về phòng dịch, không giết mổ, tiêu thụ động vật ốm, chết, không rõ nguồn gốc xuất xứ; thực hiện tiêm phòng vắc-xin đối với một số bệnh trên động vật.

Đồng thời, thành lập các tổ công tác kiểm tra, kiểm soát các xe chở gia súc, gia cầm đi qua địa bàn tỉnh, như Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây, thị xã Bỉm Sơn; Trạm kiểm dịch động vật và thủy sản thị xã Nghi Sơn đều trên Quốc lộ 1A và trạm kiểm dịch động vật tại huyện Thạch Thành nằm trên đường Hồ Chí Minh... Tại các chốt kiểm soát, lực lượng cán bộ kiểm dịch được phân công trực 24/24h, các xe vận chuyển gia súc, gia cầm ra, vào địa bàn đều phải dừng lại để phun tiêu độc, khử trùng, kiểm tra giấy tờ liên quan đến nguồn hàng, niêm phong kẹp chì, thẻ tai (trâu bò), việc chấp hành các quy định về kiểm dịch, vệ sinh thú y đối với phương tiện vận chuyển, dụng cụ chứa đựng, bao gói động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra lâm sàng động vật... và đóng dấu xác nhận trước khi đi qua địa bàn.

Trong quá trình kiểm tra, tổ công tác đã hướng dẫn các chủ hàng thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch cho động vật và phòng lây nhiễm một số bệnh từ động vật sang người; đồng thời xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển động vật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh chăn nuôi và chế biến sản phẩm động vật có trách nhiệm đăng ký với cán bộ kiểm dịch về ngày, giờ xuất phát để thực hiện kiểm tra trên cơ sở tờ khai đăng ký thời gian.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, thông qua công tác kiểm dịch, lực lượng chức năng đã kiểm dịch được 1.572 con trâu, bò, 106.879 con lợn thịt, 113.207 lợn thương phẩm; hơn 1,6 triệu gia cầm giống; 800 con thỏ vận chuyển ra ngoài tỉnh. Đồng thời tại các đầu mối giao thông kiểm dịch được 58.767 trâu, bò, 697.466 lợn thương phẩm, 305.552 lợn sữa... Tại các trạm kiểm dịch đầu mối, đoàn đã tăng cường kiểm tra công tác vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp trốn tránh việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.

Thời gian tới, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch tận gốc đối với động vật và sản phẩm động vật, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn. Duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật 24/24 giờ; đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động của các đội, trạm kiểm dịch lưu động, nhằm ngăn ngừa lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào tỉnh. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, chỉ vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm động vật có nguồn gốc rõ ràng.

Hà Nội: Chỉnh đốn vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản

Số lượng sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng được thương hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ta còn hạn chế. Nhiều loại nông sản xuất khẩu chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế nên đối mặt với nguy cơ mất thương hiệu... Vậy đâu là giải pháp ngăn chặn vấn đề này?

 

nongsan.jpg
Với việc đăng ký bảo hộ thương hiệu, vải thiều đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới.

 

Đánh giá về việc xây dựng thương hiệu nông sản, Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế của Cục Sở hữu trí tuệ Lê Thị Thu (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, tính đến đầu tháng 8-2022, cả nước đã có 141 đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông lâm thủy sản, trong đó đã cấp chứng nhận cho 116 sản phẩm và cũng đã có 1.682 sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Một số sản phẩm có chứng nhận chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế đang được xuất khẩu tới nhiều thị trường trên thế giới như: Nước mắm Phú Quốc, chè hữu cơ shan tuyết Phìn Hồ, chè Thái Nguyên, cà phê Buôn Mê Thuột, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang)...

Mặt khác, theo Cục Sở hữu trí tuệ, thời điểm hiện tại đã có hơn 20% nhãn hiệu nông sản Việt Nam được đăng ký, song tình trạng các nhãn hiệu hàng hóa bị xâm phạm ngày càng tăng. Chưa kể, bảo hộ sở hữu trí tuệ có nguyên tắc cơ bản là bảo hộ theo lãnh thổ. Do đó, nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam chỉ có giá trị bảo hộ tại Việt Nam, không được bảo hộ tại lãnh thổ nước khác.

Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản (Bộ NN&PTNT), số lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cả trong nước và quốc tế còn hạn chế. Nhiều nơi chỉ đăng ký bảo hộ sản phẩm tươi, nguyên liệu thô, những sản phẩm này ít được chế biến, thời gian bảo quản ngắn nên chỉ dẫn địa lý không phát huy được tác dụng. Cũng về vấn đề này, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú (Bộ Công Thương) cho biết, nhiều doanh nghiệp ngại đăng ký vì thủ tục rườm rà, chồng chéo, nên vô tình đã tạo cơ hội cho một số đối tượng đánh cắp mẫu mã làm hàng giả, hàng nhái...

Với Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin: Thành phố đã đăng ký thành công 40 nhãn hiệu tập thể, tuy nhiên, một số sản phẩm dù được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhưng vẫn chưa phát huy được giá trị. Nhiều chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể chưa chủ động về nguồn lực để thực hiện việc quản lý và thiếu kỹ năng về xúc tiến thương mại.

Để xây dựng thương hiệu trên thị trường thế giới, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển chè Tam Đường Nguyễn Thị Loan (tỉnh Lai Châu) cho biết, doanh nghiệp đã chủ động đổi mới dây chuyền sản xuất, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại và cải tiến mẫu mã... Sản phẩm tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ khâu trồng, thu hái, bảo quản cho đến chế biến và đã đạt các bộ tiêu chuẩn Organic, Halal, GMP…

Còn Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin: Sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân về tầm quan trọng và lợi ích trong việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu...

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế của Cục Sở hữu trí tuệ Lê Thị Thu, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật cho việc bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu dựa trên các quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh cho sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Cùng với đó là thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Cũng về vấn đề này, theo chuyên gia thương hiệu Vũ Xuân Trường (Viện Nghiên cứu chiến lược cạnh tranh và thương hiệu - BCSI), để bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam, cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, doanh nghiệp... Theo đó, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất và thiết lập các vùng sản xuất chuyên canh; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại kết hợp với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản khuyến cáo thêm, nông sản Việt Nam đã vươn tới nhiều thị trường quốc tế, để bảo hộ sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp khi bán sản phẩm cần gắn nhãn mác hay thương hiệu địa phương, vùng miền và quốc gia (không bán hàng thô, hàng nguyên liệu). Cùng với đó là đa dạng hóa sản phẩm để tăng tính cạnh tranh, từ đó sẽ giải quyết được tình trạng được mùa mất giá.

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Khu Đông Thủ đô dần trở thành tâm điểm của các sự kiện đẳng cấp quốc tế

    Khu Đông Thủ đô dần trở thành tâm điểm của các sự kiện đẳng cấp quốc tế

    Trung tâm thương mại kết hợp Trung tâm hội nghị - tiệc cưới lớn nhất Việt Nam và Nhà hát quy mô “khủng” 10.000 chỗ sẽ sớm hiện diện tại “thành phố điểm đến” phía Đông Hà Nội, hứa hẹn trở thành tâm điểm của các sự kiện đẳng cấp, mang lại những trải nghiệm độc đáo, mới mẻ thu hút du khách đổ về Ocean City.

  • Agribank dành hơn 180.000 tỷ đồng vốn ưu đãi lãi suất thấp hỗ trợ khách hàng sản xuất, kinh doanh

    Agribank dành hơn 180.000 tỷ đồng vốn ưu đãi lãi suất thấp hỗ trợ khách hàng sản xuất, kinh doanh

    Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, với vai trò tiên phong trong việc thực thi nghiêm túc, có hiệu quả chính sách tiền tệ và chính sách tín dụng thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Agribank đã chủ động, linh hoạt cung ứng hơn 180.000 tỷ đồng vốn ưu đãi triển khai 10 chương trình tín dụng lãi suất thấp dành cho khách hàng, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

  • Khi ngân hàng cá nhân hóa trải nghiệm thanh toán cho người dùng

    Khi ngân hàng cá nhân hóa trải nghiệm thanh toán cho người dùng

    Từ việc cung cấp sản phẩm được tùy chỉnh theo nhu cầu của khách hàng, đến việc áp dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra trải nghiệm thanh toán mượt mà và linh hoạt hơn, VPBank đã mang lại một cách tiếp cận mới mẻ trong quản lý tài chính cá nhân với tấm thẻ đa năng VPBank Flex.

Top